Gặp gỡ những triệu phú trẻ
- Cập nhật: Thứ hai, 1/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đất nước chuyển mình mạnh mẽ và thanh niên đang trở thành lực lượng xung kích đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Mỗi người một ý nghĩ, một cách làm, nhưng tất cả đều thể hiện sự năng động, lòng quyết tâm cho những điều mình tâm huyết. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ở Yên Bái đã có rất nhiều người thành đạt. Phạm Anh Chiến, Hoàng Đức Kiên là những điển hình như thế.
![]() |
Anh Phạm Anh Chiến đang chăm sóc cá giống.
|
BÍ THƯ ĐOÀN XÃ "KHOÁI" RỪNG
Men theo con đường nhỏ, hai bên đường là những đồi quế xanh mướt rộng tới 5ha của Phạm Anh Chiến - Bí thư Đoàn xã Yên Hưng (Văn Yên). Nhìn những đồi quế vừa cho thu hoạch tỉa, anh Chiến phấn khởi cho biết: "Vụ thu hoạch tỉa vừa rồi nhà mình cũng đã thu được hơn 30 triệu đồng đấy".
Phạm Anh Chiến đến với nghề trồng quế từ năm 1991, đó là lúc anh vừa rời quân ngũ. Được Nhà nước giao đất giao rừng anh mạnh dạn nhận 5ha để sản xuất. Ban đầu không có tiền để thuê người phát cỏ anh đã đi làm đổi công phát rừng trồng cây bồ đề. Năm 1996, huyện Văn Yên có chủ trương đưa cây quế sang sông, anh khai thác bồ đề được trên 50 triệu đồng và đầu tư vào trồng quế. Anh mua hạt quế ở xã Viễn Sơn về làm vườn ươm phục vụ cây giống cho gia đình và người dân quanh vùng. Nhà không có người làm nên anh phải thuê 5-7 người theo mùa vụ với mức tiền công 25.000 đồng/người/ngày. Đến nay, 5ha quế của anh đã cho thu hoạch. Anh Chiến cho biết thêm: " Trồng quế lãi lắm! Cây quế không phải bỏ đi một thứ gì. Bóc vỏ quế bán cho khách các nơi đến thu mua, thân và cành chặt làm củi bán, lá thì phơi khô đi bán cho xưởng chế biến tinh dầu". Ngoài việc phát triển đồi quế của gia đình, Chiến còn vận động bà con quanh vùng trồng quế, không để đất trống đồi trọc. Nhà nào nghèo không có vốn anh cho không cây giống và hỗ trợ tiền công, kỹ thuật để trồng như nhà anh Nguyễn Văn Thịnh ở thôn 5. Ngoài ra anh tạo điều kiện hỗ trợ về kỹ thuật, bán cây giống trả chậm cho một số hộ như ông Ngô Xuân Hoà, ông Vũ Văn Tác ở thôn 2. Ngoài 5 ha quế, Chiến còn trồng được 20 gốc vải Lục Ngạn nay đã được 5 năm tuổi và bắt đầu cho quả, 60 gốc tre măng Bát độ đã cho thu nhập. Ngoài ra, anh còn phát triển kinh tế bằng nuôi thủy sản. Khu trang trại của “ông chủ trẻ” đã có 3 ao cá, một ao để ươm cá giống, còn 2 ao rộng 7 sào thả cá thịt các loại: trắm, chép, trôi, chim trắng… Mỗi năm thu hoạch được 7-8 tạ cá. Từ đồi rừng, chăn nuôi cá trừ mọi chi phí mỗi năm anh tiết kiệm được gần 60 triệu đồng.
Ngôi nhà 2 tầng khang trang ở thị trấn Mậu A hiện nay vợ và con anh đang ở để cho các con tiện học tập. Còn Chiến vì "khoái" rừng, thích mầu xanh của rừng nên chủ yếu ở tại Yên Hưng để hàng ngày được ngắm rừng và cũng tiện cho công tác xã hội.
"TÔI SẼ KHÔNG DỪNG LẠI Ở ĐÂY"
Anh Hoàng Đức Kiên (người ngoài bên phải) đang hướng dẫn thợ sửa xe phục vụ khách.
Từ khi vào học đến lúc tốt nghiệp, Hoàng Đức Kiên luôn là sinh viên xuất sắc của Trường Cao đẳng công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành động lực ô tô xe máy. Năm 1997 ra trường với tấm bằng loại giỏi, Hoàng Đức Kiên có nhiều cơ hội làm giảng viên tại trường hoặc làm trong Công ty Xăng dầu khu vực I… Nhưng, vì nhiều lý do cá nhân nên anh lại chọn đi làm thuê cho các của hàng sửa chữa xe máy ở tỉnh Lạng Sơn. Một năm sau đó về Yên Bái lại tiếp tục đi làm thợ và dạy nghề tại cửa hàng sửa chữa xe máy Thái Hà. Anh cho biết: "Thời gian tôi đi làm thuê chủ yếu là để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức để sau này mở một cửa hàng của riêng mình". Năm 2001, Hoàng Đức Kiên đã thực hiện được ý đồ bấy lâu của mình. Số tiền tiết kiệm được trong thời gian đi làm thuê, gia đình hỗ trợ và vay mượn bạn bè được 40 triệu đồng để mở cửa hàng sửa chữa xe máy tuy không thấm tháp gì nhưng anh tính phát triển dần dần từng bước. Cửa hàng của Hoàng Đức Kiên lúc này có 2 thợ chính và 2 người học việc nhưng Kiên luôn dặn anh em phải làm thật tốt để giữ chữ tín với khách hàng và thông qua họ để quảng bá cho cửa hàng của mình. Nhờ vậy, cửa hiệu của Kiên khách cứ đông dần lên. Kiên cho rằng, đây là cơ hội tốt để mở rộng cửa hiệu và anh đã quyết định đầu tư 800 triệu đồng để đưa cửa hàng thành "Cơ sở sửa chữa trung đại tu xe máy Đức Kiên" tại tổ 36B, phố Hồng Phong, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Hiện nay, cơ sở của anh có 7 thợ sửa chính và 3 người học việc, luôn đảm bảo mức thu nhập 1.200.000 đến 1.500.000 đồng/người/tháng. Ngoài việc sửa chữa xe máy anh còn buôn bán phụ tùng xe máy đến các huyện thị, bán các loại xe máy cũ và nhận dạy nghề. Trung bình một năm cơ sở của anh đào tạo được trên 10 học sinh thành nghề và đã có việc làm ổn định, có người còn mở được cửa hiệu riêng.
Nói về tương lai của mình, Hoàng Đức Kiên tâm sự: "Tôi sẽ không dừng lại ở đây, mà sẽ mở thêm một cơ sở nữa vào năm tới. Cơ sở này sẽ thiên về dạy nghề cho các bạn thanh niên". Với ý chí và nghị lực làm giàu chính đáng, mong muốn đóng góp cho xã hội, hy vọng rằng, dự định của Hoàng Đức Kiên sẽ sớm thành hiện thực để tạo được nhiều việc làm và đào tạo nghề cho nhiều thanh niên để họ cũng thành đạt từ tâm huyết nghề nghiệp như anh.
Hồng Duyên
Các tin khác

“Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội của nhân dân, không để nơi nào thiếu đời sống văn hóa”, người cán bộ văn hóa cơ sở phải biết khơi dậy niềm đam mê từ mỗi hạt nhân từ cơ sở, thắp lên tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát triển các hoạt động văn hóa gắn với thực tế cuộc sống. Những người làm công tác văn hóa ở cơ sở như Đỗ Toàn Tâm -cán bộ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái chính là nhân tố đóng vai trò “đạo diễn” để tạo nên mối liên kết đặc biệt ấy.

Cô giáo trực tiếp dạy môn Sử của hai nữ sinh xuất sắc giành giải Nhì và giải Ba môn Lịch sử trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023 để ghi dấu thành tích cho ngôi trường ngoài chuyên duy nhất có giải trong số 33 giải học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay của tỉnh Yên Bái. Đó chính là cô giáo Phạm Thị Hồng - giáo viên Trường PTTH Chu Văn An, huyện Văn Yên- người "truyền lửa" cho bao thế hệ học trò say mê và gặt hái "trái ngọt" từ môn Sử trong những năm qua.

“Tấc đất tấc vàng”, con đường Hoàng Văn Thụ đấu nối đường Phạm Văn Đồng kéo dài qua tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên sẽ vẫn mãi nhỏ hẹp nếu không có sự đồng thuận hiến đất của người dân. Trong đó, có vai trò quan trọng của các cựu chiến binh (CCB) hiến kế, hiến công, hiến của, hiến đất. Đặc biệt, trong số đó có CCB Nguyễn Công Luân, hội viên Chi hội CCB tổ 12, thị trấn Yên Thế, năm nay đã 93 tuổi.

Cách đây hơn chục năm, do quy trình canh tác không bảo đảm an toàn, nên sản phẩm chè tươi, khô của người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình tiêu thụ chậm, giá thấp, nhiều hộ chặt bỏ chè trồng các loại cây ăn quả có múi, khiến diện tích chè sụt giảm nghiêm trọng.