Gần lại đường về

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/8/2013 | 8:48:48 AM

YBĐT - Dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ là ngày đặc biệt vui mừng với những người hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là niềm tin, niềm hy vọng đối với những người còn đang chấp hành án phạt tại Trại giam Hồng Ca.

Hoàng Trung Việt dạy chữ cho các bạn tù tại lớp xóa mù cho Trại giam Hồng Ca tổ chức.
Hoàng Trung Việt dạy chữ cho các bạn tù tại lớp xóa mù cho Trại giam Hồng Ca tổ chức.

Thời gian gần đây, nhiều trang mạng tiếng Việt ở nước ngoài đăng tải không ít những bài viết xuyên tạc sự thật, phản ánh về điều kiện sống của phạm nhân tại các trại giam, đặc biệt các bài viết đã đề cập đến những phạm nhân phạm các tội chống phá Nhà nước, phản bội dân tộc... Những việc làm này không ngoài mục đích tuyên truyền chống phá khối đại đoàn kết dân tộc với chiêu bài "tự do, dân chủ và nhân quyền" của các thế lực thù địch.

Một ngày tháng 8 chúng tôi đến thăm Trại giam Hồng Ca trực thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, nơi có hàng nghìn phạm nhân đang cải tạo. Điều chúng tôi muốn phản ánh tới bạn đọc không phải là điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân bởi những hoạt động này đã được đảm bảo. Vượt lên trên những điều kiện vật chất chính là sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người phạm tội khi họ có những thành tích trong quá trình thi hành án thông qua đợt đặc xá năm 2013.

Trung tá Trần Văn Tải - Phó giám thị Trại giam Hồng Ca khẳng định: "Phong trào thi đua chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của trại và nhất là lập thành tích trong quá trình cải tạo của phạm nhân được duy trì thường xuyên, đặc biệt nhân dịp các ngày lễ lớn của dân tộc, thời điểm triển khai các đợt xét duyệt giảm án và đặc xá. Họ (những phạm nhân đang cải tạo) đã hiểu rõ rằng nếu chấp hành tốt việc cải tạo, lập được thành tích sẽ được hưởng chính sách khoan hồng giảm án và đặc xá.

Ban giám thị, cán bộ quản giáo và toàn thể cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn tạo điều kiện để phạm nhân phấn đấu vươn lên. Công tác giảm án, đặc xá được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo công bằng, công khai, tạo niềm tin và hy vọng cho những con người lầm đường lạc lối, thực sự muốn hoàn lương trở về với cộng đồng". Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 luôn là dịp triển khai công tác đặc xá, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, xã hội ta và đó cũng là minh chứng rõ nét nhất khiến các thế lực thù địch không thể xuyên tạc.

Ngay sau khi có Quyết định 1251 của Chủ tịch nước, hướng dẫn thi hành của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương và kế hoạch của Bộ Công an của Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Ban giám thị Trại giam Hồng Ca đã thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng Đặc xá, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, triển khai công tác đặc xá đảm bảo công khai, công bằng, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong quá trình xét duyệt với mục đích cuối cùng của đặc xá là ghi nhận sự phấn đấu vươn lên của phạm nhân, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước thông qua chính sách khoan hồng, tạo niềm tin, hướng phấn đấu cho những phạm nhân còn lại.

Thực hiện kế hoạch đã đề ra, Trại giam Hồng Ca đã triển khai học tập, quán triệt sâu sắc quyết định của Chủ tịch nước, hướng dẫn thi hành, đặc biệt là điều kiện, tiêu chuẩn người được hưởng đặc xá tới 100% cán bộ, chiến sỹ và toàn thể phạm nhân đang thi hành án. Theo trung tá Trần Văn Tải, việc triển khai học tập quyết định, hướng dẫn và kế hoạch về đặc xá nói rất ngắn gọn như vậy nhưng thực tế lại không hề dễ. Số lượng phạm nhân lên đến cả nghìn người, nhiều trong số ấy có trình độ văn hóa thấp, đặc biệt là không biết chữ, trong khi yêu cầu đặt ra 100% phạm nhân đều nắm rõ, hiểu đúng mọi điều kiện, chính sách… áp dụng cho mình.

Để làm được điều này không chỉ tổ chức tốt các lớp học, cán bộ quản lý phải gặp gỡ trực tiếp những phạm nhân để giải thích cặn kẽ và hướng dẫn nhiều lần. Chỉ khi nào phạm nhân đã hiểu đầy đủ thì cán bộ quản giáo mới tổ chức cho phạm nhân họp, thảo luận, bình xét, giới thiệu người đủ điều kiện đặc xá. Trên cơ sở danh sách bình xét, cán bộ quản giáo sẽ tiến hành bỏ phiếu kín chọn phạm nhân đưa vào danh sách dự kiến và chuyển về Đội Giáo dục của Trại rà soát hồ sơ theo quy định.

Sau khi rà soát lại, danh sách phạm nhân mới được trình lên Hội đồng Đặc xá. Qua các đợt bình bầu, xét duyệt đã có 132 phạm nhân của Trại giam Hồng Ca đủ điều kiện đặc xá nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2013. Danh sách số phạm nhân này được niêm yết công khai đến từng buồng giam.

Hiện nay, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức giáo dục công dân, trang bị tâm lý cho 132 phạm nhân trong danh sách để họ thuận lợi hơn trong tái hòa nhập cộng đồng đang được tiến hành. Thông qua lớp học, cán bộ sẽ tuyên truyền, vận động phạm nhân để họ khai báo thêm những thông tin phạm tội khác mà mình nắm được và những ý kiến đóng góp với quá trình quản lý, giáo dục phạm nhân trong Trại. Đây là công việc rất cần thiết bởi trước khi trở về họ sẽ cởi mở hơn trong khai báo những thông tin quan trọng, những vụ việc vi phạm pháp luật mà họ nắm được.

Được phép của Ban giám thị, chúng tôi đến thăm các phân trại, nơi trên 2.000 phạm nhân đang yên tâm cải tạo trước sự quản lý giáo dục nghiêm khắc, kỷ cương nhưng cũng đầy tình thương và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản giáo. Những nương chè nảy búp tua tủa, nhưng đàn lợn, đàn gà béo nục trong khu tăng gia chăn nuôi. Vẻ thân thiện giữa phạm nhân với phạm nhân, giữa phạm nhân với cán bộ là điều chúng tôi ghi nhận được dù những quy định nghiêm khắc ở nơi giam giữ và cải tạo vẫn được duy trì nghiêm túc.

 

Cán bộ quản giáo động viên phạm nhân cải tạo tốt để sớm được trở về.

Sắp đến ngày Quốc khánh nên nhiều tốp phạm nhân khéo tay, thạo việc được phân công chỉnh trang lại vườn hoa, cây cảnh, kẻ lại những tấm khẩu hiệu lớn… 132 phạm nhân được đề nghị đặc xá lần này phạm rất nhiều trọng tội khác nhau từ giết người, cướp của, lừa đảo, trộm cắp…, có những phạm nhân được tha trước thời hạn vài tháng và không ít người được trở về với gia đình và cộng đồng trước thời hạn 4 đến 5 năm.

Trong số những phạm nhân được đề nghị đặc xá có những cái tên đã được nhiều người biết tới như: Phạm Xuân Thường - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bát Xát (Lào Cai) trong vụ buôn lậu thuốc lá ở cửa khẩu Lào Cai mang tên Thiên Lợi Hòa. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với phạm nhân Hoàng Trung Việt - một con người có nhân thân tốt, học đại học ngoại ngữ rồi làm giáo viên Trường THPT Bắc Hà, chỉ vì bột phát hành động dại dột (xin không nói về tội danh của người này thêm một lần nữa) mà Việt phải ngồi tù.

Một con người có nhân thân tốt, có trình độ kiến thức đã được Ban giám thị sử dụng và tạo mọi điều kiện tốt, đặc biệt, Trại còn tổ chức một lớp học xóa mù chữ để ngày ngày "thầy giáo" vận quần áo kẻ sọc dạy chữ cho các bạn tù. Đã có hai lứa "học sinh" với trên 100 phạm nhân theo học. Điều hạnh phúc nhất với họ sau khi mãn hạn tù trở về với cộng đồng, đó là họ đã chính thức được công nhận là hoàn lương và hơn thế nữa, họ còn biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính.

Hoàng Trung Việt tâm sự: "Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước, công ơn đội ngũ cán bộ, quản giáo Trại giam Hồng Ca. Tôi xin hứa khi ra tù sẽ sống tốt và nuôi dạy các con thật tốt. Tôi tin với kiến thức và sức lực của mình, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn còn nhiều cơ hội".

Không còn vẻ hồng hào, béo tốt như những ngày làm ông chủ chứa mại dâm ở khu 2, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên), nước da của phạm nhân Trần Doãn Sinh đã sạm đi rất nhiều sau 5 năm 11 tháng ở tù. Trần Doãn Sinh là trường hợp đặc biệt trong số 132 phạm nhân được đề nghị đặc xá lần này.

Nói đặc biệt là vì với tội danh kinh doanh mại dâm, Sinh bị kết án 15 năm tù giam, chấp hành án từ ngày 21/9/2007, nhờ chấp hành tốt nên Sinh đã được giảm án một lần, dù vậy, số thời gian còn lại đã vượt quá điều kiện được đặc xá nhưng gia đình Trần Doãn Sinh vào loại đặc biệt khó khăn. Vợ Sinh cũng đang chấp hành án phạt tù trong cùng vụ án, Sinh có hai con nhỏ hiện đang sống cùng mẹ già đã hơn 80 tuổi.

Chính sự tích cực trong quá trình cải tạo và hoàn cảnh gia đình nên Hội đồng Đặc xá đã đưa Sinh vào danh sách. Lặng lẽ không nói ra nhưng hẳn Trần Doãn Sinh sẽ rất biết ơn Đảng và Nhà nước, cán bộ quản lý và giáo dục mình suốt hơn 5 năm qua. Được về trước thời hạn tới 7 năm, 6 tháng 20 ngày chắc chắn sẽ là món quà vô giá mà chính sách, pháp luật đã dành tặng cho mình.

Những phạm nhân như: Hoàng Văn Thức sinh năm 1991 ở Sơn A (Văn Chấn), Vàng Seo Lử ở Mường Khương (Lào Cai)… mắc trọng tội giết người và án phạt gần 10 năm nay cũng được đề nghị đặc xá về trước thời hạn từ 4 đến trên 5 năm chắc hẳn sẽ rất vui sướng và biết ơn Đảng và Nhà nước.

Dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ là ngày đặc biệt vui mừng với những người hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là niềm tin, niềm hy vọng đối với những người còn đang chấp hành án phạt. "Hôm ấy, sẽ có những buổi chia ly đẫm nước mắt, sẽ có những lời hẹn gặp lại giữa phạm nhân với phạm nhân, giữa phạm nhân với cán bộ nhưng không phải ở nơi này, điều kiện hoàn cảnh này!", Đội trưởng Đội Giáo dục Trại giam Hồng Ca, Đại úy Trần Mạnh Hoàn đã nói với chúng tôi như thế.

Lê Phiên

Các tin khác
Trồng ngô và phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng thoát nghèo của người dân Bản Lềnh.

YBĐT - Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) cách quốc lộ 32C chưa đầy 2km, cách trung tâm huyện Văn Chấn chỉ vài cây số vậy mà nơi đây dường như cách biệt với bên ngoài. Đời sống người Mông Bản Lềnh còn nặng nề hủ tục khiến bà con không thể vươn lên. Trăn trở trước thực tế này, Bí thư Chi bộ thôn Sùng A Tỉnh đã không ngại dấn mình vào cuộc chiến xóa bỏ hủ tục những mong Bản Lềnh không còn nghèo khó.

Lũ trẻ nhà anh Lảnh giúp bố mẹ tẽ ngô đổi lấy gạo.

YBĐT - Gia đình ít thì 4 đến 5, còn đông cứ phải trên chục. Trong số 11 trường hợp sinh con thứ 3 của toàn xã từ đầu năm 2013 đến nay, chủ yếu là các thôn đồng bào Mông.

Tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều đang là vấn nạn ở vùng cao gây khó khăn trong xây dựng gia đình bền vững.
Trong ảnh: Một thanh niên ở bản Lìm Thái, xã Cao Phạ tay bế đứa con 2 tuổi và địu đứa con 1 tuổi sau lưng.

YBĐT - Từ trước đến nay, nhiều người thường cho rằng, nạn tảo hôn chỉ phổ biến ở người Mông nhưng thực tế, đây đang là “căn bệnh truyền nhiễm” của xã hội, là nỗi trăn trở của cấp uỷ, chính quyền những nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là những địa phương phía tây tỉnh Yên Bái có đông đồng bào Thái.

Nghĩa Lộ - Mường Lò tuy đã được đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm với thị xã văn hóa và trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía Tây của tỉnh.
(Ảnh: nhật Thanh)

YBĐT - Địa lý bị chia cắt dẫn đến công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống thiếu đồng bộ, đặc biệt cùng với đó là sự chồng chéo về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục