Bản Mù: Khi nghị quyết đi vào cuộc sống
- Cập nhật: Thứ năm, 4/11/2010 | 2:44:34 PM
YBĐT - Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã, nghị quyết của Tỉnh ủy Yên Bái, Huyện ủy Trạm Tấu, những năm qua, Đảng bộ xã Bản Mù đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu nghị quyết đã đề ra.
Đường Trạm Tấu - Bắc Yên qua xã Bản mù tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Từ năm 2009, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, các chính sách đặc thù của tỉnh, của huyện, Bản Mù đã được đầu tư rất lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng, từ điện lưới quốc gia, đường giao thông, thủy lợi đến trường học, trạm y tế...
Các dự án phát triển nông - lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo tạo cho các thôn, bản từng bước đổi thay diện mạo. Đây là những nguồn lực rất quan trọng, tạo động lực để kinh tế - xã hội của xã Bản Mù phát triển.
Về sản xuất nông nghiệp, Bản Mù đã có những bước tiến đáng kể. Năm 2009 rồi 2010, toàn xã đã gieo cấy được 80 ha lúa vụ xuân, tăng gần 50 ha so với các năm trước. Diện tích sản xuất lúa vụ mùa cũng vậy, tăng gần 30 ha, đạt tổng diện tích 155 ha hiện nay. Diện tích lúa ruộng tăng đồng nghĩa với diện tích lúa nương giảm dần và người dân tích cực khai hoang ruộng nước, một số diện tích nương chuyển sang trồng ngô. Đồng bào tích cực đưa cây ngô vào trồng với diện tích trên 186 ha, tăng 69 ha so với các năm trước. Diện tích sản xuất cây màu như: sắn, khoai, đao riềng được duy trì ổn định với diện tích hàng năm trên 80 ha. Năm qua, Bản Mù đạt tổng sản lượng lương thực có hạt trên 1.600 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt gần 400 kg/năm.
Để bảo đảm ổn định về sản xuất lương thực, Bản Mù đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 03, Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy. Xã đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng hoàn thành đo đạc đất đai; lên phương án tuyên truyền, vận động được 52 hộ tự nguyện chia sẻ cho 47 hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 10 ha. Xã thống nhất lấy quĩ đất chung chia cho 27 hộ với diện tích 19,4 ha. Sau khi rà soát và tổ chức thực hiện, đến nay, 74/74 hộ thiếu đất đều có đất để sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất lương thực ổn định, tạo điều kiện để người dân duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Năm 2006, cùng với các dự án hỗ trợ vốn, con giống, các hộ đã phát triển chăn nuôi 114 con bò, 48 con trâu, 60 con dê...
Đến năm 2010, tổng đàn gia súc tăng bình quân 3%, tăng nhiều nhất là đàn bò 347%, đạt 1.678 con; trâu tăng 8,2%, đạt 840 con; đàn lợn, gia cầm tăng gấp 4 lần. Đối với phát triển kinh tế đồi rừng, xã đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Hầu hết diện tích rừng và đất rừng đã được giao quản lý, bảo vệ; 8/8 thôn đã thành lập tổ tuần tra và quản lý bảo vệ, phòng, chống cháy rừng với 40 thành viên. Nhân dân đã trồng mới 400 ha, nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 6.169 ha. Trong 5 năm, Nhà nước đã thanh toán cho nhân dân gần 3 tỷ đồng hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập từ rừng cho đồng bào.
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã huy động nhân dân nâng cấp, làm mới 8 tuyến đường liên thôn, tổng chiều dài hơn 20 km cùng với kết hợp mở đường liên xã từ Giàng La Pán đi Háng Đay (Làng Nhì). Thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Bản Mù đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vận động học sinh từ 6 - 14 tuổi ra lớp đạt 95% tỷ lệ chuyên cần đạt 93%. Xã Bản Mù đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Trước khó khăn, thách thức không nhỏ của một xã vùng cao, Đảng bộ và chính quyền Bản Mù đã giữ vững, phát huy tốt sự đoàn kết thống nhất, tập trung đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của tỉnh, của huyện một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đánh giá chung của Đảng bộ về kết quả triển khai thực hiện nghị quyết thời gian qua cho thấy, các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và chỉ tiêu phấn đấu của Đảng bộ hàng năm thực hiện đều đạt và vượt mức đề ra.
Tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định; cơ cấu kinh tế đã được xác định đúng hướng, tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì ở mức cao. Để thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng bộ cấp trên, Đảng bộ xã đề ra mục tiêu tổng quát nhằm đưa kinh tế - xã hội đia phương tiếp tục đi lên. Đặc biệt, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất tự cung tự cấp, xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại; tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành phương thức sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập hộ gia đình và bảo đảm xóa đói giảm nghèo bền vững.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định thành lập ngày 10.4.2008. Đến ngày 1.11.2008, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông có quyết định thành lập và đi vào hoạt động. Đến nay, Sở đã hoàn chỉnh 6 phòng, bộ phận, đơn vị sự nghiệp, hoạt động khá đều tay.
YBĐT - Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn, Trấn Yên đã có 50 cơ sở chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng ở xã Lương Thịnh; cơ sở dây chuyền chế biến tinh dầu quế gắn với vùng rừng trồng quế ở xã Y Can; cơ sở sơ chế măng Bát Độ gắn với vùng trồng tre măng Bát Độ ở xã Kiên Thành.
YBĐT - Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, phóng viên YBĐT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Yên Bái về việc triển khai thực hiện phong trào này trong nhiệm kỳ mới.
Đưa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống- Đồng chí Giàng A Tông - Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải: