“Đánh mạnh như sét - Ẩn lặng như tờ”

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2014 | 8:40:41 AM

YBĐT - Thật tình cờ khi tôi gặp được ông - một trong những người lính pháo binh đầu tiên của quân đội Việt Nam khi ông từ Hà Nội về thăm lại bến Âu Lâu lịch sử. Người cựu binh ấy là ông Hoàng Tuấn Việt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Hãng phim Ngọc Khánh thuộc Viện Phim Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị pháo binh trong lễ mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ ngày 13/5/1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị pháo binh trong lễ mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ ngày 13/5/1954.

Ông Việt cho biết, từ năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang giai đoạn tấn công địch và ta bắt đầu chuẩn bị lực lượng cho những trận đánh lớn. Vì thế, Bộ Tổng tư lệnh quyết định Trung đoàn 34 bộ binh ở Hà - Nam - Ninh chuyển thành Trung đoàn pháo mặt đất. Vậy là Trung đoàn quãng nghìn người từ vùng hậu cứ bí mật đi ra Hoa Lư, Nho Quan, Ninh Bình để ngày 9/12/1950 hành quân qua Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang rồi sang Trung Quốc học pháo binh.

Cả một hành trình lên đến Hà Giang, nhiều người lính ở độ tuổi 14 -15 như Hoàng Tuấn Việt lúc ấy chỉ đi bằng đôi chân trần vượt đại ngàn dốc đá đầy gian khổ, đói khát, sốt rét, sốt nóng. Vì phải giữ bí mật nên ngày nghỉ, đêm đi, đi trong mưa, vừa đi vừa phát lối mở đường nên có lần hành quân cả đêm rồi bị lạc đường đến sáng hôm sau lại quay lại đúng chỗ mình vừa xuất phát đêm qua.

Đi đêm đã khổ nhưng nhiều lúc còn phải cáng đồng đội bỗng lên cơn sốt rét giữa rừng, có người đã phải ra đi giữa rừng, bỏ dở việc quân và đồng đội chỉ kịp đắp cho nấm mồ và một vòng hoa cỏ…

Nhưng trong cuộc hành binh ấy, lắm lúc thật hạnh phúc và cảm động bởi khi dừng chân nghỉ ở đâu cũng đều được người dân đùm bọc như ruột thịt. Như lần dừng chân ở Phương Độ (Vị Xuyên), những người mẹ Tày ở đây thấy đàn con nhiều đứa tuổi vừa mới lớn mà phải chịu bao vất vả, gian nan nên các mẹ đốt thêm những đống củi trong nhà vừa sưởi ấm vừa hong quần áo. Các mẹ tất bật nấu cho bộ đội bữa cơm nóng có trám muối, măng giang mà sao ăn ngon đến vậy! Lúc lên đường, trời vẫn nặng mưa, những người mẹ nơi tuyến đầu biên giới ấy lại ra vườn chặt cho mỗi con một tàu lá cọ để khoác làm áo tơi che mưa và một ống bương đựng nước uống đun lá thuốc.

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hoàng Tuấn Việt mới bước sang tuổi 17 và được tặng huy hiệu vì thành tích chiến đấu giỏi.

Đến bây giờ, sau hơn 60 năm, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh lá cọ, ông Việt vẫn thấy lòng mình se thắt lại... Bởi vì, tàu lá cọ ấy của người mẹ biên cương không chỉ che mưa khi hành quân mà lúc nghỉ còn căng ra lợp lán. Rồi một hôm, khi đoàn quân đi qua một cầu treo nối Thanh Thủy sang nước bạn, cầu cũ bỗng dưng gẫy ván và 4 chiến sỹ đã thiệt mạng thì tàu lá cọ lại bó mình những người lính hy sinh.

Sang bên kia đất bạn, nhiều đôi chân trần sau bao lần bong rộp giờ đã có người bị loét, mưng mủ. Đồng đội chia nhau từng tý vải cũ để quấn vết đau, tiếp tục cuộc trường chinh với bao khát khao vì ngày mai chiến thắng.

 Từ đất bạn không còn phải đi ban đêm nữa nhưng vẫn phải bí mật trong cái tên Bộ đội Lưỡng Quảng và lại phải vượt qua những đỉnh núi như Cổng Trời... đường lên xoắn ốc, vời vợi mây xanh rồi tiếp đến dải Vân Sơn chập chùng hàng trăm cây số. Ăn uống trên đất bạn cũng rất kham khổ vì đi bộ đã kiệt sức lại chưa hợp được khẩu vị với những món như: gạo tẻ đồ xôi, cháo ngô sột sệt, ớt xào cay xè mà người dân Trung Quốc nghèo khó vừa mới giải phóng đã cố gắng sẻ chia cho bộ đội ta.

Tính ra, cuộc trường chinh chân đất ấy kéo dài gần hai tháng mới vào đến Si-an-sô phố và Phố Lăng của huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là nơi học pháo binh.

Gần hai năm trên đất bạn, những người lính trẻ đều hăng say học tập. Chuyên gia quân sự của nước bạn khen các học viên Việt Nam rất thông minh và sáng tạo trong học tập. Cho nên đội ngũ quan trắc, thông tin, pháo thủ, lái xe… đều tinh thông kỹ thuật đồng thời trình độ chiến thuật, tổ chức chỉ huy hợp đồng tác chiến binh chủng, tổ chức hành quân và bắn đạn thật đã đảm bảo được yêu cầu chiến đấu.

Ngày kết thúc khóa học để trở về nước (25/1/1953), Thiếu tướng Trần Tử Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính ủy Trường Lục quân thay mặt Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Trung đoàn lựu pháo 105 ly hành quân về nước và tặng cờ thêu dòng chữ: “Đánh mạnh như sét - Ẩn lặng như tờ”.

Còn các chuyên gia quân sự Trung Quốc thì tặng cờ thêu dòng chữ: “Bách phát bách trúng”. Điều đó đã khích lệ cao độ tinh thần của các chiến sỹ pháo binh mong muốn mau chóng được trở về Tổ quốc để nã những đòn sấm sét vào quân thù. Và bản lĩnh, ý chí, lòng yêu nước của những chiến sỹ pháo binh đầu tiên ấy đã làm được điều đó khi tại chiến trường Điện Biên Phủ, họ đã điều khiển các chú “voi” khai màn hỏa lực xung yếu vùi dập toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà quân Pháp ngạo mạn cho rằng đó là “pháo đài bất khả xâm phạm”.

Chiến công này là niềm động viên lớn lao với những người lính pháo binh đầu tiên đã phải chịu bao hy sinh vất vả để cùng quân dân ta lập nên chiến công huyền thoại Điện Biên Phủ lẫy lừng.                            

H.N

Các tin khác
Anh Tăng Văn Việt báo cáo với công an huyện Lục Yên về quá trình đi lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc.

YBĐT - Trong những năm gần đây, các làng quê từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện tình trạng lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Những tưởng cuộc sống mới nơi đất khách đem đến cơ may đổi đời nhanh chóng, nào ngờ cuộc sống nơi "miền đất hứa" của họ luôn trong cảnh mất tự do, tai nạn rình rập...

Các chiến sỹ xung kích tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam.

Tại căn nhà hai tầng rộng rãi ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên (Bắc Giang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi năm nay đã 87 tuổi, mái tóc bạc phơ nhưng giọng nói vẫn ấm áp và đầy tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó những kỷ niệm sâu sắc nhất là trận đánh trên đồi A1.

Di tích lịch sử văn hóa Cổng Đục (Đồn Cao) đang xuống cấp.

YBĐT - Yên Bái là mảnh đất in đậm dấu ấn lịch sử và có nền văn hóa truyền thống lâu đời. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử cách mạng, hệ thống các đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng.

Cụ Lê Văn Đam (chỉ tay) và cụ Đoàn Văn Bằng hoài niệm về những tháng ngày lịch sử trên bến Âu Lâu...

YBĐT - Những người bơi đò trên bến Vạn Lâu hơn 60 năm về trước giờ chỉ còn vài cụ nhưng những người trong làng Vạn Lâu từng chứng kiến những thời khắc hào hùng ra trận trên bến sông này những năm chống Pháp thì còn có thêm vài cụ nữa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục