Tránh lạm thu trong giáo dục

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/7/2012 | 9:38:42 AM

YBĐT - Năm học mới 2012 - 2013 sắp bắt đầu. Hàng triệu học sinh, sinh viên trong cả nước đã sẵn sàng tâm thế bước vào ngày khai giảng.

Bàn ghế liền giường được đề nghị mua mới hoàn toàn ở các trường tiểu học trong thành phố Yên Bái. (Ảnh: T.T)
Bàn ghế liền giường được đề nghị mua mới hoàn toàn ở các trường tiểu học trong thành phố Yên Bái. (Ảnh: T.T)

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui mới  lại nỗi lo cũ: các bậc cha mẹ lại "toát mồ hôi lưng" với các khoản thu, khoản đóng góp đầu năm học của các nhà trường.

Việc tận thu, loạn thu trong giáo dục không phải đến hôm nay mới gây nhức nhối trong xã hội, các bậc cha mẹ học sinh mà đã tồn tại ở một số trường, điểm trường trong nhiều năm học. Theo quy định của nhà trường, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Nhưng thực tế không như vậy. Vì sự kêu gọi "xã hội hóa" mà phát sinh bao khoản thu không có trong quy định như  tiền vệ sinh, lao động, tiền nước uống, bảo vệ rồi đến tiền xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất cho nhà trường, phòng học (như tiền lắp đặt điều hòa, bàn ghế, quạt)...

Xã hội hóa trong giáo dục là việc cần làm nhưng không thể “tận thu” như vậy trong khi đời sống đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn nhất là những gia đình công chức làm công ăn lương đơn thuần, công nhân hay nông dân. Nhiều phụ huynh khi đi họp nghe nhà trường và hội cha mẹ phụ huynh học sinh thông báo các khoản phải nộp trong năm học mà lòng ấm ức, không muốn nộp những khoản vô lý nhưng vì phong trào, "vì tương lai con em chúng ta” mà phải “chấp nhận”.

Chẳng hạn, học sinh mới vào lớp 1 mỗi phụ huynh phải nộp trên 300 ngàn đồng để nhà trường mua bàn ghế liền giường. Mua bàn ghế cho các em học cũng là việc nên làm, nhưng có nhiều câu hỏi đặt ra là: Thế bàn ghế của năm học trước đi đâu? Sao không dùng tiếp được? Tại sao năm nào cha mẹ học sinh cũng phải mua bàn ghế cho con?... Có nhà trường còn vận động cha mẹ học sinh thông qua hội cha mẹ học sinh mua quạt, mua rèm cửa, thậm chí lắp máy điều hòa... Đúng là trường lớp khang trang, sạch đẹp hơn, mát mẻ hơn nhưng bên cạnh đó là nỗi vất vả của không ít gia đình đang từng ngày vật lộn với miếng cơm manh áo.

Có một thực tế là trường nào, lớp nào cũng có ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ khi các ban này được thành lập đã góp khá nhiều công sức, tiền bạc góp phần cùng nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng bên cạnh đó, không ít ban đại diện đã được nhà trường “bật đèn xanh” để khởi xướng những khoản góp quỹ  mua sắm đồ dùng học tập và quỹ cha mẹ học sinh nhằm chi dùng trong suốt cả năm học. Những năm còn bao cấp, cứ đến đầu năm học, các bậc cha mẹ học sinh người đem bó nứa, bó cọ, góp từng bó rơm, cái lạt đến để tu sửa trường lớp nhưng ai cũng phấn khởi, bởi mong muốn con em mình có điều kiện học tốt hơn.

Giờ đây, sau hơn 20 năm đất nước đổi mới, nền kinh tế nước ta phát triển mạnh, việc đầu tư cho ngành giáo dục cũng lớn hơn, do đó, cơ sở vật chất trường, lớp ngày một khang trang hơn. "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường, lớp đến nhà công vụ cho giáo viên. Thế nhưng chưa đủ, vẫn cần thêm sự đóng góp của xã hội.

Tuy nhiên, việc thu quá nhiều khoản đối với học sinh, trong khi phụ huynh lại không biết rõ tiền đóng góp của mình để xây dựng mới những gì, mua sắm những gì, tiền dôi dư bao nhiêu, những hạng mục nhà trường kêu gọi đóng góp có trùng với nguồn đầu tư của Nhà nước hay không... đã gây những bức xúc trong dư luận.

Ví dụ, việc mua đồng phục cho học sinh, chẳng mấy ai muốn mua vì vừa xấu vừa đắt. Danh nghĩa là nhà trường tổ chức nhưng lại do một xưởng hay công ty bên ngoài thầu trọn gói và tất nhiên có “hoa hồng” cho nhà trường, chỉ có học sinh và cha mẹ các em bị thiệt bởi giá đắt, chất lượng không được như mong muốn.

Để tránh lạm thu trong giáo dục, thiết nghĩ các đơn vị quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các trường công khai các khoản thu, các hạng mục đầu tư của Nhà nước cũng như của nhân dân đóng góp. Các phụ huynh học sinh cũng không nên “cả nể” mà cần yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và nhà trường công khai các khoản thu một cách minh bạch, khoản nào hợp lý thì nộp còn không đúng cương quyết không nộp và kiến nghị lên cơ quan cấp trên.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng thực hiện thu đúng, thu đủ các khoản thu được phép thu và thực hiện “giãn thu” để chia sẻ với phụ huynh học sinh. Bởi đa số mức thu nhập của đa số người dân còn rất thấp, lo được cho con đến trường đang là quá sức.

Hiền Lương

Các tin khác
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề lâu dài, quan trọng và cấp bách hiện nay

YBĐT - Chất độc da cam trong chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam, trong đó có những cựu binh Yên Bái tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam bị phơi nhiễm mà hậu quả nặng nề phải gánh chịu đến cả thế hệ thứ ba.

Một trong những công trình được đầu tư từ Chương trình 135 của Chính phủ ở huyện Lục Yên. Ảnh minh họa

YBĐT - Trong khi các nguồn vốn đầu tư công ở nhiều lĩnh vực bị tạm đình hoãn, cắt giảm mạnh gây nhiều khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp thì nguồn vốn đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2 (vốn năm 2011 chuyển thực hiện năm 2012) và vốn đầu tư của chương trình cho năm 2012 khá dồi dào.

YBĐT - Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương triển khai rầm rộ, trong đó nổi bật là việc triển khai huy động sức dân kết hợp với sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có khoảng 20% số xã đạt tiêu chí.

YBĐT - Chỉ còn hai ngày nữa, các sĩ tử sẽ bước vào chinh phục đỉnh cao sau 12 năm đèn sách - kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Đây là dấu mốc các em phải vượt lên để quyết định tương lai của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục