Từ một địa phương hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, nay Yên Bái đã đảm bảo an ninh lương thực và gia tăng mạnh mẽ về quy mô diện tích các cây trồng, vật nuôi chủ lực, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường đã và đang góp phần xây dựng nông thôn mới ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "điểm nghẽn” cần được tháo gỡ bằng những giải pháp tổng thể, đồng bộ, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bằng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, nhất là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho phát triển, sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển nhảy vọt. Trong vòng 5 năm trở lại đây, sản xuất nông, lâm nghiệp liên tục thành công, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (GRDP) bình quân hàng năm đều đạt trên 4,20%.
Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm theo hướng tích cực năm 2018 đạt 21,9% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 ước đạt 6.876 tỷ đồng, tăng 4,20% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm nghiệp của tỉnh đạt 49,22 triệu USD, tăng 16,3% so với năm 2017. Hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: lúa chất lượng 3.000 ha, cây ăn quả có múi trên 3.500 ha, quế trên 68.000 ha, tre măng Bát độ trên 3.600 ha, vùng Sơn tra trên 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha...
Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh chuyển biến tích cực. Đặc biệt, phương thức tổ chức sản xuất của người dân đã từng bước chuyền dần từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu thị trường. Song song với đó là mở rộng quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao một cách rõ rệt.
Những con số chưa được như mong đợi
Cái được lớn nhất, thành công nhất trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong những năm qua không phải là năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất mà là đã thay đổi căn bản tư duy người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn.
Nhưng có thể thấy việc sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi sản phẩm còn rất nhiều những hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng. Bình quân mỗi năm nông dân Yên Bái sản xuất trên 41 ngàn ha lúa, sản lượng đạt 305 ngàn tấn/năm, nhưng chỉ có khoảng 30 ngàn tấn lúa gạo đạt chất lượng cao.
Cho đến nay mới chỉ có 2 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tập thể (Nếp Tú Lệ và sản phẩm Gạo Mường Lò). Tương tự, bằng nhiều cơ chế khuyến khích, quy hoạch và phát triển một vùng cây ăn quả với trên 8.500 ha (cây ăn quả có múi 3.500 ha), sản lượng đạt 36 ngàn tấn, có múi 25 ngàn tấn. Thế nhưng, mới có 3 đơn vị đã áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả có múi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 80 ha. Sản xuất kinh doanh chè có khá hơn, với 8.500 ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 75 - 80 nghìn tấn/năm.
Trong giai đoạn 2013-2015, Dự án QSEAP đã hỗ trợ cho 114 nhóm hộ trồng chè thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và được các tổ chức chứng nhận cấp chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho 113 nhóm hộ/3.972 hộ/2.043 ha với sản lượng hàng năm 21.300 tấn chiếm 25% sản lượng chè toàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị áp dụng quy trình Nông nghiệp bền vững (SAN) và được cấp chứng chỉ chứng nhận Raiforest Alliancer (Công ty cổ phần Chè Nghĩa lộ, Công ty TNHH Chè Bình Thuận; HTX Kiến Thuận). Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể và cho phép 3 đơn vị khai thác nhãn hiệu "Chè Shan tuyết Suối Giàng” hiệu quả quảng bá khá tốt và hiệu quả.
Đối với ngành chăn nuôi, hàng năm duy trì khoảng 640-650 nghìn con, đàn gia cầm trên 4,5 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt 48-50 nghìn tấn. Trong 1.450 cơ sở chăn nuôi có quy mô tập trung, hiện có 3 cơ sở chăn nuôi áp dụng và được cấp chứng chỉ VietGAP và 3 đơn vị được cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tệ hại nhất có lẽ là chăn nuôi thủy sản, với diện tích nuôi trồng hàng năm đạt trên 2.400 ha và trên 1.000 lồng nuôi cá, sản lượng đạt 7.500 - 8.000 tấn/năm, thế nhưng đến nay không có một đơn vị, cá nhân nào đạt tiêu chuẩn chứng nhận theo các tiêu chuẩn hiện có.
Trong chế biến với 1.550 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản có đăng ký, có 184 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản; 15 cơ sở sản xuất rau, nấm và 16 cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Rào cản và hạn chế
Có thể nói, những kết quả, thành công trong sản xuất nông lâm nghiệp thời gian qua là không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những rào cản lớn cản trở đến quá trình phát triển một nền sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững. Sự phát triển mạnh, nhất là sản xuất theo mô hình hàng hóa và thị trường, nhưng thực tế cho thấy Yên Bái mới chú trọng về số lượng để hình thành vùng nguyên liệu còn chất lượng sản phẩm hàng hóa, giá trị sản phẩm còn thấp.
Một vấn đề không thể không nói đến là còn thiếu sự liên kết trong sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực có khối lượng lớn chủ yếu được bán dưới dạng nguyên liệu, sản phẩm thô, không có tiêu chuẩn, nhãn mác nên giá trị thương mại thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Gạo nếp Tú Lệ, chè Shan Suối Giàng, quế Văn Yên; táo mèo Mù Cang Chải... là những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước có lợi thế cạnh tranh rất cao nhưng do không có tiêu chuẩn chứng nhận hoặc mẫu mã bao bì kém nên giá trị thấp, không được các nhà phân phối quan tâm. Yếu nhất, hạn chế nhất là hầu hết các sản phẩm, quy trình sản xuất chúng ta chưa theo tiêu chuẩn hay sản xuất an toàn, chứng nhận chất lượng, bao bì, nhãn mác sản phẩm xấu, khó có khả năng nhận diện nên chưa được các nhà phân phối quan tâm thu mua để cung ứng trên thị trường.
Một mấu chốt là Yên Bái chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến. Đến nay, vẫn chưa xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp xứng tầm; hỗ trợ sản xuất nhiều, nhưng hạn chế hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.
Thành công nhiều, nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế và những "rào cản” cần được tháo gỡ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Yên Bái sẽ có những giải pháp tổng thể, đồng bộ, nhất là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi sản xuất mang lại hiệu quả cao, tạo nền tảng phát triển lâu dài.
Thanh Phúc
Bài 2: Nâng cao chất lượng sản phẩm - sự sống còn của ngành nông nghiệp