Cô giáo Hà Thị Tơ: Cả thanh xuân dành em nhỏ vùng cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/8/2019 | 8:07:48 AM

YênBái - Cô tâm sự: "Khi mở cặp lồng cơm của các con ra, tôi không khỏi lo lắng cho bữa ăn của các con. Cơm thì đã nguội ngắt, có em ăn cơm với súp (bột canh - PV), có em ăn với măng ớt, em nào khá hơn thì có một quả trứng. Xót xa lắm!”.Đó là lý do đã hơn 20 năm cô Tơ gắn bó với những đứa trẻ nơi này.

Cô giáo Hà Thị Tơ.
Cô giáo Hà Thị Tơ.

Kiên Thành cũng giống như bao xã vùng cao của tỉnh Yên Bái. Cái nghèo đói vây quanh năm nên việc học trở thành thứ yếu trong đời sống của người dân. Và cũng chẳng mấy người nhận ra được cái thứ yếu đó chính là con đường để xóa đi nghèo đói. Nhưng đó đã là chuyện của nhiều năm về trước.

Bây giờ, Kiên Thành đã phổ cập giáo dục ở nhiều bậc học, đời sống người dân tuy còn những khó khăn nhưng đã cải thiện đáng kể. Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của những thầy cô thầm lặng dâng hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục vùng khó như cô giáo Hà Thị Tơ - giáo viên Trường Mầm non Kiên Thành, huyện Trấn Yên. 

Trong câu chuyện về sự hình thành và phát triển của Trường Mầm non Kiên Thành không thể thiếu dấu ấn sâu đậm về cô giáo Hà Thị Tơ - người đã dành cả thanh xuân cho những "mầm non” vùng cao, góp công sức cho sự nghiệp giáo dục nơi này. 

Với cô giáo Tơ, hơn 20 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao không phải là thành tích mà bởi luôn ghi nhớ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. 

Những năm đầu mới thành lập, Trường còn muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn đã đành, việc vận động trẻ đến lớp là cả một hành trình dài và khó. Những ngày đầu ấy, Trường chỉ có 4 cô giáo chia ra 4 điểm trường, vừa vận động, vừa tổ chức lớp học. Khi cơ sở mầm non dần đi vào ổn định, cô Tơ luôn xung phong dạy những lớp trẻ nhỏ chưa biết tiếng Việt. 

Cô chia sẻ: "Những đứa trẻ đến tuổi đi học mà không biết tiếng Việt chúng rất khó bắt theo kiến thức, rồi dần dần chán mà bỏ học. Tôi muốn tất cả trẻ em vùng quê Kiên Thành nghèo của chúng tôi đều được đi học nên tôi luôn xung phong dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số”. 

Năm 2015, cô Tơ xung phong lên dạy học tại điểm lẻ Đồng Ruộng - điểm trường khó khăn nhất của Trường Mầm non Kiên Thành, với 100% là học sinh dân tộc Mông, đường sá đi lại khó khăn, đèo dốc cao hiểm trở, chưa có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, học sinh nơi đây vẫn mang cơm cặp lồng đến lớp. 

Cô tâm sự: "Khi mở cặp lồng cơm của các con ra, tôi không khỏi lo lắng cho bữa ăn của các con. Cơm thì đã nguội ngắt, có em ăn cơm với súp (bột canh - PV), có em ăn với măng ớt, em nào khá hơn thì có một quả trứng. Xót xa lắm!”. 

Và rồi, cô đã tham mưu với Chi bộ nhà trường để có các biện pháp cải tạo cơ sở vật chất, vận động phụ huynh góp gạo, góp rau, góp công cùng nấu ăn cho trẻ tại Trường. Lúc đầu, cô huy động phụ huynh góp mỗi tháng 3kg gạo, nộp tiền để mua thức ăn, phụ huynh thay phiên nhau đến nấu ăn cho con hàng ngày. 

Thời gian đầu đưa vào thực hiện chỉ có khoảng 4 - 5 phụ huynh mang gạo góp cho con, việc nộp tiền để mua thức ăn cũng chỉ có một vài phụ huynh thực hiện. Trước thực trạng đó, cô Tơ tham mưu với nhà trường và được Chi bộ nhất trí phương án: vận động phụ huynh hàng ngày đưa con đến lớp mang theo 1 nắm gạo, 1 ít rau, chỉ nộp tiền để mua thức ăn. 

Khi triển khai việc góp gạo và rau được phụ huynh rất ủng hộ. Các con có đủ gạo và rau cho bữa trưa hàng ngày, trẻ được ăn cơm nóng, thức ăn chế biến hợp vệ sinh. Tuy nhiên, việc đóng góp tiền để mua thức ăn cho trẻ lại chưa được phụ huynh thực hiện do hầu hết phụ huynh có thu nhập thấp nên việc đóng góp cho con tương đối khó khăn. 

Nhớ lời Bác dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”, "Phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn”, cô đã đề nghị mình được ứng tiền để mua thức ăn cho học sinh, rồi đến mùa măng tre Bát độ hoặc đến khi được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước thì cha mẹ trẻ sẽ nộp sau. Từ đó đến nay, điểm trường Đồng Ruộng vẫn duy trì và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ tại Trường đảm bảo chất và lượng. Luôn nhận phần khó về mình và hoàn thành với trách nhiệm cao nhất, cô chia sẻ: "Góp phần đặt nền móng cho học sinh nơi vùng sâu, vùng xa này biết chữ, có tri thức để bước vào đời lập nghiệp là hạnh phúc của tôi”. 

Đem "con chữ” đến cho các em học sinh vùng cao, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, cô giáo Hà Thị Tơ đã cống hiến tuổi trẻ, vượt qua những khó khăn, đồng hành với học sinh vùng cao Kiên Thành. Cô là một trong những tấm gương sáng ngày đêm cắm bản, cống hiến cả thanh xuân cho giáo dục vùng khó.

Thanh Ba

Các tin khác

Chọn nuôi con ốc nhồi - một loài đặc sản chỉ ăn lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp, với anh Nguyễn Văn Kiên ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tình cờ đến với con ốc bao nhiêu thì thành công đến cũng bất ngờ như vậy.

Thượng úy Lý Hoài Ân (bên phải) tham gia xây dựng nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thượng úy Lý Hoài Ân vừa vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba vì đã có thành tích góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ Tổ quốc

Ông Hải chăm sóc chim bồ câu.

Nhiều người ngạc nhiên, thậm chí cho rằng, ông Phạm Quốc Hải ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên bị gàn dở khi cách đây 6 năm chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng lúa để sang trồng một loại cỏ dại mà người dân địa phương gọi là cỏ săn sắt.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Văn Yên thăm mô hình nuôi gà thương phẩm của gia đình hội viên Lê Xuân Kình ở thôn Đại An, xã An Thịnh.

Văn Yên đã có 3 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 6 trang trại và 267 gia trại do cựu chiến binh (CCB) làm chủ. Hội CCB huyện cũng là đơn vị đầu tiên của Hội CCB tỉnh thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân CCB.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục