Cần có sự cộng đồng trách nhiệm
- Cập nhật: Thứ tư, 22/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bên cạnh những trẻ em được bố mẹ chăm sóc tận tình, được cắp sách đến trường và được chu cấp đủ mọi điều kiện để phát triển một cách toàn diện về thể chất, trí tuệ thì vẫn còn những trẻ em đang hàng ngày, hàng giờ phải cật lực lao động kiếm sống. Với chúng, những trò chơi, những hồn nhiên tuổi thơ đã phải thay bằng sự lo toan đời thường bởi gánh nặng áo cơm.
Tuổi thơ sớm phải lo gáng nặng cuộc sống. (Ảnh Thanh Tân)
|
Dưới cái nắng như thiêu đốt của trưa hè, dọc theo tuyến đường từ xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lên huyện Mù Cang Chải, từng tốp, từng tốp trẻ em Mông gùi những bao phân, bó nứa, ì ạch leo dốc đèo Khau Phạ. Mồ hôi nhễ nhại, tóc hoe màu đuôi bò vì phơi nắng. Nhìn các em mà không khỏi chạnh lòng, tấp xe vào lề đường, tôi tiến về phía đó và đưa cho bọn trẻ chai nước, ít bánh và hoa quả. Các em tỏ vẻ sợ sệt, không dám nhận quà của người lạ.
Sau mấy câu làm quen, tụi nhỏ trở nên thân thiện hơn. Chúng hồn nhiên, vô tư kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Tôi để ý trong nhóm, đứa lớn nhất chừng 13 - 14 tuổi, đứa nhỏ nhất chừng 8 tuổi, tay xách lồng chim. Tôi hỏi: “Em có bán không?”. “Có, 35.000 đồng cả lồng” - thằng bé trả lời. Cầm tiền, tay nó run run; nó ngắm nghía, rồi vuốt thẳng, gập lại, cẩn thận đút vào túi áo. Nhoẻn nụ cười, tôi đoán chắc cu cậu vui lắm...
Không chỉ có trẻ em vùng cao mới phải lao động nặng nhọc để kiếm sống mà ngay trên địa bàn thành phố Yên Bái, con số này cũng không phải là nhỏ dù hiện nay vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể. Và có một thực tế là số trẻ em từ các nơi khác kéo về đây để tìm cách mưu sinh ngày một đông. Chẳng khó khăn gì để thấy những cô bé, cậu bé làm công việc bưng bê phục vụ trong các nhà hàng ăn uống hay lang thang đánh giày, tham gia các đội xây dựng nhỏ...
Đồng chí Nguyễn Bình Minh - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi đã có chủ trương tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành rà soát tất cả các đối tượng bảo trợ xã hội: người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn..., trong đó có nhóm trẻ em bị xâm hại tình dục, nhiễm HIV và đặc biệt là trẻ em lao động sớm. Mặt khác nhanh chóng triển khai các chương trình, đề án của Bộ LĐ,TB&XH, của UBND tỉnh nhằm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn và giảm tình trạng trẻ em lao động sớm”.
Theo thông tin mới nhất, Bộ LĐ,TB&XH và Sở LĐ,TB&XH tỉnh chuẩn bị triển khai Dự án hỗ trợ trẻ em lao động sớm ở hai vùng điểm đặc biệt khó khăn là xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) và xã Làng Nhì (Trạm Tấu) với kinh phí 26 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai các Thông tư liên tịch số 22/2005 TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGD&ĐT ngày 10/8/2005 của Liên bộ LĐ,TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh sách hỗ trợ thực hiện phổ cập THCS.
Như vậy, 84 học sinh thuộc diện hộ nghèo, 286 học sinh mồ côi bị bỏ rơi, 10.367 học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sẽ được nhận mức hỗ trợ 120.000 đồng/năm/học sinh để mua sắm dụng cụ học tập với tổng trị giá hỗ trợ năm học 2007 - 2008 là 1,29 tỷ đồng.
Hy vọng rằng, một ngày không xa, các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp tích cực nhằm giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, phải lao động cực nhọc. Và cần có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội để tất cả trẻ em đều được hưởng một tuổi thơ êm đềm, được chăm lo và phát triển lành mạnh, toàn diện.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái có 32.000 ha mặt nước, thì hồ Thác Bà chiếm 19.050 ha. Nơi đây nơi có nhiều loài cá quí, với 96 giống loài và phân loài thuộc 74 giống, 18 bộ và 6 họ, hàng năm cho khai thác hơn 1000 tấn cá, tôm...chiếm 1/3 tổng sản lượng thuỷ sản khai thác nuôi trồng hàng năm trong toàn tỉnh.
YBĐT - Gần đây, đi đến đâu cũng thấy bà con nông dân bàn tán và tính chuyện làm giầu từ trồng cây sưa (một loài cây thân gỗ), giá một kg gỗ đắt như vàng.
YBĐT - Thực hiện chiến lược bảo vệ, phát triển rừng trong những năm qua cùng với cơ chế chính sách của trung ương, tỉnh còn có nhiều cơ chế thông thoáng hỗ trợ sản xuất và phát triển lâm nghiệp nói chung và nghề rừng nói riêng. Không chỉ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, các tổ chức, nông lâm trường, bà con nhân dân các dân tộc tích cực tham gia trồng rừng. Kinh tế đồi rừng đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ngày một phát triển thu hút và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước có 6.910 người chết vì tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày 38 người tử vong. Còn ở Yên Bái, 43 người đã chết vì tai nạn giao thông, trong đó tai nạn giao thông đường bộ làm chết 40 người. Hàng chục người bị thương, nhiều người phải nhập viện, hàng trăm phương tiện bị hư hỏng vì tai nạn giao thông.