Người thầy “không mỏi”

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/3/2018 | 8:01:51 AM

YBĐT - Bằng những cử chỉ thân thiện, lời nói chân tình, việc làm tốt của thầy Tiến đã cảm hóa được trái tim đồng bào dân tộc Mông nơi này. Người dân đã bắt đầu hiểu ra, yêu quý, kính nể và ủng hộ thầy. Từ đó học sinh luôn vui vẻ, đi học đầy đủ góp phần nâng cao thành tích học tập của nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến luôn tận tình uốn nắn, chỉ bảo cho từng học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến luôn tận tình uốn nắn, chỉ bảo cho từng học sinh.


Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS (PTDTBT TH&THCS) Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, sinh năm 1967, là con cả trong một gia đình có bốn anh em. Khi vừa tốt nghiệp trung học sư phạm 12+2, nắm bắt được thông tin ngành giáo dục phát động phong trào giáo viên trẻ lên các xã vùng cao dạy chữ, gác lại những suy tính đời thường, không ngần ngại, anh làm đơn xung phong lên huyện vùng cao Trạm Tấu công tác.
 
Do đặc thù vùng cao, trong 31 năm dạy học thầy đã năm lần được phân công điều động đến năm ngôi trường trên năm đỉnh núi cao của huyện Trạm Tấu công tác. Mỗi lần thay đổi môi trường làm việc thầy đều dồn hết tâm huyết của mình cho các em thơ trên các triền non cao.

Qua câu chuyện bên bếp lửa mùa đông, được biết thêm về sự nghiệp giáo dục ở vùng cao của mấy chục năm về trước, muôn vàn khó khăn vất vả chứ không như bây giờ. Là người giáo viên trẻ từ vùng thấp ngược vùng cao công tác, thầy đã được trải nghiệm và chứng kiến sự gian khổ của môi trường làm việc.
 
Những dấu ấn đầu đời làm cho thầy thật nản chí, đường sá đi lại rất khó khăn, đèo cao, vực sâu, lên thác xuống ghềnh. Những ngày trời mưa, đường trơn trượt như đổ mỡ, đến được trường học phải đi bộ 4- 5 tiếng mới đến nơi. Mùa đông, thời tiết dày đặc sương mù, cái lạnh thấu xương bao trùm cả bản làng. Những em học sinh chịu cảnh đói, rét rất thương tâm.
 
Công tác vận động học sinh đến lớp gian nan vất vả. Bản thân thầy lại không biết tiếng Mông; phong tục tập quán chưa thấu hiểu. Nhiều lúc thầy đã rất nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng bằng tình thương yêu con trẻ, nhờ sự động viên của các đồng nghiệp đi trước đã tiếp thêm động lực để thầy quyết tâm mang ánh sáng tri thức thắp trên non cao.

Bằng lòng kiên trì, nhẫn nại, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ thầy Tiến đã đi đến từng bản, vào từng gia đình học sinh để vận động và tuyên truyền, phân tích cho các bậc phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học tập sẽ mang lại lợi ích sau này. Ban đầu, nhiều phụ huynh không ủng hộ, vì họ cho rằng đi học không mang được thóc lúa về nhà, nên không cho con đi học mà ở nhà làm nương. Một lần không được, thầy lại tiếp tục đến lần hai, lần ba… rồi rất nhiều lần khác.
 
Vừa làm công tác dân vận, vừa học tiếng đồng bào Mông để hiểu phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt của đồng bào, trò chuyện cùng dân để hiểu dân và giúp đỡ bà con mỗi khi họ gặp khó khăn. Bằng những cử chỉ thân thiện, lời nói chân tình, việc làm tốt của thầy đã cảm hóa được trái tim đồng bào dân tộc Mông nơi này. Người dân đã bắt đầu hiểu ra, yêu quý, kính nể và ủng hộ thầy.
 
Từ đó lớp học do thầy chủ nhiệm đông vui hẳn lên. Công tác chiêu sinh vận động đạt kết quả như mong muốn. Chất lượng học sinh cũng từng bước được nâng cao. Được dạy dỗ các em học sinh đã trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, biết nói tiếng phổ thông sõi hơn. Thầy Tiến luôn xác định cho mình vai trò người thầy mang ánh sáng văn hóa tri thức đến với các em và thầy còn gánh vác cả vai trò người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.
 
Ngoài giờ lên lớp, thầy luôn dành thời gian căn dặn các em phải biết ăn ở gọn gàng ngăn nắp, gấp chăn màn mỗi khi ngủ dậy, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung sạch sẽ; dạy các em kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng hợp tác, tính đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, có tinh thần tương thân, tương ái trong học tập và cuộc sống.
 
Mỗi khi có học sinh ốm đau, mắc dịch bệnh thầy luôn lo lắng, mời cán bộ y tế đến khám, chữa, điều trị kịp thời. Với trường hợp học sinh ốm nặng, thầy không quản ngại trực tiếp đưa học sinh đi bệnh viện để điều trị. Qua đó, học trò càng gắn bó, yêu thương và kính trọng thầy cô hơn cũng như thêm yêu trường, yêu lớp và tích cực trong học tập.

Nhờ những nỗ lực ấy, nhiều năm thầy Tiến liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; hai lần vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; năm học 2016 - 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh nhà giáo tiêu biểu.

Hương Lan - Thanh Sơn

Các tin khác
Một góc vườn hoa của chị Nông Thị Thắm, thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

YBĐT - Rời mái Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên sau nhiều năm học tập và công tác, chị Nông Thị Thắm, thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên ấp ủ trong mình ý tưởng xây dựng một vườn hoa ở vùng đất ngọc Lục Yên. Với kỹ thuật, kinh nghiệm học được, mô hình vườn hoa, cây cảnh hàng hóa của chị tại quê nhà ngày càng được nhiều người biết, tìm đến.

Bác sỹ Đặng Thị Như Hoa thăm hỏi các bệnh nhân điều trị nội trú.

YBĐT - Đó là bác sỹ chuyên khoa II Đặng Thị Như Hoa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái.

Anh Nông Ngọc Tú (bên phải) là người đầu tiên đưa thỏ về nuôi ở thôn 6, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên.

YBĐT - Anh Tú cho rằng việc tham gia hợp tác xã sẽ là điều kiện giúp cho mình tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi khi được đảm bảo về giá thu mua...

YBĐT - Qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ trồng rừng, đến nay, bà Trần Thị Minh ở thôn Tiền Phong, xã Lang Thíp (Văn Yên) đã vươn lên trở thành một trong những hộ giàu của xã chỉ từ hai bàn tay trắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục