Trạm Tấu chung tay giúp hộ nghèo giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/6/2019 | 8:05:26 AM

YênBái - Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu, đến đâu cũng thấy cán bộ từ huyện đến các xã, thị trấn và người dân nói về chuyện chung tay giúp hộ nghèo, giảm nghèo bền vững năm 2019. Năm nay, cùng với các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của địa phương thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, các hộ nghèo ở Trạm Tấu đang tích cực thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu xuống cơ sở nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của hộ nghèo.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu xuống cơ sở nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của hộ nghèo.

Dọc hai bên đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên đến xã Trạm Tấu, Hát Lừu, Xà Hồ, Bản Công..., lúa xuân đang vào độ thu hoạch, bà con người Mông, người Thái với trang phục sặc sỡ cùng thu hoạch lúa xuân, trao đổi kinh nghiệm làm đất, gieo mạ sản xuất vụ mùa kịp thời vụ. 

Vào thời điểm này, các đồng chí lãnh đạo huyện bận rất nhiều công việc nhưng biết chúng tôi lên Trạm Tấu tìm hiểu về việc huyện đã triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy tại địa phương trên các lĩnh vực, trong đó có chỉ tiêu giảm nghèo năm nay. 

Đồng chí Trần Ngọc Luận - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã dành thời gian đầu giờ buổi sáng, thông tin nhanh về sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019 của huyện: "Nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững năm 2019 theo Chương trình hành động số 144-Ctr/TU, ngày 15/2/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái; Kế hoạch số 131-KH/TU, ngày 19/4/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019; Kế hoạch số 92 ngày 26/4/2019 của Huyện ủy Trạm Tấu về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019..., ngày 16/5/2019, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND điều hành chi tiết thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo năm 2019. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của huyện từ 8,5% trở lên, tương đương số hộ thoát nghèo là 557 hộ". 

"Để nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ nghèo ở các xã, thị trấn, UBND huyện đã giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn xuống cơ sở rà soát, kiểm tra, nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ, tổng hợp, lập danh sách cụ thể để UBND huyện bố trí các nguồn lực và phương án hỗ trợ cho từng hộ theo đúng nhu cầu mà các hộ nghèo đang cần, đang thiếu...”.  Ông Luận nói.

Tìm hiểu về những thông tin mà đồng chí Trần Ngọc Luận cung cấp, chúng tôi cùng các anh cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện xuống xã Hát Lừu và thị trấn Trạm Tấu gặp gỡ một số hộ dân dự kiến được hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo trong năm nay. 



Hộ anh Lò Văn Lanh là một trong 557 hộ của huyện Trạm Tấu dự kiến thoát nghèo trong năm nay. (Ảnh: Anh Lanh cùng vợ xây tường rào).  
 
Anh Tô Tiến Minh - cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện dắt con "ngựa sắt” đèo chúng tôi ngược dốc theo con đường lên xã Bản Mù khoảng hơn 3 km, rẽ phải đi qua cánh đồng lúa đến thôn Lừu 2, xã Hát Lừu. Hôm nay là ngày lãnh đạo xã và các ngành, đoàn thể tham gia chuẩn bị diễn tập phòng, chống bão lũ năm 2019, nên không thể gặp được ai. 

Nhưng thật may, khi đến thôn Lừu 2, anh cán bộ đi cùng liên lạc nhờ anh Lường Văn Hiếm - Bí thư Chi bộ thôn Lừu 2 dẫn tới thăm hộ anh Lò Văn Lanh - một hộ nghèo ở thôn Lừu 2. Diện tích lúa vụ xuân của gia đình anh Lanh cấy muộn chưa được thu hoạch, vì thế vợ, chồng anh tranh thủ mua gạch về xây hàng rào xung quanh ngôi nhà sàn mới dựng để chăn nuôi gà, lợn... Thấy cán bộ thôn dẫn khách lạ tới, anh Lanh nhanh nhẹn mời mọi người lên nhà sàn, pha trà mời khách. 

- Anh chị xây dựng gia đình được mấy năm rồi? - tôi hỏi.

- Được gần 6 năm rồi, năm 2018, bố mẹ dành được ít gỗ, vợ chồng đi làm thuê mua thêm một ít nữa thuê thợ mộc làm, rồi nhờ bà con trong thôn giúp trên 100 công mới dựng xong ngôi nhà này - anh Lanh đáp lời. 

- Gia đình anh có mấy khẩu, nguồn thu nhập chính hiện nay là gì?

- Nhà tôi có 3 khẩu, thu nhập chính chỉ dựa vào làm 1.200 m2 ruộng, cấy 2 vụ thu được khoảng 1,5 tấn thóc. Những lúc nông nhàn, hai vợ chồng đi làm thợ nề, mỗi tháng cũng tiết kiệm được khoảng 8 triệu đồng để trả lãi và gốc 50 triệu đồng tiền vay ngân hàng và làm nốt một số công trình còn dở dang. 

- Tới đây, huyện triển khai chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình anh cần hỗ trợ gì? 

- Gia đình tôi còn thiếu một số chỉ số theo quy định chuẩn nghèo đa chiều như: nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch, ti vi... Nhưng tôi sẽ xin hỗ trợ cái máy cày để vừa đi cày, bừa thuê kiếm tiền vừa có phương tiện khai hoang thêm 600 m2 ruộng nước nữa. Tôi cũng dự định sẽ vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, xây chuồng, trại chăn nuôi lợn, gà, bò... để có thu nhập ổn định. 

Với sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của hai vợ chồng anh Lanh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương hy vọng hộ anh Lanh sẽ thoát khỏi diện hộ nghèo trong năm nay. Năm 2019, UBND huyện giao chỉ tiêu cho xã Hát Lừu tập trung hỗ trợ 110 hộ thoát nghèo, riêng thôn Lừu 2 là 24 hộ. Ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước như cây, con giống, tư liệu sản xuất... 

Tại địa phương từ xã đến thôn, bản các ngành, đoàn thể, hộ gia đình đều sẵn sàng chung tay giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Bí thư Chi bộ thôn Lừu 2 Lường Văn Hiếm khẳng định: "Để giúp 41 hộ nghèo trong thôn phát triển kinh tế, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, có 24 hộ thuộc diện có khả năng thoát nghèo trong năm 2019, thôn đã rà soát nhu cầu của từng hộ và tới đây tiếp tục giám sát triển khai việc hỗ trợ bảo đảm đúng nhu cầu để các hộ này vươn lên thoát nghèo trong năm nay. Đối với hộ nghèo làm nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở, thôn tiếp tục huy động các hộ dân giúp công sức để dựng nhà, sửa nhà cho những hộ có nhu cầu về nhà ở...”. 

Rời xã Hát Lừu, chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Nguyễn Thị Lương ở tổ 3, thị trấn Trạm Tấu. Chị Lương cho hay: "Gia đình tôi có 2 khẩu, nguồn thu nhập chính hiện nay dựa vào sản xuất 1.200 m2 ruộng 2 vụ, đất xấu không có tiền mua phân chăm bón nên mỗi năm cũng chỉ thu được trên 6 tạ thóc, chỉ đủ gạo ăn. Ngoài ra, tôi làm thêm 500 m2 chè Shan và chè Du. Tháng trước, chè Shan bán được 15.000 đồng/kg, tháng này xuống còn 7.000 đồng/kg; chè Du tháng trước bán 12.000 đồng/kg, tháng này cũng giảm xuống còn 4.000 đồng/kg. Vì thế cũng ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình...”. 

Chị Lương dự tính, đợt hỗ trợ này nếu trâu rẻ dưới 20 triệu đồng sẽ xin hỗ trợ mua trâu, còn đắt hơn sẽ xin hỗ trợ máy cày để đi cày, bừa thuê và có phương tiện làm đất trồng mới thêm 3.000 m2 chè Shan... Với cách nghĩ, cách làm của chị Lương, hy vọng hộ gia đình chị sẽ sớm thoát nghèo trong năm nay và trong những năm tới sẽ có nguồn thu nhập bền vững từ cây chè Shan vùng cao.

Hiện nay, huyện Trạm Tấu đang huy động lồng ghép các nguồn lực của Trung ương, của địa phương, nguồn lực xã hội hóa... dự kiến khoảng trên 98 tỷ 592 triệu đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019. Mong rằng, các nguồn vốn này sẽ sớm được huyện triển khai thực hiện để hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp... Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội... để hoàn thành được mục tiêu giảm 8,5% hộ nghèo trong năm nay. 

Minh Hằng

Tags Trạm Tấu hộ nghèo giảm nghèo dự án chương trình

Các tin khác
Nữ sinh viên Thào Thanh Dung (thứ ba từ phải sang) tại Lễ bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Xinh xắn, hiền lành, thông minh và tràn đầy năng lượng là những điều dễ dàng cảm nhận về cô gái Thào Thanh Dung, sinh năm 1995, dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải.

Quả sơn tra đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng cao.

Sự phát triển mạnh, nhất là sản xuất theo mô hình hàng hóa và thị trường, nhưng thực tế cho thấy Yên Bái mới chú trọng về số lượng để hình thành vùng nguyên liệu còn chất lượng sản phẩm hàng hóa, giá trị sản phẩm còn thấp.

Vùng Mường Lò, rất nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Được công nhận thương hiệu hàng hóa có chỉ dẫn địa lý đã hơn một năm mà gạo sản xuất chuẩn thương hiệu mới được 3 tấn. Tuy vậy, hiện nay, trên thị trường, loại sản phẩm gạo đóng mác “Gạo Mường Lò” đang được bán tràn ngập.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha  với “Góc cộng đồng” trong lớp học.

Trong hoạt động tăng cường tiếng Việt, một bộ phận giáo viên hạn chế trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tiết đọc thư viện, sử dụng các phương pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh trong một số giờ học còn mang tính hình thức, chưa có hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục