Người thương binh, giáo dân tiêu biểu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/12/2017 | 1:47:36 PM

YBĐT - Đến thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, hỏi về ông Nguyễn Duy Khiêm ở khu phố 5, ai cũng tấm tắc khen ngợi bởi ông là một thương binh tiêu biểu, một giáo dân điển hình đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia các phong trào, hoạt động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xưởng sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng của thương binh, giáo dân Nguyễn Duy Khiêm tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.
Xưởng sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng của thương binh, giáo dân Nguyễn Duy Khiêm tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

Sinh ra trong một gia đình công giáo có truyền thống cách mạng, 18 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Duy Khiêm, giáo dân thuộc giáo họ Lạng Bạc, Giáo xứ Hán Đà đã lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Hoàn thành nhiệm vụ sau 3 năm chiến đấu, trở về với tỷ lệ thương tật là 25%, ông Khiêm tham gia công tác tại Huyện đội Yên Bình.
 
Đến năm 1992, ông nghỉ chế độ thương binh hạng 4/4, về sinh sống ở thị trấn Thác Bà. Những ngày đầu trở về quê hương, để kiếm sống ông đã xoay đủ nghề từ đi làm xe ôm đến đi đóng bè gỗ thuê trên hồ Thác Bà nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, đời sống gia đình vẫn rất khó khăn, thiếu thốn. Rồi nhận thấy mảnh đất quê hương phù hợp với trồng cây bưởi, ông đã trồng 40 gốc bưởi Đại Minh cùng với nuôi con gà, con lợn.
 
Chắt chiu theo ngày tháng, khi có chút vốn cùng nhận thấy tiềm năng của quê mình là vùng cây nguyên liệu giấy nên ông đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, đến năm 2014, ông Khiêm mạnh dạn thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay ngân hàng 300 triệu đồng mở xưởng sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực của bản thân, xưởng sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng của gia đình ông hoạt động ngày một hiệu quả.

Từ một dây chuyền gỗ bóc ban đầu, giờ đây xưởng chế biến gỗ của ông hoạt động liên tục với 3 dây chuyền, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gỗ bóc của ông làm ra được các thương lái ở khắp nơi về thu mua, sau trừ chi phí mỗi năm xưởng thu lãi gần 200 triệu đồng.
 
Khi được hỏi động lực nào thôi thúc ông vượt qua khó khăn để vươn lên, người thương binh 58 tuổi đời và 35 tuổi Đảng Nguyễn Duy Khiêm chia sẻ: "Luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế”, tôi tự nhủ làm thế nào để mình phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh, nắm bắt những cơ hội trong thời kỳ đổi mới để làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Từ đó, làm gương cho con cháu và góp sức xây dựng quê hương. Tôi tâm niệm đây chính là cách để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân giáo họ thực hiện lời dạy của Chúa: "Kính Chúa yêu nước, đoàn kết, bác ái”.
 
Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, ông Khiêm còn luôn gương mẫu đi đầu tham gia các phong trào do địa phương, giáo họ phát động như: tham gia đóng góp làm đường giao thông liên thôn; xây dựng khu dân cư văn hóa; tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh thị trấn hay các phong trào thi đua "Người công giáo thi đua kính Chúa yêu nước", "Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến"...

Nói về người thương binh, giáo dân Nguyễn Duy Khiêm, bà Nguyễn Thị Liên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Thác Bà bày tỏ: "Ông Nguyễn Duy Khiêm là một giáo dân, một thương binh đầy nghị lực, dám nghĩ, dám làm và cần cù chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm giúp cho nhiều gia đình khác ở địa phương, được mọi người yêu quý và nể phục. Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, gia đình ông Khiêm còn là tấm gương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn vận động bà con đoàn kết lương - giáo, sống tốt đời đẹp đạo, sẵn sàng giúp đỡ để mọi người cùng tiến bộ. Ông Khiêm thực sự là tấm gương tiêu biểu cho nhiều người noi theo”.

Thanh Chi

Các tin khác
Anh Nguyễn Đức Tiến (bên trái) cùng đồng nghiệp kiểm tra lưới điện.

YBĐT - Đến Văn Chấn vào một ngày đầu tháng 12, tôi có dịp gặp anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Đội trưởng Đội Quản lý và Vận hành đường dây và trạm Văn Chấn - Điện lực Nghĩa Lộ. Anh kỹ sư có dáng vẻ rắn rỏi, khuôn mặt hiền lành này đã hơn 10 năm gắn bó với ngành điện. Ở đâu xảy ra sự cố, anh luôn nỗ lực tìm cách khắc phục bởi đó chính là bài học để anh khẳng định mình.

Nghệ nhân Lò Văn Biến cùng với thầy giáo Lê Thanh Tùng dạy chữ cho các em học sinh.

YBĐT - Không phải là người con của đồng bào dân tộc Thái nhưng thầy giáo Lê Thanh Tùng luôn say mê tìm hiểu, sưu tầm các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ để truyền bá cũng như gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp riêng có của vùng đất tổ người Thái đen.

Anh Giàng A Măng hướng dẫn phụ nữ trong thôn sử dụng máy dệt thổ cẩm.

YBĐT - Đó là Giàng A Măng, thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên- chủ  xưởng thêu thổ cẩm  người Mông tại gia đình với 6 công nhân là lao động địa phương.

Mô hình trồng 10 ha quế của anh Đặng Văn Thanh ở thôn Vàn 1  cho thu nhập ổn định.

YBĐT - Những năm qua, việc học và làm theo Bác đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục