Trong căn nhà ở thôn 8, bà Lộc Thị Thì vừa chuẩn bị trang phục, nhạc cụ rồi liên lạc với một số thành viên Câu lạc bộ dân ca Tày xã Mường Lai thống nhất giờ tập trung tại nhà bà để cùng nhau luyện một vài làn điệu
khắp coọi.
Năm nay ở tuổi 61, nhưng bà Thì trông trẻ hơn tuổi. Có lẽ do tâm hồn được tưới mát bởi những làn điệu dân ca, điệu khắp. Gặp chúng tôi , bà Thì cởi mở: "Từ khi sinh ra đã được nghe tiếng hát ru của ông bà, bố mẹ. Bắt đầu nhận thức được thì tôi được bố là ông Lộc Hoàng Tinh truyền dạy lại các làn điệu. Khi lớn lên, được tham gia vào các đội văn nghệ của trường, của thôn và tự học. Đến nay, tôi đã có 45 năm thực hành di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống dân tộc Tày".
Vì thế, bà Thì không chỉ am hiểu về các loại hình văn hóa phi vật thể, thực hành thuần thục các làn điệu hát khắp coọi, lượn phongslư, lượn bụt, hát ví quan làng, hát then, hát ru dân tộc Tày, dân vũ của dân tộc Tày mà còn sưu tầm và dàn dựng các trích đoạn lễ hội của người Tày như: Lễ hội Kép Bióc, Lễ hội Lồng Tồng, mừng Khảu mảu, lễ đón dâu dân tộc Tày, Lễ mừng đầy tháng cho con của dân tộc Tày…
Bà Thì cho biết thêm: Vì am hiểu về các loại hình hát khắp coọi, hát ru dân tộc Tày…, năm 1982, tôi đã được Trưởng ban văn hóa xã mời truyền dạy hát khắp và múa bướm cho 8 bạn cùng trang lứa. Năm 2006, được thầy Hiệu trưởng Trường TH&THCS Mường Lai mời truyền dạy các làn điệu hát dân ca dân tộc Tày cho các cháu học sinh cấp I.
Mong muốn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình được bảo tồn và lan tỏa, từ năm 2005, bà Thì đã thường xuyên tham gia truyền dạy các điệu múa, làn điệu dân ca cho các đội văn nghệ quần chúng trong thôn, trong xã khi tham dự hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh; truyền dạy cho Câu lạc bộ phụ nữ "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” xã Mường Lai; tham gia lớp truyền dạy hát khắp Tày kết hợp dạy nhạc cụ dân tộc do Nhật Bản tài trợ; đồng thành lập và truyền dạy cho Câu lạc bộ dân ca Tày xã Mường Lai, Câu lạc bộ Tiểu thương xã Mường Lai…
Em Hứa Thị Huyền ở thôn 8, xã Mường Lai - một trong những học trò tiêu biểu của bà Thì, tâm sự: Với những tư liệu của mình sưu tầm được, bà Thì luôn nhiệt tình, trách nhiệm tổ chức truyền dạy những kỹ thuật của hát khắp cọi, lượn bụt, hát ví quan làng… Đơn cử như kỹ thuật hát khắp là khi lên giọng "ứ ơi” ngân dài rồi bắt vào lời hát luôn, còn hát coọi "ứ ơi ứ hợi” lên xuống để đủ độ ba nhịp mới bắt vào lời hát. Bà Thì rất hòa đồng, giỏi các điệu múa của dân tộc Tày, nhất là giỏi biên đạo các trích đoạn lễ hội truyền thống.
Nhiệt tình, tâm huyết với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bà Thì đã gặt hái được nhiều kết quả đáng trân trọng trong bảo tồn, lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa Tày. Năm 2022, bà Thì cùng bà
Nông Thị Kiệm thành lập Câu lạc bộ hát dân ca Tày xã Mường Lai và truyền dạy các làn điệu múa, các điệu hát dân ca Tày cho chị em trong Câu lạc bộ.
"Năm 1982, tôi đoạt giải xuất sắc toàn huyện tiết mục hát đơn ca Suối Lênin, Tiếng sáo bản em và Tình quân dân. Trong đó, tiết mục Tình quân dân được lựa chọn tham gia thi tại tỉnh Yên Bái” - bà Thì nhớ lại.
Trong 45 năm thực hành di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống dân tộc Tày, bà Thì đã đoạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh.
Bà cũng là người viết kịch bản, dàn dựng và trực tiếp làm diễn viên trong tiết mục đoạt giải A trích đoạn Lễ hội Lọng Khoăn năm 2005; giải A trích đoạn Lễ hội Tán Bióc năm 2007; giải A, Lễ hội Chầm mùa Khảu mảu năm 2023… tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục các dân tộc huyện Lục Yên.
Năm 2011, bà được lựa chọn tham dự và được tặng giấy khen tại Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam khu vực vùng núi phía Bắc. Năm 2022, bà được UBND xã Mường Lai trao giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong khoá học lớp truyền dạy hát khắp cọi dân tộc Tày huyện Lục Yên; năm 2023, xã Mường Lai trao giấy khen vì có thành tích xuất sắc tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục các dân tộc huyện Lục Yên lần thứ XIV.
Ông Hoàng Văn Hoạt - Bí thư Chi bộ thôn 8 cho biết: Bà Thì luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn. Am hiểu và biết hát khắp coọi, các điệu múa, các lễ hội truyền thống... nên mỗi khi thôn, xã có chương trình gì, bà Thì đều biên đạo múa và xây dựng các tiết mục văn nghệ cho thôn, xã.
45 năm chăm lo giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ như: khắp Tày, mừng Khảu mảu, lễ đón dâu dân tộc Tày và các lễ hội…, bà Lộc Thị Thì đã góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương.
"Với những đóng góp của mình trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật trình diễn dân gian, Lễ hội truyền thống dân tộc Tày, mới đây, bà Lộc Thị Thì đã có tên trong
danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái lần thứ III, năm 2024” - ông Triệu Văn Huấn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên cho biết.
Thành Trung