Người thương binh giàu nghị lực
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/7/2011 | 9:28:53 AM
YBĐT - Thương binh Lê Ngọc Châu là một tấm gương tiêu biểu trong các phong trào của thôn, của xã và cộng đồng giáo dân. Không những thế, ông còn đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình, hội viên cựu chiến binh.
Thương binh Lê Ngọc Châu đang chăm sóc đàn lợn thịt của gia đình.
|
Từ trung tâm xã Minh Quân (Trấn Yên), chúng tôi vượt gần 7 km đường đất trơn trượt đến thôn Ngọn Ngòi. Anh Nguyễn Hữu Sự - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã chỉ tay về phía ngôi nhà xây 2 tầng thấp thoáng sau những hàng cây nói: “Nhà ông Lê Ngọc Châu, thương binh hạng 1/4 đó, đẹp và khang trang nhất thôn đấy!”.
Bước vào nhà ông Châu, một không khí vui tươi phấn khởi tràn ngập. Bên chiếc bàn uống nước, vợ và con ông đang kiểm lại những xếp tiền vừa bán được một lứa lợn. Chúng tôi cùng ông Châu ra khu chăn nuôi lợn gặp cánh lái buôn đang dùng chiếc rọ sắt bắt những con lợn thịt đưa lên bàn cân. Cả thảy cũng được hơn 1 tấn lợn hơi.
Ông Châu nhẩm tính: “Với giá lợn hơi cao như hiện nay 54 triệu đồng/ một tấn lợn hơi, trừ chi phí về giống, thức ăn chăn nuôi, lứa lợn này gia đình ông có lãi khoảng mười tám triệu đồng”. Có năm gia đình ông xuất chuồng trên 26 tấn lợn hơi, 2 tạ lợn giống, thu lãi trên 80 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi lợn, ông Châu còn đầu tư 2 ao cá diện tích hơn 2 ha, mỗi năm thu khoảng 60 triệu đồng từ tiền bán cá.
Hiện gia đình đã phát triển được 15 ha cây lâm nghiệp, bình quân mỗi năm thu hoạch trên 150 m3 gỗ, trị giá trên 70 triệu đồng. Gia đình ông còn sản xuất lúa, tăng gia trồng sắn xen đất lâm nghiệp, nuôi gia cầm.
Tổng thu nhập mỗi năm trừ chi phí gia đình thu về từ 200 - 250 triệu đồng, bảo đảm mức sống khá trong khu vực. Ông Châu tâm sự: “Xuất phát từ kinh tế gia đình khó khăn, hàng năm thiếu ăn từ 3 - 4 tháng, trong khi đất đồi bỏ hoang, tôi quyết tâm tìm cách xóa đói nghèo”. Và rồi, cảnh tượng một thương binh cụt 1/3 cẳng tay dưới vẫn nâng cán cuốc phát đồi lau trồng sắn, đào ao thả cá khiến nhiều người trong xã, trong thôn hết sức khâm phục. Đó là tinh thần người lính biết vượt qua trở ngại mở hướng thoát nghèo cho gia đình, đồng đội.
Năm 1991, gia đình ông được vay 1,7 triệu đồng tiền vốn, được hỗ trợ giống trồng rừng theo Chương trình 327, ông Châu đã đứng ra lập tổ vay vốn tín chấp với 23 hộ hội viên trồng được tổng cộng 74 ha rừng.
Cây lâm nghiệp đã phát triển nhưng đầu ra không có, ông Châu lại vất vả lên huyện, lên tỉnh để tìm mối tiêu thụ và được cấp phép bán cho Công ty Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) mỗi năm 500 tấn cây nguyên liệu. Có nơi tiêu thụ anh em hội viên trong tổ tín chấp phấn khởi trồng và phát triển cây lâm nghiệp, đời sống các gia đình ngày một đi lên. Hiện nay, hội viên trong Chi hội Cựu chiến binh không còn hộ nghèo và cận nghèo.
Được giáo dục, rèn luyện từ nhỏ và trải qua quân đội nên ông Châu luôn phát huy được truyền thống tốt đẹp quí báu đó. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, cụ thân sinh ông Châu đã từng tham gia Đội du kích Âu Cơ. Tháng 4/1968, ông Châu lên đường nhập ngũ thuộc Sư đoàn 304a chiến trường Nam Lào. Ông bị thương do hỏa lực cối của địch tại cao điểm 723 Quảng Trị vào tháng 2 năm 1971. Tay phải ông bị dập nát, cụt 1/3 cẳng tay dưới, tay trái cũng mất một ngón và một vết thương nhẹ vùng chẩm gáy.
Sau thời gian điều trị vết thương, đến tháng 8/1974 ông Châu xuất ngũ trở về địa phương. Tuy sức khỏe bị giảm sút nhưng thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” và bằng ý chí, nghị lực của bản thân ông đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Mới đầu, được sự ủng hộ của gia đình, ông Châu mở lớp dạy học vỡ lòng cho các cháu trong thôn.
Từ năm 1975 đến 1979, ông tham gia hội đồng nhân dân xã. Không quản ngại công việc của thôn, của xã, ông Châu tiếp tục tham gia đảm nhiệm Phó ban Thanh tra nhân dân xã và nhiều năm là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Ngọn Ngòi.
Ở cương vị nào ông Châu cũng hăng hái tích cực hoạt động, được mọi người tin tưởng. Nhiều khi trời mưa, đường lầy lội ông vẫn tận tình đi bộ từ nhà ra xã kịp thời triển khai công việc. Nhờ đó, Chi hội Cựu chiến binh của thôn nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, 100% gia đình hội viên đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Họ giáo Bình Trà do ông làm Trưởng ban luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách tôn giáo ưu việt của Đảng.
Giáo dân Bình Trà luôn đoàn kết giúp đỡ nhau, sống tốt đời đẹp đạo. Biết tin anh Nguyễn Văn Quân, giáo dân nghèo có con bị mổ tim, ông đã vận động trong họ giáo ủng hộ được 4,7 triệu đồng giúp cháu qua cơn hoạn nạn. Ông còn quan tâm xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học bằng việc động viên con cháu tích cực học tập nâng cao trình độ phục vụ đất nước nên các con ông đã trưởng thành tham gia làm cán bộ xã và huyện.
Những năm gần đây, ông Châu còn ủng hộ quỹ khuyến học của xã mỗi năm 300.000 đồng nhằm góp phần nhỏ bé động viên các cháu học sinh nghèo ở địa phương có thành tích học tập tốt.
Ông Bùi Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Quân bộc bạch: “Thương binh Lê Ngọc Châu là một tấm gương tiêu biểu trong các phong trào của thôn, của xã và cộng đồng giáo dân. Không những thế, ông còn đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình, hội viên cựu chiến binh”.
Với những nỗ lực đó, thương binh Lê Ngọc Châu được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2004- 2009 và được Đảng bộ huyện Trấn Yên tặng giấy khen tấm gương điển hình “Dân vận khéo” và nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Cựu Chiến binh tỉnh, của UBND huyện, xã.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Nụ cười hiền hậu, ánh mắt trìu mến của cô giáo Đỗ Thị Mai Lê, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Bình khiến câu chuyện giữa chúng tôi trở nên cởi mở.
Trần Thị Lan, sinh viên Lớp Kế toán sản xuất, kinh doanh K29C, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Yên Bái vừa vinh dự nhận "Giải thưởng Trần Văn Ơn" năm học 2010 - 2011.
YBĐT - Ông Tuấn một người năng động, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng với công việc và có tác phong làm việc một cách rất khoa học. Đó là lời nhật xét của cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân ở khu phố Tân Trung 1, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái khi nói về ông Nguyễn Quốc Tuấn, hiện đang là Bí thư chi bộ Tân Trung 1.
YBĐT - Thật hiếm gia đình nào có tới 3 thế hệ viết văn, gắn bó sâu sắc với quê hương xứ sở và có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Yên Bái như gia đình Hoàng Hạc.