12 năm phiêu bạt xứ người

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/10/2013 | 2:44:53 PM

YBĐT - Đường cho tôi xem bàn tay phải với ngón út bị chặt cụt 1 đốt, vết tích của những ngày phiêu bạt nơi xứ người, chịu sự đánh đập tàn tệ của đám chủ dẫn mối, ép gái Việt đi bán dâm, hé lộ sự thật hãi hùng về cuộc sống nơi "địa ngục trần gian" mà không ít người vẫn mơ hồ nuôi ước mơ hay mạo hiểm "gửi trứng cho ác" mong tìm được cơ hội đổi đời nơi xứ người...

Nguyễn Thị Đường với ngón tay út bị chặt vì không chịu để ép làm gái mại dâm.
Nguyễn Thị Đường với ngón tay út bị chặt vì không chịu để ép làm gái mại dâm.

Ngày định mệnh…

Ngày 23/10/ 2001, có lẽ là ngày khủng khiếp nhất với bà Phùng Thị Tứ khi hay tin Đường, đứa con gái lớn của người chồng quá cố theo chân người bà con họ hàng cùng thôn đi mua mạch môn về bán đã biệt tích. Mắt nhòe đi vì xúc động, bà Tứ vẫn còn nhớ như in cái ngày hôm đó: "Thường thì con bé hay theo tôi đi làm thuê loanh quanh trong vùng. Ngày nào không có việc nó vẫn đi mua gom mạch môn về bán cho người ta. Chiều muộn chưa thấy con về nhưng biết vì nó đi mua hàng theo người chị họ cùng làng, tôi cũng yên tâm hơn. Nhưng cả đêm hôm đó, rồi ngày hôm sau không thấy con bé về, tôi trồi trổ khắp nơi tìm con. Họ hàng anh em chia nhau đi dò hỏi, báo chính quyền. Có người làng bắn tin, con tôi bị lừa đi Trung Quốc rồi, khuyên đừng tìm kiếm làm gì không chúng giết con. Lại có người phao tin vì nhà khổ quá nên tôi đã bán con lấy tiền. Gia đình bên nội cũng tin vào điều đó khiến tôi hoang mang, bế tắc. Uất hận vì miệng tiếng người đời thị phi, tôi muốn chết quách đi cho đỡ khổ nhưng nghĩ con mình còn chưa biết sống chết ra sao nên đành nuốt nước mắt vào trong, nuôi hy vọng một ngày con trở về dù biết tìm con khi ấy chẳng khác nào "mò kim đáy bể".

Lau những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt mẹ, Đường tâm sự: "Em may mắn gặp được gia đình chồng tốt. Biết em có ý định muốn trở về quê thăm mẹ và cũng để làm rõ sự việc, cả chồng và bố mẹ chồng em đều rất ủng hộ. Cuối năm 2012, bố mẹ chồng cho phép 2 đứa em về Việt Nam sớm kịp ăn tết truyền thống cùng gia đình. Hôm về Việt Nam, chồng em đi đường cửa khẩu còn em đi chui vì không có giấy tờ hợp pháp. Từ Lào Cai về Yên Bái không khó vì cứ ngồi ô tô khắc đến nơi nhưng từ Yên Bái tìm đường về nhà, hai vợ chồng em lần mò mất cả buổi chiều. Ngày chị họ đưa em đi, làng quê không giống bây giờ. Em cũng không được đi đâu xa quá thị trấn Cổ Phúc nên không biết đường nào về nhà...".  

Ra đi khi chưa đầy 15 tuổi, sự trở về đột ngột của Nguyễn Thị Đường như một phép lạ khiến người dân thôn 9, xã Quy Mông không khỏi ngạc nhiên. Với bà Tư, sự trở về của Đường giống như một giấc mơ có thực.

Bấm đốt ngón tay, bà rưng rưng kể: "Đường trở về thời gian đó là khoảng cuối tháng 10 năm ngoái, có cả chồng nó cùng về. Hôm ấy, sẩm tối tôi mới đi làm đồng về. Nghe con cháu gái gọi bảo nhanh lên, chị Đường về rồi, tôi còn không tin. Đến khi gặp con ở nhà ông bà nội cháu mà tôi như mơ vì không biết đấy có phải là con mình nữa hay không. Mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Mười mấy năm bặt tin tức, ai cũng nghĩ nó đã chết".

Phiêu bạt xứ người

Cái ngày định mệnh ấy đã khiến một cô bé thôn quê chưa đầy 15 tuổi như Đường phải trải qua những tháng ngày "sống không bằng chết". Giờ nghĩ lại Đường không khỏi rùng mình. "Chị Hương đưa em đi đến cửa khẩu Lào Cai. Chị ấy ngủ được một tối ở cửa khẩu, sớm hôm sau về lúc nào em cũng không biết. Chỉ thấy trước khi đi chị bảo: Em ở đây, chị đi hỏi xem làm công việc gì, tiền lương thế nào?… Rồi từ đấy đến năm ngoái em về mới gặp lại chị ấy trên Công an huyện để đối chất làm rõ sự việc".

Sau 5 ngày đợi ở cửa khẩu, người ta đưa Đường sang Trung Quốc. Sang bên ấy còn có 8 chị em khác cũng là người Việt Nam bị nhốt cùng trong một căn nhà xây. Mới đến, họ cho ở cùng nhau, sau tách mỗi người một nơi, cơm ăn, nước uống đều có người đưa vào, tối có người ngủ canh. Những ngày sau, được đưa sâu vào nội địa, khi ấy họ mới đánh đập dã man. Mỗi nơi chỉ cho ở vài tháng rồi lại di chuyển tiếp. Họ đưa đến các khách sạn ép làm gái. Không làm họ rạch đùi, rạch ngực, bỏ đói ba bốn ngày liền không cho ăn, uống.

Ngón tay út của Đường bị chặt cũng vì lý do ấy. Không ép đi gái được, họ đưa cả mấy chị em lên đồi làm gỗ, được chừng 6, 7 tháng gì đó, khi thấy đã bập bẹ nói và giao tiếp được bằng tiếng địa phương, họ đưa vào một thị trấn làm phục vụ, rửa bát, lau dọn tại các quán ăn. Được chủ quán cơm đối xử tốt, sau gần năm thì Đường quen anh Lồ Xì Lèng, người Quảng Tây.

Nghe Đường kể chuyện, anh ấy thương nên xin bố mẹ chuộc Đường ra. Sau này thành vợ chồng Đường mới biết, số tiền để chuộc em ra rất lớn, khoảng 12 vạn nhân dân tệ, nghĩa là bằng tiền công làm thuê 10 năm không ăn uống. Giờ vợ chồng Đường đã có một con trai học lớp 3. Cuộc sống bên ấy đã đỡ vất vả. Đường cũng đã làm xong mọi thủ tục giấy tờ hợp pháp để qua lại hai quê. "Điều em mong mỏi nhất là vụ việc sớm được làm sáng tỏ. Người có tội phải nhận tội để trả lại danh tiếng cho gia đình và để cho mọi người thấy niềm tin ở sự nghiêm minh của pháp luật", Đường nói.  

  

Đường, con trai và chồng (áo phông sáng) chụp ảnh cùng người thân. 

Nhận diện tội phạm buôn bán người

Lần trở về Việt Nam cuối năm ngoái, Hà Thị Hương, người chị gái họ của Đường đã được Công an huyện Trấn Yên gọi lên phục vụ điều tra. Theo lời kể của mẹ con bà Tứ, ngay sau khi Nguyễn Thị Đường trở về Quy Mông, gia đình bà Tứ đã báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của xã, huyện.

Đối tượng Hà Thị Hương đã mấy lần được triệu tập lên Công an huyện Trấn Yên đối chất cùng nhân chứng nhưng sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Cô phân trần: "Các bác ở Công an huyện Trấn Yên có giải thích: vụ việc của em chứng cứ còn "non". Nếu có thêm một, hai nạn nhân khác bị đối tượng này lừa bán thì sẽ dễ dàng hơn cho quá trình xác minh điều tra… Em biết để làm rõ sự việc là rất khó khăn và cần có thời gian nhưng em sẽ chờ đợi vì em tin vào sự nghiêm minh của pháp luật…".

Ông Trần Văn Chung -
Trưởng Công an xã Quy Mông:

 

Hiện xã Quy Mông có 11 trường hợp là phụ nữ và trẻ em gái nghi bị buôn bán, tập trung ở các thôn 1, 3, 7, 9 - đây là những thôn đặc thù có đông  đồng bào dân tộc, đồng bào công giáo, đời sống kinh tế khó khăn, nhiều hộ nghèo, được xác định là những thôn trọng điểm được địa phương chú trọng quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa buôn bán người.

Không ít kẻ có tội vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của luật pháp đang đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai ngành chức năng. Điều này cũng cho thấy việc đấu tranh phòng ngừa và kìm chế loại đối tượng tội phạm nguy hiểm, tinh vi này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Được biết lần trở về Việt Nam để hoàn tất thủ tục làm hộ chiếu tháng 7/2013, Đường và hơn 100 phụ nữ của xã Quy Mông đã được tham gia chương trình phòng ngừa mua bán người do Hội Phụ nữ xã đứng ra tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quy Mông bộc bạch: "Ngày cháu Đường bị mất tích cả xã ai cũng biết. Thời điểm này (2001 - 2009), Quy Mông có nhiều phụ nữ đi khỏi địa phương thời gian dài không rõ nguyên nhân. Một số người đã trở về nhưng khi tìm hiểu nguyên nhân vắng mặt thì dường như họ đã được cam kết hay ngầm định một điều gì đó nên không mấy người chia sẻ. Biết hoàn cảnh éo le của Đường từ khi con bé còn ở nhà, lại nghe cháu kể về những ngày khổ cực sống phiêu bạt nơi đất khách quê người, mong muốn vạch mặt kẻ xấu, bà con dân làng ủng hộ lắm. Chúng tôi cũng mong vụ việc được làm sáng tỏ để giáo dục, răn đe cho kẻ khác, bởi ở địa phương này còn không hiếm người là nạn nhân".

Chương trình phòng ngừa mua bán người mong đạt được khi triển khai ở xã Quy Mông cũng hướng đến mục tiêu này nhằm giúp chị em nâng cao hiểu biết, không vô tình biến mình trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Việt Nam được xem là một nước "nguồn" của tình trạng mua bán người mà thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi với nhiều hình thức buôn bán người mới như: buôn bán trẻ sơ sinh, nội tạng và đẻ thuê. Trong đó, Yên Bái được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về buôn bán phụ nữ - trẻ em, chủ yếu là buôn bán qua biên giới, sang Trung Quốc. Kể từ năm 2010 đến tháng 6/2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ mua bán người. Thực tế, sự hiểu biết của đại bộ phận người dân về pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống mua bán người nói riêng còn rất hạn chế.

 Mong rằng việc thực thi pháp luật về phòng chống buôn bán người nghiêm minh, tránh được những kẽ hở để lọt người, lọt tội, trong thực thi pháp luật, kìm chế loại tội phạm nguy hiểm này để không có thêm những phụ nữ, những trẻ em gái đáng thương, vì cái nghèo, vì sự thiếu hiểu biết, vì nhẹ dạ cả tin... trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người..                      

 Phạm Minh - Lê Thanh

Các tin khác
Đây là lý do giải thích vì sao chất lượng nguyên liệu chè ngày càng xấu. (Ảnh: Bùi Xuân Đông)

YBĐT - Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn lắc đầu ngao ngán: “Đời nào nguyên liệu dài cả gang tay, đưa vào chế biến chè đen cũng khó, nói gì đến chế biến chè chất lượng cao, chè xanh…”. >> Bài 1: Tổng quan ngành chè

Bên cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
(Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: “Sản xuất chè ở Việt Nam đang bất cập ở cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị: trồng, chế biến, tiêu thụ”.

Người cựu tù Phú Quốc Nguyễn Văn Căn với đôi mắt mù lòa đã 5 năm nay.

YBĐT - “Tôi chỉ mong làm được giấy tờ, xác nhận được chế độ, có như vậy nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng” - cứ khắc khoải mãi một nỗi niềm mong mỏi của một người lính, một cựu tù Phú Quốc. Đồng đội, người thân hiểu sự day dứt hơn ai hết, khi nỗi niềm mong mỏi đau đáu ấy đã đi qua gần bốn chục năm trời...

Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình thăm cánh đồng lúa xã Bạch Hà. (Ảnh: Kiều Mười)

YBĐT - Hiện cả xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 30% số hộ tham gia sản xuất lúa Chiêm Hương làm hàng hóa. Thế nhưng, để mua được yến gạo Chiêm Hương Bạch Hà chính gốc thì đích thân Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi xuống một hộ dân và phải "nói khéo" mới mua nổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục