Khai thác, kinh doanh nước sinh hoạt đô thị: Vì sao hiệu quả chưa cao?
- Cập nhật: Thứ tư, 11/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Một nhà máy nước công suất 11.500 m3/ngày đêm chỉ khai thác khoảng 1/3 công suất; tỷ lệ thất thoát nước ở mức vài chục phần trăm; 2/3 số dân ở thành phố vẫn sử dụng nước giếng đào, nhiều nơi ô nhiễm; nhu cầu thì đã đến lúc cấp thiết nhưng chưa ai đưa thông tin và dịch vụ đến cho họ. Còn nhiều bất cập và có cả những “lỗ hổng” trong quản lý, kinh doanh nước sinh hoạt đô thị cần được khắc phục...
Những chiếc công tơ đo nước như thế này đang chờ cơ quan chức năng kiểm định. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
“Bài ca” đường ống…
Hãy hình dung, trên 1/3 khối lượng nước sinh hoạt từ nhà máy đưa về thành phố đã tan biến vào lòng đất.
Tỷ lệ thất thoát nước, theo báo cáo của Công ty Cấp nước Yên Bái là 36%, tỷ lệ này 5 năm trước là 50%, đã có tiến bộ nhưng vẫn cao hơn bình quân của cả nước tới 6%. Dự án Nhà máy nước Yên Bái-Yên Bình được đầu tư bằng vốn vay nước ngoài (tổng kinh phí 75 tỷ đồng) là dự án lớn nhất về nước sinh hoạt mà tỉnh Yên Bái triển khai từ trước tới nay. Tuy nhiên, do hạn hẹp về ngân sách, mà địa phương chỉ có thể đầu tư xây dựng nhà máy, đường ống cấp I, còn mạng lưới đường ống phân phối chưa đầu tư đồng bộ. “Chúng tôi đang quản lý, khai thác nước sinh hoạt qua một hệ thống, mạng lưới đường ống đã cũ nát. Có tới 25 km đường ống cấp I, cấp II đã sử dụng từ hơn 20 năm. Có những đoạn chuyển từ Nhà máy nước Lào Cai về từ năm 1979”- Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Văn Hậu giãi bày. Mạng lưới đường ống chưa được đầu tư đồng bộ, cũ có, mới có, đã gây mất cân bằng về áp lực, xảy ra tình trạng rò rỉ. Đã có nơi, đường ống cũ không chịu được áp lực, nổ ống, nước tràn lên cả mặt đường. Không chỉ thế, với đường ống cũ, công nghệ sản xuất lạc hậu, người ta thường dùng xi măng gắn kết hai đầu bát ống, qua vận hành, xi măng vỡ, nước qua đó cũng rò rỉ thất thoát rất lớn…
...Và công tơ nước
30% số dân thành phố Yên Bái đang dùng nước máy. Tất cả các đường nước phân phối đều gắn công tơ. “Tất cả công tơ Công ty cung cấp đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định phù hợp. Khách hàng có thể tự mua, miễn là phải bảo đảm chất lượng và qua kiểm định!”- những cán bộ có chức trách cho biết như vậy. Thế nhưng, theo quy định, 5 năm phải kiểm định lại công tơ, vậy mà đã 10 năm, thậm chí hơn, quá nửa số công tơ của khách hàng chưa được kiểm định. Công ty cấp nước đã làm thủ tục xin được tự kiểm định công tơ để đánh giá chất lượng, nếu hỏng có thể thay thế, nhằm chống thất thoát. Đúng chức năng thì Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng phải làm việc này. Chưa biết, tới thời điểm này, việc kiểm định đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ra sao. Cơ quan có chức năng thì không làm, doanh nghiệp lại xin làm thay- đúng là chuyện lạ!?
“Lực có bất tòng tâm”?
Chống thất thoát bằng cách nào? Rất đơn giản là thay thế các đường ống cũ. Nhưng đây là việc không thể làm ngay vì ngân sách địa phương còn khó khăn. Để giải bài toán này, thời gian qua, Công ty Cấp nước Yên Bái đã dùng nguồn vốn khấu hao khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm để xây dựng đường ống phân phối một số tuyến. Mọi cố gắng chỉ dừng ở đó, đường ống cấp I có tuổi từ 20 – 30 năm thì lãnh đạo công ty chưa biết bao giờ sẽ thay thế được. Vì vậy, việc lắp đặt công tơ và tăng cường các biện pháp giám sát, chống dùng “trộm”, dùng nước “chùa” có vẻ như chẳng ý nghĩa nhiều khi mà một phần đường ống cấp I công nghệ cũ, chất lượng kém và không đồng bộ đang bị rò rỉ rất lớn. Con số 36% thất thoát chưa thể là con số ổn định. Điều này, dường như là thách thức quá lớn, không chỉ với doanh nghiệp.
Cần năng động hơn
Gạt chuyện thất thoát sang một bên và “mỉm cười” tự hỏi: điều gì sẽ đến khi trên 8 vạn dân thành phố sử dụng nước máy? Doanh thu của doanh nghiệp gấp hàng chục lần, đóng góp cho ngân sách tiền tỷ, có kinh phí nâng cấp mạng lưới đường ống..., quan trọng nữa là sức khoẻ người dân được bảo đảm, tài nguyên nước được khai thác và sử dụng hợp lý… Việc xây dựng nhà máy nước Yên Bình với công nghệ hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn quy định thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh nhằm giải quyết vấn đề có tính cấp thiết, lâu dài của đô thị là nước sinh hoạt. Trong khi ở nhiều nơi, nước máy là một nhu cầu cấp thiết, thì ở Yên Bái nhiều người dân còn dửng dưng. Việc dùng nước giếng khoan, đào không phải trả tiền là thói quen phổ biến. Thật tai hại, khi phần đông người dân không hề biết gì về chất lượng nguồn nước mà họ đang sử dụng. Nhiều nơi, nước sinh hoạt, nước ăn đã ô nhiễm nặng, dùng khứu giác cũng phân biệt được. “Đánh thức” thị trường bằng cách nào? Quan trọng hàng đầu là giúp người dân thay đổi nhận thức về cách dùng nước; công tác thị trường phải được đầu tư, quan tâm thích đáng. Nước máy là hàng hoá đặc biệt, liên quan tới sức khỏe con người, vì vậy, cần có sự phối hợp với ngành liên quan phân tích và công bố những vùng ô nhiễm nguồn nước, có nguy cơ gây bệnh cao và hướng dẫn người dân. Cần hiểu đó là việc cần làm, là trách nhiệm vì sức khoẻ cộng đồng trước khi cho rằng đó là biện pháp để người dân chuyển từ dùng nước giếng sang dùng nước máy và nói đến sự tiện lợi của dịch vụ hay thủ tục.
Người dân sẽ dùng nước máy khi họ hiểu rằng nước máy cần cho họ và khi đó giá cả chưa phải là quyết định (tất nhiên, mức giá không thể ở trên “mây”). Rõ ràng, cần có sự đổi mới và năng động hơn rất nhiều từ phía doanh nghiệp đang quản lý và kinh doanh mặt hàng “độc” này!
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 51 đại lý, trung tâm phân phối, kinh doanh gas và 1 đơn vị chiết nạp gas. Riêng ở thành phố Yên Bái đã có 18 đại lý. Gas là mặt hàng đặc biệt rất dễ gây cháy nổ nhưng công tác phòng chống cháy nổ tại các cơ sở, đơn vị này còn rất lơ là.
YBĐT - Đã sang tháng tư, sắp bắt đầu một mùa cao điểm thiếu điện, cũng là "mùa" cắt điện luân phiên. "Mùa" cắt điện năm ngoái, các doanh nghiệp đã kêu oai oái khi không đủ điện để sản xuất, khi bị cắt điện bất ngờ.
YBĐT - Liên tiếp trong tháng hai, tháng ba, toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy rừng, với diện tích hàng trăm héc ta. số vụ và diện tích cháy rừng lớn hơn cả năm 2005 và năm 2006 cộng lại. các vụ cháy đều xảy ra ở các huyện phía tây.
YBĐT - Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động. Với quan điểm dự phòng tích cực và chủ động thì bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được, phòng chống bệnh nghề nghiệp là một trong những mục tiêu cần đạt được trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và của người lao động nói riêng.