Thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh- bảo đảm quyền lợi người bệnh và điều hòa giữa các cơ sở y tế

Bài 1: Đòn bẩy nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/4/2021 | 7:51:08 AM

YênBái - Sau 3 tháng thực hiện quy định thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT, nhìn chung, các cơ sở y tế chưa có biến động nhiều về số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy, quy định thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh tạo thuận lợi cho người bệnh nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ sở y tế và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Thực hiện thông tuyến KCB BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh. Quy định mới này cũng sẽ là "đòn bẩy” để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút bệnh nhân. 

Nhập viện trong tình trạng cấp cứu, bà T.T.Đ ở tổ 5, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời. Được chẩn đoán bị viêm túi mật cấp hoại tử nên bà Đ được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi, dẫn lưu Kehr kịp thời nên bà Đ đã qua cơn nguy kịch. 

Chị Lê Thị Yến con đẻ bà Đ chia sẻ: "Thẻ BHYT của mẹ tôi đăng ký nơi KCB ban đầu ở Trung tâm Y tế huyện Văn Yên nhưng thấy bệnh nặng nên gia đình đã đưa bà xuống thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và điều trị. Nếu như trước kia đi thẳng xuống tỉnh mà không có giấy chuyển viện thì gia đình tôi phải cùng chi trả 40% nhưng giờ có chính sách thông tuyến tỉnh nên mẹ tôi được chi trả 100% và cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.

Hiện nay, 96,7% tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ chính sách này. Để chủ động khi thực hiện thông tuyến theo lộ trình, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: tăng cường công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chuyên sâu; đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại; nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ y, bác sĩ...; đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ trong công tác quản lý cũng như KCB, điển hình là triển khai kết nối tư vấn, hội chẩn, KCB từ xa nhằm hỗ trợ phát triển chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở, giúp người bệnh có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương. 

Đối với cơ sở y tế, đã thấy rõ những thách thức do việc thực hiện thông tuyến và có chiến lược phù hợp. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng KCB, xây dựng môi trường bệnh viện chuyên nghiệp, xanh - sạch - đẹp - thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi KCB BHYT để thu hút người bệnh tại cơ sở.

Là bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật cao, các phương pháp điều trị hiện đại nên đã thu hút được một lượng lớn bệnh nhân đến KCB. Bệnh viện hiện có 550 giường kế hoạch, nhưng đã thực kê 750 giường, công suất giường bệnh đạt 90% - 110% tùy tháng. 

Những năm qua, Bệnh viện tập trung nâng cao chất lượng KCB, đầu tư máy móc hiện đại, đào tạo đội ngũ bác sĩ, y tá giỏi, thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Bệnh viện đã liên kết với các bệnh viện tuyến trên, như: Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện KCB từ xa, hội chẩn trực tuyến. Thực hiện việc thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, Bệnh viện luôn đặt chất lượng KCB, tinh thần phục vụ lên hàng đầu, không vì thông tuyến mà chỉ định bệnh nhân vào điều trị ồ ạt gây lãng phí. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Thị Thu Hoài - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhấn mạnh: "Bệnh viện sẽ không chỉ định điều trị nội trú với các trường hợp không thực sự cần thiết. Đồng thời, giải thích cho bệnh nhân hiểu đúng về KCB thông tuyến, dịch vụ nào được Quỹ BHYT thanh toán, dịch vụ nào không được; bệnh nhân nào cần điều trị nội trú tại bệnh viện thì mới nhập viện, những bệnh nào có thể điều trị ở tuyến dưới thì giải thích, giới thiệu bệnh nhân về tuyến dưới, để tránh tình trạng quá tải không cần thiết. Bên cạnh đó, cũng tích cực hỗ trợ các trung tâm y tế tuyến huyện nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo phân tuyến”. 

Bệnh viện Y học cổ truyền cũng là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trước đây những bệnh nhân ở tuyến huyện không đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện phải có giấy chuyển tuyến, mất nhiều thời gian và chi phí. Từ khi triển khai thông tuyến BHYT điều trị nội trú nên số lượng bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện có tăng. Đây cũng là thách thức đối với Bệnh viện. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: "Sau 3 tháng triển khai thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện tăng hơn, điều này thực sự đáng mừng nhưng ngược lại cũng là thách thức đối với Bệnh viện. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, Bệnh viện đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng KCB, sắp xếp lại các khoa, phòng, chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị, thuốc men, tinh thần phục vụ và chất lượng chuyên môn điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh”.  

Đến Trung tâm Y tế huyện Yên Bình vào sáng thứ Hai đầu tuần, qua quan sát tại khu vực đón tiếp bệnh nhân, chúng tôi thấy được thái độ phục vụ tận tình, niềm nở của cán bộ, nhân viên ở đây. Người bệnh đến đăng ký KCB có nhân viên hướng dẫn tận nơi từ khâu đăng ký đến phân luồng và đưa đến các phòng khám chuyên khoa. 

Là trung tâm y tế tuyến huyện nên những năm qua, nhất là từ đầu năm 2021 khi thực hiện thông tuyến nội trú BHYT tuyến tỉnh để thu hút và giữ chân bệnh nhân, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, xây mới toàn bộ hệ thống hành lang có mái che nối giữa các khoa, phòng điều trị; rút ngắn quy trình khám bệnh từ 11 bước xuống còn 7 bước. Nhờ đó, người bệnh không phải mất công chờ đợi lâu; có đội ngũ cán bộ tiếp đón hỗ trợ người bệnh từ khâu đăng ký, phân luồng...

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Song Hào - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Bình chia sẻ: "Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình đã chủ động đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, chuẩn với quy mô 100 giường. Hiện nay, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm cơ bản đủ về số lượng, nâng cao về chuyên môn và thường xuyên được cử đi đào tạo nâng cao tay nghề; các trang thiết bị y tế hiện đại và nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được Trung tâm áp dụng trong công tác KCB. Trung tâm đã đưa ra những dịch vụ, kỹ thuật tốt cho người bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân khi đến điều trị cảm thấy thoải mái như ở nhà. Điều đó được minh chứng bằng việc bệnh nhân đến KCB tại Trung tâm không hề giảm so với trước khi thông tuyến”. 



Khu đón tiếp bệnh nhân của Trung tâm Y tế huyện Yên Bình khang trang, sạch đẹp. 

Anh B.V.T 39 tuổi ở xã Phúc An, huyện Yên Bình chia sẻ: "Tôi thấy đau tim, khó thở được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện, các bác sĩ khám và chẩn đoán tôi bị ngoại tâm thu thất nhịp đôi và được chỉ định nhập viện. Thời gian nằm viện, tôi được các bác sĩ thăm khám tận tình, các y tá chăm sóc rất nhiệt tình, chu đáo. Tôi rất hài lòng!”. 

Theo đánh giá của các cơ sở y tế, sau 3 tháng triển khai thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh chưa có biến động nhiều về số lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú. Tuy nhiên, để tránh tình trạng dồn về tuyến tỉnh điều trị thì người dân cần hiểu rõ quy định và giới hạn quyền lợi của mình, để tránh lạm dụng chính sách gây lãng phí cả về thời gian, tiền bạc. 

Hồng Duyên
(Bài 2: Để chính sách không bị lạm dụng)

Tags Yên Bái thông tuyến bảo hiểm y tế quyền lợi người bệnh Trung tâm Y tế huyện Yên Bình

Các tin khác
Lãnh đạo, chỉ huy Công an huyện Văn Yên trăn trở bàn giải pháp vận động, thuyết phục trước những vụ việc phức tạp.

1 phút rồi 2 phút trôi qua, khá căng thẳng đối với tất cả các bên liên quan, trong đó có cả trăm người hiếu kỳ, tụ tập đứng xem với cả chục cái điện thoại sẵn sàng ghi hình, phát trực tiếp lên mạng xã hội. Nhưng cuối cùng, không lệnh thi hành cưỡng chế nào được tuyên mà chỉ có mệnh lệnh thu quân được đưa ra khiến tất cả mọi người cùng ngơ ngác...

Chị là niềm tự hào của phụ nữ Công an Yên Bái.

Sau nhiều lần hẹn hò, tôi cũng gặp được chị. Một phụ nữ giản dị, mộc mạc, dễ gần đời thường tôi thấy, nhưng lại là một chiến sĩ mưu trí, quả cảm, kiên cường trong đấu tranh chống tội phạm về ma túy với nhiều vụ án lớn được triệt phá thành công.

Nhờ phát triển các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, Tân Thịnh đã giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ nguyên liệu, ổn định việc làm và thu nhập cho nông dân.

Chúng tôi trở lại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn vào độ giữa xuân. Đi trên những con đường bê tông dài tít tắp, ngắm những đồi chè mơn mởn búp non, những vườn bưởi Diễn, cam Canh đua nhau trổ hoa tỏa hương ngào ngạt, chúng tôi thực sự cảm nhận rõ nét hơn sự đổi thay của vùng quê núi đang vươn mình trỗi dậy.

Phạm nhân trong giờ lao động sản xuất.

Đại úy Nam bảo, để làm tốt công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật thôi chưa đủ. Còn phải dựa vào “quy định tình người” - quy định không có văn bản, giấy tờ mà xuất phát từ cái tâm, cái tình của người quản giáo...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục