Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 17% và số hộ cận nghèo chiếm trên 9%, nhiều xã vùng cao giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu… Những khó khăn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân, ngành y tế Yên Bái đã hình thành mạng lưới y tế rộng khắp ở các huyện, thị, thành phố. Trong đó, tuyến tỉnh có 2 chi cục, 3 trung tâm hệ dự phòng và sự nghiệp, 7 bệnh viện với 1.410 giường bệnh; tuyến huyện có 9 phòng y tế, 9 trung tâm y tế với 1.050 giường bệnh; tuyến xã, có 162 trạm y tế xã với 903 giường bệnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 196 cơ sở y tế ngoài công lập, 9 công ty kinh doanh dược, 67 nhà thuốc và 400 quầy thuốc tư nhân… Đứng trước những yêu cầu mới đặt ra cho ngành y tế trong giai đoạn hiện nay là đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho các ĐVSNYTCL theo hướng tự chủ về tài chính, trong số 21 đơn vị y tế hiện nay, có 15 ĐVSNYTCL được giao tự chủ về tài chính.
Xét về mặt tổng thể, trong nhiều năm qua, các đơn vị này về cơ chế hoạt động, tài chính đã có nhiều bước đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị.
Một số đơn vị còn huy động vốn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư để cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị và phát triển các cơ sở KCB với mục đích nâng cao năng lực, cung ứng dịch vụ đáp ứng tốt nhất yêu cầu KCB của người dân.
Tuy nhiên, qua quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các ĐVSNYTCL cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Để tháo gỡ những khó khăn này, ngày 25/4/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định 3 loại hình đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính gồm: đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường; đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chí phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách Nhà nước cấp; đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ.
Việc phân loại các nhóm đơn vị trên sau thời gian 3 năm hoạt động sẽ được xem xét phân xếp loại lại cho phù hợp. Ngày 15/10/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các ĐVSNYTCL và giá dịch vụ KCB của các cơ sở KCB; ngày 14/2/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của ĐVSNYTCL, các đơn vị sự nghiệp y tế để cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao thực hiện cơ chế tự chủ theo các nhóm gồm: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Việc phân loại sau thời hạn 3 năm sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Để thực hiện nghiêm túc các nghị định trên, ngày 3/5/2018, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 621/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo hướng tự chủ giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025".
Đề án đã nêu rõ mục tiêu cụ thể áp dụng như: mục tiêu về chuyên môn, mục tiêu tự chủ, đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng. Các đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính từ đầu năm, báo cáo cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính thẩm định, qua đó phân loại và giao dự toán hàng năm. Mới đây, ngày 9/1/2019 là Quyết định số 29/QĐ- UBND về việc chuyển sang tự chủ về tài chính đối với các ĐVSNYTCL có thu, có khả năng xã hội hóa cao, giai đoạn 2019 - 2025…
Bệnh nhân tới khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, ngành y tế đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNYTCL.
Năm 2018, tỉnh giao cho ngành y tế chỉ đạo tự chủ chi thường xuyên 100% ở 6 đơn vị; 3 đơn vị tự chủ từ 70% đến dưới 100%; 2 đơn vị tự chủ từ 50% đến dưới 70%; 4 đơn vị tự chủ dưới 50%. Kết quả đến cuối năm 2018 có 13/15 đơn vị đảm bảo theo kế hoạch giao, chỉ còn 2 đơn vị UBND tỉnh phải cân đối cấp bù tài chính gồm: Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Yên Bình và TTYT huyện Trấn Yên. Qua đó, đã giảm chi từ ngân sách Nhà nước năm 2018 là 72 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho ngành y tế (riêng năm 2018 chi 140 tỷ đồng). Năm 2019, tỉnh tiếp tục giao tự chủ chi thường xuyên cho 6 đơn vị tự chủ 100% (thay TTYT huyện Yên Bình bằng Bệnh viện Nội tiết); 3 đơn vị tự chủ từ 70% đến dưới 100%; 1 đơn vị tự chủ từ 50 % đến dưới 70%; 5 đơn vị dưới 50%.
Đánh giá kết quả 7 tháng đầu năm 2019, trong số 6 đơn vị được giao tự chủ 100% đều đạt kế hoạch giao, đặc biệt có một số đơn vị đạt cao như: TTYT thành phố Yên Bái đạt 114% kế hoạch, TTYT huyện Văn Yên đạt 108%, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đạt 108%…
Một số đơn vị đạt thấp là TTYT huyện Trạm Tấu đạt 18%, TTYT huyện Mù Cang Chải đạt 26% và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đạt 33%...
Nói về công tác tự chủ về tài chính, nhất là đối với các ĐVSNYTCL, ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: "Nhiều năm qua, ngành y tế Yên Bái đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương về các chính sách thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách phát triển nâng cao chất lượng KCB, đề án xã hội hóa, đề án tự chủ, đề án hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương, hợp tác với bệnh viện quốc tế… nhất là các nguồn lực như: ODA, ngân sách tỉnh, các dự án phi chính phủ".
"Vì vậy, cơ sở vật chất của các đơn vị y tế được nâng cấp khá đồng bộ từ tỉnh, huyện, xã… đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, một tin vui cho ngành y tế Yên Bái là ngày 23/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 324/QĐ-TTg về Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở cho tỉnh Yên Bái với tổng mức đầu tư 9,4 triệu USD (tương đương với trên 213 tỷ đồng). Đây sẽ là động lực hơn nữa để cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo”, ông Tuyến nói.
Thạch Phong
Bài 2: Đổi mới căn bản thái độ phục vụ