Ruby lấp lánh bên hồ Thác Bà
- Cập nhật: Thứ hai, 29/2/2016 | 3:49:39 PM
YBĐT - Với hệ thống bến, bãi, phương tiện tàu thuỷ, ca nô luôn sẵn sàng, Ruby không chỉ là địa chỉ được những cặp tình nhân tìm đến để lưu lại những khoảng khoảnh khắc thiêng liêng, đầy lãng mạn trong ngày cưới mà còn tổ chức các tour du lịch tham quan hồ Thác.
Khai thác tiềm năng du lịch hồ Thác Bà là một ưu tiên trong phát triển kinh tế của tỉnh Yên Bái. (Ảnh minh hoạ)
|
Trước tết Nguyên đán trời rét hại, mấy ngày tết lại nóng như mùa hè, tưởng biến đổi khí hậu đã làm thay đổi mùa, bỗng hôm nay mưa xuân lất phất bay. Mùa xuân về làm vạn vật đất trời bừng lên sức sống mới với chim hót vang lừng, cây trái bật lộc đâm trồi. Trong không khí náo nức của mùa xuân mới, theo giới thiệu của các anh lãnh đạo thị trấn Yên Bình, chúng tôi tìm đến tổ 19 để “xông đất” một doanh nghiệp có ông chủ đang quyết tâm đưa du lịch hồ Thác Bà tỏa sáng.
Cả vùng hồ Thác chìm trong màn sương huyền ảo, đón chúng tôi là Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại hồ Thác Bà, chủ Khu du lịch sinh thái Ruby - Trần Văn Hùng. Khác với hình dung về hình ảnh một doanh nhân thời mở cửa với comle, điện thoại xịn cầm tay, ăn to nói lớn, Giám đốc Hùng mang phong cách giản dị, áo khoác budong, quần âu, giọng nói nhỏ nhẹ. Đúng kiểu người đã qua gian khó, lại làm du lịch nên chỉ chút thời gian gặp gỡ, bên bàn trà nóng, câu chuyện của chúng tôi về con đường khởi nghiệp, về du lịch hồ Thác Bà trở lên rôm rả.
- Sao anh lại chọn đầu tư làm du lịch? tôi hỏi.
- Mình ở đây đã 20 năm, quá hiểu vùng đất này. Đi nhiều nơi nhưng đúng nơi đây đất xanh, nước sạch, nhiều khách vào đây tham quan nhưng không có chỗ để vui chơi vậy là mình hình thành ý tưởng và bắt tay vào thực hiện. Càng làm càng thấy nhiều điều thú vị! Giám đốc Hùng chia sẻ.
Nói thì dễ nhưng để có cơ ngơi khang trang với vài chục héc ta rừng và chục chiếc thuyền các loại cùng hệ thống nhà hàng, bãi tắm… giá trị hàng chục tỷ đồng là cả một quá trình phấn đấu gian nan, vất vả. Và con đường khởi nghiệp qua lời kể của người đàn ông này hiện ra trước mắt tôi như cuốn phim quay chậm.
Xuất ngũ rồi về làm việc trong ngành ngoại thương của huyện Yên Bình với chuyên nhiệm vụ trồng chè, trồng sả trên đảo hồ Thác Bà những năm 90 của thế kỷ trước. “Lúc đó nhìn những đảo hoang trong khi bụng thì đói mà lòng xót xa” - Giám đốc Hùng bắt đầu câu chuyện. “Vậy là năm 1991, lúc đó mới 25 tuổi, mình cùng với một người họ hàng xin cấp đất để trồng rừng, bắt đầu sự nghiệp như Rô bin sơn trên đảo”.
Làm lán để ở, thuê nhân công trồng rừng, đánh rọ tôm kiếm ăn là chuỗi tháng ngày khởi đầu lập nghiệp đầy khó khăn, gian khổ. Cắm rọ tôm xuống nước là của người ta vì hôm sau bị trộm mất chẳng còn cái nào. Còn lưng cơm với rau rừng là bữa ăn thường xuyên. “Lúc đó khó khăn quá nhưng đã quyết tâm rồi thì phải làm bằng được. Thậm chí đứa con trai sinh mới được 11 tháng vợ chồng mình đã cai sữa rồi gửi ông bà ngoại ở tận Trấn Yên để tập trung phát triển kinh tế”, anh Hùng nhớ lại.
Trải qua bao khổ cực, vất vả nhưng bản lĩnh của người đã “nếm mùi” vất vả ngay từ nhỏ lại được rèn luyện trong quân ngũ đã khiến người đàn ông này không lùi bước. Qua bao nhiêu nghề, bao lĩnh vực từ chở khách thuê trên hồ, làm đá xây dựng, làm giềng khô xuất khẩu sang Trung Quốc, mở bãi trông xe… và giờ nghề chính là làm du lịch đã gom góp cho anh một gia sản kha khá và bản lĩnh, kinh nghiệm làm ăn như ngày hôm nay.
Chính từ sự mạnh dạn đầu tư làm du lịch của Giám đốc Hùng để giờ đây đến với hồ Thác Bà, du khách đã không chỉ được thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh đẹp như động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, hệ thống đền, chùa như Thác Ông, Thác Bà, Đại Cại; hay thăm quan đứa con đầu lòng của ngành điện Việt Nam - Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà; được thả hồn thư thái trong không khí mát mẻ toả lên từ mặt nước trong xanh mà còn được tham gia vào những trò chơi thể thao nước vô cùng độc đáo và mới lạ ở miền non nước này như đi xe máy nước, lướt ván bằng ca nô kéo, ca nô kéo diều bay, ca nô kéo chuối, bập bênh nước… Và nếu muốn, có thể được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc, các món ăn Âu, Á tại nhà hàng đã được Công ty đầu tư khá hiện đại.
Giám đốc Trần Văn Hùng (bên phải) trao đổi với nhân viên về việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Qua tìm hiểu được biết, mỗi tháng Khu du lịch tiếp đón từ 300 đến 400 trăm lượt khách. Để tự xây dựng nguồn thực phẩm sạch và an toàn, với lợi thế đất đai, Công ty đã dành riêng một vài đảo chuyên trồng các loại rau xanh và chăn thả các loại gia súc, gia cầm. Không những vậy, với phương châm phát triển gắn với bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, trước khi bắt tay vào xây dựng dự án, Công ty đã có một quy hoạch tổng thể, lấy yếu tố môi trường thiên nhiên làm chủ đạo. Cải tạo môi trường trên hồ, cố gắng giữ nguyên bản cảnh quan, xây dựng hệ thống kè, đổ sỏi làm bãi tắm… Công ty đã tiến hành trồng tràm và cải tạo nhiều đảo rừng khác để bất cứ ai khi đến với hồ Thác Bà không chỉ cảm nhận được màu xanh mênh mông của nước hồ mà còn thư thái trước màu xanh ngăn ngắt trải rộng của những cánh rừng.
Trước khu nhà hàng, nhà sàn là khoảng sân sạch sẽ, xinh xắn với những ô cỏ, cây cảnh xanh đẹp mắt, gió mát thổi từ hồ vào mát lẹm. Anh Hùng tâm sự, ở đây khí hậu trong lành nên không bao giờ thấy bệnh tật. Vậy là không muốn chuyển đi chỗ khác! Đưa chúng tôi thăm khu bến thuyền với hàng chục chiếc thuyền các loại đang neo đậu, thăm khu phim trường gồm hệ thống phòng ốc, đường hoa… đang xây dựng, anh cho biết: “Phong cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, Khu du lịch không chỉ là nơi thu hút du khách đến tham quan, vui chơi mà là nơi nhiều bạn trẻ đến để ghi lại hình ảnh ngày cưới. Xuất phát từ nhu cầu này mà công ty đã phối hợp đầu tư để xây dựng khu phim trường. Chỉ ít thời gian nữa các bạn trẻ sẽ có địa điểm để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất trong đời mình ngay tại Yên Bái mà không cần phải vất vả đi xa, giảm chi phí”.
Kiên trì, không lùi bước trước khó khăn, không ngừng sáng tạo trong cách nghĩ, hướng đi có lẽ là phẩm chất của con người này. Đây có lẽ là tố chất cần có của mỗi doanh nhân! Vậy dự định tương lai tiếp theo anh sẽ làm gì? Trả lời câu hỏi của tôi Giám đốc Hùng chuyển từ trầm ngâm sang mạnh mẽ đầy quyết tâm: “5 năm làm du lịch cho mình nhiều bài học. Chỉ 2 năm đầu đầu tư, doanh nghiệp đã lỗ gần nửa tỷ, có sự chia tay trong làm ăn, may có các khoản thu khác chắc mình đã không trụ được. Nhưng mình sẽ không lùi bước mà sẽ tiếp tục kiên trì mời các nhà đầu tư để xây dựng nơi đây thành một điểm du lịch xứng tầm”.
Khu nhà hàng Ruby bên hồ Thác Bà.
Ý tưởng của người đàn ông sinh năm 1967 mang tuổi Đinh Mùi là xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp, là nơi có thể tổ chức những sự kiện lớn với đầy đủ các dịch vụ chất lượng cao nhất. Đó là những biệt thự nhà vườn quốc tế bên cạnh là 4 resort đảo có thiết kế hiện đại xong vẫn mang đậm bản sắc của 13 dân tộc anh em quần tụ nơi vùng hồ, được sử dụng những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Với hệ thống bến, bãi, phương tiện tàu thuỷ, ca nô luôn sẵn sàng, RuBy không chỉ là địa chỉ được những cặp tình nhân tìm đến để lưu lại những khoảng khoảnh khắc thiêng liêng, đầy lãng mạn trong ngày cưới mà còn tổ chức các tour du lịch tham quan hồ Thác.
Để du khách sẽ được đắm mình trong làn nước trong xanh và tham gia các trò chơi thể thao dưới nước, được hòa mình với thiên nhiên trong chuyến dã ngoại với những buổi cắm trại và đốt lửa trại, bên ánh lửa bập bùng, rộn lời ca tiếng hát giữa bốn bên là mặt nước mênh mông…
Mục tiêu, ý tưởng là vậy nhưng để biến nó thành hiện thực là cả một chặng đường gian nan phía trước. Trong đó, nỗ lực, sự quyết tâm của doanh nghiệp là yếu tố quyết định nhưng để nó thành công rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía chính quyền. Đó là việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng vì dù đường sá đã được đầu tư nhưng vẫn chưa thuận tiện và hoàn chỉnh. Là quy hoạch chi tiết trên hồ để các nhà đầu tư có cơ sở lập dự án. Là các chính sách ưu đãi về vốn để giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư.
Mưa xuân vẫn lất phất bay, chia tay Giám đốc Trần Văn Hùng và Khu du lịch Ruby tôi thầm nghĩ, ru by được coi là vua của các loại đá quý, là tượng trưng cho sự danh tiếng, có lẽ đây cũng là lý do chính để khu du lịch sinh thái bên hồ Thác Bà mang tên Khu du lịch sinh thái Ruby. Với quyết tâm, hoài bão của doanh nghiệp, sự quan tâm trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh có cơ sở để tin tưởng Ruby sẽ toả sáng lấp lánh, làm thức dậy tiềm năng của hồ Thác, nơi vốn vẫn được coi như “Hạ Long trên núi”.
Thác Bà tháng 2/2016
Đình Tứ - Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Đến Quyết Tiến hỏi thăm nhà Quân chẳng ai không biết: “Cứ đi vòng qua ao kia, khi nào nhìn thấy vườn chanh trĩu trịt quả là đúng đó. Trẻ thế mà rất giỏi làm ăn kinh doanh. Chẳng mấy thôi là giàu nhất làng đấy...".
YBĐT- Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã trồng lại cây cam sành - một trong những giống cây ăn quả đặc sản vốn nổi tiếng một thời trên đất Ngọc Lục Yên. Giờ đây cây cam đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân. Trong không khí của những ngày đầu xuân này, mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi về thăm những triệu phú cam trên vùng đất Khánh Hòa qua ghi nhận của phóng viên Báo Yên Bái.
YBĐT: Lên đỉnh Tà Chì Nhù, chúng tôi được nghe, được chứng kiến những thành quả do chính bàn tay của anh Thào A Tủa, thôn Suối Giao, xã Xà Hồ làm ra giữa nơi mênh mông đất trời ấy mà tôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào thế giới của những câu chuyện cổ tích thần kỳ.
YBĐT - Đỉnh Tà Chì Nhù (đỉnh Cột Cờ), thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu có độ cao 2.979 m. Đây là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, đỉnh núi cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù, theo cách gọi của người dân tộc Thái là Phu Song Sung hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người Mông. Trên đỉnh Tà Chì Nhù có những câu chuyện đẹp như cổ tích với biển mây trắng ngập trời thu hút du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng.