Xử lý tại gốc để chống khai thác buôn bán lâm sản trái phép

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong năm 2006, lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã phát hiện và xử lý 573 vụ vi phạm Lâm luật, tịch thu 367 m3 gỗ các loại, 176 kg động vật rừng, xử phạt hành chính nộp ngân sách trên 1.466 triệu đồng. Tuy đã có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương song tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trái phép ngày một gay go, khốc liệt hơn, nó được ví như một vấn nạn. Vậy làm gì để chặn đứng?

Nếu không quản lý rừng tại gốc thì tình trạng phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép sẽ tiếp tục diễn ra.
Nếu không quản lý rừng tại gốc thì tình trạng phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép sẽ tiếp tục diễn ra.

Tại hội nghị về công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2007, ông Nguyễn Quang Vinh - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái bức xúc: "Tình trạng chặt phá rừng, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép ngày một tinh vi hơn, phức tạp hơn. Tình trạng chống người thi hành công vụ ngày một gia tăng và trắng trợn hơn. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để qua mặt các cơ quan chức năng. Nếu chỉ riêng lực lượng kiểm lâm thì không đủ sức quản lý hết mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở".

 

Rõ ràng việc khai thác buôn bán lâm sản trái phép vẫn diễn ra lúc âm thầm, lúc sôi động, nhất là vào những ngày giáp tết Nguyên đán này. Đây cũng là thời điểm nông nhàn, bà con thường lên rừng khai thác gỗ, tự giải quyết việc làm lại có tiền tiêu trong dịp tết. Đó cũng có thể là lý do làm tình trạng chặt phá rừng ngày một tăng!

 

Qua tiếp xúc và đi thực tế tại các địa phương cho thấy, trên địa bàn cả tỉnh chỗ nào cũng có rừng và nhiều chủng loại gỗ quý, nhưng việc khai thác chặt phá diễn ra mạnh nhất là huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên. Nói chung vậy nhưng mỗi huyện cũng chỉ một vài xã trọng điểm như: Trạm Tấu chủ yếu ở xã Làng Nhì, Túc Đán, Bản Công, Bản Mù; Văn Chấn có khu Vực Tuần, các xã Nậm Búng, Gia Hội; Văn Yên có Phong Dụ Thượng; Mù Cang Chải có Nậm Có; Trấn Yên có Việt Hồng, Hồng Ca. Thị xã Nghĩa Lộ chỉ là nơi tiêu thụ, trung chuyển từ các khu vực khác đổ về. Trong khi từ huyện đến xã đều có cả hệ thống chính quyền cơ sở rồi kiểm lâm viên phụ trách sao vẫn cứ để xảy ra tình trạng này? Kiểm lâm, chính quyền xã, huyện có biết không? Nói không biết thì thật là vô lý!.

 

Chẳng nói đâu xa, ngay xã Việt Hồng (Trấn Yên) có khu rừng nằm trong khu di tích chiến khu Vần đã được giao cho 8 hộ dân quản lý bảo vệ, rừng nằm ngay sát UBND xã, Trạm Kiểm lâm vậy mà rừng vẫn bị khai thác ngang nhiên. Chỉ đến khi có sự lên tiếng của cơ quan báo chí thì ngành chức năng mới đi kiểm tra và phát hiện hàng loạt cây gỗ quý đã bị chặt hạ và thu giữ được 146 m3. Trách nhiệm chủ rừng, chính quyền cơ sở và kiểm lâm viên ở đâu? Rồi ở xã Nậm Có (Mù Cang Chải), Túc Đán (Trạm Tấu)... ngày ngày vẫn có hàng đoàn ngựa thồ lên núi để vận chuyển gỗ từ rừng về. Người ta còn mở cả những quán bán hàng với đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm để phục vụ "lâm tặc". Có cả việc "lâm tặc" cướp súng của kiểm lâm, dùng súng bắn thẳng vào kiểm lâm mà vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật!. Ông Nguyễn Trung Lợi - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nói: '' Để hạn chế việc khai thác, chặt phá rừng, chúng ta không chỉ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, bìa rừng, không chỉ bắt và tịch thu riêng các phương tiện giao thông; việc dùng ngựa vận chuyển gỗ cũng là trái phép nên chúng ta phải tịch thu cả ngựa, ngựa đang là phương tiện vận chuyển gỗ "tốt nhất" và cũng là trợ thủ đắc lực cho việc phá rừng ở vùng cao hiện nay".

 

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2007, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: "… Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chuyên trách (công an, bộ đội, kiểm lâm, quản lý thị trường) cùng ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét, xử lý các cá nhân, tổ chức phá rừng ngay trên địa bàn thuộc phạm vi địa phương mình quản lý; kiên quyết xử lý triệt để, nghiêm minh những kẻ chủ mưu, chống đối người thi hành công vụ và cơ quan chức năng theo pháp luật của Nhà nước. Trên địa bàn huyện nào, xã nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển sử dụng lâm sản trái phép thì chủ tịch UBND huyện, xã và kiểm lâm viên xã đó phải chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành".

 

Quản lý giữ rừng tốt phải quản lý giữ rừng tại gốc. Trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 6 xã được xác định  là trọng điểm, khai thác chặt phá rừng. Có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chỉ cần quản lý tốt rừng ở 6 xã này là tình trạng khai thác buôn bán lâm sản sẽ giảm 70%! Vậy tại sao chúng ta không làm ngay và làm chặt chẽ, làm mạnh ở những trọng điểm này?

 

Ngọc Trúc

Các tin khác
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Nhằm từng bước xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, nhất là đối với các đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, trong những năm qua bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng, hàng ngàn công trình, cơ sở hạ tầng nông thôn và nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp, cuộc sống người dân, nhất là đồng bào vùng cao đã có nhiều đổi thay, cái đói, cái nghèo đang từng năm khép lại.

YBĐT - Ngày 25-1-2007, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2007 và công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Cần nuôi nhốt trâu bò để ngăn chặn dịch lở mồm long móng lây lan. (Ảnh: Q.K)

YBĐT - Sau một thời gian khá dài tạm lắng thì trong những ngày trung tuần tháng 1-2007, dịch lở mồm long móng (LMLM) lại bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh làm trên 75 con trâu, bò mắc bệnh ở 3 xã thuộc huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Ngay sau khi phát hiện dịch, các xã, huyện, cơ quan chuyên môn đã khoanh vùng dập dịch, phun thuốc khử trùng, tiêm vác xin phòng dịch toàn bộ gia súc vùng lân cận. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch ở nhiều nơi còn rất lơ là, chủ quan, có nguy cơ để dịch bùng phát trên diện rộng.

YBĐT - Chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007. Ở thành phố, đã thấy bày bán hàng Tết; những người thợ đã chỉnh trang điện đèn, trồng thêm cây, ươm thêm hoa làm đẹp cho thành phố; trên hè phố, đã bày bán nhiều tranh Tết, hoa Tết; nhiều nhà đã bàn tính mua hàng Tết... Tóm lại, không khí Tết đang về.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục