Giải pháp nào để Minh Tiến có nước sinh hoạt?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Là xã nằm ngay sát với sông Hồng, có nhiều ao hồ, thế nhưng mấy năm gần đây, cứ bước vào mùa khô hanh là người dân xã Minh Tiến (Trấn Yên) lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Không chỉ nước cho sản xuất mà nước sinh hoạt càng thiếu trầm trọng hơn.

Trung bình mỗi năm việc thiếu nước sinh hoạt thường diễn ra từ 3 đến 4 tháng, nhưng năm nay do khắc nhiệt của thời tiết, hạn hán đến sớm và kéo dài hơn mọi năm nên hầu hết các ao hồ nằm trong tình trạng cạn kiệt, kéo theo hàng loạt giếng nước ở 6/6 thôn đều không còn đủ nước để dùng.

 

Thôn 4 là thôn thiếu nước trầm trọng nhất, với 48 hộ và gần 200 khẩu, trong đó có tới 80% hộ thiếu nước. Nhiều gia đình đã đào tới 3-4 cái giếng, thậm chí hộ ông Đào Xuân Tước đào đi lấp lại tới 9 cái giếng, cái sâu nhất cũng có trên chục mét, nhưng hầu như chỉ có nước vào mùa mưa. Dẫn chúng tôi đi xem những cái giếng không thể dùng được nữa vì cái thì cạn đến tận đáy, cái thì nước đục lờ lờ chỉ còn độ 20cm nước. Ông Tước cho hay: “Từ giữa tháng 11/2006 đến giờ tất cả các giếng của gia đình ông đều cạn như vậy. Thiếu nước mọi sinh hoạt trong gia đình đều xáo trộn. Mỗi ngày ông phải đi cách xa nhà 300 mét để gánh nước về cho cả gia đình sử dụng, còn giặt giũ tắm rửa tất cả ra hồ”. May mắn là trong thôn 4 vẫn còn một vài cái giếng có nước.

 

Chúng tôi tìm đến cái giếng mà ông Tước và mọi người trong thôn hiện đang lấy về dự trữ để ăn uống. Gọi là giếng, nhưng thực chất nó là một hố nước tự nhiên ở chân đập hồ Tự Do, sâu chưa quá chiếc đòn gánh, bởi thế dân làng mới đặt cho nó cái tên giếng Hố Mai, quanh giếng không thiếu những vũng trâu đằm, nước thải chảy cả vào giếng và các loại vỏ túi xà phòng từ các gia đình mang tới. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Biên - Trưởng thôn 4 cho biết: “Thôn cũng đã có nhiều kiến nghị trong việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch nhưng chưa thấy đâu, hiện tại cứ vào mùa khô hanh là bà con trong thôn đều đến giếng này để lấy nước ăn, hộ gần thì dùng máy bơm, hộ xa thì gánh thậm chí nhiều hộ đánh cả xe trâu đi chở nước về ăn”.

 

Ở các thôn khác trong xã, tình trạng nước sinh hoạt cũng không có gì sáng sủa hơn. Theo thống kê toàn xã có 227 hộ thiếu nước sinh hoạt chiếm 60% số hộ trong toàn xã. Cảnh tượng người dân ngày 2 buổi đi lấy nước, người mang xô, mang can thậm chí đánh cả xe trâu đi chở nước ăn là chuyện thường gặp. Cả xã chỉ còn một vài cái giếng có nước, nhưng cũng không thể đủ nước cho cả làng, người dân các thôn đã xúm nhau lại đào tạm những cái giếng ngay sát ruộng lúa, ao đầm để lấy nước. Không biết có đảm bảo vệ sinh hay không ?

 

Thiếu nước sinh hoạt không chỉ làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của người dân xã Minh Tiến, mà nó là nguy cơ tiềm ẩn các loại bệnh dịch mùa hè có thể bùng phát bất cứ lúc nào, khi người dân không có đủ nguồn nước sạch để dùng. Và như vậy, đồng nghĩa với việc mục tiêu xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế của Minh Tiến có lẽ chưa thể thực hiện được. Ông Phan Anh Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến cho hay: Ngoài thôn 6 tỷ lệ thiếu nước không đáng kể còn lại các thôn khác đều thiếu nước từ 70 đến 80%. Trước mắt, xã chỉ đạo các thôn vận động các hộ gia đình có giếng khơi chia sẻ giúp đỡ những hộ không có nước; nạo vét tu sửa các giếng ở các khu dân cư tạm thời giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô hanh. Về lâu dài địa phương đã có những phương án đề xuất với các cơ quan chuyên môn trong huyện khảo sát, thăm dò nguồn nước để khoan giếng ở các khu vực dân cư. Đồng thời, mong muốn huyện sớm khởi công và mở rộng công trình cấp nước sạch xã Y Can để cung cấp nước cho các thôn của xã Minh Tiến.

 

 Một phương án nữa đưa ra là xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho xã Minh Tiến tại hồ nước Tự Do (xã Y Can). Đó mới chỉ là các phương án mà địa phương đề xuất, còn các phương án này liệu có mang tính khả thi không bởi qua khảo sát trên địa bàn xã Minh Tiến hầu hết các giếng nước khi đào đều gặp đá đen, than non rất cứng và khoan giếng còn phụ thuộc vào việc có tìm thấy túi nước hay không. Việc chờ đợi công trình cung cấp nước sạch của xã Y Can được khởi công cũng chỉ là phương án “bắc nước chờ gạo người”. Một phương án được coi có tính khả thi hơn là xây dựng công trình cung cấp nước sạch riêng cho Minh Tiến tại hồ Tự Do nhưng phương án này cũng phải mất rất nhiều tỷ đồng…

 

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang là nỗi bức xúc của người dân Minh Tiến, mặc dù đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, nhưng không thấm vào đâu trước cơn khát nước sạch ở đây. Mong muốn của người dân là sớm ổn định lâu dài nguồn nước sinh hoạt.

 

Việt Hải

Các tin khác
Công nhân ngành giao thông vận tải Yên Bái kè chống sạt lở hạ lưu ngòi Thia trên quốc lộ 32.

YBĐT - Trong những năm qua, mỗi người dân Yên Bái còn ghi đậm những tàn phá nặng nề của thiên tai: trận lũ quét kinh hoàng ở xã Cát Thịnh và các huyện phía Tây năm 2005 đã cướp đi sinh mạng của 51 người và làm thiệt hại hàng trăm ngôi nhà, hoa mầu, các công trình giao thông, trường; trận lũ quét, sạt lở đất xảy trong tháng 8-2006 ở thành phố Yên Bái làm chết 4 người, 673 hộ nhà dân bị sạt ta-luy.

Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải). (Ảnh: Thanh Sơn)

YBĐT - Bảo tồn loài và sinh vật cảnh nhằm góp phần bảo tồn các loài động vật quý hiếm, nâng cao chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, điều hòa môi trường sinh thái, nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên và môi trường.

YBĐT - Cánh đồng Mường Lò ngô, lúa tốt tươi nhờ một phần "giúp sức" của những con én nhỏ cần mẫn bắt sâu bọ.

Nông dân thị trấn Yên Bình khai thác thủy sản.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Yên Bái luôn đánh giá sản xuất nông nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng. Những đánh giá đó phản ánh đúng thực tế, nhưng với lĩnh vực chăn nuôi thuỷ sản thì cần phải xem xét lại một cách khách quan và chính xác. Tiềm năng thì nhiều song nó vẫn còn chưa được khai thác một cách hiệu quả, thậm còn lãng phí tiềm năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục