Người lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc Tày

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2011 | 3:07:30 PM

YBĐT - Âm thầm, lặng lẽ với mong ước gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc Tày, Hoàng Tương Lai đã và đang góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày, làm cho chúng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Đang tải video về hoặc trình duyệt không hỗ trợ

Từ tình yêu văn hóa truyền thống...

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn cổ, ông Lai với đôi mắt tươi cười và cách nói chuyện hóm hỉnh rất có duyên đã say sưa kể về những làn điệu dân ca của dân tộc Tày. Nói đến làn điệu nào, ông lại minh chứng bằng giọng hát của mình để thể hiện làn điệu đó. Giọng ông vang, ấm quyện với âm thanh của cây đàn tính như mạch nguồn dân tộc làm lay động sâu thẳm trái tim mỗi con người.

 

Là con trai của nhà văn dân tộc Tày nổi tiếng Hoàng Hạc, nên Hoàng Tương Lai đã thừa hưởng cái “máu” văn chương, chất hóm hỉnh từ người cha và đắm say trong những điệu hát khắp, hát cọoi, hát phong sjư... hay lời ngâm Khảm hải của mẹ  từ thủa nhỏ. Bởi thế mà hồn văn hóa dân tộc Tày luôn âm ỉ cháy, như dòng máu nóng đầy nhiệt huyết chảy trong con người ông.

Hoàng Tương Lai đắm say với các làn điệu của dân tộc Tày từ thủa nhỏ.

 

Say với hồn dân tộc nên cứ lúc nào rảnh rỗi là ông lại tìm gặp những cụ cao niên trong thôn, trong xã và các xã lân cận để sưu tầm các làn điệu và tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Biết ông là người thực sự đam mê những làn điệu dân tộc Tày, nên đi đến đâu ông cũng được các cụ truyền dạy, cung cấp những tư liệu về các điệu hát khắp, then, coọi, phong sjư, khảm hải với đa dạng đề tài về tình yêu đôi lứa, ca ngợi bản làng, quê hương, đất nước… Mỗi lần như thế ông lại ghi chép, chỉnh sửa những làn điệu đó, rồi dịch từ tiếng Tày sang tiếng phổ thông cho hoàn chỉnh, mượt mà hơn. Những gì ghi chép lại được ông quý trọng và nâng niu lắm, ông bảo đó chính là những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

 

Đến gìn giữ và truyền lại cho đời sau

 

Ông say lắm, say với các điệu hát của dân tộc mình. Nhưng ông luôn trăn trở và lo lắng một điều rằng, sau này, khi “lá rụng về cội” thì không biết lớp trẻ có còn yêu và nối tiếp truyền thống đàn, hát các làn điệu dân ca của dân tộc Tày nữa không, hay là sẽ chạy theo làn sóng nhạc trẻ và lãng quên đi hồn cốt của dân tộc? Với suy nghĩ đó, ông quyết tâm truyền ngọn lửa đam mê các làn điệu của dân tộc Tày cho lớp con cháu, để sau này hồn dân ca dân vũ truyền thống của dân tộc mình sẽ không bị mai một.

Ông truyền ngọn lửa đam mê của mình sang thế hệ trẻ...

 

Nghĩ là làm, ông thường dạy cho các cháu trong xã những điệu hát truyền thống vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Suy nghĩ của ông đã đánh thức hồn cốt dân tộc trong mỗi người và lớp học hát do thầy Lai dạy ngày càng đông hơn, rất nhiều em học sinh mong muốn được thầy Lai dạy hát.

 

Em Nông Việt Quỳnh – thôn Yên Mỹ tâm sự: “Ông Lai hát hay lắm, mỗi khi ông cất tiếng đàn, tiếng hát lên, chúng em nghe mãi không chán và rất thích được ông truyền dạy. Ông nói về ý nghĩa của từng điệu hát, giúp chúng em hiểu hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình ”. Và khi được ông Lai dạy hát các em không chỉ hát hay, đúng làn điệu mà còn mang về những giải thưởng cao. Em Nông Chung và em Quỳnh Anh là hai học trò của ông  đã đoạt giải nhất và giải ba tại Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc lần thứ III – 2007 được tổ chức tại Cao Bằng. Với ông Lai thì đó là món quà vô giá bởi lớp trẻ đã hiểu, yêu thích và kế tục nghệ thuật dân ca của dân tộc do ông dày công sưu tầm, vun đắp.

 

Niềm vui lớn nhất của ông là mỗi ngày được hát những làn điệu của dân tộc

 

Ông cho biết: “Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là mỗi ngày được hát những làn điệu tôi yêu thích. Tôi mong sẽ góp được một phần công sức vào việc gìn giữ những giá trị văn hoá của dân tộc để làm sao những lời  hát, câu then mà tôi đã nghiên cứu, sưu tầm, tất cả được truyền lại cho con cháu, để thế hệ mai sau mãi lưu giữ tinh hoa văn hoá của dân tộc Tày”.

 

Âm thầm, lặng lẽ làm công việc mình yêu thích với tất cả sự nỗ lực, mong ước gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc Tày, ông Hoàng Tương Lai đã và đang góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày, làm cho chúng trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

“Chẳng vội gì ngày việc

Chẳng tiếc gì ngày công

Ngày việc anh sẽ đỡ

Ngày công anh xin làm

Em cứ ở lại thăm

Bản mường anh vậy đó...”

Những làn điệu dân ca Tày cất lên tha thiết mời gọi, như muốn níu giữ chân người ở lại... để say với núi, với rừng .. với người Tày Xuân Lai...

 

Là hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, Hoàng Tương Lai không chỉ hát hay mà còn là nhà văn, nhà thơ, một cây bút sắc được khẳng định qua nhiều tác phẩm đạt giải thưởng, như tập hồi ký : Những ngày ở cánh đồng Chum  - xuất bản năm 2000 được Hội nhà văn Việt Nam và Hội hữu nghị Việt – Lào trao giải khuyến khích; nhiều tác phẩm văn học của ông đã được tỉnh Yên Bái trao giải thưởng và đánh giá cao. Cùng với đó, trong liên hoan tiếng hát truyền hình Việt Nam ông đã ghi tên và giật liền mấy giải thưởng lớn như huy chương vàng trao cho tiết mục hát Khảm hải tại hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 2005; giải B liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc lần 2, giải nhì hát then trong liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc năm 2007...

 

Thanh Chi

Các tin khác
Trần Văn Cư trao đổi bài với các bạn.

YBĐT - Tuổi thơ của Trần Văn Cư, học sinh lớp 9, Trường THCS xã Hán Đà (Yên Bình) quá đỗi thiệt thòi bởi mới vào lớp 1 thì bố em qua đời.

Anh Nguyễn Văn Thu - Bí thư Đoàn thanh niên xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là một cán bộ Đoàn năng động, đầu tầu gương mẫu trong hoạt động công tác. Anh Thu còn tích cực thực hiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên trao đổi với già làng, trưởng bản tại Hội nghị biểu dương già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

YBĐT - Có đến tận nơi, chứng kiến cuộc sống của người dân thôn Khe Đĩa và thôn Đam II xã Lang Thíp (huyện Văn Yên) mới thấu hiểu được vai trò của già làng Giàng Quán Dín trong nhiều năm qua.

YBĐT - Qua lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố, chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Biên ở thôn Châu Giang 1 xã Âu Lâu. Anh được bà con trong thôn quý mến không chỉ bởi tính tình cởi mở, gần gũi mà anh còn là người làm kinh tế giỏi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục