Nguyên nhân thường gặp gây da tay khô
Một số yếu tố thường gặp gây da tay khô có thể xử trí dễ dàng sau:
- Da tay khô do thời tiết: Thời tiết là một trong những yếu tố phổ biến nhất khiến cho da khô. Khi thời tiết lạnh kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp, sẽ làm cho làn da dễ bị khô hơn. Đặc biệt là ở bàn tay dễ bị nứt nẻ, bàn chân, ống chân thường bị khô, bong vảy trắng.
- Do điều kiện làm việc: Điều kiện làm việc cũng là một yếu tố có ảnh hưởng rất nhiều đến làn da.
+Thợ làm tóc: Với người làm nghề chăm sóc tóc, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, dầu gội, nhiệt độ nóng... là đối tượng bị khô da tay và nứt nẻ tay.
+ Đầu bếp, người làm việc nhà: Người làm nghề đầu bếp thường xuyên phải dùng tay chế biến thực phẩm, dầu mỡ, nước, nhiệt độ bếp luôn cao... Đặc biệt là khi thường xuyên phải rửa bát, lau nhà, giặt giũ... sẽ khiến da tay có thể bị nứt nẻ, bật máu. Nếu không được chăm sóc, làm sạch còn có thể dẫn đến bội nhiễm.
+ Người lao động chân tay: Chẳng hạn như nông dân, công nhân, thợ xây dựng... thường xuyên phải làm việc nặng tiếp xúc với bụi bẩn sẽ khiến da tay khô nẻ, sần sùi.
+ Ngoài ra, các nghề đặc thù thường phải rửa tay nhiều như y tá, bác sĩ, giáo viên... cũng ảnh hưởng nhiều đến da bàn tay.
- Do cơ địa: Người bị viêm da dị ứng, chàm, vảy nến, mắc một số bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch... cũng khiến da tay bị viêm, bong tróc và nứt nẻ.
Mẹo giúp da tay mềm mại
Một số nguyên nhân bệnh lý khiến da tay khô, cần điều trị bệnh lý ổn định, sẽ giúp da tay mềm mại trở lại. Các nguyên nhân do thời tiết, do công việc... có thể sử dụng một vài phương pháp để giúp da tay không bị khô nẻ mà còn trở nên mềm mại.
- Bảo vệ da tay: Trước hết, cần bảo vệ làn da tay tránh tiếp xúc với môi trường độc hại dẫn đến da khô ráp nứt nẻ. Trong thời tiết lạnh, hanh khô, khi đi ra ngoài đường cần đeo găng tay, nhất là khi đi xe máy, xe đạp để tránh khói bụi, gió lạnh.
Người thường xuyên phải làm việc với nhiệt độ cao, hóa chất, xà phòng, nước... như thợ gội đầu, đầu bếp, người làm việc nhà... cần đi găng tay cao su chuyên dụng để bảo vệ đôi tay một cách tốt nhất. Mặc dù không thể hạn chế được hoàn toàn, nhưng khi bảo vệ da tay đúng cách, tình trạng khô da được cải thiện đáng kể.
- Dưỡng ẩm cho da tay: Sau mỗi lần làm việc, rửa tay sạch rồi thoa kem dưỡng ẩm để cải thiện ngay tình trạng da tay khô.
Trước hết, cần đảm bảo rửa tay thật sạch, sau đó hãy dưỡng ẩm cho đôi tay để tình trạng khô da nhanh chóng được cải thiện. Để hiệu quả chăm sóc da tay, khi chọn kem dưỡng da tay, cần lưu ý các vấn đề sau:
+ Thành phần dưỡng ẩm: Đa số các loại kem dưỡng da tay sẽ chứa nhiều hoạt chất cấp ẩm, dưỡng ẩm nhằm giúp làn da mịn màng ẩm mượt hơn. Tuy nhiên không phải hoạt chất nào cũng có thể mang làm cảm giác dễ chịu khi sử dụng. Dô đó, cần chú ý lựa chọn sản phẩm phù hợp với tính chất cũng như tình trạng da tay.
+ Cấp ẩm: Các thành phần chính như hyaluronic acid, glycerin, ceramide hoặc một số loại vitamin như vitamin E, vitamin B5 sẽ phù hợp với người mong muốn dưỡng ẩm làm mềm da. Nếu da tay khô nhưng không bị nứt nẻ nhiều, có thể ưu tiên chọn sản phẩm có chứa hoạt chất này. Khi thoa lên da tay vừa giúp cấp ẩm, dưỡng da mềm mại mà không có cảm giác quá ẩm dính khi dùng.
+ Giữ ẩm: Một số hoạt chất giúp giữ ẩm, ngăn không cho độ ẩm tự nhiên ở trong da thoát ra ngoài và ngăn chất ẩm được bổ sung không bị mất đi. Các sản phẩm này thường xuất hiện trong các loại dầu thực vật, bơ hạt mỡ, vaseline... Các hoạt chất này có kích thước phân tử lớn nên sẽ không thấm sâu vào da và thường giữ trên bề mặt da nhiều hơn.
Sản phẩm này thích hợp với da khô nặng kèm theo bong tróc sần sùi nhiều, nên sử dụng cả kem cấp ẩm và kem giữ ẩm trong trường hợp này.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chú ý uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày; cần lưu ý chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung các loại rau củ quả để cung cấp thêm nhiều vitamin giúp làn da mịn màng và khỏe khoắn hơn.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, không nên tắm rửa bằng nước nóng, không sử dụng các sản phẩm có tính chất tẩy rửa cao... Trường hợp da tay nứt nẻ, chảy máu sau khi sử dụng các biện pháp chăm sóc dưỡng da nhưng không cải thiện, cần đi gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn điều trị hiệu quả...
(Theo SKĐS)