Nhân "hạt giống đỏ" ở Văn Yên
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2011 | 3:18:20 PM
YBĐT - Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đảng bộ huyện Văn Yên gần đây được nâng lên rõ rệt, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, nhiều bí thư chi bộ làm việc khoa học, tận tâm tận tụy với Đảng, với nhân dân.
Lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng kiểm tra tình hình phát triển của lúa xuân tại khu trung tâm xã.
|
Kết quả đó có được là do Đảng bộ huyện không ngừng chăm lo, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ, trong đó chất lượng sinh hoạt chi bộ là trọng tâm...
Đồng chí Triệu Quý Học - Bí thư Chi bộ 2, thôn Khe Chung, xã Xuân Tầm (Văn Yên) trao đổi với chúng tôi việc Chi bộ ra Nghị quyết chuyên đề “Về cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, vận động nhân dân không thả rông gia súc”.
Thôn Khe Chung 2 có khoảng 120 con trâu bò, 20 con dê, mùa thì bà con cho trâu, bò đi làm, hết mùa là thả rông. Thả rông, trâu, bò chỗ nào có cỏ, có cây là đi; quế mới trồng, ngô mới tra, sắn lên cỡ đầu gối nó chén hoặc giẫm nát hết.
Chủ đồi, chủ nương chẳng biết trâu của ai, đuổi chán, tức lên thì chém trâu như Triệu Quý Phúc chém trâu nhà Đặng Phúc Vượng. Còn nữa, thả rông trâu, bò nên trâu, bò chết rét. Con trâu ở vùng cao còn hơn cả "đầu cơ nghiệp", trâu chết, có nhà bại sản, nhất là nhà nghèo nuôi trâu. Nghị quyết thông qua, đảng viên làm hai việc: một là, gương mẫu không thả rông để nhân dân noi theo; hai là, vận động nhân dân làm theo. B
í thư Chi bộ Triệu Quý Học có 7 con trâu, bò; đồng chí Đặng Phúc Châu có 10 con trâu, bò... Các đảng viên khác có trâu, bò cùng cải tạo lại chuồng trại và trâu, bò thả có người quản lý. Họp thôn, vấn đề được đưa ra. 76 hộ dân, họp lần đầu không đi đầy đủ nhưng hai lần họp thì nội dung nghị quyết cũng đến thấu dân.
Đồng chí Triệu Thanh Phú - đảng viên Chi bộ Khe Chung 2 nói: "Phân tích thiệt hơn, bà con thấy thả rông là thiệt nên hết "nạn" thả rông trâu, bò". Tình hình yên ổn, không có xích mích, kêu ca, chém trâu, đánh bò, làng bản thanh bình. Một phần nhờ thế, quế ở Khe Chung 2 hết thui chột, lên vùn vụt. Thôn giờ có trên 100 ha quế, tỉa thưa thu về khoảng 20 tấn quế vỏ khô/năm. Việc ở vùng cao, nhiều như lá rừng, Bí thư Triệu Quý Học cho rằng, việc "chạy" là do Chi bộ đồng thuận, trách nhiệm cao nhưng trước nhất là chất lượng sinh hoạt đã nâng lên, đi vào nề nếp.
Từ chỗ vài tháng sinh hoạt một lần nay định kỳ ngày 26 hàng tháng sinh hoạt. Sinh hoạt nề nếp, phát huy dân chủ, tăng cường tự phê bình và phê bình... làm cho công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Đảng được nâng lên. Như việc nhà văn hóa thôn, xây dựng từ năm 2006 đã ọp ẹp, chưa ra mắt được. Chi bộ bàn, đem ra lấy ý kiến dân, bà con đồng tâm đóng góp luôn 40 triệu đồng để tu sửa và ngày 26/1/2010 đã ra mắt, đảng viên và nhân dân trong thôn, xã rất phấn khởi. Hay chuyện đoạn kênh mương cánh đồng ông Đức dài 200 m chưa kiên cố được, vừa qua, Chi bộ nghị quyết và đem ra thôn, thống nhất Nhà nước và nhân dân cùng làm, tới đây sẽ tập trung triển khai...
Hiện Chi bộ Khe Chung 2 có 10 đảng viên, trong điều kiện vốn có của vùng cao, đồng bào dân tộc, ngần ấy đảng viên đảm đương lãnh đạo trên 76 hộ dân làm ăn, xây dựng đời sống mới không đơn giản. "Để lãnh đạo được nhân dân, trước hết phải chăm lo, xây dựng chi bộ thực sự mạnh, năng lực lãnh đạo của đảng viên, nhất là vai trò của bí thư chi bộ phải đạt đến "độ" - Bí thư Đảng ủy xã Đặng Phúc Châu tâm niệm.
Điều này càng rõ hơn khi chúng tôi tới Chi bộ Làng Chiềng, Đảng bộ xã Ngòi A. Cuộc sinh hoạt tháng 5/2011 của Chi bộ có 12/13 đảng viên tham dự. Bí thư Cầm Văn Dưỡng thông báo một số vấn đề theo tài liệu thông tin của Đảng, Báo Nhân Dân, Báo Yên Bái, tập trung vào các chỉ thị của Đảng, Tỉnh ủy, Huyện ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Phần đánh giá công tác tháng, kiểm điểm đảng viên giúp đỡ nhóm hộ: đồng chí Cầm Văn Dưỡng phụ trách 9 hộ, đồng chí Hà Thị Luyến phụ trách 11 hộ, đồng chí Hoàng Văn Được phụ trách 7 hộ...
Qua kiểm điểm, đảng viên nắm chắc tình hình, vận động các hộ tích cực tham gia tu sửa cầu ngầm Làng Chiềng bị lũ làm hư hỏng từ năm 2010. Vấn đề này, Bí thư chủ động bàn trong Chi bộ và đưa ra họp thôn. UBND xã hỗ trợ hai tấn xi măng, bà con góp công, vật liệu sửa chữa xong cầu ngầm ngay trước ngày bầu cử. Tiếp theo là nâng cấp nhà văn hóa thôn, hiện trạng trước đó là diện tích mặt tiền rất hẹp, cần phải lùi công trình lại phía sau, tính sơ sơ đất san khoảng 200 m3. Chi bộ thống nhất huy động sức dân, đưa ra dân nhất trí san gạt đất phía sau để kê kích lại, mặt tiền đã rộng rãi, rất tiện lợi.... Bàn sâu về sản xuất, bên cạnh thu chiêm, làm mùa, Chi bộ Làng Chiềng bàn việc mở rộng diện tích trồng ngô đông, khai thác ruộng trằm. Bí thư Chi bộ Cầm Văn Dưỡng nói: "Làng Chiềng có 3 ha ruộng chằm bỏ không, rất lãng phí.
Ở một số địa phương, người ta thả rau cần rất tốt, thu nhập cao nên đã bàn trong Chi bộ vụ đông này thả rau cần. Trước mắt, giao cho đồng chí Hà Ngọc Tăng làm trên ruộng trằm của gia đình, sau rút kinh nghiệm để nhân rộng ra". Ở vùng dân tộc thiểu số huyện Văn Yên, không phải chi bộ nào cũng duy trì, tổ chức sinh hoạt được như Chi bộ Làng Chiềng.
Trong sinh hoạt, tự phê bình và phê bình rất nghiêm túc, đầy tình đồng chí. Các đảng viên góp ý, phê bình đồng chí Hà Văn Tom tham gia sinh hoạt chưa đúng giờ, chưa đầy đủ; đồng chí Hoàng Văn Được tác phong còn kề cà, có lúc còn rượu chè, ảnh hưởng đến công việc được giao. Các đồng chí tiếp thu rất thoải mái và hứa sửa chữa. Trò chuyện với chúng tôi, các đảng viên đồng ý rằng, vai trò của bí thư chi bộ rất quan trọng trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Về phần mình, đồng chí Cầm Văn Dưỡng cho rằng: "Phải thật tâm huyết và có phương pháp làm công tác Đảng, hết lòng hết sức vì nhân dân thì sẽ vượt qua được hạn chế bản thân, tác động của hoàn cảnh để làm trọn nhiệm vụ với chất lượng cao". Làng Chiềng hiện có 78 hộ người dân tộc Tày, ruộng cấy chỉ có 8,3 ha, nguồn sống chính trông vào trồng rừng, phát triển chăn nuôi.
Đồng chí Trần Thế Hùng - Bí thư Huyện ủy Văn Yên bàn bạc với Trưởng thôn Khe Lóng 2, xã Mỏ Vàng làm nhà bán trú cho học sinh.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và sự tận tâm, tận lực của các đảng viên, Làng Chiềng từ thôn nghèo khó đã vươn lên trở thành thôn khá của xã Ngòi A, hộ nghèo (tiêu chí mới) chỉ còn 17 hộ.
Nắm bắt tình hình cụ thể ở Đảng bộ huyện Văn Yên có thể thấy, những chuyển động khá rõ nét về chất lượng thực hiện nhiệm vụ, xây dựng "nền tảng" của Đảng ở cơ sở. Lâm Giang là một trong những Đảng bộ có chuyển biến tốt. Theo đồng chí Vương Toàn Sơn - Bí thư Đảng bộ xã, sau Đại hội Đảng đã có 23/23 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xây dựng và ban hành quy chế làm việc.
Từ chỗ sinh hoạt của các chi bộ không thường xuyên, hết năm 2010 đã có 11/23 chi bộ sinh hoạt 12 kỳ/năm, 12/23 chi bộ duy trì đủ 100% số đảng viên sinh hoạt. Chi bộ 2 ra Nghị quyết chuyên đề trồng cây vụ đông, Chi bộ 6 có Nghị quyết chuyên đề trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa, Chi bộ 11 xây dựng Nghị quyết chuyên đề thôn đạt chuẩn văn hóa, Chi bộ 12 ra Nghị quyết chuyên đề ra mắt thôn văn hóa.
Lâm Giang là Đảng bộ đầu tiên ở Văn Yên chỉ đạo các chi bộ cấp phát cho đảng viên sổ tay, bút viết để ghi chép nội dung sinh hoạt chi bộ - việc tưởng nhỏ nhưng cần thiết ở các chi bộ vùng đồng bào dân tộc.
Ở Đảng bộ xã Yên Thái, 9/9 chi bộ đã xây dựng và ban hành quy chế làm việc. Hàng tháng, các chi bộ đều ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, năm 2010 đã có 2 chi bộ ra nghị quyết chuyên đề. Phó bí thư Đảng ủy xã Hoàng Ngọc Niên cho biết: "Chất lượng sinh hoạt và hoạt động của chi bộ chuyển biến tích cực, đổi mới một bước về nội dung, tự phê bình và phê bình được tăng cường, tạo chuyển biến tốt về chất lượng công tác".
Năm 2010, 5/9 chi bộ duy trì sinh hoạt 12 kỳ/năm; Chi bộ Trường Tiểu học và THCS, Chi bộ cơ quan đạt tỷ lệ 90% số đảng viên tham gia sinh hoạt. Trong số các Đảng bộ nông thôn ở Văn Yên, Ngòi A là Đảng bộ lớn với 17 chi bộ, 135 đảng viên. Sinh hoạt chi bộ trước đây không đều, nay theo Phó bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thị Mây thì tình hình chuyển biến khá tích cực.
Các Chi bộ: Gốc Bưởi, Khe Bún, Khe Cam, Làng Quạch, Dốc Sơn sinh hoạt 12 kỳ/năm; nhiều Chi bộ như: Khe Cam, Lâm An, Khe Bún, Làng Chiềng, Làng Quạch, Khe Chao, Khe Lóng, Khe Cam, Sơn Bình... sinh hoạt chuyên đề, ra nghị quyết lãnh đạo hàng tháng và nghị quyết chuyên đề.
Trong sinh hoạt, nhiều đề xuất sát với tình hình như: Chi bộ Khe Chao đề xuất nâng cấp cống qua đường; Chi bộ Khe Lóng đề xuất giải pháp thu hút thanh niên vào Đoàn, tuyên truyền nghị quyết tới nhân dân hiệu quả hơn; Chi bộ Sơn Bình và Chi bộ Ngọn Ngòi đề xuất giải pháp phát triển Đảng trong thanh niên...
Trao đổi những việc mắt thấy, tai nghe với Bí thư Huyện ủy Văn Yên - Trần Thế Hùng, đồng chí rất phấn khởi trước chuyển biến ở cơ sở: "Vấn đề này Đảng bộ đặc biệt quan tâm, đề cao vai trò của chi bộ và các bí thư chi bộ. Đầu tháng 4/2011, Đảng bộ huyện đã tổ chức gặp mặt trên 400 bí thư chi bộ trong toàn Đảng bộ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã chọn khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng là xây dựng chi bộ thôn, bản trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết số 04 ngày 1/4/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy đã đánh giá sâu tình hình, xác định rõ quan điểm, mục tiêu và giải pháp trong việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở".
Trong nhiều giải pháp đề ra, Huyện ủy xác định đề cao vai trò trách nhiệm, tính chủ động của các cấp ủy Đảng, cấp ủy chi bộ và bí thư chi bộ; thường xuyên củng cố, kiện toàn chi ủy đủ số lượng, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và phương pháp công tác Đảng.
Ban Thường vụ yêu cầu các ủy viên Ban Thường vụ phụ trách vùng mỗi quý một lần và cấp ủy viên, lãnh đạo ngành phụ trách xã ít nhất mỗi tháng một lần sinh hoạt cùng chi bộ trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách; cấp ủy viên cơ sở phân công phụ trách chi bộ phải dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ hàng tháng và sinh hoạt chuyên đề, đột xuất khác; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ về kỹ năng hoạt động công tác Đảng ở chi bộ; tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các chi bộ để tạo thuận lợi cho hoạt động chi bộ.
Những chuyển biến bước đầu ở các chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số cho thấy, chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ huyện Văn Yên là đúng đắn, kịp thời; giải pháp là khoa học, sát với tình hình và đã đi vào cuộc sống. Vấn đề đặt ra là trong quá trình tổ chức thực hiện cần chú trọng tính bền vững và phương pháp để nhân rộng các mô hình chi bộ, cấp ủy chi bộ, bí thư chi bộ mà chúng tôi gọi là "hạt giống đỏ" trong chiến lược xây dựng "nền tảng" của Đảng để Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Chi bộ Ca II thuộc Đảng bộ Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng đưa nhà trường trở thành lá cờ đầu về chất lượng và phong trào thi đua của khối THPT trong toàn tỉnh.
YBĐT - Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22, Chỉ thị số 10, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cũng như chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ cơ sở thuộc Đảng bộ xã An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) nâng lên rõ rệt.
YBĐT - Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 22 và Chỉ thị số 10, hầu hết các chi, Đảng bộ đã nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
YBĐT - Trong những năm qua, với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo cùng ý chí quyết tâm vượt khó của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt sau khi triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xã Đại Phác (Văn Yên) đã tạo ra động lực mới, từng bước phát triển.