Trăng nghiêng núi Chúa

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/4/2014 | 9:48:35 AM

YBĐT - Từng miên man vui với Phú Quốc nhưng không hiểu sao gặp Côn Đảo tôi run rẩy, cảm giác như sắp tan biến vào chốn xa xăm kì bí của ký ức - nơi đương lưu giữ một trăm mười ba năm "địa ngục trần gian" của những người yêu nước thương nòi Việt Nam.

Ngày mới ở Côn Đảo.
Ngày mới ở Côn Đảo.

Nói về Côn Đảo xưa, người đời phải thốt lên, rằng "Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ!/". Thật khủng khiếp! Chỉ có trời đất và thánh thần mới biết tường tận một trăm mười ba năm ấy kẻ thù chồng tội ác lên tội ác kinh khủng đến thế nào, và cuộc sống con người với tình yêu nước thương nòi của ngàn vạn đồng bào Việt Nam, của chiến sỹ cách mạng Việt Nam ta vĩ đại đến thế nào.

Gặp Côn Đảo, anh em văn nghệ sỹ Yên Bái chăm chắm chụp ảnh và ghi chép, tôi thì ngẩn ngơ ngó nhìn nhà tù mái ngói rêu phong nép mình dưới bóng cây sum suê xanh mát, sao đẹp và bình yên thế! Tôi lặng lẽ suy tư, rằng cớ gì những ngôi nhà với vẻ đẹp bình yên mà bên trong chứa chất bao tội ác lại ngự ở một hòn đảo đẹp như hòn ngọc này? Xưa, thực dân Pháp khéo bày đặt tên cho trại tù: Cộng Hòa, Nhân Vị, Bác Ái.

Trại Cộng Hòa còn có cả Câu lạc bộ, Giảng đường, Nhà nguyện, Bệnh xá, Phòng hớt tóc, Nhà bếp, Phòng trật tự, Nhà ăn. Chúng làm cứ như khu tập thể công chức đàng hoàng, vui tươi, chẳng đâu bằng?! Thời Mỹ Ngụy cũng khốn kiếp, định giấu bộ mặt tàn ác nên đổi tên trại số thành trại: Phú Phong, Phú An, Phú Bình, Phú Hưng, Phú Tường, Phú Thọ, Phú Sơn, Phú Hải.

Nghe cứ như các làng quê Nam Bộ giàu có và bình yên lắm! Nhưng dù Pháp hay Mỹ Ngụy thì cái tên "Chuồng cọp", cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914, "Chuồng bò" chẳng thể đặt thế nào cho có mẽ? Ồi, những cái tên dù mỹ miều vẫn không sao đắp điếm cho kín cái mặt tàn bạo thực dân - đế quốc. Thì vẫn còn đấy gông cùm với các kiểu tra tấn dã man từ thời trung cổ đến hiện đại, chẳng cần phải nhắc lại thì cả thế giới đều đã biết qua sử sách, qua di tích Côn Đảo và qua hàng ngàn vạn trang sách báo xưa nay.

Bao nhiêu người tù thịt nát xương tan ở “chuồng bò", bao nhiêu người tù đầu rơi máu chảy nơi cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914 và trong “chuồng cọp” khét tiếng trần gian kia. Không thể chối cãi rằng, tại Côn Đảo lớn chỉ nhỉnh 51 km2 mà Pháp và Mỹ ngụy đã xây dựng cả chục trại giam có diện tích lên tới 151.334 m2, riêng phòng giam tù nhân gần 20.000 m2, trong đó gồm 44 xà lim, 127 phòng giam, 504 phòng "biệt lập chuồng cọp".

Thì vẫn còn đấy dưới chân núi Chúa dấu vết mười chín sở tù. Bao nhiêu người tù phải lao động khổ sai cho đến tàn phế, rồi vùi thây ở các sở tù này?! Hỡi năm mươi ba đời chúa đảo, các người hãy trả lời xem, từ năm 1862 - 1975, suốt một trăm mười ba năm "địa ngục trần gian" Côn Đảo, các người thở gì, ăn gì, nghĩ gì, làm gì, tất nhiên lại theo ý quan thầy, mà để cho lũ cai tù hành hạ và tàn sát người tù khủng khiếp đến thế?! Các người không thể chối cãi bởi Nghĩa trang Hàng Dương còn đương lưu giữ 1.921 phần mộ đồng bào yêu nước và chiến sỹ cách mạng Việt Nam, trong đó có đến 1.208 phần mộ khuyết danh, chỉ 723 phần mộ có tên.

Và còn hàng ngàn người nữa bị các người vùi xác trong đất cát Côn Đảo mà đến nay vẫn chưa thể tìm đưa vào nghĩa trang!? Tôi cứ nghĩ miên man thế, rồi nhìn hút lên vòm cây bàng trăm năm xanh rịm. Bỗng đàn chim sẻ từ đâu bay về, chắc thấy rộn bước chân người nên chúng cũng chuyện trò líu ríu trên cành.

 

Nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương

Một chút lưỡng lự, tôi bỏ dép, đi chân trần, bởi thực lòng tôi muốn bàn chân trần da thịt của tôi có thể thấm được chút nào bước chân trần của ngàn vạn người tù suốt một trăm mười ba năm đau khổ và anh dũng, vâng, chỉ mong muốn chút chia sẻ buồn thẳm đau thương vì tình đồng loại. Một ngày miên man Côn Đảo, đêm chúng tôi muốn dành trọn tâm tình để vào viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Hai mươi mốt giờ - giờ thiêng. Linh thiêng từ tâm người vậy! Một sự ngẫu nhiên thật quí giá đối với đoàn văn nghệ sỹ Yên Bái từ ngàn dặm tới đây – gặp trăng đêm mười sáu.

Tôi ngước lên. Ôi giời! Nghiêng nghiêng núi Chúa là trăng mười sáu tròn đầy. Như hòn ngọc. Vành vạnh. Lung linh. Vằng vặc. Rười rượi. Mơ màng. Cả Côn Đảo như được dát bạc. Ngỡ chỉ có đoàn văn nghệ sỹ Yên Bái, nào ngờ giờ này bao nhiêu người nối nhau, một đôi nam nữ, một gia đình mấy người dắt díu cả con cháu, có đoàn nối hàng dài nam nữ..., nào hoa quả, bánh kẹo với lòng thành, thắp hương, cúi đầu trước Tượng đài, cúi đầu tưởng nhớ ngàn anh linh từng đau khổ và hy sinh anh dũng, rồi tỏa hương khắp các mộ.

Đây ngôi mộ Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Hoa, Trần Văn Thời. Và liền liền đấy là cả ngàn ngôi mộ có tên và khuyết danh kề sát nhau, chỉ giản dị xếp đá cẩm thạch núi Côn Lôn, bên mỗi ngôi mộ một cây đèn điện nhỏ giống cây nấm rừng, tỏa sáng lấp lánh lấp lánh như ngôi sao xanh giữa đất trời vô tận. Tôi biết “Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác dập lên trên/ Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên và không tuổi.../”.

Thương cảm, xót xa không kể xiết! Giờ thiêng! Nghi ngút hương thầm thơm ngát. Bao nhiêu người cùng viếng mộ. Nhẹ êm. Rưng rưng. Mê mê cõi tử. Ngực rung mặn chát. Tan nát cõi lòng. Dàn loa nhỏ cùng ngân lên tiếng hát trần gian ngọt ngào trầm ấm như lời ru hồn thiêng. Và, đất ru hồn thiêng bằng mạch ngầm tươi mát. Trời ru hồn thiêng bằng ánh bạc ánh vàng nhật nguyệt. Cây ru hồn thiêng bằng tiếng gió xôn xao cành lá, bằng tiếng chim chíp chiu ấm áp sớm chiều. Ngại ngùng là tiếng ve sầu cứ da diết từng chập như cưa nghiến lòng người, nhoi nhói, đau lịm tâm can.

Chợt tiếng chuông Hàng Dương âm trầm ngân nga: “Chuông vang xa: Từ hòn đảo anh linh/ Chuông vang vọng: Giữa bầu trời đại nghĩa/ Hơn trăm năm chí lớn anh hùng/ Hơn hai vạn hồn thiêng liệt sỹ/ Trên không trung rực sáng những vì sao/ Dưới địa ngục dìm sâu bầy ác quỉ//..." - Bài minh in trên chuông của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu”.

Tôi lặng nghe. Thăm thẳm đêm. Ánh trăng chảy tràn bóng cây. Bóng cây nghiêng nghiêng che mộ. Nỗi niềm là những cây phượng gầy, chùm chùm hoa thầm cháy giữa sương khuya. Tôi cúi lạy ngàn anh linh đau khổ và anh dũng. Mắt nhòa sương trăng mười sáu.

Xa Hàng Dương.
Thổn thức canh khuya.
Và ban mai.
Ban mai bồn chồn như ai hẹn, ai gọi, ai đợi, ngẩn ngơ.

Cúi lạy bao hồn thiêng đêm thiêng, rồi buổi mai về như thế, nắng vàng tít nắng,  gió lồng lộng gió, sóng dào dạt sóng, mây bồng bềnh mây, lá xôn xao lá, chim ríu rít chim. Tôi bước nhẹ dưới bóng bàng xanh rịm. Mười chín cây bàng trăm năm được vinh danh là "Cây di sản Việt Nam". Ôi chao! Những cây bàng trăm năm còn đây như những chứng nhân lịch sử. Song trước hết là những cây bàng thân thương, ân tình với người tù Côn Đảo. Một chút lộc lá non, một chút hạt bùi thơm, bàng đã hiến tặng cho người tù, vào lúc nguy nan nhất đã cứu giúp người tù thoát khỏi cơn đói khát vật vã, thoát khỏi cái chết cầm chắc. Bàng di sản Việt Nam là sự vinh danh đầy tự hào. Còn tôi - một người dân Việt Nam, xin gọi bàng là Cây Ân Tình. Tôi dang rộng vòng tay ôm siết gốc bàng to khỏe, vỏ nứt xù xì, ngước xanh cành lá sum suê - Cây Ân Tình từng phải chứng kiến bao đau thương và anh dũng của người tù Côn Đảo suốt một trăm mười ba năm "địa ngục trần gian".

Cây Ân Tình không gục ngã trước sóng gió biển Đông mà cứ vươn cao xanh kỳ diệu. Lại một đàn chim bay về làm xôn xao vòm xanh cành lá, chúng cứ hót líu ríu cho trời xanh thêm xanh.

 

Khu chuồng cọp trong hệ thống nhà tù Côn Đảo. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bây giờ Côn Đảo trở thành hòn ngọc đảo – ngọc đảo xanh thắm biển trời, rừng núi, cỏ cây, hoa lá, líu ríu chim muông, náo nức phố phường, ríu rít trường học, xôn xao bến chợ và tíu tít bước chân người tự do, vui tươi, sung sướng. Mê luôn là Vườn Quốc gia Côn Đảo với 6.000 ha mặt đất và 14.000 ha vùng nước, bao trùm cả 16 hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Vườn rừng và vùng biển mênh mông ẩn chứa chừng 144 loài động vật, 882 loài thực vật bậc cao; sở hữu 1.383 loài sinh vật biển. Các rạn san hô ở đây do 219 loài hợp thành. Côn Đảo không chỉ là vùng biển có nhiều rùa biển nhất Việt Nam mà còn là nơi duy nhất còn tồn tại một quần thể bò biển có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển.

Côn Đảo còn có những vách đá dựng đứng dầm chân lên muôn trùng sóng biếc và những bãi tắm hoang sơ thích mê mẩn. Hòn ngọc đảo Côn Lôn được xem là hòn đảo “bí ẩn và tốt nhất thế giới” (theo tạp chí Travel+ Leisure) và Lonery Planet cũng xếp ngọc đảo Côn Lôn vào danh sách những hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới, là “thiên đường thiên nhiên với những cánh rừng rậm rạp, làn nước màu ngọc bích, những bãi cát trắng và là ngôi nhà của bò biển, cá heo, rùa biển và những rạn san hô ngoạn mục!”.

Và “bí ẩn” đến vô cùng là bởi hòn ngọc đảo Côn Lôn còn ẩn chứa trầm tích ngàn vạn trái tim yêu nước thương nòi Việt Nam đã hóa thành “trái tim Đan Kô” cháy sáng mãi nhân gian Hòa bình – Tự do!

Côn Đảo, tháng Tư
thương nhớ!

Hoàng Thế Sinh

Các tin khác
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị pháo binh trong lễ mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ ngày 13/5/1954.

YBĐT - Thật tình cờ khi tôi gặp được ông - một trong những người lính pháo binh đầu tiên của quân đội Việt Nam khi ông từ Hà Nội về thăm lại bến Âu Lâu lịch sử. Người cựu binh ấy là ông Hoàng Tuấn Việt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Hãng phim Ngọc Khánh thuộc Viện Phim Việt Nam.

Anh Tăng Văn Việt báo cáo với công an huyện Lục Yên về quá trình đi lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc.

YBĐT - Trong những năm gần đây, các làng quê từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện tình trạng lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Những tưởng cuộc sống mới nơi đất khách đem đến cơ may đổi đời nhanh chóng, nào ngờ cuộc sống nơi "miền đất hứa" của họ luôn trong cảnh mất tự do, tai nạn rình rập...

Các chiến sỹ xung kích tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam.

Tại căn nhà hai tầng rộng rãi ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên (Bắc Giang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi năm nay đã 87 tuổi, mái tóc bạc phơ nhưng giọng nói vẫn ấm áp và đầy tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó những kỷ niệm sâu sắc nhất là trận đánh trên đồi A1.

Di tích lịch sử văn hóa Cổng Đục (Đồn Cao) đang xuống cấp.

YBĐT - Yên Bái là mảnh đất in đậm dấu ấn lịch sử và có nền văn hóa truyền thống lâu đời. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử cách mạng, hệ thống các đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục