Năm 2024 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là năm đòi hỏi phải quyết liệt, chung sức, đồng lòng, bứt phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp chủ yếu, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với phương châm quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.
Theo đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ; nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định, một số lĩnh vực đạt kết quả cao.
Đáng mừng là, trong muôn vàn khó khăn, thách thức do hậu quả từ dịch Covid-19 vẫn còn, xung đột Nga - Ukraine và dải Gaza diễn biến phức tạp..., Yên Bái vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 đạt 6,06%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố cả nước; trong đó, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,98%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,18%; dịch vụ tăng 6,1%...
Một số lĩnh vực có mức tăng khá như: trồng rừng đạt 9.652,5 ha, bằng 64,4% kế hoạch, bằng 89,3% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 3.991 tỷ đồng, bằng 21,7% kế hoạch năm, bằng 102,3% kịch bản tăng trưởng quý I/2024, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Du lịch đạt 693.352 lượt khách, bằng 40,8% kế hoạch năm, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 82.621 lượt khách, bằng 27,5% kế hoạch, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 540,7 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch, bằng 159% kịch bản tăng trưởng quý I/2024, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá trị xuất khẩu đạt 90,4 triệu USD, bằng 21,5% kế hoạch năm, tăng 32% (tương đương 21,91 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 761,6 tỷ đồng, bằng 14,4% dự toán, tăng 2,7%; số lao động được tạo việc làm mới đạt 5.146 lao động, bằng 25,7% kế hoạch, bằng 108,3% kịch bản tăng trưởng quý I/2024, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023…
Đó là những thành quả chung về sự nỗ lực cao độ của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh bằng việc cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình hành động, công tác chỉ đạo điều hành cụ thể, quyết liệt từ tỉnh đến các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, vẫn còn những hạn chế, tồn tại: việc triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm tiến độ; công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đầu tư xây dựng còn vướng mắc chưa được tháo gỡ, giải quyết kịp thời; tiến độ triển khai một số dự án của nhà đầu tư còn chậm; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng (tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh thấp hơn 1,44 điểm phần trăm; tổng vốn đầu tư phát triển thấp hơn 4,3 điểm phần trăm; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc - xin thấp hơn 10,2 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng)…
Kết quả đạt được trong quý I là rất đáng khích lệ, nhưng nhìn tổng thể và nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề và nếu như không có sự vào cuộc với trách nhiệm cao, nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, doanh nhân, cán bộ, đảng viên trên mỗi cương vị công tác, lĩnh vực của mình cùng nhân dân trong tỉnh thì rất khó thành công.
Cùng với sự chỉ đạo, điều hành, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo Chương trình hành động số 188-CTr/TU ngày 25/11/2023 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh, Chương trình hành động số 01-CTr/UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh và kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cần tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, kịch bản chi tiết quý II.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, tập trung gieo trồng vụ đông xuân 2023 - 2024 bảo đảm đúng tiến độ và khung thời vụ; tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm nay; tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP... bảo đảm sát với tình hình thực tế của các địa phương…
Lĩnh vực công nghiệp, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp của tỉnh; Nghị quyết số 30/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ; trong đó, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng thương mại; triển khai sâu rộng đề án, kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh, của ngành.
Trong xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch; tiếp tục tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm làm cơ sở giao chi tiết kế hoạch vốn để sớm khởi công mới theo kế hoạch năm 2024 đã được phê duyệt.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư...
Có thể khẳng định, các chủ trương, chính sách, các nghị quyết, chương trình hành động, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội là rất cụ thể, bài bản, sát với thực tiễn. Phương thức điều hành, chỉ đạo xuyên suốt có trọng tâm, trọng điểm là rất rõ. Nhiệm vụ chính là, chúng ta phải cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể.
Yếu tố then chốt mang tính quyết định trước tiên, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, coi đó là nền móng của mọi thành công: "Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Hơn hết, trong lúc này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện đầy đủ, kịp thời chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định và các nhiệm vụ theo phân cấp, ủy quyền; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc, bảo đảm công việc được xử lý kịp thời, hiệu quả, gắn trách nhiệm cá nhân với từng bước, từng khâu trong xử lý công việc.
Thực tế cho thấy, ở bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp, cấp chính quyền nào, khi người đứng đầu năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm thì cán bộ cấp dưới cũng mạnh dạn, nhiệt tình xử lý công việc nhanh, bài bản, hiệu quả, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chung. Nơi nào, doanh nghiệp nào, người đứng đầu không dám đương đầu với khó khăn và trì trệ trong công việc, nói không đi đôi với làm thì rất khó tạo được động lực cho cơ quan, doanh nghiệp phát triển, chưa nói đến hoàn thành công việc.
Thanh Phúc