Người đàn bà "lạ đời"

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/7/2017 | 8:30:38 AM

YBĐT - Quả là "lạ đời" quá thể trong con mắt thiên hạ khi người đàn bà ấy cứ lụi cụi bỏ thời gian, công sức làm cái công việc chẳng những không mang lại lợi lộc gì mà còn tiềm ẩn hiểm nguy cho bản thân: nhặt ống kim tiêm của những con nghiện bỏ lại. Tính ra, đến giờ, cũng đã 17 năm bà Hà Thị Long ở tổ 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình "gắn bó" với "công việc" này.

Bà Hà Thị Long 17 năm làm việc thiện.
Bà Hà Thị Long 17 năm làm việc thiện.

Bà Long nụ cười rõ xởi lởi, thân thiện là vậy với khách tới nhà mà khi biết chúng tôi với ý định "biểu dương" bà trên báo chí thì tức thì chối từ đầy nghiêm túc: "Cô nói thật là cô không muốn viết lách gì đâu. Họ vẫn bảo cô hâm, gàn dở về việc mình làm thì cũng chả sao, việc cô thấy cần làm thì làm thôi nhưng người ta nói này nọ sai cái tâm của mình đi thì buồn lòng lắm".

Vài năm trước đã có báo chí tìm đến người đàn bà nhặt kim tiêm này. Người thật, việc thật mười mươi có gì sai nhưng miệng người đời lại xì xèo này nọ khiến tự trọng của một người làm cái công việc khác lạ mà đầy tử tế như bà Long buồn lắm khi cái tâm của mình không được thấu hiểu! Bởi thực sự với bà, đi nhặt kim tiêm suốt bao năm qua cũng chỉ một chữ "tâm" với đời.

"Bữa đó dắt trâu đi làm ruộng, qua đoạn đường thấy đầy những xi lanh của con nghiện bỏ lại sau khi tiêm chích, đi qua rồi mà thấy lòng cứ không đành, như thể chính bản thân mình làm việc gì đó sai không bằng!" - mãi rồi bà Long mới chịu nhắc lại chuyện buổi xửa xưa. Và rồi cái "tâm không đành lòng" ấy khiến bước chân bà quay lại, buộc trâu vào một chỗ, lượm hết những xi lanh ở đó, tìm được chiếc giầy người ta bỏ đi, cẩn thận đút những chiếc xi lanh đầy máu vào giầy, lại bỏ gọn vào chỗ để rác, xong xuôi, mới thấy lòng yên tâm mà dắt trâu đi cày ruộng tiếp. Đó là một ngày cách đây 17 năm, bắt đầu cho hành trình với công việc nhặt xi lanh của bà Long đến giờ.

"Dạo trước, con nghiện sử dụng ma túy bằng tiêm chích nhiều. Nhất là từ khi có cái công viên trung tâm huyện, rồi khi đường Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm, là địa điểm thuận tiện cho người nghiện. Ống xi lanh vứt lung tung ở đường ấy, nhiều cái đầy máu. Cứ nghĩ đến ai đó vô tình dẫm phải, nhất là lũ trẻ con chạy nhảy vô tư ở đường nhỡ ra đụng phải thì có phải khổ quá không. Cô đi nhặt, bớt đi được hiểm họa cho mọi người chút nào hay chút ấy" - lý do không đành lòng cứ thế bước đi khi qua những đoạn đường đầy ống xi lanh của bà Long là thế. Người khác thì tìm cách tránh xa những ống tiêm đầy hiểm họa ấy, bà lại thò tay nhặt chúng. Người dân quanh khu vực rồi cũng quen với hình ảnh người đàn bà tay xách chiếc xô đi lượm từng chiếc xi lanh ở đường. Sáng hoặc chiều, rảnh được lúc nào là bà Long lại đi nhặt.

"Nhiều nhất là cái dạo năm 2008, 2009 gì đó. Có hôm đi nhặt về mấy xô, đếm được đúng 280 cái" - bà Long kể. Có lần, bà mang xô đến địa điểm mà mấy người nghiện hay tụ tập rồi bảo: "Như người đói thì phải ăn thôi nhưng các chú chích xong rồi thì vứt ống tiêm vào đây, rồi để tôi đến mang đi cho, chứ đừng vứt lung tung ra đường thế nguy hiểm lắm!". Mấy người nghiện cũng nhìn bà bằng ánh mắt như nhìn người kỳ dị. "Nhưng mà hôm sau đến cũng thấy mấy chú ấy vứt vào xô, mình cũng thấy mừng" - bà cười nhắc chuyện. "Đi nhặt vậy, nhỡ ra… cô có sợ không?" - tôi hỏi câu hỏi mà có lẽ muôn người đều sẽ hỏi vậy. "Nói không thì chẳng phải, xi lanh nhiều cái còn đầy máu mà, sơ sểnh chút là chết chứ chẳng chơi. Nhưng ai cũng sợ thì ai làm. Mình đi nhặt, mình còn chủ động được với nó, chứ cứ để đó thì không biết bao người không may".

"Ai cũng sợ thì ai làm" - mấy ai nghĩ được như con người này! Người nhà của bà Long, ban đầu cũng gàn bà lắm. Tự dưng không đâu bỏ thời gian mua việc vào người, mà còn là cái việc đầy hiểm họa tiềm ẩn, người thân ai chẳng lo. Nhưng rồi, dần thấu hiểu cái tâm của bà, chồng bà, rồi con gái bà cũng có lúc mang xô đi nhặt cùng. Còn người ta thấy bà đi nhặt vậy vẫn bảo bà là "khùng", "điên", "hâm", "gàn dở"… Bao nhiêu thứ người ta nói, bà biết cả nhưng chẳng bận tâm, vẫn cứ "việc mình thấy cần làm thì làm thôi". Chỉ có mấy cụ già hàng xóm thì bảo: "Chẳng ai làm được việc ý nghĩa như cháu đâu!"

Ống xi lanh nhặt về, ngày đó cũng chẳng ai bảo bà phải xử lý chúng thế nào cả. Vậy là bà chỉ biết cách gom lại, nhiều nhiều thì mang lên đồi nhà mình đào hố, lại kiếm củi chất lên đốt, rồi chôn. Cũng chả biết đã bao nhiêu cái hố ở trên đồi rồi nữa. Sau rồi hết đồi, hết chỗ chôn, thì bà gói cẩn thận trong những chiếc xô, mang cho xe rác nhưng luôn dặn người thu gom rác phải cẩn thận. Rồi sau, bên y tế đưa cho bà cái hộp đựng phế phẩm y tế, bà không phải xách xô đi nhặt nữa. "Mấy năm gần đây, người nghiện ít sử dụng tiêm chích hơn, nên cũng ít xi lanh hơn rồi" - bà Long cho hay. Bởi vậy công việc của bà cũng "nhàn" hơn trước. Thỉnh thoảng bà mới đi chứ cũng không hề từ bỏ hẳn "công việc" này.

Tranh thủ lúc có thời gian, bà Long lại đi nhặt xi lanh do người nghiện bỏ lại.

Bà Long làm việc không ai bảo chẳng phải mỗi chuyện nhặt xi lanh. Cái lần người ta sửa chữa đường Nguyễn Tất Thành, có đoạn gần nhà bà đang phải sữa chữa nhưng thanh chắn báo nguy hiểm bị hư hỏng. Hình ảnh ấy đập vào mắt bà khi trời chập tối khiến bà cũng không đành lòng "bỏ qua”.

"Nghĩ đến cảnh có ai đó vì không biết đoạn đường phía trước nguy hiểm, cứ thế đi, nhỡ ra gặp tai nạn thì khổ họ nên mình bỏ ra chút công sức báo cho họ biết”. Vậy là bà Long cứ đứng đó, cầm cành cây ra hiệu báo người ta biết đường nguy hiểm phía trước, cần đi tránh sang bên. Khuya, đèn đường tắt, bà Long vẫn tay cầm đèn pin, tay cầm cành cây để chỉ đường.

"Chồng, con bảo ai bắt tội bà đâu mà bà cứ phải làm vậy. Chẳng ai bắt nhưng nghĩ giờ mình về ngủ nhỡ ai đó bị nạn thì sao. Thôi, mình bỏ một giấc ngủ cũng được. Ấy vậy, có cậu thanh niên không thèm để ý đến báo hiệu của tôi lao vù xe qua, hét vào mặt tôi: "Đồ điên”. Đến khi lao vào đoạn đường xấu bị ngã, rồi lại quay lại xin lỗi tôi”. Đêm đó, bà Long tình nguyện làm người chỉ đường đến tận gần sáng mới về.

Vài năm nay, bà Long cùng gia đình còn đi quyên góp, vận động quần áo ấm rồi chở vào trong khu vực hồ Thác Bà tặng cho những trẻ em còn thiếu thốn. "Năm xưa, có lần đi làm thợ xây ở mạn trong hồ Thác Bà, nhìn thấy mấy đứa trẻ con mỗi manh áo mỏng mà trời thì rét căm căm, tội lắm!" - lời nói chìm trong nét mặt chất chứa cảm thương -  vẫn là lòng trắc ẩn của con người này chẳng thể ngơ qua những hình ảnh thương cảm như thế khi đã đập vào mắt rồi. Để rồi mẹ con bà bỏ công, bỏ buổi, chọn chỗ đông người như chợ, cổng trường học với đống quần áo rồi giăng biển "Quần áo tặng không bán". Việc ấy bà làm cũng đã 5, 6 mùa đông qua.

Không rảnh rỗi thời gian, không dư giả vật chất nhưng người đàn bà này vẫn bỏ công, bỏ sức làm những việc mà chẳng phải nhiều người làm được, chỉ bởi lòng nhân ái như ăn từ trong máu của bà, cũng có thể được vun đắp từ trái tim nhân hậu của người cha đã mất. Bà vẫn nhớ lắm chuyện của cha: "Một hôm bố tôi đưa về nhà một ông lão ăn mày, bảo gặp ở chợ, rồi cho ông ấy ở cùng gia đình. Ông lão ấy sống cùng gia đình tôi 8 năm trời cho đến khi mất. Nhà tôi khi ấy cũng nghèo nhưng ba tôi đã cho tôi thấy sự giàu có lòng nhân ái của ông".

Bây giờ, nhà bà Long cũng đâu khá giả gì. Vợ chồng cái con vẫn bươn bả mưu sinh với ít ruộng thụt lưng ngực và đủ thứ nghề. Năm nay, lợn hơi mất giá khiến gia đình bà thêm khốn khó. Chồng bà sức khỏe kém vì thương tật từ sau ngày lăn xả vào cứu cả một gia đình trong vụ cháy bưu điện huyện khi ông còn là cậu thiếu niên mười mấy tuổi. Cả gương mặt ông cũng chẳng còn lành lặn. Bà lấy ông từ mai mối và có lẽ từ cả sự cảm kích hành động dũng cảm của ông khi xưa… Cuộc sống của ông bà vẫn trăm nghìn mối lo toan nhưng bà vẫn "cho" đời những thứ chẳng dễ mấy người cho được.

Thu Hạnh

Các tin khác
Đồng chí Vũ Tiến Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (thứ ba, trái sang) cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và lãnh đạo xã Nậm Khắt thăm đồng ruộng của bà con nhân dân tại xã Nậm Khắt.

YBĐT - Quá nửa số cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện từng là học trò cũ của anh - thầy giáo Vũ Tiến Đức. Nên có chuyện, bao lần làm việc, cán bộ cấp dưới lên báo cáo với anh - Chủ tịch UBND huyện, câu đầu trơn tru suôn sẻ, sau quên, cứ một câu thầy giáo, hai câu thầy giáo khiến anh Đức muốn phì cười nhưng rồi cũng thông cảm.

Ông Đặng Xuân Nghĩa thu hái chè.

YBĐT - “Đất tốt hay xấu là do bàn tay con người”, “không có khoảng trống của thời gian”- đó là quan điểm của những nông dân có ý chí, nghị lực vươn lên mạnh mẽ làm giàu trên quê hương Văn Chấn.

Hành động trả lại 30 triệu đồng cho người đánh mất của chị Vũ Hồng Khanh, Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái là một việc làm đáng được biểu dương, nhân rộng. (Ảnh minh họa: T.C)

YBĐT - Tôi gặp lại chị Vũ Hồng Khanh ở thôn 1, Ngòi Sen, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái vài ngày sau khi câu chuyện chị nhặt được 30 triệu đồng trong lúc phân loại rác thải - công việc hàng ngày của chị ở Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, Yên Bái vẫn còn được nhiều người nhắc đến. Cho đến hôm nay, việc làm này, với chị, là một chuyện rất đỗi bình thường bởi rất đơn giản: “Có lẽ, ai ở vào trường hợp của tôi cũng sẽ làm như vậy”.

YBĐT - Chị Kim Thị Nụ - Chi hội trưởng Chi hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP), phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ là một cán bộ tận tình trong công tác Hội và là một điển hình làm kinh tế giỏi của Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục