Trò chuyện bên vườn cây cảnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2011 | 9:01:44 AM

YBĐT - Là hội viên Hội Sinh vật cảnh Yên Bái, anh Thẩm cho biết, cái thiếu của nghề cây cảnh ở Yên Bái hiện nay là Hội mới chỉ tập hợp chủ yếu những người chơi cây cảnh chứ chưa có nhiều người vừa chơi vừa kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Thẩm chăm sóc cây cảnh.
Anh Nguyễn Văn Thẩm chăm sóc cây cảnh.

 Tết này, ai đi qua khu vực trung tâm Km 5 thành phố Yên Bái sẽ được ngắm khu triển lãm cây cảnh nghệ thuật rộng tới vài nghìn mét vuông liền kề Nhà thi đấu thể thao trung tâm tỉnh với các loại cây cảnh dáng thế tuyệt đẹp. Khu triển lãm này là một phần trong rất nhiều cây cảnh mà anh Nguyễn Văn Thẩm ở khu phố I, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) hiện có.

Anh Thẩm cho biết, từ thuở mới lớn, khi nhìn thấy những chậu cây cảnh có dáng thế đẹp thì anh đã mê ngay. Sau này, vì công việc làm ăn, anh đã đi đến tỉnh Nam Định và nhiều nơi khác trong cả nước và lại được biết thêm ở những nơi đó, có nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ nghề cây cảnh. Điều đó khiến anh luôn suy nghĩ, ở Yên Bái mình, đất rộng, nguồn cây, nhân lực sẵn có mà lại bỏ phí tiềm năng. Từ những trăn trở đó, anh quyết định thử sức với thú đam mê của mình.

Ban đầu, anh kiếm quanh rừng hoặc mua lại các loại cây có thể tạo thành cây cảnh mang về nghiên cứu tài liệu, học hỏi những người có kinh nghiệm để chăm sóc, tạo dáng, thế cho cây. Ngẫm lại, anh thấy mình có cái duyên như thể sinh ra để gắn bó với thú chơi này bởi vì những thể nghiệm ban đầu của anh đã đạt được những thành công nhất định. Vậy là anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất cây cảnh. Qua mối quan hệ bạn bè, anh về xuôi tìm các loại cây cảnh mà các làng nghề đã tạo phôi để mang về chăm sóc, nhân giống.

Kinh nghiệm và kĩ thuật chưa có, anh mời các chuyên gia dưới xuôi lên giúp đỡ và trả thù lao 500.000 đồng cho mỗi người một ngày. Đến nay, anh Thẩm đã có một lượng cây cảnh nghệ thuật giá trị gần hai chục tỷ đồng.

Cây cảnh của anh đã cung cấp rất nhiều cho miền xuôi, nhất là các công viên sinh thái ở các thành phố lớn hoặc làm khối lượng lớn theo đơn đặt hàng của đối tác từ Trung Quốc. Anh Thẩm tâm sự, nghề cây cảnh là nghề hái ra tiền và kinh tế càng phát triển thì nhu cầu chơi cây cảnh nghệ thuật sẽ càng lớn nên đầu ra không phải lo. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn Yên Bái vẫn đang để phí tiềm năng kinh tế này. Nhiều người vẫn cho rằng, nguồn cây để tạo nên cây cảnh ở Yên Bái rất hiếm nhưng thực tế, từ cây mít, nhãn, ổi, sung, si, sanh, đa, lộc vừng, duối, cần thăng, vạn tuế... đều sẵn, điều quan trọng là phải chịu khó, nhân được giống của các loại cây này để tạo phôi.

Có người lại bảo rằng, tạo một cây cảnh thật khó và công phu. Những băn khoăn đó đều đúng nhưng thực tế không khó đến mức như nhiều người vẫn tưởng. Bởi vì, trong vùng nông thôn hay ở nơi đô thị vẫn có nhiều người tạo được cây cảnh nghệ thuật. Tuy nhiên, vì không được trang bị những kiến thức cơ bản về trồng, chăm sóc, tạo dáng thế cho cây nên các tác phẩm chưa đạt như ý muốn.

Anh Thẩm chỉ vào một cây lộc vừng có gốc to gần bằng vỏ lon bia được uốn theo thế “bạt phong” trên một chiếc ang nhỏ có giá tới mấy triệu đồng. Một cành duối to hơn ngón tay cái đang được tạo thành thế “trực liên chi” có giá trên 1 triệu đồng... Hiện nay, xu hướng chơi các loại cây cảnh có dáng, thế kích thước nhỏ ở dạng bon-sai đang thịnh hành bởi ở đô thị, không gian chật hẹp nên bon-sai rất phù hợp.

Là hội viên Hội Sinh vật cảnh Yên Bái, anh Thẩm cho biết, cái thiếu của nghề cây cảnh ở Yên Bái hiện nay là Hội mới chỉ tập hợp chủ yếu những người chơi cây cảnh chứ chưa có nhiều người vừa chơi vừa kinh doanh. Sự trao đổi thông tin về chuyên môn, về hiệu quả kinh tế của nghề giữa các hội viên cũng hạn chế. Vùng nông thôn là môi trường phát triển tốt nghề này thì hầu như chưa có sự quan tâm nào. Cho nên, Hội Sinh vật cảnh nếu tìm được nguồn tài chính để mở các lớp tập huấn, mở rộng hội viên và hướng mạnh về nông thôn thì nghề này chắc chắn sẽ phát triển và tạo thêm thu nhập cho người dân.

Mong rằng, những tâm tư của anh Thẩm sẽ được Hội Sinh vật cảnh tỉnh, huyện cùng các cấp, các ngành quan tâm để khai thác tốt tiềm năng kinh tế này.

 H.N

Các tin khác
Mùa thảo quả ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.

YBĐT - Ông Lý A Lử ở bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải trở nên có tiếng từ khi ông phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc trồng cây thảo quả...

Đỗ Thị Giang Cẩm Chi giúp mẹ trông em.

YBĐT - Xóm làng, thầy cô và bạn bè ai cũng cảm phục cô bé Đỗ Thị Giang Cẩm Chi, học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình) tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Cẩm Chi vẫn nỗ lực vươn lên học giỏi.

Ông Vàng Sùng Hải chăm sóc đàn trâu của gia đình.

YBĐT - Đến thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) bà con ai cũng khâm phục cách vươn lên thoát nghèo của ông Vàng Sùng Hải.

Đặng Nho Vượng biểu diễn trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng.

YBĐT - Người con trai dân tộc Dao thường mang theo mình cây sáo Tồm Ông Dặt lên nương rẫy hay những lần vào bản chơi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục