Nữ đội trưởng an ninh người Mông “Hai giỏi”
- Cập nhật: Thứ hai, 28/2/2011 | 10:52:18 AM
YBĐT - Hình ảnh người phụ nữ Mông đẹp dịu dàng trong sáng mà ẩn sâu trong đó là nghị lực, bản lĩnh, sự thông minh tinh tế và nhạy cảm của người chiến sĩ an ninh đã làm tôi rung động. Sự kết hợp hài hoà đó khiến chị đẹp rực rỡ như bông hoa của núi rừng Tây Bắc.
Đôi mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ làm sáng bừng lên khuôn mặt của người con gái dân tộc Mông. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi được gặp và trò chuyện với chị Lý Hoàng Cung - Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Mù Cang Chải. Cách diễn đạt của chị thật mộc mạc, giản dị nhưng có sức lôi cuốn, hấp dẫn vô cùng đối với tôi bởi khi nghe chị nói chuyện, tôi cảm nhận đầy đủ sự chân thật, hồn nhiên. Nét hồn nhiên đặc biệt ấy, có lẽ thượng đế chỉ ưu ái ban tặng cho những người phụ nữ dân tộc Mông sống ở vùng Tây Bắc.
Sinh ra tại bản Háng BlaHa, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, từ nhỏ chị Cung đã gắn bó với núi rừng, với những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Nhà nghèo, đông anh em, cuộc sống thật khó khăn với bữa no, bữa đói… tất cả những điều đó vẫn không thể dập tắt được ước mơ cháy bỏng của chị đó là học lấy cái chữ để có cơ hội trở thành chiến sĩ công an. Hình ảnh các chú công an lặn lội sớm hôm cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với bà con dân bản luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, khiến cho chị vô cùng yêu quí và cảm phục. Đó cũng chính là động lực giúp chị thực hiện bằng được ước mơ của mình.
Hiểu được nỗi khát khao và ý chí quyết tâm của con gái, gia đình chị đã khắc phục mọi khó khăn để chị được theo học hết chương trình PTTH tại trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Chị Cung tâm sự: “Những ngày tháng xa gia đình, xa nương rẫy để đi học cái chữ, mình thấy thương bố mẹ nhiều lắm. Mỗi lúc như vậy, mình lại ngồi tính xem mỗi năm học mình tiêu hết mấy nương ngô của gia đình. Bên cạnh đó mình cũng rất tự hào, vì ở bản có mấy bạn được đi học cái chữ như mình đâu?
. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, với biết bao dự định cho bước đường học tập tiếp theo, nhưng có lẽ do cơ duyên và may mắn, chị đã được Công an tỉnh lựa chọn và tuyển dụng đặc cách vào làm phiên dịch tiếng Mông tại phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh. Trong quá trình công tác, biết mình còn non nớt về tuổi nghề và tuổi đời nên chị đã cố gắng miệt mài, nghiên cứu học tập những người đi trước để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quá trình phấn đấu và kết quả công tác của chị còn cho thấy, bên cạnh khẳ năng và vốn kiến thức phiên dịch tiếng Mông rất chuẩn, ở chị còn hội tụ đầy đủ tố chất của một người làm công tác an ninh, một lĩnh vực mà không phải ai cũng có thể làm tốt được. Năm 2002, với nguyện vọng được học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chị được ban Giám đốc Công an tỉnh đồng ý cho đi học lớp Đại học An ninh hệ vừa học vừa làm. Năm 2007, tốt nghiệp ra trường, chị trở về công tác tại Công an huyện Mù Cang Chải. Lòng nhiệt huyết cùng với những kiến thức nghiệp vụ được học trong trường đã giúp chị có đủ tự tin và cơ sở để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 2009, Chị đã được bổ nhiệm chức danh Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Mù Cang chải. Trong câu chuyện của chị tôi hiểu, bên cạnh niềm tự hào về những gì đã làm được, trong chị vẫn còn ẩn chứa những nỗi niềm của một phụ nữ khi phải gánh vác trách nhiệm của một người đội trưởng.
Là phụ nữ Mông được sinh ra và lớn lên ở huyện Mù Cang Chải, nơi có tới hơn 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống nên mọi phong tục, tập quán của đồng bào Mông chị đều hiểu rất sâu sắc. Sự nhạy cảm của một chiến sĩ an ninh cùng với kiến thức đã được học cũng luôn giúp chị nắm bắt và hiểu rõ diễn biến tâm lý, tình cảm và từng hành động cụ thể của người Mông. Điều đó rất thuận lợi cho việc tiếp xúc, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giải thích cho đồng bào về những chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Với đặc thù công việc thường xuyên phải xuống cơ sở, những xã xa xôi nhất của huyện, chị phải lo thu xếp mọi công việc gia đình một cánh chu đáo rồi thuyết phục chồng và hai bên nội, ngoại trông nom hai cháu giúp để mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có lẽ sự chịu thương, chịu khó - một đức tính đặc trưng của người phụ nữ Mông đã giúp chị vượt qua tất cả. Với chị đó chỉ là những khó khăn mang tính chủ quan mà chị có thể thu xếp được vì còn có những khó khăn mang tính khách quan, khiến chị phải dày công khắc phục.
Đó chính là nếp nghĩ “Trọng nam khinh nữ” của số đông đồng bào Mông, nếp nghĩ đó đã trở thành quan niệm của họ. Khi gặp trường hợp như vậy, chị tự nhủ mình phải thật bình tĩnh để phân tích, giải thích. Đôi khi chị phải áp dụng cả vai trò tuyên truyền về bình đẳng giới trong thời đại hiện nay cho họ hiểu. Qua nhiều lần phân tích, với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” đồng bào đã hiểu và thay đổi hẳn cách nghĩ về chị, tích cực giúp đỡ để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Công an huyện Mù Cang Chải, chúng tôi nhận thấy rõ nét nhất đó là sự tự hào về một cán bộ nữ người Mông “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Các anh cho biết trong quá trình công tác từ năm 2000 đến nay, chị Lý Hoàng Cung liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến. Chị cũng là một phụ nữ tiêu biểu xuất sắc duy nhất của Công an tỉnh Yên Bái được đi dự Hội nghị tuyên dương phụ nữ xuất sắc của ngành Công an.
Mùa Xuân này lại thêm một niềm vui mới đến với chị đó là chị đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh duyệt qui hoạch chức danh Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải. Tất cả thành tích mà chị đã đạt được trong những năm qua chính là cơ sở để khẳng định chị là một chiến sĩ công an hết lòng tận tuỵ với công việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
Nguyễn Thị Hồng
Các tin khác
YBĐT - Chị Phạm Thị Xuân ở tổ 10, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) sinh năm 1962, quê ở Hưng Yên là nơi có những làng nghề buôn bán sắt vụn lớn.
YBĐT - Tên anh là Bùi Khắc Sơn nhưng mọi người vẫn gọi anh là A Sơn, anh cũng tự xưng tên mình như thế bởi theo anh, “A Sơn” nghe gần gũi, thân mật giống như A Páo, A Khay, A Khua... trong làng, trong bản vậy.
YBĐT - Chị là Nguyễn Thị Thanh Vân, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học phổ thông miền Tây nằm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Xuân Tân Mão này, ông Ngô Triệu Huy - Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) bước vào tuổi 90. Ông Huy cùng gia đình luôn là tấm gương điển hình trong việc thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư.