Một trong những yêu cầu đặt ra trong quá trình sắp xếp bộ máy (giải thể, sáp nhập) chính là diễn ra khẩn trương, nhanh gọn và bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt. Thực tiễn cho thấy đã xuất hiện tình trạng cầm chừng, buông xuôi, những tư tưởng rã đám trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây thực sự là vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chấn chỉnh.
Chủ trương của Đảng, thể hiện trong Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đó là giảm 50% số tỉnh, không tổ chức cấp huyện và giảm 60-70% đơn vị cấp cơ sở so với hiện nay; nhiều cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh cũng giải thể, sáp nhập theo hướng tinh gọn… Có thể nói, công cuộc sắp xếp bộ máy hành chính của Đảng và Nhà nước lần này đã tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội; nhiều cán bộ, đảng viên phải chấp nhận hy sinh quyền lợi chính trị của mình.
Đại bộ phận người làm công, ăn lương mang trong mình tâm tư khi cơ quan, đơn vị sáp nhập, giải thể bởi đã gắn bó cả cuộc đời công tác, nay phải nghỉ chế độ, phải luân chuyển vị trí việc làm, đến tên gọi của cơ quan, đơn vị cũng không còn nữa… song đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước một chủ trương mang tính lích sử, một cuộc cách mạng để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Họ vẫn cần mẫn làm việc đến ngày nhận quyết định nghỉ chế độ; hoàn thành nhiệm vụ được giao trước ngày cơ quan, đơn vị mình giải thể…
Dù vẫn có không ít người xuất hiện tư tưởng giã đám, biểu hiện buông xuôi, né tránh, những việc khó không muốn làm… những buổi tiệc tùng, vui chơi diễn ra liên miên, tổ chức vào cả ngày làm việc… đó là những biểu hiện rất đáng phê phán, cần được chấn chỉnh.
Phương châm "Vừa chạy vừa xếp hàng” đã ra đời. Có thể nói đây là một thuật ngữ rất mới, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn, ý thức trách nhiệm rất cao mới có thể đạt được, bởi như chúng ta đều biết, công tác sắp xếp bộ máy hành chính rất khó khăn, phức tạp, dù vậy các mục tiêu, kế hoạch đề ra cho giai đoạn 5 năm hoặc cho năm 2025 không có chuyện được điều chỉnh xuống mà ngược lại nhiều chỉ tiêu quan trọng còn được nâng lên như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% và dự kiến sẽ là 2 con số vào 2030, thậm chí là sớm hơn một vài năm. Để đạt được mục tiêu này Chính phủ đã và đang ban hành nhiều giải pháp, trong đó 2,5 triệu tỷ đồng đã được quyết định "bơm” vào nền kinh tế, trực tiếp vào lĩnh vực đầu tư công nhằm tạo ra một cú hích lớn về tăng trưởng và tạo việc làm cho người lao động.
Nhằm giữ vững mục tiêu phát triển, thực hiện thành công cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, mỗi tổ chức Đảng phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, mỗi cán bộ đảng viên phải thấy được vai trò, trách nhiệm của mình. Cùng với đó là phải giải quyết thật tốt bài toán về nhân sự; trong đó việc đánh giá đúng năng lực, phẩm chất cán bộ là điều rất quan trọng; qua đó chỉ giữ lại đội ngũ thực sự có phẩm chất tốt, có trình độ, được đào tạo bài bản… quyết tâm loại bỏ những người yếu kém, trong đó có cả những cán bộ có biểu hiện tư tưởng buông xuôi, giã đám, thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh… ngay trong quá trình giải thể, sáp nhập hiện nay. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, rằng: "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính là cơ hội để sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển”.
Lê Phiên