Ký ức Vạn Lâu

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/4/2014 | 9:00:26 AM

YBĐT - Những người bơi đò trên bến Vạn Lâu hơn 60 năm về trước giờ chỉ còn vài cụ nhưng những người trong làng Vạn Lâu từng chứng kiến những thời khắc hào hùng ra trận trên bến sông này những năm chống Pháp thì còn có thêm vài cụ nữa.

Cụ Lê Văn Đam (chỉ tay) và cụ Đoàn Văn Bằng hoài niệm về những tháng ngày lịch sử trên bến Âu Lâu...
Cụ Lê Văn Đam (chỉ tay) và cụ Đoàn Văn Bằng hoài niệm về những tháng ngày lịch sử trên bến Âu Lâu...

Họ đều đã cao tuổi và người cao tuổi nhất là cụ Đoàn Văn Bằng đã 90, còn ít tuổi nhất là cụ Phạm Thị Thanh cũng đã 83. Nhưng tất cả đều vẫn còn minh mẫn nên khi họ kể những câu chuyện của hơn 60 năm trước mà nghe cứ như chuyện vừa mới hôm qua...

Cụ Đoàn Văn Bằng, cụ Lê Văn Đam ở thôn Cửa Ngòi - ngày xưa vốn là làng Vạn Lâu - bảo rằng, cái tên Âu Lâu là sau này mới có. Còn trước đây, làng và bến đều chung tên gọi Vạn Lâu. Sở dĩ gọi là làng Vạn Lâu vì làng có quãng 40 nóc nhà nhưng hầu hết có nghề vạn chài và bơi đò đưa khách qua sông. Phía bên kia bến Âu Lâu - nơi đặt tượng đài bến Âu Lâu lịch sử bây giờ, dân khi ấy thơn thớt lắm và chỉ có duy nhất nhà bà Phan Thị Thanh là có nghề bơi đò. Cho nên, người bơi đò và cả những người kéo phà trên bến Âu Lâu trước đây phần đông đều là người ở Vạn Lâu vì họ có nghề sông nước.

Lại nói về câu chuyện bơi đò, kéo phà đưa bộ đội qua sông, ngay cả những nhân chứng sống nhiều người sau này thường nghĩ, bến phà chỉ gắn với sự kiện trong vòng mấy tháng làm nhiệm vụ vận chuyển dân công, bộ đội, vũ khí khi quân ta tiến lên mặt trận Điện Biên Phủ chứ chẳng mấy ai biết rằng, bến đò này trước đấy đã phục vụ nhiều chiến dịch.

Bà Phan Thị Thanh cho biết, từ bé bà đã ở bến sông này. Bố bà làm nghề bơi đò nên bao sự kiện trên bến Âu Lâu này, bà đều biết cả. Hỏi rằng bà có nhớ mình đã chở đò phục vụ những chiến dịch nào không, bà cười và bảo: “Hồi ấy, có ai biết chiến dịch là gì...”.

 

Cụ Phan Thị Thanh đã lái đò đưa bộ đội qua sông từ chiến dịch Sông Thao 1949.

Bà chỉ nhớ ở tuổi 17, bà đã bơi đò đưa bộ đội qua sông rồi bà cùng đi tiếp vận cho bộ đội lên đánh đồn Tây ở mạn Văn Yên. Tiếp đến, bà lại lái đò đưa bộ đội sang sông vào đánh Tây ở Nghĩa Lộ, còn chồng bà thì cũng làm dân công vào trong mạn ấy. Lần thứ hai cũng lại đưa đò chở bộ đội vào đánh Tây ở Nghĩa Lộ thì lúc này, chồng bà đã vào bộ đội.

Nghe bà kể rồi nhẩm tính, năm 17 tuổi, bà đưa bộ đội sang sông rồi làm dân công đánh đồn địch ở Văn Yên thì trùng với năm ta mở Chiến dịch Sông Thao 1949.  Còn hai lần đưa bộ đội vào đánh Tây ở Nghĩa Lộ thì chắc chắn bến đò này đã tham gia cả Chiến dịch Lý Thường Kiệt ở Nghĩa Lộ từ 25/9 đến 10/10/1951 và Chiến dịch Tây Bắc tháng 10/1952.

Nhưng điểm nhấn hào hùng nhất của bến sông này chắc chắn phải kể đến thời khắc toàn dân ra trận Điện Biên. Ông Phạm Trung Tốn ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu nguyên là máy trưởng ca nô kéo phà cho biết: năm 1952, ông về làm nhiệm vụ ở bến Âu Lâu thì chỉ có phà gỗ kéo tay. Đến cuối năm 1953, Trung ương tăng cường cho bến 2 tàu kéo lấy từ Hà Nội.

 

Cụ Phạm Trung Tốn nguyên là máy trưởng kéo phà trên bến Âu Lâu những năm chống Pháp.

Sau này, ông Tốn mới biết, sự tăng cường ấy là do Trung ương đã chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Nếu không được tăng cường thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ vì bước vào thời điểm ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ban đêm, trên bến phà này luôn nườm nượp người qua. Bến ở phía trên, phà 8 tấn chở dân công, bộ đội và phà 12 tấn ở bến dưới thì chở ô tô, đại bác. Thế mà vẫn còn phải huy động hết mấy chục thuyền nan của làng chài Vạn Lâu mới đáp ứng được yêu cầu vận chuyển.

Trong lời kể của những chứng nhân lịch sử, ai cũng cùng chung tâm sự rằng, gian khổ thế nhưng chẳng hề nao núng mà còn cảm thấy rất vui. Pháo sáng của địch thả nhìn rõ cả mặt người nhưng những người lái phà vẫn bằng mọi cách để đưa phà sang bến. Còn người bơi đò thì mỗi khi thấy pháo sáng lại hò nhau chèo lái thật nhanh. Có lúc, địch ném tới trên trăm quả bom nhỏ dọc bờ sông bên phía bến làng Vạn Lâu nhưng mỗi đêm, cả thuyền và phà đều phải qua sông vài chục lượt. 

Cụ Tốn, cụ Đam là những người làm nhiệm vụ chở phà còn cho biết thêm, sau Tết Giáp Ngọ 1954, trời mưa rào sớm nên nước sông lên to. Rác ở thượng nguồn trôi về nhiều, chân vịt của ca nô liên tục mắc rác nên những thanh niên trẻ khỏe tuổi hai bốn, hai lăm như cụ Đam cứ luôn phải ngâm mình trong dòng lũ để gỡ rác. Các chị phụ nữ cũng thật can trường vì thời chiến nên toàn phải bơi đêm đã nguy hiểm rồi mà bơi khi lũ lại nguy hiểm gấp nhiều lần.

Thế mà trước dòng lũ, mỗi chị em bơi một thuyền nan chở tới 4 bộ đội hoặc dân công cùng vũ khí, lương thực đan nhau qua lại không một thuyền nào bị đắm. Hai người phụ nữ bơi đò ở bến Vạn Lâu hiện còn sống là bà Phan Thị Thanh 83 tuổi, bà Nguyễn Thị Mão 87 tuổi và cả hai đều là “kiện tướng” bơi đò.

Hai cụ kể rằng, hôm mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, bến sông tổ chức hội thi bơi thuyền vui lắm và cụ Mão về nhất, cụ Thanh về nhì.

 

Cụ Nguyễn Thị Mão - “kiện tướng” bơi đò nơi bến Vạn Lâu xưa.

Vì sao khi ấy lại chỉ có phụ nữ bơi đò, cụ Đoàn Văn Bằng - dân quân canh giữ bến phà khi ấy giải thích, đó là bởi phần lớn đàn ông ở Vạn Lâu đã đi dân công hỏa tuyến. Những người ở lại thì ứng trực bảo vệ bến và chờ thuyền, phà chở được lương thực, vũ khí qua sông là cùng bộ đội, dân công mau chóng sơ tán ra khỏi khu vực làng Vạn Lâu nhằm tránh địch đánh bom tọa độ.

“Mới thế mà đã 60 năm rồi nhỉ, thời gian trôi đi mau quá!” - đó là cảm nhận chung của những chứng nhân trên bến sông này. Và cũng đã hơn 20 năm, bến phà Âu Lâu nhường vai trò huyết mạch giao thông nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc cho cây cầu Yên Bái. Bờ tây của bến Âu Lâu hào hùng một thuở giờ cát bồi, cỏ lấp và cũng chưa kịp dựng một tấm bia ghi dấu nên rất khó để nhận ra dấu tích một bến phà huyền thoại.

Nhiều người cho rằng, nếu xét những đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như xây dựng đất nước thì đơn vị phà Âu Lâu xứng đáng được phong danh hiệu anh hùng. Nhưng riêng với những người dân bình dị của làng Vạn Lâu, bến Vạn Lâu xưa vốn là nguyên mẫu của tượng đài bến Âu Lâu lịch sử đặt ở bên phía bờ đông của dòng sông Hồng thì vẫn cứ bình dị sống. Thỉnh thoảng nhớ bến thì mấy cụ lại rủ nhau ra bến sông xưa hóng mát để tĩnh lặng và hoài niệm. Phần thưởng lớn nhất với các cụ có lẽ là những gian khổ, hy sinh một thuở đã được đổi bằng độc lập, tự do của đất nước, của quê hương.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động.

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp của Yên Bái trong những năm gần đây liên tục gặt hái được nhiều thành công. Năm nào cũng vậy, ba mùa gối vụ, lúa xuân, lúa mùa, cây vụ đông đều bội thu, an ninh lương thực được bảo đảm, nhiều vùng còn sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa và thị trường.

Các thành viên của đội xe ôm tự quản chờ, đón khách.

YBĐT - Không tranh giành khách, không hét giá, dừng đón khách theo qui định, những “xe ôm tự quản” ở thị trấn Mậu A huyện Văn Yên (Yên Bái) dần tạo dựng niềm tin và hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Tuy nhiên, vượt lên trên đó là những “chiến công” thầm lặng trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT) và giúp đời, cứu người...

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, từ khắp nơi trong cả nước, khách du lịch nườm nượp cùng nhau lên thành phố Điện Biên Phủ. Sau một chặng dài, Quốc lộ 6 trải dài trong sắc trắng hoa ban, đưa du khách về với với những ký ức hào hùng.

YBĐT - Đi dọc con đèo huyền thoại, cảm nhận sự hồi sinh trên mảnh đất một thời múa lửa này mới thấm thía giá trị của tự do - độc lập, để thêm trân trọng và quý yêu hơn mỗi tấc đất quê hương, Tổ quốc mình. Bia đá ghi danh Di tích lịch sử Đèo Lũng Lô đặt trên đỉnh còn đèo này không chỉ là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái mà còn là sự tri ân đối với những người đã ngã xuống trên mảnh đất này...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục