Ai đi vay nặng lãi, vay để làm gì?

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2019 | 8:09:27 AM

YênBái - Các dịch vụ hỗ trợ tài chính, cho vay, cầm đồ quảng cáo với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu và hấp dẫn "Cho vay lãi suất thấp”, "Cần tiền là có”, "Cho vay chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu, hóa đơn tiền điện” xuất hiện khắp các con phố đến đường quê... Tuy nhiên, việc vay và cho vay lại diễn ra kín đáo, thậm chí văn phòng hỗ trợ tài chính luôn vắng vẻ, nhưng người làm nghề cho vay thì trở nên giàu có một cách nhanh chóng.

Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Việc cho vay những món tiền lớn chủ yếu là vay tín chấp, đối tượng vay là những người có việc gấp gáp nhưng chưa lo được tiền để đảo nợ ngân hàng.

Từ đô thị đến nông thôn, đâu đâu cũng xuất hiện dịch vụ hỗ trợ tài chính, cho vay, cầm đồ. Việc quảng cáo càng mạnh hơn, bằng chứng là từ biển hiệu với chất liệu và công nghệ hiện đại, khổ lớn đến tờ rơi hay vài chữ nghệch ngoạc trên cột điện, bờ tường... với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu và hấp dẫn "Cho vay lãi suất thấp”, "Cần tiền là có”, "Cho vay chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu, hóa đơn tiền điện” xuất hiện khắp các con phố đến đường quê...

Quảng cáo thì rầm rộ vậy nhưng việc vay và cho vay phần lớn là diễn ra kín đáo, thậm chí văn phòng hỗ trợ tài chính luôn vắng vẻ, nhưng người làm nghề cho vay thì trở nên giàu có một cách nhanh chóng. Câu hỏi đặt ra là ai đi vay nặng lãi và họ vay để làm gì?

Bằng nhiều mối quan hệ khác nhau, chúng tôi đã thâm nhập vào những tiệm cầm đồ và hỗ trợ tài chính. Phạm Ngọc Tiến (tên nhân vật trong bài viết đã thay đổi) làm nghề cho vay được mấy năm mà giờ thay đổi hẳn. Hai tay xăm hình rồng, phượng, cá chép. Cổ đeo dây chuyền vàng to, tay cầm đến hai cái điện thoại iPhone, thi thoảng lại gọi điện hoặc nhắn tin nhoay nhoáy, lúc đòi tiền thì giọng điệu cứng rắn, khi thì lễ phép, lịch sự chuyện trò với người có nhu cầu vay. 

Đợi Tiến vãn việc, tôi hỏi:

 - Nhìn thế này làm ăn chắc khá hả? 

- Bình thường thôi ạ! Ở đây, cờ bạc, lô đề, cá cược bóng đá không nhiều. 

Câu trả lời của Tiến đã một phần lý giải người đi vay nặng lãi chủ yếu là dân cờ bạc! Bởi có ai đầu tư sản xuất, kinh doanh mà lại đi vay lãi ngày, lãi suất lên đến vài chục, vài trăm phần trăm một năm. Cách đây khoảng mười năm, một cựu lãnh đạo ngân hàng thương mại từng nói rằng: "Khi lãi suất lên đến 25% năm thì chẳng doanh nghiệp nào tồn tại được”. 

Câu chuyện giữa tôi và Tiến bị gián đoạn khi hai người, một nam, một nữ bước vào cửa tiệm: "Cho chị trả tiền với”. 

Vừa nói Tiến vừa đếm tiền rồi lấy bút gạch vào sổ cho vay. Vừa lúc ấy, một thanh niên dựng xe bước vào, đưa giấy đăng ký xe máy, cầm lại tờ 500 nghìn đồng rồi vội vàng đi. 

Một cán bộ cảnh sát hình sự Công an thành phố Yên Bái cho biết: "Đấu tranh với tội phạm cho vay nặng lãi rất khó vì bản thân nạn nhân, tức người vay là tự nguyện. Phần lớn họ vay để sử dụng vào cờ bạc nên đương nhiên họ sẽ không tố cáo hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan công an. Những người làm nghề cho vay cũng đã nghiên cứu rất kỹ pháp luật nên những vụ việc mà cơ quan công an xử lý phần lớn là liên quan đến những hành vi bắt giữ người trái phép, đập phá tài sản, đánh người... trong quá trình đòi nợ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cho vay những món tiền lớn chủ yếu là vay tín chấp, đối tượng vay là những người có việc gấp gáp nhưng chưa lo được tiền để đảo nợ ngân hàng, chi trả bạn hàng cho đúng hẹn, tìm được nguồn hàng bán gấp với giá rất hời... họ vay với thời gian rất ngắn, lãi suất khoảng 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. 

Chủ một tiệm vàng kiêm cho vay cho biết: "Cũng chỉ là chia sẻ cơ hội thôi. Người vay họ đã tính toán thiệt hơn rồi, không có lợi thì họ vay làm gì; còn những người cho vay như tôi thì cũng thấy đó là cách làm ăn tốt, bởi lẽ, ngân hàng họ cho vay lãi suất 1%/tháng, chưa kể bao nhiêu chi phí khác mà họ còn có lãi thế, mình chi phí gì đâu mà lãi 6%/tháng”.

Phát biểu tại Hội nghị ký kết quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh với Công an tỉnh mới đây, ông Bùi Trung Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi là hết sức khó khăn. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng diện cho vay và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đòi hỏi ngân hàng cho vay tín chấp như dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính bên ngoài là không thể! Hiện, việc cho vay có tài sản đảm bảo, quy trình hết sức chặt chẽ còn phát sinh nợ xấu, còn mất vốn, mất lãi, thì việc cho vay tín chấp sẽ ra sao”.

Để ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, Nhà nước phải điều chỉnh luật. Người dân cần tìm đến các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân khi có nhu cầu vay, tất nhiên không phải vay để chi tiêu vào những việc thiếu lành mạnh. Cùng với đó, cơ quan công an phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh truy quét tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy; xử lý thật nghiêm nạn cho vay nặng lãi...

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.


Tấn Đạt

Tags Yên Bái vay nặng lãi

Các tin khác
Trong các chuyến công tác, chị Ngô Thị Liên (bên trái) luôn hướng tới những nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của đối tượng.

Năm 2018, chị Ngô Thị Liên ở xã Việt Thành (Trấn Yên) là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu của cả nước vinh dự nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp". Hai từ "sống đẹp" với chị không chỉ thể hiện bằng những hoạt động từ thiện nhân đạo theo cái cách mà giải thưởng xét tới mà còn ở sự thay đổi cách sống của bản thân và cách chị hỗ trợ, tạo động lực ấy cho hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ nhiễm HIV ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Anh Nguyễn Văn Tùng (áo trắng) - kiểm tra chất lượng sản phẩm ván bóc.

Những người từng lầm lỗi đã vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội, là hình mẫu tốt trong mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Điều đó đang có ở MInh An.

Công trình làm cống suối vào thôn Lũng Đẩy hoàn thành sau 15 ngày thi công.

An Phú là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Lục Yên 30 km. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, thời gian qua Đoàn Thanh niên (ĐTN) xã An Phú tổ chức thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa hướng về cơ sở.

Anh Nguyễn Văn Thiết (đứng giữa), thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La bên những gốc cam 12 năm tuổi vừa chặt bỏ.

Gần 350 ha bị nhiễm bệnh thối rễ, vàng lá khiến vựa cam trù phú nay bỗng chốc thành đồi trọc, hoang hóa. Sự hoang mang, lo lắng bao trùm cả vùng cam Văn Chấn khi người dân không biết nên giữ lại hay chặt bỏ… Phải chăng, vùng cam Văn Chấn đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ”?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục