Lợi ích phải hài hoà
- Cập nhật: Thứ ba, 22/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hồ Thác Bà là nơi cung cấp nước để phát điện cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nay thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà. Với 3 tổ máy (108 MW), mỗi năm, Công ty đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên nước. Với người dân Yên Bái, nhà máy thủy điện là công trình vĩ đại của ý Đảng, lòng dân.
Nước hồ xuống thấp, kéo theo việc nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, nhiều hoạt động KT-XH bị ảnh hưởng. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Để xây dựng nhà máy, hơn 5 vạn dân với bao làng mạc, nhà của, tài sản, mộ phần... đã di rời. Người dân Yên Bái, nhất là nhân dân vùng hồ, đã hy sinh cả máu để xây dựng và bảo vệ nhà máy thân yêu.
Câu chuyện về hồ Thác Bà thời gian qua đã "nóng" lên khi trong gần ba tháng nước hồ luôn ở cốt nước chết (46m). Về mặt lý, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới sự điều hành trực tiếp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tuy nhiên, việc nhà máy khai thác cạn kiệt nước hồ để phát điện đã làm đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng vạn dân vùng hồ. Các phương tiện giao thông, vận tải trên hồ, nhất là các tàu vận tải nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến công nghiệp không thể đi lại được; nguồn lợi thủy sản bị xâm phạm do nước hồ xuống thấp, kéo theo việc nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn; môi trường vùng hồ bị ảnh hưởng do nước rút, nhiều hoạt động du lịch phải đình hoãn...
Đáng nói là, nước hồ xuống cốt nước 46m thời gian qua không chỉ là tai họa với một số doanh nghiệp và người dân mà chính Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà cũng gánh chịu ảnh hưởng. Nhà máy cũ kỹ với 3 tổ máy, công suất khiêm tốn 108 MW đã và đang bị tác động tiêu cực. Phân tích của các chuyên gia cho thấy, công suất thiết kế chỉ đạt tối đa khi nước hồ ở mức 52m và nếu ở 56m thì chỉ cần mở quá nửa cánh hướng đã đạt 100% công suất. Như vậy, khi nước xuống cốt chết 46m thì hiệu suất phát điện vừa không bảo đảm vừa làm hư hỏng thiết bị...
Khó thể trách Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà nhưng cũng không công bằng khi để hoạt động của một doanh nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Vấn đề là, cần có một tiếng nói chung để đi đến thống nhất việc khai thác hồ Thác Bà giữa địa phương với các bên liên quan để quyền lợi của mỗi bên được hài hoà và bảo đảm.
Đây là việc cần được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương quan tâm để nhanh chóng hoàn thiện quy chế khai thác không chỉ ở hồ Thác Bà, mà còn ở các hồ thủy điện khác trong nước.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, giao lưu thương mại ngày càng được mở rộng và cuộc sống của người dân Yên Bái được cải thiện rõ rệt… Song, bên cạnh những mặt tích cực trên thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng phát sinh nhiều tiêu cực, đặc biệt là nạn buôn lậu và gian lận thương mại.
YBĐT - Cùng với con người, cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng khám, chữa bệnh của của các cơ sở y tế. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế hiện nay, cơ sở vật chất của các trạm y tế ở Yên Bái đa số chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với tiêu chuẩn môi trường, cơ sở vật chất là chuẩn thứ hai đạt thấp theo chuẩn y tế quốc gia.
YBĐT - Là tỉnh miền núi với 70% diện tích là đất lâm nghiệp, gần 80% dân số sinh sống gắn liền với rừng và nghề rừng, trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó có Nghị quyết 06 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về "Xây dựng và phát triển kinh tế đồi rừng".
YBĐT - Thác Bà, một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất của Việt Nam, là công trình thuỷ điện đầu tiên của miền bắc XHCN, được hoà lưới quốc gia từ tháng 5- 1971. Với diện tích lưu vực 6.170 km2; diện tích mặt thoáng 234 km2; dung tích hồ chứa đạt 2,940 tỷ m3 nước; hồ dài trên 80 km thuộc hệ thống sông Chảy qua hai huyện: Lục Yên, Yên Bình và nằm kề bên thành phố Yên Bái, có chức năng phát ba tổ máy với tổng công suất 108 Mê-ga-oát, đồng thời điều tiết nước tưới và cắt lũ cho vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng. Nhưng với việc khai thác cạn kiệt tài nguyên nước như hiện nay, đang đặt ra câu hỏi cho vấn đề lợi ích kinh tế của tỉnh Yên Bái với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có mang tính đồng thuận, cùng tồn tại và phát triển?