Khát vọng Đồng Sâm

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/7/2019 | 8:09:56 AM

YênBái - Cổng làng văn hóa Đồng Sâm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên tươi sắc hoa vui vờn nắng sớm. Con đường làng phong quang, sạch sẽ, đẹp như tranh với loài hoa chiều tím rộ nở dọc dài trục chính. Đã hẹn trước nên Trưởng thôn Trần Văn Toản chắc đi đâu không xa, cổng mở toang, cửa nhà khép. Một cuộc điện thoại kết nối: “Tôi đang ở đầm Sen, dở tí việc…” - Trưởng thôn bắt lời.

Trưởng thôn Trần Văn Toản trông coi công việc ở đầm Sen.
Trưởng thôn Trần Văn Toản trông coi công việc ở đầm Sen.

Đâu đâu cũng xanh bóng dâu

Trông coi chiếc máy xúc đang khơi rãnh nước là "tí việc” của Trưởng thôn lúc đó. "Ơ, đầm Sen đây á anh?” - lập tức tôi thắc mắc. 

Trưởng thôn Trần Văn Toản cười: "Ai cũng hỏi giống cô. Sen đâu? Không có. Nhưng vẫn cứ gọi đầm Sen. Mé cao cao xa xa đằng kia, trước dân trồng màu. Dưới chân cô đang đứng đây, xưa là ruộng lúa. Nay cô thấy, toàn dâu với dâu thôi”. 

Đúng thật, bốn bề chỉ có dâu, bên này vạt dâu cho lứa tằm cuối vụ, chỗ kia ruộng dâu vừa đốn cành. Màu xanh của cây dâu đã trùm kín đầm Sen rộng 2 héc-ta từ những năm 2013 - 2014. Nói thì dễ thế chứ kỳ thực để có bóng cây dâu khắp đồng đất này là cả một quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi người, mỗi nhà. 

Tâm lý của người nông dân vẫn quanh quẩn rằng nhà nông phải có hạt thóc trong nhà mới yên tâm, rồi không biết người ta nuôi tằm thì được vậy còn mình liệu có nuôi nổi, rồi tiền bán kén tiêu vèo cái sạch nhẵn lấy đâu mà mua gạo ăn hàng ngày… Đủ thứ lý do đưa ra để ngại ngần cho bắt đầu một sự thay đổi. 

Chợt nhớ có lần ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp chia sẻ, khi địa phương tuyên truyền, vận động người dân trồng dâu nuôi tằm, nhiều người nguầy nguậy lắc đầu, phải nói với họ cứ thử xem sao đã, nếu một vụ nuôi không thích, không hiệu quả bằng cây lúa thì sáng nhổ dâu là chiều lại có thể trồng lúa cơ mà. Thế thì thử! 

Còn trong câu chuyện của Trưởng thôn Trần Văn Toản, năm 2013, ở tràn khai hoang khu ông Lập 2 ha, tràn khai hoang sau bà Hương 1,5 ha, tràn mặn 1,5 ha trên địa bàn Đồng Sâm rặt là ruộng gò cao, đất cát gio, khó lấy nước, có khi sáng lấy đầy nước nhưng chiều đã cạn nhe nên thôn tuyên truyền 30 hộ chuyển đổi sang trồng cây dâu thay vì mỗi năm 2 vụ lúa kém hiệu quả. 

Dân mình thích sự thật, tai đã nghe nhưng cũng cần tận mắt thấy mới tin. Trưởng thôn phải dẫn chứng ngay nhà mình đây, đã được thu từ 3 sào dâu, mỗi trật dâu nuôi tằm đủ tiền mua gạo ăn cả năm đấy. Mà một năm lại không phải chỉ 2 vụ như lúa vì có thể nuôi rất nhiều trật. Mà kén bán cũng chả cần mang đi chợ hay đi đâu xa bởi có người đến tận nhà mua. Mà thích nữa là tiền tươi tiền tốt nhé, trao tận tay, không nợ nần. 

Có người còn ngó trước trông sau nhưng cũng có người mạnh dạn quyết tâm làm như nhà ông Đào Hữu Chiêm bấy giờ đã chuyển đổi 6 sào lúa sang trồng dâu. 

Bà Khoa Thị Huệ - vợ ông Chiêm kể tràn đầy khí thế: "Sợ gì, người ta làm được thì mình cũng làm được!”. 

Chị Vũ Thị Hùy - con dâu bà Huệ đồng tình: "Rõ là thế, mẹ nhỉ!”. Hai mẹ con bà Huệ nhẩm tính, nếu giữ giá 90.000 đồng/kg kén tằm thì mỗi sào dâu một năm dư sức cho lãi 4 triệu đồng. Một người, hai người, ba người… làm thử. Hiệu quả thật nên dần dần đâu cần ai vận động nữa, tự theo nhau làm tất. Đất vườn, đất soi bãi, đất ruộng, đất nào chuyển đổi được là nhanh chóng xanh bóng dâu. 

Giờ Đồng Sâm đã có 21 ha dâu và nếu chuyển đổi thành công hơn 2 ha dồn điền đổi thửa trồng dâu ở Đồng Trạng thì cả thôn sẽ còn 9 ha lúa thôi. Mỗi năm tính trung bình, người dân bán gần 26 tấn kén tằm, thu trên 2 tỷ đồng. 

Không có hộ nào nghèo trong số 52/118 hộ ở Đồng Sâm trồng dâu nuôi tằm, phấn khởi lắm! Cả thôn còn 5 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo do bệnh tật, người tuổi cao, thiếu lao động. Ngoài cây dâu, có 25 hộ làm vườn ươm cây giống lâm nghiệp, mang lại nguồn thu hơn 2,4 tỷ đồng. Đồng Sâm cũng có 5 người tham gia xuất khẩu lao động. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 36 triệu đồng.

Sáng, xanh, sạch, đẹp đường quê

Tầm 20 giờ hàng ngày, chị Nguyễn Thị Hòa bắt đầu đi bộ cùng vài ba người hàng xóm. Chị Hòa nói: "Điện đường sáng trưng như ban ngày, hai bên đường xanh tươi rặng hoa chiều tím. Vui lắm!”. Trong khoảng 30 phút đi bộ mỗi tối, họ vui chuyện làng, chuyện nhà… 

Đã thành nếp, từ khi có điện thắp sáng đường làng mỗi tối, chị và nhiều người đi bộ cho khỏe người. Các chị cũng như tất cả người dân Đồng Sâm đều tự hào với công sức, tiền của mà họ đóng góp đã mang lại ý nghĩa rất thiết thực. Chị Nguyễn Thị Lan thì bảo: "Tôi bận cháu nhỏ, không đi bộ cũng không chơi bóng chuyền hơi nhưng có điện sáng, đường đẹp, không tối om om như ngày xưa. Úi giời, nhắc đến ai chả thích!”. 

Là năm 2018, Đồng Sâm có chủ trương lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng suốt đêm khắp cả thôn bằng nguồn kinh phí nhân dân tự đóng góp. 

Trưởng thôn Trần Văn Toản nhắc chuyện này: "Ban đầu, chúng tôi tính toán và đưa ra 2 phương án: một là cả thôn sẽ đóng góp để kéo điện thắp sáng toàn bộ 2,2 km đường trục chính với mức đóng góp 400.000 đồng/hộ; hai là chỉ nguyên các hộ sống dọc đường trục chính sẽ đóng góp với mức 550.000 đồng/hộ. Họp thôn, nhân dân đồng tình với phương án thứ nhất nhưng phân ra làm hai giai đoạn: làm đường trục chính trước, làm các đường nhánh sau. Như vậy, mỗi hộ thống nhất sẽ đóng góp 700.000 đồng”. 

Trong quá trình thực hiện, Trưởng thôn cũng vận động được 9,2 triệu đồng tiền mặt ủng hộ của các cá nhân và người dân ủng hộ bằng hiện vật trị giá 16,150 triệu đồng. Cuối cùng mỗi hộ chỉ đóng 300.000 đồng mà làm một lèo xong luôn 89 bóng điện đường thắp sáng cả trục chính lẫn các nhánh dài 3,5 km với tổng kinh phí gần 70 triệu đồng vào cuối năm 2018. Hệ thống điện đường được lắp đặt hẹn giờ bật tắt tự động, mùa hè thắp sáng từ 19h - 5h, mùa đông từ 18h - 6h. 

Bà Trần Thị Tuyền - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Sâm khẳng định: "Mô hình sáng, xanh, sạch, đẹp là sự tiếp nối thành công xây dựng nông thôn mới. Đường giao thông nội thôn, liên thôn, các nhánh đã hoàn thiện, chúng tôi đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng nên phải "sáng” trước rồi mới đến "xanh, sạch, đẹp”. 

Hoa chiều tím được trồng dọc trục đường gần 2 km của thôn cụ thể hóa tiêu chí "xanh” do Chi hội Phụ nữ thôn đảm nhận trồng thí điểm, việc chăm sóc đường hoa từng tuyến giao cho các đoàn thể: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh. Còn với tiêu chí sạch, đẹp, người dân tự giác dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm ở nơi mình sinh sống hàng ngày đã trở thành nề nếp”. 



Hai bên đường làng Đồng Sâm trải dài triền hoa chiều tím thơ mộng.

Năm 2012, thôn Đồng Sâm đã thành công trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 1.799 m2 đất vườn, đất lúa, đất ao… để bê tông hóa đường liên thôn; huy động nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu đổ bê tông 1 km đường nội thôn vào các hộ gia đình. Năm 2016, thôn tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng cổng làng trị giá 14 triệu đồng và bê tông hóa 150 mét đường nội thôn khu Dộc Cam trị giá 35 triệu đồng.

Chênh chếch từ nhà Trưởng thôn nhìn qua ruộng dâu, một phần mặt bằng của hội trường thôn cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc mượn đang khẩn trương xây dựng nhà nuôi tằm con phục vụ nhu cầu tằm giống của người dân xã Báo Đáp. Liền kề là bãi đất mà nhân dân Đồng Sâm đã san gạt xong, chuẩn bị chờ căng lưới làm một sân bóng đá mini bên cạnh hai sân bóng chuyền hơi chiều nào, tối nào cũng sôi động, náo nhiệt. 

Chị Nguyễn Thị Hoa - vợ Trưởng thôn Trần Văn Toản hào hứng: "Ai có thời gian chơi buổi chiều hay buổi tối thì chơi buổi ấy. Lần lượt thay nhau, bên nào thua tự ra cho người khác vào. Mùa hè đông hơn hẳn vì bọn trẻ được nghỉ, tha hồ đùa nghịch đến khuya”. 

Mong ước cuộc sống tốt lành

Chục năm về trước, mấy ai tin cây dâu, con tằm có thể thay đổi cuộc sống của người Đồng Sâm. Hoàn toàn là thật câu chuyện ấy hôm nay. 

Bà Khoa Thị Huệ giọng cứ sang sảng: "Đồng Sâm này, chung chiêng giữa, rừng chả có, sông thì không, nếu không mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm thì hẳn vẫn nghèo rớt, chẳng khấm khá, ngóc đầu nổi. Chỉ mới 5 năm mà thay đổi quá nhanh, quá nhiều, đời sống nâng cao, con người văn minh, có điều kiện vui chơi, ăn sung mặc sướng. Mừng nhất là thôn xóm đoàn kết, hòa thuận, không khí làng quê lúc nào cũng vui tươi, tôi thấy thật quá sung sướng!”. 

Cuộc sống tốt đẹp của người dân Đồng Sâm bắt đầu từ thay đổi trong chính nhận thức, hành động của họ với sức mạnh tự thân. Người Đồng Sâm đang cùng nhau xây dựng nông thôn mới nâng cao như nắng mỗi ngày cho hoa khoe sắc, ngàn dâu xanh.

Nguyễn Thơm

Tags Đồng Sâm cây lúa cây dâu Báo Đáp Trấn Yên

Các tin khác
Tuổi trẻ thị xã Nghĩa Lộ thắp nến tri ân các anh hùng liệt lỹ.

Thị xã Nghĩa Lộ hiện có 103 thương bệnh binh. Chiến tranh qua đi, trở về với cuộc sống đời thường, hầu hết hành trang của họ chỉ có chiếc ba lô và những thương tật do chiến tranh để lại.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi với người dân xã Tà Xi Láng về hiệu quả sản xuất ngô hàng hóa.

Chúng tôi lên Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu đúng những ngày vùng cao này bỏng rát nắng hè. Giữa nắng nóng, đồng ruộng Tà Xi Láng vẫn rộn ràng như một công trường, bà con đang thu hoạch nhanh các diện tích lúa xuân và phơi luôn tại ruộng.

Hàng chục chiếc thuyền mang ngư cụ kích điện cập bến cảng Km 11.

Vẫn biết khi xử lý mạnh tay với tình trạng khai thác tận diệt cá trên hồ Thác Bà sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cả trăm hộ gia đình, đời sống của cả nghìn nhân khẩu nhưng pháp luật phải được thực thi nghiêm minh...

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thăm khu trang trại chăn nuôi gà đen.

Chuyến công tác thực tế cùng lãnh đạo huyện Mù Cang Chải nắm tình hình phát triển kinh tế địa bàn các xã khó khăn nhất huyện, chẳng riêng tôi mà những cán bộ trong đoàn công tác của Huyện ủy và của xã Lao Chải đều trầm trồ khi được “mục sở thị” trang trại của chàng kỹ sư lâm nghiệp Phạm Quang Thọ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục