Khúc tráng ca giữa miền ban trắng

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2014 | 2:49:31 PM

YBĐT - Đến với thị xã miền Tây trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi xúc động khi thắp nén tâm nhang trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ, cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt và cả những mất mát, hy sinh khó nói hết bằng lời... để thấy yêu hơn mảnh đất, con người Nghĩa Lộ, thấm hơn khúc tráng ca còn vang mãi giữa miền ban trắng.

Di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Và thật tự hào khi chiến thắng Nghĩa Lộ (18/10/1952) - một chiến thắng đặc biệt quan trọng đã đập tan cánh cửa thép của địch ở chiến trường Tây Bắc, góp phần làm nên thắng lợi hoàn toàn của quân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ, vĩnh viễn đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước.

"Căng" theo tiếng Pháp có nghĩa là nơi giam giữ phạm nhân chính trị được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1900 khi Nghĩa Lộ còn thuộc tổng Phù Nham, huyện Văn Chấn, sau đó được mở rộng và nâng cấp thành nhà tù cấp Đông Dương. Năm 1945, chúng đã chuyển các chính trị phạm từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) về Căng Nghĩa Lộ.

Dù bị hành hạ, tra tấn bằng đủ các ngón đòn hiểm ác nhưng trong lao tù, phong trào cách mạng vẫn không ngừng dâng cao. Chi bộ nhà tù, Ủy ban nhà tù được thành lập và tờ báo Đường nghĩa ra đời đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền cách mạng trong vùng và giác ngộ binh lính khố xanh.

Chiều ngày 17/3/1945, sau vụ Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) đã xảy ra cuộc phá Căng vượt ngục của các tù nhân chính trị. Trong làn đạn của kẻ thù, 9 chiến sỹ đã hy sinh, một số bị thương, một số thoát được ra ngoài và được nhân dân che chở. Dù không tránh khỏi những hy sinh, tổn thất song sự kiện phá Căng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng trong nhân dân.

Đến năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm Nghĩa Lộ. Chúng đã cho xây dựng trên cơ sở Căng Nghĩa Lộ cũ một hệ thống đồn bốt vô cùng kiên cố gọi là Đồn Nghĩa Lộ (Nghĩa Lộ phố). Đồn Nghĩa Lộ cùng với đồn Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi), Cửa Nhì và các đồn lẻ xung quanh tạo thành Phân khu Nghĩa Lộ - trụ cột của tấm bình phong bảo vệ sông Đà, cánh cửa thép của chiến trường Tây Bắc.

Sau Chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), địch xây dựng lại Phân khu Nghĩa Lộ khá kiên cố, vừa phức tạp vừa hiểm ác. Công sự của hai cứ điểm chính là Pú Chạng và Nghĩa Lộ hình thành thế phòng ngự vòng tròn xoáy ốc, nhiều tầng, nhiều lớp, xung quanh gồm nhiều tầng dây thép gai bao bọc có gài mìn, ngoài cùng là hệ thống giao thông hào.

Đặc biệt, cả hai cứ điểm đều có hầm ngầm kiên cố để cố thủ. Năm 1952, Phân khu Nghĩa Lộ được Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương chọn là nơi tiến hành đợt tiến công mở màn Chiến dịch Tây Bắc. Tham gia đợt tiến công có các sư đoàn: 308, 312, 316, các đơn vị bộ đội địa phương cùng sự hưởng ứng, giúp sức của nhân dân.

Trong ký ức của cụ Lò Văn Biến, 82 tuổi ở tổ Cang Nà, phường Trung Tâm  (thị xã Nghĩa Lộ) vẫn vẹn nguyên hình ảnh Mường Lò những ngày tháng 10 năm 1952 lịch sử. Cụ bảo: "Khi ấy, bộ đội mình đã đường hoàng tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ, còn quân Pháp trên đồn thì không dám ló mặt ra ngoài, thi thoảng trên đồn Pú Chạng chúng bắn ra thưa thớt, cầm chừng. Nghĩa Lộ khi ấy còn nhiều cây cối rậm rạp đã trở thành màn che mắt quân địch, che chở bộ đội ta".

17 giờ 15 phút ngày 17/10, hỏa lực ta đồng loạt xả đạn vào các mục tiêu trong cứ điểm Pú Chạng. Sau hơn ba giờ chiến đấu ác liệt, cứ điểm Pú Chạng bị tiêu diệt. Sau khi thất thủ ở đồn Pú Chạng, quân địch ở Đồn Nghĩa Lộ hoàn toàn bị cô lập, trở nên hoang mang, còn bộ đội ta thì đang hăng hái và sốt ruột chờ lệnh. Địch và ta giằng co nhau quyết liệt. Với tinh thần kiên quyết, sáng tạo và anh dũng trong chiến đấu, 5 giờ 30 phút sáng ngày 18/10/1952, trận Nghĩa Lộ phố kết thúc thắng lợi. Trên đà chiến thắng, ta tiếp tục tiêu diệt địch tại Đồn Cửa Nhì và các đồn lẻ ở Nậm Mười, Gia Hội, Tú Lệ... Ở Tiểu khu Phù Yên, địch cũng bị quét sạch.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đợt tấn công tiêu diệt địch ở Phân khu Nghĩa Lộ mở màn cho Chiến dịch Tây Bắc của ta đã kết thúc thắng lợi. Ta liên tiếp hạ 3 cứ điểm chính của địch là Đồn Pú Chạng, Đồn Nghĩa Lộ và Đồn Cửa Nhì, làm thiệt hại một lực lượng lớn quân địch và vô hiệu hóa Sở Chỉ huy của chúng ở Nghĩa Lộ. Mục tiêu đập tan cách cửa thép của địch ở chiến trường Tây Bắc đã hoàn thành... Trước Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Pleven đã phải thừa nhận: "Việc mất Nghĩa Lộ có hại cho uy tín của chúng ta và là một vết thương khó lành". Vết thương ấy đã ăn sâu và không lâu sau đó đã khiến thực dân Pháp phải hoàn toàn gục ngã ở Điện Biên Phủ.

 

Hát giao duyên trong hội Hạn Khuống của Người Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Chiến tranh qua đi, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người Nghĩa Lộ đang hăng say xây dựng cuộc sống mới, tiến tới xây dựng thị xã văn hóa - du lịch trong một tương lai rất gần. Khu di tích lịch sử - văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (tháng 9/1996).

Trong khuôn viên rộng 2,5ha được bố trí thành 3 khu riêng biệt gồm: khu tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ, khu nhà bia ghi danh 403 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước và khu mộ cùng đài tưởng niệm 9 chiến sĩ đã hy sinh trong trận phá Căng vượt ngục năm xưa. Hàng năm, Khu di tích đón hàng ngàn lượt khách và nhân dân về thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ. Nhiều người đã từng tham gia trận Nghĩa Lộ mùa thu năm 1952 khi trở lại chiến trường cũ đã không giấu nổi nỗi nghẹn ngào, xúc động và tin tưởng vào một thế hệ sẽ góp phần làm rạng danh mảnh đất mà ở đó, bao người đã mãi mãi nằm xuống, bao xương máu đã chan hòa với đất, với nắng và gió Mường Lò.

Hiện nay, hoạt động của Căng - Đồn Nghĩa Lộ do Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ quản lý. Theo chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó giám đốc Khu tưởng niệm thì song song với việc tu bổ, tôn tạo, đón tiếp du khách và nhân dân tới thăm viếng, khu còn góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ qua các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn và bổ ích.

Các trường học trên địa bàn cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích tổ chức cho học sinh thường xuyên tham gia chăm sóc các hạng mục công trình tại đây để các em thấy rõ và thiết thực đóng góp công sức của mình trong việc giữ gìn di tích lịch sử của quê hương.

Với người Nghĩa Lộ, Căng - Đồn không chỉ là nơi tưởng niệm, ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng Nghĩa Lộ, khẳng định ý nghĩa và tôn vinh giá trị của chiến thắng Nghĩa Lộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn góp phần giáo dục lịch sử đấu tranh cách mạng cho các thế hệ cũng như là điểm du lịch văn hóa của Nghĩa Lộ - Mường Lò. Điều quan trọng hơn cả là khúc tráng ca của miền ban trắng đã góp phần bồi đắp tâm hồn và tình yêu quê hương, đất nước trong tâm hồn họ - những người dân thị xã miền Tây.

Khúc tráng ca ấy cũng sẽ mãi ngân vang trong lòng mỗi du khách khi họ một lần đặt chân đến đất Nghĩa Lộ, được nghe kể về những năm tháng đã qua, về những mùa hoa đã nở trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ cùng những nốt nhạc trầm hùng trong bản "Cùng nhau đi hồng binh" của chiến sỹ - nhạc sỹ Đinh Nhu - người đã mãi mãi nằm lại với đồng đội trong ngôi mộ chung hình hoa ban 9 cánh.

Văn Tuấn - Thu Phong

Các tin khác
Tổ trưởng bảo vệ rừng Vừ A Sang (thứ ba, phải sang) đã có mong muốn dời nhà ra khu ngoài cho có điện và đi lại dễ dàng nhưng chưa tìm được đất ở.

YBĐT - Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên có 1.359 hộ với 5.699 khẩu, gồm các dân tộc Tày, Mông và Kinh. Toàn xã có 17 thôn, trong đó có 4 thôn người Mông là: Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Tiến và Khe Ron. Trong khi cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong xã đang có những bước tiến đáng kể thì ở thôn Khe Tiến, trên bốn chục hộ dân đang cần hỗ trợ để thoát khỏi khó khăn.

Ông Vi Văn Tính (người ngồi giữa), ông Bùi Văn Như (ngồi bên trái) cùng ông Ngô Đức Trọng (Cựu TNXP xã Minh Bảo, TP Yên Bái) ôn lại kỷ niệm.

YBĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu" đã đi qua chặng đường 60 năm. 60 năm - dòng chảy thời gian ít nhiều đã cuốn theo dấu vết chiến tranh nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào của một dân tộc về những chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Con cái là sự tiếp nối của cha mẹ.
(Ảnh mang tính minh họa)

YBĐT - Người ta thường nói, con cái là sự tiếp nối cuộc sống của cha mẹ, điều đó làm nên sự trường tồn của con người trong vũ trụ. Nhưng bỗng một ngày cha mẹ phát hiện ra sự tiếp nối của mình không giống như tự nhiên vốn có thì dường như vũ trụ đã hoàn toàn sụp đổ. Và trong cuộc đấu tranh khẳng định mình của những đứa con thuộc giới tính thứ ba này đang nhiều lắm những giọt nước mắt.

Người dân thôn Bu Cao có cuộc sống ấm no nhờ “hạ sơn”.

YBĐT - Trên cơ sở Dự án quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015, trong giai đoạn 2006 - 2013, tỉnh Yên Bái đã xây dựng 46 dự án để triển khai chương trình bố trí dân cư; tổng số hộ được sắp xếp, bố trí là 1.385 hộ, đạt 61%, trong đó 1.162 hộ được bố trí theo hình thức tập trung và 163 hộ được bố trí theo hình thức xen ghép.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục