Mạnh dạn là người đi đầu

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2018 | 8:07:58 AM

YBĐT - Ông Vũ Gia Biên ở thôn 3, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên đưa 200 gốc bưởi Diễn về trồng vườn nhà từ năm 2014.

Gian nhà bảo quản bưởi dành bán tết của ông Vũ Gia Biên.
Gian nhà bảo quản bưởi dành bán tết của ông Vũ Gia Biên.


Sự lựa chọn cây bưởi cũng rất đơn giản, ông chia sẻ: "Tôi quê gốc Hưng Yên, lên đây gắn bó đã lâu, đã từng mưu sinh cùng cây sắn, cây chuối. Họ hàng, người thân dưới quê bây giờ trồng nhiều bưởi, có ông anh bảo rằng phải trồng bưởi chứ nếu không chỉ nghèo đói. Thế là tôi mang 200 cây bưởi Diễn chiết lên luôn”.

Nói vậy nhưng nguyên cớ sâu xa cũng chưa hẳn vậy vì ông Biên đã có thời gian và thực tế nắm bắt về điều kiện tự nhiên, về đất đai, về khí hậu nơi này nên được động viên, cổ vũ mới "quyết ngay”. 

Cũng vì thế mà nói là thử chứ trong lòng ông luôn giữ một niềm tin sẽ ổn, vùng Lâm Giang này thời tiết khô hơn vùng dưới của huyện nên cây bưởi nhất định cho tỷ lệ đậu quả cao. 200 gốc bưởi được trồng dưới tán của những cây chuối tây tròn chẵn một năm để tranh thủ bóng mát rồi ông cho lứa chuối đó "nghỉ chế độ” sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi đã có sự hỗ trợ đắc lực của anh em ở quê bên cạnh sự mày mò tìm hiểu của ông trong điều kiện thực tế hàng ngày theo từng thời điểm, từng giai đoạn và thời tiết biến đổi liên tục. Thời gian mau qua, năm 2017 đã cho ông niềm vui của vụ đầu bưởi bói quả bởi âu lo đâu có ít, hoa đậu nhiều quá thành ra phải bỏ bớt quả, chưa kể mưa trong năm nhiều và liên tục chưa từng thấy lâu nay. 

Gian nhà chất đầy những trái bưởi vàng suộm, ưa mắt nhìn, mở cửa bước vào là mùi hương mát dịu tràn khắp khứu giác. Đợt bưởi này ông Biên vừa thu hái cuối tháng 11 âm lịch: "Mưa suốt thời gian dài, không thu được, đúng ra phải hái từ đầu tháng 11 âm lịch đấy”. 

Vợ ông đi chợ quanh năm, giờ có thêm trái bưởi mang bày bán hàng ngày. Bà kể nhiều khách cứ hỏi lấy bưởi vùng nào về bán, trả lời của nhà bói lứa đầu, ai cũng ngạc nhiên nên mua ăn thử. Vị quả bói man mát, chưa ngọt đậm nhưng khách vẫn thích, họ mách nhau, bà bán lẻ ngay tại nhà, mang ra cả chợ Trái Hút, được giá bình quân 15.000 đồng một quả. Dành lại một lượng quả nhất định để bán tết, theo kinh nghiệm đi chợ của bà thì lúc đó giá mỗi quả bưởi phải lên 20.000 đồng. 

Khoảng 2.000 quả bưởi bói, ông Biên đã sử dụng túi bọc quả. Khi quả bưởi to bằng bát nước chấm nhỏ là ông tiến hành bọc túi cho đến hết tháng 9 bỏ túi ra. 

Thực hiện việc bọc quả đã giúp ông có những trái bưởi mã đẹp như vậy, vàng tươi màu vỏ, không bị xém quả, chống ong và ruồi vàng đốt, chống được các dịch hại và ngừa được các loại thuốc ảnh hưởng trực tiếp vào quả. Ba năm đầu tiên là giai đoạn thiết kế của vườn bưởi, ông Biên xác định là giai đoạn khó khăn nhất nên cần đầu tư công sức, kỹ thuật cẩn thận, kỹ lưỡng, tạo bước phát triển hiệu quả, bền vững về lâu dài. Là người đầu tiên mang cây bưởi về trồng trên đất này nên ông càng quyết tâm về đích thành công. 

Công sức dành cho vườn bưởi của ông Biên cũng còn bắt nguồn từ một lý do khác nữa: ông mong muốn gây dựng thành một vùng trồng bưởi Diễn rộng lớn ở thôn 3. Ông phải thành công, có vậy mới có thể vận động, thuyết phục người khác làm theo. Bất cứ sản phẩm nào trở thành hàng hóa cũng cần một quy mô với sản lượng đủ lớn để thị trường tiêu thụ thuận lợi nếu đáp ứng về chất lượng, an toàn, giá thành. 

Nghị quyết nhiệm kỳ 2017 - 2020 của Chi bộ thôn 3 đã đề ra chỉ tiêu phát triển 10 ha cây ăn quả có múi trên cơ sở 2 ha hiện có. Bản thân ông đã vận động được anh trai trồng 200 gốc bưởi Diễn rồi vận động được các hộ: Vương Văn Mừng trồng 150 cây bưởi, Vũ Gia Long trồng 200 cây, Trần Văn Thành 50 cây và tất cả đều chuyển đổi từ diện tích trồng sắn hoặc cải tạo vườn tạp. Có người hàng xóm sát nhà ông là Nguyễn Văn Quỳnh đã thấy ông trồng mà thích nên cũng trồng theo hơn 100 cây. Ông Biên bảo mình cũng đang tích cực vận động một người nữa trồng khoảng 1 ha bưởi. 

Theo ông, phát triển cây ăn quả có múi rất khả thi vì thôn có mô hình, có đất đai rộng, nhất là sau khi tuyến đường tỉnh 164 qua xã hoàn thành nâng cấp năm 2016 nên giao thương hết sức thuận lợi. Tính đến điều đó, ông Biên cũng đang xem xét việc trồng bưởi theo mô hình an toàn VietGAP và xây dựng thương hiệu. Nỗ lực và quyết tâm của ông Biên là minh chứng cho sự mạnh dạn của người đi đầu, chấp nhận thử thách để có được thành công.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Cơ sở trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

YBĐT - Dưới sự chèo lái của "nữ tướng" - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kỹ sư Phạm Thúy Hảo cùng các sáng lập viên, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế thủy lợi, thủy điện đã ghi tên mình trên "bản đồ" hoạt động trong lĩnh vực tư vấn sau 15 năm hoạt động.

Bà Bàn Thị Khé (ngồi giữa) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cùng chị em phụ nữ trong xã.

YBĐT - Bà Bàn Thị Khé ở thôn 5 xã Đại Sơn (Văn Yên) là một trong những phụ nữ Dao miệng nói tay làm mà tôi may mắn được gặp.

Cô Nguyễn Thị Thoa trong giờ lên lớp.

YBĐT - Trong nhận định của đồng nghiệp Trường Tiểu học Hạnh Sơn (Văn Chấn), cô Nguyễn Thị Thoa là người luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong chuyên môn.

Vườn cam sai trĩu quả đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Đỗ Trí Thức.

YBĐT - Gia đình ông Đỗ Trí Thức ở thôn Đồng Phú, thị trấn Yên Thế nổi tiếng khắp vùng khi năm nào vườn cây ăn quả cũng sai trĩu, cây ăn quả làm cảnh rất độc đáo và hàng năm cho thu về hàng trăm triệu đồng. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục