Đào Thịnh có “Đại gia đình nông dân” làm giàu từ quế

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2017 | 6:45:20 AM

YBĐT - Cánh rừng quế bạt ngàn hơn 30 ha mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng là thành quả lao động mà “đại gia đình nông dân” ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã đạt được nhờ sự cần cù lao động và tinh thần đoàn kết làm giàu luôn thôi thúc trong họ.

Ông Nguyễn Chí Tuệ kiểm tra chất lượng quế giống trước  khi trồng.
Ông Nguyễn Chí Tuệ kiểm tra chất lượng quế giống trước khi trồng.

Thành công từ liên kết

Đến Đào Thịnh vào một ngày giữa xuân, khi những chồi non, lộc biếc đang vươn lên mạnh mẽ, sau câu chuyện với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Thức về bí quyết xây dựng thành công nông thôn mới, để minh chứng cho chúng tôi thấy Đào Thịnh có sự thay da đổi thịt như hôm nay là nhờ có sự chung tay, góp sức của những người nông dân - chủ thể trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đồng chí đã đưa chúng tôi đến thăm một mô hình phát triển kinh tế điển hình và vô cùng đặc biệt của xã.

Chỉ mất chừng 15 phút đi xe máy từ UBND xã Đào Thịnh, vượt qua con đường bê tông trải dài men theo những đồi cây xanh tốt và cánh đồng lúa đương thì con gái, chúng tôi đã có mặt ở lán của "Đại gia đình nông dân” - cái tên mà người dân địa phương đã đặt cho nhóm hộ gia đình liên kết sản xuất và kinh doanh quế.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây cấp bốn giữa bạt ngàn rừng quế với đầy đủ vật dụng, tiện nghi ấm cúng như một gia đình. Sau khi mời tôi uống nước, thấy tôi liếc mắt nhìn quanh mọi vật, ông Nguyễn Chí Tuệ - "chủ nhà” đã hiểu ý ngay và cười bảo: "Có phải cô đang thắc mắc đây là lán hay là nhà phải không? Thực ra thì là lán. Mục đích chúng tôi dựng lên là để có chỗ nghỉ ngơi, ăn cơm trưa, nhưng với chúng tôi đây cũng là nhà vì ngày nào, sớm, tối cũng gặp nhau, ăn cơm, uống nước cùng nhau nên nơi này gần gũi, gắn bó lắm, chẳng khác nào là nhà. Để cải thiện bữa ăn, ở đây, chúng tôi cũng nuôi thêm con gà, trồng rau, vài ba loại cây ăn quả. Tối đến thì thay nhau ngủ để trông nom”.

Quả thật, nơi nào có tình cảm, gắn bó yêu thương thì nơi đó sẽ là nhà. Trong cái "rét nàng Bân”, vì trời mưa trơn không lên rừng được nên cả "đại gia đình nông dân” đã được dịp nghỉ ngơi, quây quầy bên bếp lửa hồng trò chuyện, tâm tình và khuôn mặt ai cũng toát lên vẻ rạng ngời.

Hồi tưởng lại những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian nan, ông Nguyễn Chí Tuệ - người có công đầu trong việc giúp "đại gia đình nông dân” có hướng đi đúng trong phát triển kinh tế không khỏi bồi hồi: "Khi đó, những năm đầu thập niên 90, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, nhận thấy quê nhà có nhiều tiềm năng về đất rừng, lại đúng lúc Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng nên tôi đã mạnh dạn đứng ra xin nhận giao khoán hơn 30 ha. Việc làm này nhiều người cho là điên rồ, bởi khi đó vùng đất mà tôi nhận hoàn toàn là một vùng cỏ tranh, lau lách, nhiều rắn rết, không có đường giao thông đi lại thuận tiện như bây giờ. Tuy nhiên, biết sức mình có hạn, "một cây làm chẳng nên non” nên tôi đã động viên, rủ thêm mấy anh em, bạn bè cùng làm. Ban đầu chỉ có 5 - 6 hộ và đến nay là 11 hộ, tất cả đều là người cùng xã, cùng làng”.

Ăn đói, mặc rét, ngày ngày đi bộ vài km, vượt suối, leo đồi vác cuốc, vác dao lên rừng là chuỗi ngày mà "đại gia đình nông dân” đã từng trải qua để từng ngày biến "sỏi đá” thành "cơm gạo”. Theo lời các thành viên trong "đại gia đình nông dân” kể thì việc bị muỗi đốt, vắt cắn, rồi những cơn sốt rét vì ngấm phải nước mưa rừng chỉ là chuyện nhỏ đối với họ.

Trong cái khổ, cái đói, các thành viên trong gia đình nông dân ấy lại càng thương nhau hơn, quyết tâm hơn trên con đường xóa bỏ đói nghèo. Việc lựa chọn cây quế làm cây trồng "phủ xanh đất trống”, trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao đến giờ vẫn luôn là một quyết định đúng đắn của họ. Tuy nhiên, con đường đến với thành công không phải khi nào cũng trải "thảm đỏ”.

"Đã có những thời điểm quế bóc ra mà không có người mua, mấy anh em trong "đại gia đình" phải chở quế bằng xe đạp mang xuống tận ga Yên Bái, rồi đi đò sang xã Xuân Ái, huyện Văn Yên mời chào mãi mới bán được. Song, giá thì rẻ như bèo, khiến cả "gia đình" lao đao” - ông Tuệ bày tỏ.

Vào những thời điểm quế "rớt giá”, giá thu mua không đủ bù chi phí khai thác, vận chuyển, nhiều hộ nông dân trong vùng đã phá bỏ quế để trồng các loại cây lâm nghiệp khác, song những khó khăn ấy đã không thể khiến "đại gia đình nông dân” từ bỏ ước mơ làm giàu từ cây quế. Bởi vì, trước khi quyết định trồng loại cây này, họ đã có cả quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng.

"Thực tế, cây quế không chỉ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng mà còn dễ  trồng, dễ chăm sóc, có thể chế biến thành nhiều mặt hàng có giá trị. Bởi vậy, về lâu dài, chúng tôi xác định quế vẫn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và là "nguồn sống” của cả gia đình” - ông Bùi Văn Út -  một thành viên trong "đại gia đình nông dân” khẳng định.

Là tài sản đặc biệt của "cả nhà” nên các thành viên trong "đại gia đình nông dân” rất dày công chăm sóc và giữ gìn rừng quế. Để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế, trong quá trình khai thác, họ không tiến hành khai thác ồ ạt, khai thác trắng và tận thu quá mức sản phẩm từ cây quế, nên chất lượng quế rất tốt.

"Tiếng lành đồn xa”, đến giờ, "đại gia đình nông dân” không còn phải lo việc tiêu thụ quế ở đâu xa mà chỉ cần bóc vỏ, tỉa cành mang xuống chân đồi là các thương lái đã chờ sẵn để thu mua. Trung bình, vỏ quế tươi có giá từ 25 - 30 nghìn đồng/kg; cành lá quế tươi 1.200 đồng/kg; 800 nghìn đồng – 1 triệu đồng/1m3 gỗ quế, mỗi năm, chỉ cần bán tỉa, "đại gia đình nông dân” cũng thu về hàng tỷ đồng.

Còn khi khai thác với số lượng lớn, những cây lâu năm "đặc sản” thì khoản thu nhập này tăng lên gấp nhiều lần. Thu nhập từ cây quế đã giúp cho các hộ gia đình thành viên trong "đại gia đình nông dân” đều xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền và nuôi con theo học các trường chuyên nghiệp.

Các thành viên trong "Đại gia đình nông dân” chăm sóc vườn quế trồng xen cây ba kích.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Học cách làm giàu, phát triển kinh tế của "đại gia đình nông dân”, giờ đây, rất nhiều hộ dân ở xã Đào Thịnh cũng đầu tư trồng quế và có cuộc sống ấm no nhờ quế. Cây quế thực sự đã trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát kinh tế nông - lâm nghiệp của địa phương.

Ngắm nhìn cánh rừng quế xanh ngút ngàn tô thắm một vùng quê trù phú, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã - Đỗ Văn Thức xúc động: "Chúng tôi tự hào và có niềm tin vào những người nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm như các thành viên trong "đại gia đình nông dân”. Họ đã không ly nông, ly hương mà tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần thiết thực vào quá trình XDNTM tại địa phương”.

Hiện tại, phong trào trồng quế ở Đào Thịnh đã lan tỏa rộng khắp. Quế được trồng ở trên đồi, quanh nhà. Tổng diện tích quế của Đào Thịnh đã lên tới hơn 500 ha và xã cũng đã có nhà máy chế biến tinh dầu quế do Hợp tác xã 6/12 đầu tư xây dựng với số vốn trên 7 tỷ đồng. Công suất của nhà máy luôn duy trì 18 tấn - 20 tấn nguyên liệu/ngày, hoạt động liên tục 3 ca, tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/người”.

Quế của Đào Thịnh đã có "thương hiệu” và được các công ty, nhà máy thu mua sản xuất, chế biến xuất khẩu đi nhiều nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Mỹ, Hà Lan…

Chia tay Đào Thịnh trong ngọt ngào hương quế, hy vọng một ngày không xa khi trở lại, Đào Thịnh sẽ có thêm nhiều hơn các mô hình nông dân chung sức phát triển kinh tế XDNTM và những tấm gương điển hình làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Hồng Oanh

Các tin khác
Phát triển trồng rừng gắn với chế biến gỗ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương huyện Trấn Yên. (ảnh minh hoạ)

YBĐT - Đến thăm nhà hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái (gọi tắt là Hội Trường Sơn) - Lê Đình Chiến, huyện Trấn Yên hôm nay, không ai nghĩ gần 10 năm trước, gia đình anh còn ở trong túp lều gió lộng bốn bề và trên chiếc giường gỗ tạp ọp ẹp là người vợ bị bệnh hiểm nghèo và 4 người con nheo nhóc.

Chị Thủy (người đứng giữa) thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình hội viên phụ nữ thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Năng động, nhiệt tình, hòa đồng với mọi người, hết lòng vì công việc là nhận xét của lãnh đạo, cộng sự, đoàn viên công đoàn về chị Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Hộ bà Phan Thị Đổi đang tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn và tập trung đầu tư vào lợn nái

YBĐT - Sau 21 năm nỗ lực trên quê mới Yên Bái, vợ chồng ông bà Lại Đức Khanh và Phan Thị Đổi đã có khu đất rộng 6 ha làm mô hình kinh tế tổng hợp với 100 gốc vải thiều, 100 cây bưởi da xanh, 4 ha keo, nuôi gà, thả cá...

Mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Dung cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

YBĐT - Tận dụng 1.600 m2 đất của gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà với quy mô 1.000 con theo mô hình nuôi thả vườn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục