Lang thang ở các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, tình cờ nghe anh Chu Xuân Hùng - một người bán nước ven quốc lộ 37 than vãn: "Nhà có mấy chục gốc cam bị nhiễm bệnh thối rễ, vàng lá cứ teo dần. Vừa mới chặt được mấy gốc phơi bên đường làm củi kia kìa. Trong thôn, nhiều đồi bị nhiễm bệnh lắm, có nhà chặt vài trăm gốc rồi”.
Nghe nói bệnh thối gốc, vàng lá đã xảy ra trên cây cam từ nhiều năm nay và huyện Văn Chấn đã mời các cơ quan của bộ, ngành về nghiên cứu, diệt bệnh. Tôi ngỏ ý muốn đi xem cam nhiễm bệnh, anh Hùng đồng ý đưa đi.
Tạt vào một đồi cam ở thôn Nông Trường, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi hàng trăm gốc cam to gần bằng ấm nước vừa bị chặt, còn nguyên nhựa. Phía trước, nhiều cây nhiễm bệnh, lá đã chuyển sang màu vàng nhạt, nhiều quả teo tóp, méo mó như chanh khô.
Anh Nguyễn Văn Thiết - chủ vườn cam chỉ vào những gốc cam trước mặt, buồn bã: "Nhà có hơn 400 gốc thì đã chặt 100 gốc, còn 100 gốc đã chết nhưng chưa có thời gian chặt, số còn lại gia đình đã phun thuốc diệt nấm, bón phân nhưng không biết có sống nổi không? Xót quá!”.
Nói rồi, anh cúi xuống nhặt những cành cam khô chất thành từng đống và chỉ vào những hố đất mới đào: "Tôi đang thử trồng 100 gốc cam ghép chanh V2 xem có ăn thua không. Lần này mà vẫn chết thì trắng tay”.
Lúc này, vợ chồng anh Vũ Đức Thịnh ở đồi bên cũng chạy sang, giọng mệt mỏi: "Hơn 800 cây mỗi năm cho thu vài trăm triệu đồng mà giờ cây nào cũng còi cọc, lá mỏng dính, úa vàng như thế này đây. Nhà tôi đã chặt đi 200 gốc, còn 100 gốc cũng chuẩn bị chặt. Từ cam sành, cam Vinh đến cam sen đều bị nhiễm bệnh hết. Mất mấy chục triệu mua thuốc diệt nấm, trừ bệnh nhưng không ăn thua”.
Trao đổi, ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn cho biết: "Bệnh vàng lá, thối rễ xuất hiện trên cây cam từ năm 2017. Ban đầu chỉ lác đác trên vài cây, nhưng từ năm 2018 đến nay, bệnh này xâm nhiễm trên diện rộng và hiện toàn xã có 15/500 ha bị nhiễm bệnh”.
Rời Thượng Bằng La, chúng tôi tìm về thị trấn Nông trường Trần Phú - nơi được coi là vựa cam của huyện Văn Chấn. Trái ngược với khung cảnh trù phù vốn có, nhiều đồi cam nay được người dân thay thế trồng ngô, chanh và các loại cây ngắn ngày khác; thậm chí, nhiều đồi bị bỏ lâu nay đã hoang hóa.
Tạt vào bên đường hỏi chuyện chị Phạm Thị Thư đang trồng nghệ trên diện tích cam đã chặt bỏ. Giọng mệt mỏi, chị cho biết: "Hơn 2 ha cam, mỗi năm cho thu 5 - 6 trăm triệu đồng mà giờ bị bệnh chết hết rồi. Nhà tôi đang chuyển sang trồng nghệ và chanh”.
Theo ghi nhận, dọc tuyến đường liên thôn qua Tổ dân phố 19/5, tỷ lệ cam sống còn rất ít, đa phần lá đã ngả màu vàng và teo tóp.
Anh Đặng Văn Trường - Tổ trưởng tổ dân phố 19/5, thị trấn Nông trường Trần Phú thở dài: "Tổ này có 142 hộ, tất cả đều trông chờ vào 162 ha cam. Tuy nhiên, từ năm 2016 xuất hiện bệnh thối rễ, vàng lá khiến diện tích cam bị chết ngày một lan rộng. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích cam của tổ đã bị nhiễm bệnh và chết”.
Theo rà soát của thị trấn Nông trường Trần Phú, hiện toàn thị trấn có 248,7/566,8 ha cam bị chết do bệnh thối rễ, vàng lá. So với năm ngoái, số diện tích bị nhiễm bệnh đã tăng trên 100 ha.
Bà Trần Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú chua xót: "Những đồi cam vài trăm triệu giờ chỉ còn vài triệu, thậm chí là mất trắng. Nhiều biện pháp giải cứu cây cam đã được triển khai nhưng bệnh vẫn tiếp tục lan rộng. Trước mắt, đối với diện tích đã bị bệnh và chết, vận động người dân mạnh dạn chặt bỏ, cải tạo đất và chuyển sang trồng cây ngắn ngày”.
Cây cam có mặt trên đất Văn Chấn vài chục năm nay và trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện. Trong giai đoạn 2016 - 2018, thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Văn Chấn đã trồng mới được 775 ha cây cam, quýt, góp phần mở rộng diện tích cây cam, quýt từ 1.054 ha vào năm 2016 lên trên 1.800 ha vào năm 2018. Diện tích này được quy hoạch và phát triển tập trung ở 9 xã, thị trấn vùng ngoài của huyện.
Tuy nhiên, từ năm 2017, trên cây cam, quýt xuất hiện bệnh nấm gây thối rễ, vàng lá. Trước tình trạng đó, huyện chủ động mời các đơn vị khoa học, các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia của tỉnh, trung ương tiến hành lấy mẫu, phân tích, đánh giá tình hình bệnh hại, tìm nguyên nhân, đề ra các giải pháp, khuyến cáo cho người sản xuất.
Trên cơ sở đó, huyện đã cấp phát trên 7.000 tờ rơi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để phòng trừ bệnh thối rễ, vàng lá cho các hộ trồng cam; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng cam các biện pháp phòng chống bệnh thối rễ, vàng lá.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, tình hình xâm nhiễm bệnh thối rễ, vàng lá trên cây cam vẫn diễn biến phức tạp. Nếu như năm 2018, cả huyện chỉ có khoảng 200 ha bị nhiễm bệnh thì đến thời điểm này đã tăng lên 353 ha. Trong đó, thị trấn Nông trường Trần Phú 248 ha, xã Minh An 80 ha, xã Thượng Bằng La 15 ha, xã Nghĩa Tâm 10 ha.
Theo nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, thực trạng trên là hệ quả của việc trồng cam không theo quy hoạch với mật độ quá dày, thoát nước kém; sử dụng nhiều thuốc trừ cỏ, phân bón qua lá và chất kích thích sinh trưởng; bón phân chuồng tươi chưa hoai mục; trồng lại ngay trên diện tích đã bị bệnh chưa qua xử lý đất và thu dọn tàn dư nguồn bệnh hoặc sử dụng biện pháp canh tác không đúng kỹ thuật như: khoanh vỏ, đào chặt đầu rễ... đã tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập.
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Bệnh thối rễ, vàng lá xuất hiện và gây hại trên diện tích cam từ cây 10 tuổi trở lên, đặc biệt là gây hại mạnh trên diện tích cam già cỗi. Đến nay, nhân dân đã chặt bỏ khoảng 147 ha. Huyện đã thống nhất định hướng, chủ trương để chuyển đổi diện tích cam bị bệnh nặng, diện tích đã chặt bỏ sang trồng các loại cây trồng khác như cây lâm nghiệp, cây chè, cây màu, cây ngắn ngày… kết hợp với các phương pháp kỹ thuật xử lý đất để nhân dân có thể trồng lại cây cam, quýt sau 2 - 3 năm chuyển đổi cây trồng. Đối với diện tích chưa bị nhiễm bệnh, huyện tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để ổn định vùng cam”.
Giải cứu vùng cam Văn Chấn là việc cần làm ngay lúc này. Vì cam nhiễm bệnh và chết, người trồng cam Văn Chấn đang loay hoay không biết nên giữ lại hay chặt bỏ. Trong đó, nhiều hộ đang thử "vận may” bằng cách trồng lại cam và các cây ngắn ngày khác. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả và lâu dài, người dân cần làm theo định hướng của chính quyền địa phương và hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp trong xử lý đất nhiễm bệnh và chuyển đổi cây trồng.
Theo ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải cứu vùng cam Văn Chấn, trước mắt, cần phá bỏ những diện tích cam bị nặng không có khả năng hồi phục, diện tích cam già cỗi và trồng ở đồi cao; xử lý đất vùng bị nhiễm nấm trước khi trồng lại hoặc trồng cây trồng khác theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Về lâu dài, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhận biết về triệu chứng, tác hại và các biện pháp phòng trừ đối với bệnh thối rễ do nấm gây ra. Đi liền với đó là tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật từ vệ sinh vườn cây, dọn sạch tàn dư cây nhiễm bệnh đến chọn giống cây trồng sạch bệnh, có sức đề kháng tốt.
Bên cạnh đó, với những diện tích đang phát triển, phải thường xuyên cắt tỉa, tạo tán cho cây thông thoáng có đủ ánh sáng để sinh trưởng, phát triển tốt; đồng thời, hạn chế sự lây lan, phát triển của bào tử nấm; bổ sung hệ thống mương thoát nước chính, rãnh thoát nước mặt.
Trong mùa nắng tránh để cây khô hạn; tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học bón vào đất cùng với phân hữu cơ; thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm, cắt bỏ phần rễ bị bệnh; xới xáo đất để tạo sự thông thoáng làm cho đất luôn tơi xốp, thoáng khí, sau đó tưới thuốc kích thích ra rễ hoặc bón phân lân nhằm kích thích rễ mới phát triển…
Hùng Cường