Mù Cang Chải tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số - Bài 1: Giúp học sinh mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/6/2019 | 1:59:54 PM

YênBái - Hiện nay, 100% trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mù Cang Chải được tăng cường tiếng Việt. 90% trẻ 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt, trẻ hát trọn vẹn nhiều bài hát, kể câu chuyện ngắn, biết giới thiệu về bản thân, sở thích của bản thân…

Cô và trẻ lớp mẫu giáo lớn Trường Mầm non Khao Mang trong tiết học làm quen với chữ cái.
Cô và trẻ lớp mẫu giáo lớn Trường Mầm non Khao Mang trong tiết học làm quen với chữ cái.

Những ngày cuối năm học 2018 - 2019, chúng tôi tới Trường Mầm non Khao Mang, huyện Mù Cang Chải. Thăm một lớp mẫu giáo lớn nghe trẻ tập phát âm chữ "n - l”, "s - x”, "ch - tr”, nghe các em kể chuyện sáng tạo, xem tô chữ cái… cùng với đồ dùng, đồ chơi được sắp xếp gọn gàng, dễ lấy, tạo hướng mở nhằm kích thích tính tò mò, sáng tạo của trẻ; tranh ảnh, bảng biểu các đồ dùng, bàn ghế, tủ giá, đồ dùng học tập, đồ chơi trong lớp đều có tên nhãn bằng tiếng Việt, mới thấy sự quan tâm của nhà trường với chủ trương tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học của huyện Mù Cang Chải. 

Cô giáo Lê Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khao Mang cho biết: công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non luôn được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và đưa vào nhiệm vụ giáo dục trọng tâm của xã. Nhà trường đã tích cực xây dựng môi trường tiếng Việt, tạo môi trường chữ viết trên tất cả các đồ dùng, góc địa phương gồm những dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ lao động sản xuất gần gũi với trẻ, trang phục dân tộc, các loại nhạc cụ... 

Ở các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa đều có tên bằng tiếng Việt được viết bằng chữ in thường và khuyến khích học sinh giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt. 

Trong quá trình dạy - học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoài việc cung cấp kiến thức, giáo viên còn chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, cung cấp mở rộng vốn từ tiếng Việt, sửa lỗi phát âm, dùng từ, đặt câu cho trẻ. 

Nhờ vậy, hàng năm nhà trường đều huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, trẻ đã nhận biết và phát âm tương đối đúng bộ chữ cái tiếng Việt, có kỹ năng cơ bản khi đến trường, đến lớp. 

Kết quả đó là nhờ Trường Mầm non Khao Mang đã tham gia thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án này, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là chất lượng giáo dục DTTS. Học sinh người dân tộc Mông giao tiếp tự tin hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, môi trường học tập thân thiện cho cả giáo viên và học sinh. Các đơn vị trường chú trọng rèn các kỹ năng cơ bản cho học sinh tạo tiền đề học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. 

Hiện nay, 100% trẻ em DTTS trên địa bàn huyện Mù Cang Chải được tăng cường tiếng Việt. 90% trẻ 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt, trẻ hát trọn vẹn nhiều bài hát, kể câu chuyện ngắn, biết giới thiệu về bản thân, sở thích của bản thân… 

Trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin, được chuẩn bị tốt các nội dung giáo dục theo độ tuổi, tạo tâm thế tham gia học tập và chuẩn bị vào lớp 1.  

Là huyện vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, địa hình bị chia cắt mạnh nên những năm gần đây, công tác huy động, duy trì số lượng học sinh được Mù Cang Chải quan tâm, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì vững chắc công tác phổ cập giáo dục. 

Đặc biệt, từ đặc thù của địa phương mà công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học DTTS , trong đó có Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.luôn được ngành giáo dục huyện cụ thể hóa trong thực hiện nhiệm vụ năm học của các cấp học. Nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện học tập cho con em học sinh DTTS, tỷ lệ chuyên cần ngày một bền vững. 

Từ năm 2017 đến nay, bậc học mầm non, tiểu học đã tập trung đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi tại các đơn vị trường học. Riêng bậc mầm non gắn với phong trào hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp nhằm giúp giáo viên nhận thức rõ về trách nhiệm trong công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 

Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bổ sung thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các cấp học. Trong 2 năm, Mù Cang Chải được cấp bổ sung 56 bộ thiết bị, 57 bộ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non. 

Hiện nay, bậc mầm non có 58% nhóm, lớp được đáp ứng đủ thiết bị theo quy định; 100% nhóm, lớp có đồ dùng, đồ chơi tự làm phục vụ trong các tiết học. Đối với cấp tiểu học, 100% học sinh lớp 1 có bộ đồ dùng học tập tiếng Việt. 

Các lớp học còn lại được giáo viên tự chuẩn bị đồ dùng dạy học cho môn tiếng Việt và các môn học khác. Có 4 trường mầm non và 4 trường tiểu học tham gia Dự án "Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học, kết quả học tập cho trẻ vùng DTTS tại Việt Nam”, được Dự án cung cấp 2.858 cuốn sách giáo khoa tiểu học, 16.533 cuốn truyện tranh thiếu nhi, 48 giá sách và văn phòng phẩm các loại. 

Năm 2018, các trường mầm non, tiểu học bổ sung được 20.261 đầu sách, truyện, 45 lớp có thiết bị nghe, nhìn hiện đại giúp tăng cường tiếng Việt. Ngoài ra, các nhà trường còn sưu tầm bài hát, câu chuyện, trò chơi truyền thống của người địa phương, biên tập thành tuyển tập thơ, truyện, trò chơi, câu đố để trang bị thêm tài liệu giảng dạy cho giáo viên. 

Đặc biệt, các trường mầm non, tiểu học đã chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh, cộng đồng xây dựng được 155 cuốn sổ tay từ ngữ tiếng dân tộc Mông để giúp giáo viên có tài liệu tiếng mẹ đẻ của trẻ, hỗ trợ trong giảng dạy. 

Trong khuôn viên ngợp sắc hoa, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Chế Cu Nha giới thiệu cho chúng tôi những bồn hoa, những cây cảnh, khu vực sinh hoạt chung phục vụ cho hoạt động "Hội chợ vùng cao”. 

Điều đặc biệt, có được cảnh quan đẹp như vậy chủ yếu là do giáo viên, các bậc phụ huynh cùng nhau xây dựng mà thành. Tất cả với mong muốn con em mình được học trong môi trường sư phạm, được thông hiểu hơn về tiếng Việt. 

Cô Thanh cho biết: "Chúng tôi thực hiện xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh cả trong và ngoài lớp. Các khu vực đều gắn từ và chữ cái, chữ số nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Cùng với đó, nhà trường khuyến khích giáo viên kết hợp với phụ huynh sưu tầm nguyên vật liệu làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy và học”. 

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Chế Cu Nha còn tăng cường hoạt động dạy tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1, trong các môn học và các hoạt động giáo dục, trong giờ sinh hoạt ngoại khóa và giờ sinh hoạt bán trú… 



Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Chế Tạo trong giờ tập đọc. 

Cô giáo Vũ Thị Hương - Chủ nhiệm lớp 5B, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Chế Cu Nha cho biết: Các nhóm trong lớp được hướng dẫn trang trí đúng chủ đề, chủ điểm. Trong giờ học, việc sửa lỗi phát âm cho các em được chú trọng. Ngoài ra, học sinh còn được tăng cường tiếng Việt thông qua những buổi "Hội chợ vùng cao” tại trường, chăm sóc cây cảnh, hoa…

Môi trường tiếng Việt tại các nhà trường ở Mù Cang Chải từng bước được quan tâm xây dựng, giúp trẻ người DTTS được học tập trong môi trường thân thiện, an toàn, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh tăng cường giao tiếp tiếng Việt, củng cố, nâng cao nhận thức, giúp học sinh tích cực chủ động trong học tập và tham gia các hoạt động giáo dục. 

Cụ thể như: xây dựng và làm mới góc thư viện cho trẻ, thư viện trong và ngoài lớp học; xây dựng góc dân gian, góc cộng đồng, chợ quê, góc tuyên truyền bản sắc văn hóa các DTTS ở địa phương; góc vận động, tôn tạo bồn hoa, cây cảnh, vườn rau phù hợp với khuôn viên của điểm trường; xây dựng môi trường "Văn học - chữ viết", góc tiếng Việt. Trang trí lớp học theo mô hình trường học mới. Các góc hoạt động, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được dán nhãn bằng tiếng Việt theo mẫu chữ in thường… 

Vật thật, đồ chơi có nguồn gốc tự nhiên đã hỗ trợ tích cực giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Qua đánh giá thực tế, nhiều trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có những thay đổi tích cực trong việc tạo môi trường tiếng Việt, tiêu biểu như các trường mầm non: Hoa Ban, Hoa Lan, Họa Mi hay Trường Tiểu học Nậm Khắt, Lao Chải…

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục của Mù Cang Chải đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là chất lượng giáo dục DTTS. Học sinh người dân tộc Mông giao tiếp tự tin hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhiều, môi trường học tập thân thiện cho cả giáo viên và học sinh. Các đơn vị trường chú trọng rèn các kỹ năng cơ bản cho học sinh tạo tiền đề học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. 

Thành Trung
 (Bài 2: Căn cơ, cốt lõi trong nâng cao chất lượng giáo dục)

Tags Mù Cang Chải học sinh tiểu học dân tộc thiểu số tiếng Việt

Các tin khác
Xe “dù” đón khách đi Yên Bái trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Trật tự vận tải khách và trật tự an toàn giao thông trên tuyến Yên Bái – Hà Nội vốn đã hết sức phức tạp bởi lưu lượng giao thông lớn, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà xe cùng khai thác. Thời gian gần đây, luồng tuyến này càng phức tạp hơn bởi một số xe không phép vô tư “nhảy” vào khai thác đồng thời, gây hấn với những chiếc xe có phép, chấp hành nghiêm những quy định về trật tự vận tải.

Lãnh đạo, cán bộ xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy. (Ảnh: Ngọc Sơn)

Yên Bái là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong việc chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Qua đó, kích thích bầu nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ trẻ luôn năng động, sáng tạo ở các cấp.

Tham gia Đề án, cán bộ được các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm từ lý luận đến thực tiễn.

Lần đầu tiên tỉnh Yên Bái triển khai một đề án mang tính khoa học và dài hơi về công tác cán bộ, nên hơn bao giờ hết công tác tuyển chọn được Hội đồng sát hạch, tuyển chọn nghiên cứu kỹ cả về tư cách đạo đức, quá trình học tập, công tác chứ không chỉ về chuyên môn, nhất là đối với cán bộ trẻ.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức và cá nhân.

Tính đến tháng 6/2018, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi tham gia cấp ủy tỉnh chỉ chiếm 6,1%, cán bộ nữ (không bao gồm nữ người dân tộc thiểu số) chiếm 10,2%, cán bộ người dân tộc thiểu số (gồm cả nữ) chiếm 28,6% (nữ dân tộc chiếm 8,2%, nam dân tộc chiếm 20,4%); không có cán bộ trẻ dưới 35 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục