Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8:

Nghị lực “da cam”

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/8/2019 | 8:39:41 AM

YênBái - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại thì vẫn còn âm ỉ và nhức nhối trong cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin. Điều đáng khâm phục là dù mang trong mình nỗi đau da cam nhưng bằng nghị lực và sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều nạn nhân CĐDC/dioxin đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống…

Ông Phạm Văn Hùng (bên phải) giới thiệu vườn bưởi của gia đình áp dụng một số tiêu chuẩn kỹ thuật mới.
Ông Phạm Văn Hùng (bên phải) giới thiệu vườn bưởi của gia đình áp dụng một số tiêu chuẩn kỹ thuật mới.

Những ngày đầu thu nhẹ nhàng, xuyên qua những vườn bưởi bạt ngàn xanh mướt vài chục năm tuổi ở Đại Minh, cựu chiến binh Phạm Văn Hùng - Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân CĐDC/dioxin cụm 3 xã Đại Minh, Hán Đà, Thác Bà đón chúng tôi bằng những bước chân nhanh nhẹn, cái bắt tay ấm áp và nụ cười lạc quan, hạnh phúc. 

Ông Mai Xuân Quang - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Yên Bình liền hỏi thăm: "Hôm nay nom khỏe và phấn khởi lắm!”. Ông Hùng cười thật hiền: "Thì khỏe lúc nào vui lúc đó. Vả lại đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân CĐDC/dioxin cho hội viên mình đây”. Vợ ông vội câu chuyện: "Bác ạ, ông Hùng nhà tôi đau thì thôi chứ khỏi đau là đi suốt”. 

Ông quay nhìn vợ cười: "Thì mình cứ khỏe ngày nào là mình giúp những nạn nhân da cam khác, động viên nhau vượt lên hoàn cảnh mà”. 

Đi trong vườn bưởi mấy chục gốc già, ông Hùng bắt đầu kể về cái tuổi xuân xanh 18 vào bộ đội đặc công, về những đêm đi xuyên rừng, những trận đánh giáp lá cà với địch và không thể thiếu ký ức của 81 ngày đêm khói lửa ở Thành cổ Quảng Trị. 

Trở về địa phương hăng say lao động, di chứng CĐDC không làm lung lay ý chí của người lính đặc công năm nào. Không buồn chán, lo âu về bệnh tật, ông hăng say gìn giữ và phát triển giống bưởi quý của quê hương, đi đầu áp dụng tiến bộ khoa học vào chăm sóc bưởi. 

Ngoài vườn bưởi quý mấy chục năm tuổi của gia đình, vừa qua, ông tiếp tục mở rộng diện tích vài nghìn mét vuông trồng 200 cây bưởi, xây dựng hệ thống tưới tiêu, đường lên, lán trại quy củ. 

Thấy chúng tôi e ngại với sức khỏe của ông, ông phấn khởi bảo: "Đau thì nghỉ, khỏe thì làm, làm để gìn giữ giống bưởi quê hương, làm để còn làm gương cho con cháu cũng phải chăm chỉ lao động, sống có ích cho gia đình và quê hương”. 

Câu nói chắc nịch ấy được bật ra từ chính nghị lực phi thường của ông - một nạn nhân da cam. Trong câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, ông Hùng luôn cho người đối diện một cảm giác lạc quan, yêu đời như thể đang nghe những khúc tráng ca hào hùng, không chút bi lụy. 

Mang trong mình nhiều di chứng da cam như bệnh tim mạch, đau mắt, xương khớp, cột sống... nhưng ông vẫn tham gia làm Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân CĐDC/dioxin cụm 3 xã. Chẳng có đồng trợ cấp nào nhưng bằng trách nhiệm, bằng bản chất của Bộ đội Cụ Hồ, ông vẫn nhiệt tình tham gia. 

Ông bảo: "Nạn nhân da cam đều rất khó khăn, ốm đau bệnh tật, ít được tiếp xúc với các thông tin chính sách nên mình làm cầu nối, tuyên truyền các chính sách đến với họ, cho họ hiểu, mong họ không bị thiệt thòi”. Một mình ông phụ trách 22 hội viên ở 3 xã. Đi từ xã này tới xã kia cũng là một quãng đường không nhỏ. 

Ông tâm sự: "Mình là lính đặc công làm việc gì cũng phải chắc chắn nên phải đến tận nơi. Có ngày đi xe máy đến nhà hội viên vài chục ki lô mét là chuyện thường. Thỉnh thoảng thăm nom nhau, động viên nhau. Giờ không giúp được bằng vật chất nhiều thì động viên nhau về tinh thần, đó đều là đồng đội, là con, cháu đồng đội mình cả”. 

Cứ thế mà mấy năm nay, ông và chiếc xe máy cũ rong ruổi trên những con đường Đại Minh, Hán Đà, Thác Bà, khi thì đi thăm hội viên, khi thì đi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những nạn nhân da cam khó khăn. Vì vậy, những cái ôm thật chặt của đồng đội, những cái níu tay của những nạn nhân da cam thế hệ thứ hai dành cho ông như người thân trong gia đình đã xóa tan mọi mệt mỏi trong ông. 

Chia tay ông Hùng, chúng tôi tìm về vùng đất Thọ Lâm, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, nơi có người thương binh Vương Toàn Chất dù mang trong mình nhiều di chứng chiến tranh, chịu nhiều đau đớn của CĐDC nhưng lại có một nghị lực phi thường mà người dân trong vùng luôn ngưỡng mộ, nể phục. Giống như ông Hùng, ông Vương Toàn Chất cũng có những năm tháng thanh niên sôi nổi, quên mình cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông đã không tiếc thân mình hy sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc. Năm 1972, sau khi bị thương, ông được xuất ngũ trở về địa phương, xây dựng gia đình, sinh được 4 người con thì một người không may bị mất khi còn trẻ, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Thế nhưng, với bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, người lính năm xưa bắt tay vào phát triển kinh tế. 

Ông hào hứng chia sẻ: "Ban đầu, do chưa có vốn, tôi đã chăn nuôi lợn, gà ở quy mô nhỏ kết hợp trồng rừng kinh tế. Dù phải khó khăn bươn trải nhưng "tích tiểu thành đại”, gia đình cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sau khi có vốn, tôi đã mua thêm đất đai, mở rộng chăn nuôi, trồng thêm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao”. 



Ông Vương Toàn Chất nỗ lực phát triển kinh tế từ chăn nuôi. 

Nhìn diện tích vườn tạp và đất đồi rộng tới 4,5ha, được quy hoạch khoa học: trồng 1ha cây ăn quả gồm nhãn, na, bưởi kết hợp trồng 2ha cây công nghiệp lâu năm, trong đó quế là cây trồng chủ lực; đồng thời, trồng thêm 1,5ha sắn để vừa phục vụ chăn nuôi vừa nâng cao thu nhập; duy trì chăn nuôi từ 200 - 300 con gà/lứa và khoảng 20 - 30 con lợn nái và lợn thịt, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình... mới thấy những di chứng chiến tranh không làm gục ngã được người Bộ đội Cụ Hồ. 

Ông tâm sự: "Cứ trái gió trở trời là lại đau nhưng hết đau thì lại làm, mình phải cố gắng để làm gương cho con cho cháu, bảo ban động viên các con chăm chỉ làm ăn, lao động lương thiện. Còn sống là còn lao động và phải sống như lời Bác Hồ đã dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế”. 

Chia tay ông Hùng, ông Chất, mỗi người trong chúng tôi mang theo  bao suy ngẫm nể phục về ý chí, nghị lực phi thường của những nạn nhân CĐDC. Ý chí đó, nghị lực đó không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà hơn cả là đã và đang lan tỏa, động viên các nạn nhân da cam vươn lên, truyền cảm hứng cho cả cộng đồng.

Ông Hoàng Đình Thưởng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Yên Bình:



 "Thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Yên Bình hoạt động ổn định và hiệu quả. Huyện hội thường xuyên động viên nạn nhân CĐDC khắc phục khó khăn, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng động. Hội đã vận động nguồn lực để giúp đỡ hội viên vay vốn phát triển kinh tế; thăm hỏi hội viên ốm đau và tặng quà nhân dịp tết, hỗ trợ hội viên làm nhà... Trên địa bàn huyện, hầu hết là nạn nhân trực tiếp, tuổi đã cao, sức khỏe yếu, bệnh tật nên đời sống vô cùng khó khăn. 

Chúng tôi mong muốn cộng đồng chung tay giúp đỡ hội viên có nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nạn nhân nhiễm CĐDC thế hệ thứ 3 rất mong được hưởng chính sách ưu đãi, sự quan tâm, sẻ chia của xã hội”.   

Bà Đào Phương Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Yên Bái: 



"Trong những năm qua, ngoài phát triển kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và khẳng định thương hiệu của mình trên địa bàn, Agribank Yên Bái còn làm tốt công tác an sinh xã hội. Nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh là một trong những đối tượng mà chúng tôi hướng tới. Từ năm 2012 đến nay, bằng các nguồn như trích từ phần lợi nhuận, từ sự ủng hộ của người lao động, Agribank Chi nhánh tỉnh đã dành 12 tỷ 768 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội. 

Từ năm 2017 đến nay, Agribank Yên Bái đã tài trợ xây dựng 7 ngôi nhà, sửa chữa 1 ngôi nhà cho gia đình nạn nhân da cam cùng nhiều phần quà thường xuyên và đột xuất cho các nạn nhân. Cán bộ, công nhân viên chức và người lao động Agribank luôn xác định đây là việc làm thường xuyên, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn”, ấm áp tình người, động viên những người yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống”. 
 Thanh Ba

Tags chất độc da cam dioxin Hội nạn nhân chi hội nạn nhân hội viên

Các tin khác
Những ngôi nhà xây mới khang trang ở khu định cư mới Noong Mi, bản Tủ, xã Sơn Lương.

Chúng tôi trở lại Văn Chấn những ngày cuối tháng 7. Đúng khoảng thời gian này cách đây một năm, nhiều xã trong huyện phải hứng chịu trận mưa lũ kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản với trên 600 hộ bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thăm mô hình nuôi vịt đẻ trứng ở xã Lao Chải.

Tôi gọi họ là những nông dân “05”, bởi đây là những tấm gương điển hình tiên tiến, tiên phong của bản, của các địa phương ở huyện Mù Cang Chải trong việc thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc trong buổi ra mắt Câu lạc bộ Hoa Tây Bắc.

Đúng 19h30 phút mỗi tối thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, tại căn nhà số 349 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái lại vang lên tiếng hát, tiếng đàn, tiếng nói, cười rộn rã. Những mái đầu đã bạc, khuôn mặt nhiều vết chân chim nhưng nhìn ai cũng nở nụ cười tươi tắn khi tham gia múa hát.

Trưởng thôn Trần Văn Toản trông coi công việc ở đầm Sen.

Cổng làng văn hóa Đồng Sâm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên tươi sắc hoa vui vờn nắng sớm. Con đường làng phong quang, sạch sẽ, đẹp như tranh với loài hoa chiều tím rộ nở dọc dài trục chính. Đã hẹn trước nên Trưởng thôn Trần Văn Toản chắc đi đâu không xa, cổng mở toang, cửa nhà khép. Một cuộc điện thoại kết nối: “Tôi đang ở đầm Sen, dở tí việc…” - Trưởng thôn bắt lời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục