Với địa bàn tỉnh Yên Bái, qua công tác kiểm tra của cơ quan chức năng trong năm 2017 đã phát hiện những tồn tại trong thực hiện ATTP. Một số cơ sở kinh doanh thực phẩm vẫn còn các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn như: phụ gia, hương liệu thực phẩm, tăm cay, gà cay, hạt hướng dương, bánh kẹo các loại... hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn về nhãn mác với số lượng nhỏ.
Cụ thể, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra trên 6.000 lượt cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, sản xuất dụng cụ, vật liệu trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh rượu, đã phát hiện nhiều vi phạm nhưng chủ yếu là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, con người, ghi nhãn mác, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Đã có 143 cơ sở bị xử phạt, đình chỉ 2 cơ sở, tiêu hủy 119 loại sản phẩm… Tại một số điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực diễn ra lễ hội vẫn còn hàng quán tự phát, kinh doanh các loại thực phẩm ăn nhanh như bánh mì, xúc xích, giò, nước mía, các loại hoa quả dầm, kem phục vụ nhu cầu của du khách chưa được kiểm soát.
Thực phẩm không có tủ kính che đậy, người chế biến không đeo găng tay... Mặc dù năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 56 người mắc phải nhập viện, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm, giảm 88,9% so với cùng kỳ về số vụ, 90,2% về số người mắc và đặc biệt không có trường hợp tử vong, nhưng không vì thế mà các cấp, các ngành chủ quan lơ là về công tác ATTP, nhất là dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu xuân 2018.
Để bảo đảm các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng khi lưu thông tiêu thụ trên thị trường; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua đường thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018, các cấp, các ngành trong tỉnh trước hết cần thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh về đảm bảo ATTP dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018; đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đối với người tiêu dùng thực phẩm. Trong đó, các phương tiện thông tin đại chúng dành nhiều thời gian thời lượng chuyển tải thông điệp "ATTP tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018”; truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, nông nghiệp - phát triển nông thôn, các ban, ngành, đoàn thể với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo...
Cần huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức cá nhân, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động tuyên truyền đảm bảo ATTP tết và mùa lễ hội xuân 2018.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành và các cơ quan, lực lượng chức năng cần triển khai các hoạt động thanh kiểm tra liên ngành ATTP nhằm đánh giá công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ATTP của các cấp, các ngành từ tuyến tỉnh, huyện đến xã; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán và trong các lễ hội, những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm ATTP.
Khi phát hiện vi phạm phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có vi phạm khác lưu thông trên thị trường. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm, giúp mọi người, mọi nhà vui tết đón xuân vui tươi, an toàn.
Thành Trung