Làm giàu từ nuôi cá
- Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2016 | 7:02:44 AM
YBĐT - Không sinh ra và lớn lên ở xã Vân Hội, huyện Trấn Yên nhưng anh Trần Ngọc Phương đã chọn mảnh đất giàu tiềm năng này để lập nghiệp và quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi cá“.
Anh Phương cho cá ăn bằng máy tự động.
|
Các cụ xưa đã nói “Muốn giàu nuôi cá” và ai chẳng muốn làm giàu. Vân Hội là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển nuôi cá nên khi quyết định về đây lập nghiệp, tôi đã chọn nghề nuôi cá vừa để phát triển kinh tế vừa thỏa mãn niềm đam mê. Thời trai trẻ, tôi đã trải qua nhiều nghề, nhưng tôi rất thích nuôi cá.
Được chăm sóc, nhìn ngắm những đàn cá tung tăng bơi lội, nhất là khi cho ăn, chúng chen chúc quẫy đuôi lao lên đớp mồi, cảm thấy thật thú vị. Từ khi làm nghề này, cũng có nhiều thất bại, nhưng tôi không bỏ cuộc và giờ đây nó đã giúp gia đình tôi khá giả...” - anh Phương tâm sự.
Anh Phương sinh ra, lớn lên ở thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn. Từ khi lập gia đình, vợ chồng anh đều làm nghề tự do. Mặc dù trải qua rất nhiều nghề: xay xát, may mặc, bán hàng tạp hóa... nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn.
Với ý chí và quyết tâm làm giàu của tuổi trẻ, năm 2009 anh Phương bàn với vợ ra thôn 6 xã Vân Hội mượn đất của người thân để phát triển kinh tế. Vân Hội được biết đến là địa phương có tiềm năng nuôi thủy sản với 300 ha đầm, hồ và 51 ha ao nuôi đã giúp cho người dân nơi đây vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu bằng nghề nuôi thủy sản.
Mượn được hơn 2 ha đất ruộng kém hiệu quả, anh xây dựng một trang trại nuôi thủy sản. Anh Phương đầu tư xây 5 ao nuôi các loại cá: chép, rô phi, trắm cỏ. Các ao được xây dựng như những ô bàn cờ có hệ thống đường nước sạch ra vào được lấy từ Ao Xanh. Tất cả các ao được lắp hệ thống máy sục khí, máy cho cá ăn tự động.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi cá, anh Phương chia sẻ: “Muốn sản phẩm thành hàng hóa, được người tiêu dùng lựa chọn thì phải đầu tư khoa học kỹ thuật. Cả hệ thống này tôi đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng. Tôi dùng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp nên chất lượng sản phẩm được ưa chuộng, thương lái đến tận ao bắt cá, giá cả ổn định”.
Năm đầu tiên, anh Phương thả 3.000 con cá rô phi đơn tính. Đến khi thu hoạch được 3 tấn, với giá 50.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình anh 150 triệu đồng. Đến năm 2010, anh thả 3 vạn cá các loại thì bị ngập toàn bộ do ảnh hưởng của bão lũ khiến anh mất trắng gần 200 triệu đồng.
Ngay sau khi nước rút, anh tập trung dọn dẹp, khử trùng ao nuôi và đầu tư xây hàng rào chống lũ bằng 2 lớp lưới để bảo vệ cá. Anh cũng đầu tư xây thêm 4 ao nuôi ba ba và 1 ao nuôi cá nheo hết hơn 100 triệu đồng. Ngay khi xây dựng xong, anh thả 200 con ba ba bố mẹ. Năm 2012, anh thu được 10 tấn cá các loại cho thu nhập 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng. 2 năm tiếp theo, anh tập trung nuôi cá rô phi đơn tính, mỗi năm cho thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng.
Hiện nay, hầu hết số cá được đầu tư nuôi từ cuối năm 2015 đang chuẩn bị cho thu hoạch. Với 1 vạn cá chép V1, khi thu hoạch dự tính được 9-10 tấn, với giá bán 50.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng; 1 ao nuôi cá rô phi đơn tính 4.000 con đến khi thu hoạch ước khoảng 4 tấn, thu về 140 triệu đồng; 1 ao nuôi cá trắm cỏ khoảng 3 tấn với giá bán 65.000 đồng/kg cũng thu về gần 200 triệu đồng.
Dự tính tổng thu nhập trong năm 2016 vào khoảng 800 triệu đồng. Do đầu tư nuôi với số lượng lớn, nên con giống được anh Phương tuyển chọn cận thận. Để có con giống bảo đảm, anh về tận Viện Thủy sản 1 Bắc Ninh đặt mua cá bột ươm thành cá giống phục vụ cho gia đình và bán cho bà con trong xã, các xã lân cận. Mỗi năm từ tiền bán cá giống cũng mang về trên 100 triệu đồng.
Là người làm giàu từ nghề nuôi thủy sản, anh Phương rút ra kinh nghiệm: ngoài việc phải chịu khó tìm tòi học hỏi qua các mô hình, nghiên cứu tài liệu thì việc đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật bảo đảm môi trường sống an toàn cho cá rất quan trọng. Hàng tháng, người nuôi phải kéo cá kiểm tra trọng lượng để tính khẩu phần ăn cho chuẩn và thường xuyên kiểm tra môi trường nước, theo dõi các bệnh phát sinh. Đặc biệt, sau mỗi lần thu hoạch phải khử trùng ao nuôi để chuẩn bị cho lứa cá tiếp theo.
Có tiếng là người thành công trong nghề nuôi thủy sản nên nhiều người dân trong xã và các địa phương khác đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và được anh nhiệt tình chia sẻ.
Anh Phương vui vẻ cho biết: “Để phát huy tiềm năng nuôi cá ở địa phương thì không những làm giàu cho gia đình mình mà còn phải giúp bà con làm giàu. Có vậy, thì kinh tế địa phương mới phát triển được”.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Thân thiện, cởi mở, mến khách là những gì chúng tôi cảm nhận được khi gặp doanh nhân Tô Thị Xuyến - người phụ nữ bé nhỏ nhưng là chủ cửa hàng cơ khí (điện máy, xây dựng, nông nghiệp) lớn nhất, nhì của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hát Lừu, huyện vùng cao Trạm Tấu còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ông Lò Văn Dương luôn tích cực vận động hội viên phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia các hoạt động tình nghĩa, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
YBĐT - Nhiều năm có uy tín làm chè sạch, đảm bảo chất lượng nên chè khô của ông Tá luôn có giá bán cao hơn hẳn so với sản phẩm chè quanh vùng. Đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể để gia đình ông trang trải cho cuộc sống và có thêm vốn để đầu tư mở rộng mô hình kinh tế tổng hợp.
YBĐT - Đến xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, hỏi thăm gia đình anh Phùng Văn Hiếu thì ai cũng biết, bởi anh là người đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại - giống lợn được đánh giá là tăng trọng cao, sức khỏe tốt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.