Người Yên Bái chở 32 tấn hàng, xúc từng lon gạo cứu trợ vùng lũ Quảng Bình

  • Cập nhật: Chủ nhật, 3/11/2024 | 8:03:28 AM

Nhìn thấy sự vất vả, nhọc nhằn của bà con vùng lũ Quảng Bình, người dân Yên Bái đã cùng quyên góp, chở hàng chục tấn đồ đi cứu trợ.

Những chuyến xe từ Yên Bái hướng về vùng lũ lụt Quảng Bình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Những chuyến xe từ Yên Bái hướng về vùng lũ lụt Quảng Bình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (Trà My), nhiều địa phương của Quảng Bình có mưa lớn, nước sông dâng cao gây ngập sâu, trong đó "rốn lũ" Lệ Thủy là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. 

Với tinh thần tương thân tương ái, bà con các tỉnh phía Bắc trong đó có Yên Bái đã hướng về vùng lũ lụt miền Trung bằng những chuyến xe nghĩa tình. 

Người Yên Bái chở 32 tấn hàng, xúc từng lon gạo cứu trợ vùng lũ Quảng Bình

Trên nhiều trang mạng xã hội, hình ảnh các chuyến xe chở hàng cứu trợ từ các tỉnh phía Bắc vào miền Trung với dòng chữ: "Đoàn Yên Bái đáp nghĩa miền Trung"; "Đoàn xe Yên Bái hướng về miền Trung thân yêu"... được chia sẻ nhận về hàng nghìn lượt yêu thích.

Bên dưới bài viết, hàng nghìn bình luận bày tỏ xúc động.

"Bắc, Trung, Nam là anh em ruột thịt, luôn yêu thương nhau nhất là lúc hoạn nạn. Yên Bái gặp lũ, miền Trung lên đường. Quảng Bình ngập, đồng bào Yên Bái sẻ chia, đáp nghĩa. Yêu lắm đồng bào chúng ta ơi. Chúc các đoàn xe bình an", tài khoản Linh Thai bình luận.

"Yêu thương lắm bà con Yên Bái, trân quý tình cảm đồng bào ruột thịt. Nhìn những hình ảnh này, tôi lại bật khóc. Miền Trung ơi cố lên", một cư dân mạng bày tỏ.

Trong số các bình luận, nhiều người dân sống ở Quảng Bình cũng bày tỏ lời cảm ơn từ tận đáy lòng.

"Thay mặt người dân Quảng Bình, chúng em xin cảm ơn người dân Yên Bái đã chung sức hỗ trợ để đoàn vượt qua khó khăn này. Chúc đoàn thượng lộ bình an", tài khoản Hoài Thắm chia sẻ trên mạng xã hội. 

Chuyến xe nghĩa tình chở 32 tấn hàng cứu trợ

Sau khi vượt quãng đường gần 700km, 18h ngày 1/11, chuyến xe chở 32 tấn hàng cứu trợ, xuất phát từ thành phố Yên Bái ủng hộ người dân vùng "rốn lũ" đã đến thôn Xuân Hội (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy).

Ô tô vừa dừng bên đường, cả nhóm thấm mệt nhưng anh Nguyễn Anh Tuấn và các thành viên quên cơn đói, dỡ hàng chục tấn hàng hóa rồi cùng nhau phân loại tới nửa đêm. Mọi việc hoàn thành khi kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới.

Người đàn ông quê Yên Bái tranh thủ chợp mắt một chút trước khi phối hợp với chính quyền địa phương, phát cho bà con lúc 8h sáng 2/11.

Số hàng hóa 32 tấn được chở từ Yên Bái gồm: Gạo, mỳ tôm, nước sạch, các loại thuốc men cơ bản... 

"Hàng cứu trợ được huy động từ các địa phương ở Yên Bái chỉ trong một ngày. Chúng tôi đóng gói xong lúc 12h đêm ngày 31/10, khởi hành lúc 4h ngày hôm sau, đến nơi sau hơn 12 tiếng di chuyển.

Tài xế nhận chở 32 tấn hàng miễn phí, còn tôi dùng xe 16 chỗ chở các thành viên tham gia đoàn cứu trợ. Xe 16 chỗ là phương tiện kinh doanh vận tải của gia đình, ở thời điểm này, việc cứu trợ được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi mong muốn giúp đồng bào lúc khó khăn để họ sớm ổn định cuộc sống", anh Tuấn cho biết.

Cách đây một tháng, gia đình anh Tuấn và nhiều thành viên trong nhóm thiện nguyện cũng bị nước lũ bủa vây, đồ đạc hư hỏng, tài sản tan hoang sau bão Yagi

Thời điểm đó, bà con miền Trung chắt chiu từng chiếc bánh chưng, túi gạo gửi ra miền Bắc cứu trợ. Từ trong gian khó, anh Tuấn và người dân nhiều địa phương của Yên Bái cảm nhận rõ hơn ai hết tình nghĩa đồng bào.

Khi nhìn người dân Lệ Thủy, Quảng Bình dầm mình trong nước lũ, anh Tuấn và mọi người không thể đứng nhìn.

Người Yên Bái chở 32 tấn hàng, xúc từng lon gạo cứu trợ vùng lũ Quảng Bình - 2
Căn nhà bị sập chỉ còn trơ nền của hai vợ chồng gần 70 tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong chuyến đi lần này, nhóm cứu trợ đến từ Yên Bái chứng kiến nhiều câu chuyện éo le ở Lệ Thủy.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Tuấn bày tỏ nỗi xót xa khi chứng kiến cặp vợ chồng già yếu gần 70 tuổi, nuôi hai đứa cháu ở xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bần thần nhìn nền nhà nằm trơ trọi sau khi chịu ảnh hưởng của bão số 6.

Trên nền xi măng, trước đây là căn nhà cấp 4 được xây dựng bằng mồ hôi và tiền bạc tích góp cả đời. Thế nhưng, thiên tai khốc liệt đã cướp đi tất cả.

Tài sản lớn bị mất trắng chỉ sau một đêm, họ đang cố gắng vớt vát những vật dụng lấm lem để gây dựng cuộc sống từ trong đổ nát. Hiện, cặp vợ chồng và 2 cháu sống tạm tại một căn nhà trong làng, nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng bà con hàng xóm..

Đoàn đã trao quà và tiền, động viên để hai cụ sớm vượt qua khó khăn hiện tại. Đến chiều 2/11, nhóm của anh Tuấn đã hoàn tất việc trao đồ cứu trợ và đang trên đường quay về Yên Bái.

Được biết, ít ngày tới, nhóm của anh Tuấn sẽ tiếp tục huy động 7-8 tấn hàng hóa, chuyển vào Lệ Thủy, Quảng Bình vì nhiều hộ gia đình đang cần giúp đỡ sau cơn lũ đi qua. 

Xúc từng lon gạo cứu trợ vùng lũ

Sáng 2/11, trước khi đi làm, anh Triệu Kim Hiếu (xã Tân Phượng, Lục Yên, Yên Bái) vào gian bếp của gia đình xúc đầy bao gạo. Người đàn ông cũng mua thêm một thùng mỳ tôm, cùng hàng xóm di chuyển bằng xe máy đi quyên góp ủng hộ đồng bào Quảng Bình.

Gần 2 tháng trước, khu vực anh Hiếu sinh sống cũng chịu ảnh hưởng do mưa bão, sạt lở sau bão Yagi. Ruộng nương, hoa màu bị thiệt hại nặng nề. Cả gia đình anh đang căng mình khắc phục hậu quả sau bão, trồng lại các loại cây lương thực, rau quả.

Người Yên Bái chở 32 tấn hàng, xúc từng lon gạo cứu trợ vùng lũ Quảng Bình - 3
Các túi hàng hóa được phân chia để chuyển tới bà con vùng lũ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những ngày qua, xem tin tức, anh Hiếu thấy nhiều vùng dân cư ở Quảng Bình ngập sâu trong nước, cuộc sống đảo lộn. Nghe tin tại trung tâm xã có đoàn thiện nguyện tiếp nhận quà cứu trợ, anh Hiếu không ngần ngại lấy gạo của gia đình mang tới quyên góp để mong phần nào hỗ trợ bà con miền Trung sau cơn lũ dữ.

Tiếp nhận gạo và mỳ từ anh Hiếu, đại diện nhóm Thiện nguyện Lục Yên - ông Nguyễn Văn Hưng (56 tuổi, ở tổ 7, thị trấn Yên Thế, Lục Yên) - cam kết sẽ chuyển tận tay những phần quà mà anh Hiếu và bà con nhân dân xã Tân Phượng quyên góp tới bà con Lệ Thủy, Quảng Bình.

Ông Hưng cũng cho biết, đến trưa ngày 2/11, ông cùng các thành viên trong nhóm Thiện nguyện Lục Yên vẫn tất bật chuẩn bị các suất quà cứu trợ để chuẩn bị cho chuyến hành trình về miền Trung vào buổi chiều cùng ngày.

"Sau bão Yagi, Yên Bái chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, sạt lở. Nhiều vùng ở xã Minh Chuẩn, Minh Xuân bị ngập sâu. Trong khó khăn, người dân Yên Bái nói riêng và người dân Lục Yên nói chung đã đón nhận tình cảm và sự trợ giúp về tinh thần, vật chất của đồng bào trên mọi miền trên cả nước. Chúng tôi rất biết ơn và xúc động với những nghĩa cử cao đẹp đó", ông Hưng nói.

Chính vì vậy, ngay khi biết tin lũ lụt diễn biến phức tạp ở Quảng Bình, người dân Lục Yên đã đồng lòng quyên góp ủng hộ gạo, mỳ tôm, áo phao, thuốc… tới bà con Quảng Bình. 

"Chúng tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện xúc động. Nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề sau lũ nhưng vẫn trích một phần gạo hay mua mỳ tôm đem tới ủng hộ. Những hành động ấy thể hiện tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" của người Việt", ông Hưng cho hay.

Ông Hưng cho biết, sẽ gác việc kinh doanh để cùng đoàn 6 người đi 1 ô tô con, 1 xe tải 8 tấn lên đường vào huyện Lệ Thủy, Quảng Bình trao quà từ thiện.

"Chúng tôi dự kiến phát khoảng 500-600 phần quà gồm gạo, mỳ tôm, áo phao, thuốc, tiền mặt tới bà con thuộc 2 xã ở huyện Lệ Thủy. Trước khi lên đường, chúng tôi đã liên hệ với đại diện mặt trận tổ quốc địa phương để nắm bắt tình hình và đảm bảo phát quà đúng nơi, đúng người cần nhận", người đàn ông 56 tuổi cho hay

Cả xã cùng ủng hộ bà con vùng lũ

20h tối 2/11, chuyến xe chở 4 tấn hàng cứu trợ của bà con xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) ủng hộ người dân Lệ Thủy, Quảng Bình bắt đầu lăn bánh.

Hoạt động quyên góp hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết như: Gạo, mỳ tôm, mỳ chính, dầu ăn... đã được phát động trên địa bàn xã từ ngày 30/11.

Chị Đỗ Phương, sống ở xã Báo Đáp, cho biết quyên góp cứu trợ bà con vùng lũ Quảng Bình là việc làm nối dài của chương trình "bếp ăn 0 đồng".

Người Yên Bái chở 32 tấn hàng, xúc từng lon gạo cứu trợ vùng lũ Quảng Bình - 4
Người dân xã Báo Đáp, Trấn Yên, Yên Bái quyên góp 4 tấn hàng hóa cho bà con vùng lũ miền Trung (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước đó, hồi đầu tháng 10, 20 hộ dân trong xã cùng góp thực phẩm, nấu bữa ăn 0 đồng mời các đoàn cứu trợ từ khắp mọi miền đất nước khi về với Yên Bái sau đợt mưa lũ do bão Yagi. Bếp ăn đỏ lửa suốt ngày trong 2 tuần lễ. Đó như là lời tri ân của người dân địa phương với các đoàn từ thiện trong lúc hướng về miền Bắc.

Trong mấy ngày vừa qua, khi biết tin nhóm của chị Phương tiếp nhận hàng cứu trợ bà con miền Trung, nhiều người già neo đơn và gia đình có hoàn cảnh khó khăn không quản ngại xa xôi, chở thùng mỳ tôm hay túi gạo bằng xe đạp đến điểm quyên góp. Họ mong muốn có thể góp một chút tấm lòng giúp bà con vùng "rốn lũ" có thêm bữa ăn ấm áp, sớm vượt qua tình cảnh hiện tại.

"Chúng tôi từng nhận sự giúp đỡ của người dân khắp mọi miền đất nước khi bị ngập sâu do lũ lụt. Bây giờ, bà con ở miền Trung khó khăn, ai là người Việt Nam cũng xót xa, thương cảm. Đó là động lực để chúng tôi thực hiện chuyến xe cứu trợ. Mỗi thùng mỳ, túi gạo, hàng hóa nhu yếu phẩm đều có tình cảm của người dân Yên Bái trong đó", chị Đỗ Phương chia sẻ.

(Theo Báo Dân Trí)





Các tin khác
Cán bộ xã Đại Lịch tham quan mô hình trồng cam của gia đình ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 (người thứ 3 từ phải sang).

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đồng đất xưa nay vốn chỉ quen với cây sắn, cây chè, ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả có múi với mức thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Thạc sỹ kỹ thuật Vũ Quốc Hưng hiện đang là Trưởng phòng Phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Cuối tháng 8 vừa qua, thạc sĩ Hưng là 1 trong 2 trí thức của tỉnh Yên Bái được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Đây là nhân tố phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh nhà với nhận thức mới, tư duy khoa học gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một tuyến đường trong thôn Đoàn Kết xanh, sạch, đẹp.

Tham gia công tác xã hội 10 năm, từng là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, rồi được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái dù ở cương vị nào, bà Nguyễn Thị Tâm cũng luôn nỗ lực hết mình với công việc được giao.

Hơn 1 tháng khi cơn bão số 3 đi qua, song những hình ảnh của các thành viên Câu lạc bộ thể thao nước Hồ Thác Bà lao vào dòng nước lũ cứu dân vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình. Hơn 3.000 người dân trong vùng ngập lụt cùng nhiều tài sản của nhân dân được đưa đến nơi an toàn là thành quả sau nhiều ngày ngâm mình trong nước lũ của các thành viên trong Câu lạc bộ – những chiến binh thầm lặng vì tính mạng của nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục