Tiềm năng thuỷ sản vẫn chưa được khai thác tốt
- Cập nhật: Thứ tư, 25/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vài năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Yên Bái luôn đánh giá sản xuất nông nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng. Những đánh giá đó phản ánh đúng thực tế, nhưng với lĩnh vực chăn nuôi thuỷ sản thì cần phải xem xét lại một cách khách quan và chính xác. Tiềm năng thì nhiều song nó vẫn còn chưa được khai thác một cách hiệu quả, thậm còn lãng phí tiềm năng.
Nông dân thị trấn Yên Bình khai thác thủy sản.
|
Là một tỉnh miền núi, song Yên Bái lại có trên 32 nghìn ha mặt nước, trong đó có 26 ngàn ha mặt nước có điều kiện để khai thác, nuôi thuỷ sản và 5 ngàn ha đủ điều kiện thâm canh với năng suất cao. Nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng với trên 96 giống loài sinh sống. Đặc biệt có nhiều giống loài quý hiếm như: ba ba gai, cá anh Vũ, cá chiên, cá lăng... Tiềm năng là vậy, nhưng thật đáng buồn khi sản lượng thuỷ sản mỗi năm cũng chỉ đạt 3,5-4 ngàn tấn.
Năm 2006 được đánh giá là năm điển hình thắng lợi thì sản lượng cũng chỉ đạt 4 ngàn tấn. Với sản lượng cá, tôm như hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của gần 80 vạn dân Yên Bái. Hàng ngày, tôm, cá từ các tỉnh như: Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang và một lượng lớn thủy sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... đổ vào tiêu thụ tại Yên Bái.
Có nhiều người đặt câu hỏi: hồ Thác Bà được đánh giá là hồ nhân tạo rộng nhất các tỉnh miền núi phía Bắc với trên 19 ngàn ha mặt nước và bao nhiêu hồ đập khác, ao cá do dân tự đào, sông, suối mà sao nuôi trồng thuỷ sản cứ mãi "lẹt đẹt" như vậy? Hay là việc nuôi trồng thuỷ sản tỉnh không đầu tư, định hướng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì "bỏ rơi" lĩnh vực này ?...
Hẳn mỗi chúng ta còn nhớ vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, chỉ tính riêng hồ Thác Bà mỗi năm cũng đánh bắt được 7-8 ngàn tấn cá, tôm. Rồi những năm đầu thập niên chín mươi phong trào nuôi cá lồng diễn ra trên khắp các miền quê, vùng sông nước, nhà nhà đào ao thả cá, mô hình VAC lừng lẫy một thời. Cá chim trắng, rô phi đơn tính, tôm càng xanh, trê lai, chép lai...đã đi vào lòng dân như thế nào. Xã Giới Phiên đào cả dãy ao để sản xuất cá giống, nhiều hộ dân giàu lên và xã đã trở thành điển hình để nhiều nơi về học tập.
Có những thời điểm toàn tỉnh có trên 550 lồng nuôi cá, lồng được đặt trên khắp các lòng sông, khe suối, ao hồ. Sản lượng tôm cá có năm lên tới 10 đến 11 ngàn tấn, đem về nguồn thu nhập không nhỏ cho người nuôi thủy sản, góp phần quan trọng trong xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Qua đó cho thấy chăn nuôi thủy sản không phải là chững lại mà rõ ràng là đang tụt hậu một cách nghiêm trọng.
Nếu nói rằng tỉnh không đầu tư, định hướng cho ngành thuỷ sản là không đúng ! Bởi lẽ chủ trương phát triển chăn nuôi thuỷ sản luôn được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Điều đó được thể hiện qua số tiền ngân sách đầu tư cho thuỷ sản hàng năm.
Chỉ tính từ năm 1996 trở lại đây số tiền đầu tư thả cá bổ sung xuống hồ Thác Bà không dưới 2,5 tỷ đồng và thả xuống các ao hồ khác cũng ngót tỷ đồng. Năm 2005 tỉnh đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng trại cá giống Văn Chấn cùng với một đội ngũ cán bộ kỹ sư không dưới 30 người ăn lương chuyên làm công tác phát triển thuỷ sản. Vậy sao lại nói là tỉnh không quan tâm đầu tư?...
Sự quan tâm đầu tư lớn, song vấn đề đặt ra là các ngành chuyên môn làm như thế nào ? Chủ trương của tỉnh khi triển khai đến với người chăn nuôi ra sao ? Ngay trong năm 2007 này, tỉnh đã duyệt kế hoạch thả 200 triệu đồng tiền cá giống xuống hồ Thác Bà và 100 triệu đồng cá giống xuống các ao hồ khác.
Có một vấn đề mà nhiều nhà kinh tế, dư luận quan tâm là bình quân mỗi năm nhà nước thả xuống hồ Thác Bà 200 triệu đồng cá giống, song sản lượng khai thác trên hồ mỗi năm cũng chỉ đạt 800 tấn cá các loại (tính cả các loại cá tạp). Với 800 tấn cá này bán với giá thị trường hiện nay cũng chỉ thu trên dưới 1 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư thả cá giống là 200 triệu đồng, đấy là chưa kể sản lượng cá tự nhiên.
Như vậy, số cá mà tỉnh giao cho Trung tâm thuỷ sản hàng năm thả xuống hồ đi đâu? Không đủ số lượng hay cá không sống được, không phát triển được! Đành rằng, trong những năm qua tình trạng khai thác cá trên hồ Thác Bà diễn ra ác liệt, với mọi hình thức thậm chí cả nổ mìn, đánh kích điện. Không hiểu lý do gì mà từ khi có chủ trương thả cá xuống hồ cho đến nay đã hơn chục năm rồi mà ngành Nông nghiệp, Trung tâm thuỷ sản vẫn không có một cuộc họp đánh giá xem hiệu quả đến đâu, tồn tại ra sao?
Có một vị đã từng làm giáo viên đi giảng dạy chăn nuôi thuỷ sản ở nhiều nước và cũng là người tâm huyết gắn bó thuỷ sản Yên Bái nói: "Chẳng cần chăn nuôi thâm canh mà với diện tích mặt nước như Yên Bái chỉ cần nuôi quảng canh thôi cũng cho năng suất 4-5 tạ/ha thì mỗi năm sản lượng cá cũng đạt trên 50 ngàn tấn. Người dân Yên Bái cũng có khát khao làm giàu lắm chứ! Chăn nuôi thủy sản theo lối quảng canh lại không phải khó lắm, vậy tại sao người dân lại không mặn mà với nghề cá? Cái chính là sự chỉ đạo, cách quản lý, điều hành của ngành Nông nghiệp, Trung tâm thuỷ sản khi triển khai đến người dân như thế nào, có phải còn nhiều bất cập không?".
Những nguyên nhân trên quả không sai nhưng bên cạnh đó còn cho thấy nguồn cá giống vừa thiếu vừa không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Trung tâm thuỷ sản có hai trại ươm cá giống mỗi năm cung cấp được trên 16 triệu con cá giống. Với nguồn giống này mà cứ nuôi 1 con cá giống/1 m2 mặt nước thì đáp ứng được bao nhiêu? Nguồn cá giống trong dân hiện nay phần lớn là nhập ở các tỉnh ngoài vào. Người dân không tâm huyết với nghề cá là thiếu lòng tin từ các mô hình, dự án, cái thì thất bại, cái thì mất cả chì lẫn chài, cái thì thành công trên mô hình xong không nhân rộng được…
Xã Minh Quân (Trấn Yên) được coi là điểm trong chuyển đổi 20 ha ruộng một vụ sang nuôi trồng thuỷ sản nhưng đến nay cũng đang lâm vào thế bí, nếu không có giải pháp kịp thời cũng phá sản trong một ngày không xa. Đó là làm không đúng kỹ thuật, thiếu quy hoạch đồng bộ, người chăn nuôi cá thiếu kiến thức cơ bản trong nuôi thâm canh. Hay nghề nuôi cá lồng tưởng như thịnh vượng nhưng nay cũng mai một bởi một thời phát triển tự phát, thiếu kiến thức khoa học, cá lồng bị nhiễm bệnh hàng loạt, nhiều người đã phá sản vì cá lồng.
Người dân đang mong chờ những giải pháp và hướng đi cụ thể của ngành Nông nghiệp, Trung tâm thuỷ sản Yên Bái để phát triển chăn nuôi thủy sản thu được kết quả cao.
Việt Nga
Các tin khác
YBĐT - Điều làm nên sự thành công của CHAT là với những vấn đề còn nhạy cảm như HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản, tình dục… cách tư vấn trực tiếp nhưng không đối mặt, diễn đạt bằng con chữ thay vì lời nói đã xoá tan mọi khoảng cách về địa lý và những rào cản vô hình. Điều này giúp các bạn được tự do trao đổi, thảo luận những vấn đề xưa nay khó nói mà không sợ bị lộ bí mật hay sự đánh giá…
YBĐT - Đã nhiều lần đi với các đồng nghiệp ở ngoại tỉnh lên xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn và cứ mỗi khi lên gần trung tâm xã, nếu tôi giới thiệu đây là những cây chè Tuyết cổ thụ thì ai cũng ai cũng ngạc nhiên mà thốt lên: "Tuyệt vời quá! sao lại có những cây chè to thế nhỉ?".
YBĐT - Thành phố Yên Bái là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, tiềm lực kinh tế cũng như nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá - xã hội còn rất lớn. Thời gian qua, thành phố đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa -xã hội. Nổi bật, là việc thành lập các trường mầm non tư thục, đầu tư xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ du lịch…
YBĐT - Từ một địa phương chỉ quen với trồng lúa, chè thì nay huyện Văn Chấn còn được coi như miền quê của cây cam, quýt. Vào những ngày giáp tết Nguyên đán đến xã Nghĩa Tâm, Minh An, thị trấn nông trường Trần Phú... nhà nào vườn cũng vàng rực cam, quýt, người mua người bán tấp nập đông vui.