Bhutan là một quốc gia ở khu vực Tây Nam Á. Tuy là quốc gia nhỏ bé nhưng được mệnh danh là vương quốc hạnh phúc nhất trên thế giới dù là một nước kém phát triển. Tất cả người dân Bhutan đều cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Điều đó cho thấy, tăng trưởng kinh tế và sự giàu có không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc của con người. Đây chính là cơ sở quan trọng để Yên Bái hiện thực hóa "giấc mơ Bhutan”.
Mang đến sự hài lòng
Theo các tài liệu nghiên cứu vì sao Bhutan được mệnh danh là vương quốc hạnh phúc - là bởi chính phủ và người dân nơi đây luôn ý thức và quan tâm đến các vấn đề: tiến bộ xã hội; phúc lợi và cách tối đa hóa phúc lợi cho các cộng đồng và mỗi cá nhân; an sinh xã hội và được khái quát thành bộ tiêu chí về hạnh phúc như: sức khỏe tâm lý, sử dụng thời gian, sức sống cộng đồng, giáo dục, đa dạng văn hóa, mức sống…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đây là một xu thế rất phù hợp, bền vững và tiếp cận với xu thế chung của thời đại. Nhìn từ thực tế cho thấy, Yên Bái là một tỉnh không có nhiều lợi thế để phát triển nếu đem so sánh với các địa phương khác trong khu vực và cả nước. Song, lại có rất nhiều tiềm năng trong phát triển xanh, hài hòa và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Thực tế chứng minh, mấy năm gần đây, Yên Bái đã nỗ lực mang đến sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, địa phương, nhất là sự hài lòng cho người dân mà vẫn giữ được bản sắc và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". Đặc biệt là hướng tới nâng cao CSHP cho người dân để thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Thời gian qua, Yên Bái luôn phấn đấu mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Yên Bái cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thành lập bộ phận phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, tạo thuận lợi cho mọi người dân trong giải quyết các TTHC, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giúp doanh nghiệp tiếp cận và giải quyết nhanh các vấn đề về vốn, đất đai và cơ chế, chính sách. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đã có trên 98% lượt tổ chức, cá nhân đánh giá rất hài lòng khi được giải quyết các TTHC tại Bộ phận phục vụ hành chính công các cấp”.
Cùng với thực hiện có hiệu quả về chỉ số hài lòng cải cách TTHC, Yên Bái còn được biết là điểm sáng trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và mang đến những cái "tết hạnh phúc” cho người nghèo. Với mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lần đầu tiên một tỉnh miền núi mà đã chăm lo, tặng quà tết cho 100% hộ nghèo.
Cùng đó, tỉnh đã huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, nhất là việc huy động đa dạng các nguồn xã hội hóa. Vì vậy, giai đoạn 2015 - 2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu năm 2015), bình quân giảm 5,03%/năm, riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm.
Hạnh phúc khi con người cảm thấy mình được quan tâm, chăm lo, không bị bỏ lại phía sau. Hạnh phúc là khi người dân cảm thấy mình đủ điều kiện để viết đơn tự nguyện thoát nghèo và được khen thưởng dù là món quà không lớn nhưng đó là sự ghi nhận, trân trọng, quý mến của cấp ủy, chính quyền dành cho người dân.
Không những vậy, người dân còn chủ động, tích cực tiếp cận kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe của bản thân; tham gia đóng bảo hiểm y tế để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng cường rèn luyện thể dục thể thao cộng đồng, góp phần nâng cao tuổi thọ…
Xây dựng và nhân rộng
Cụ thể hóa Nghị quyết XIX Đảng bộ tỉnh, ngành giáo dục Yên Bái đã, đang có nhiều giải pháp để xây dựng một môi trường xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc trong giáo dục; trong đó, có xây dựng nên những ngôi trường hạnh phúc.
Đến nay, nhiều trường học trên địa bàn, các thầy cô giáo đã có nhiều cách làm sáng tạo để giúp học sinh hứng thú với việc đến trường, yêu thích các môn học, bài giảng của thầy cô như: mô hình "Trường học nông trại”, "Trường học du lịch”, "Trường học hạnh phúc”... và các phong trào: "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”.
Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc sẽ không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan tỏa đến mỗi gia đình và toàn xã hội. Khi đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất bất ngờ khi Yên Bái là một tỉnh khó khăn lại dành nhiều nguồn lực chăm lo cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cùng đó, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng sánh ngang với trường THPT khác trên địa bàn thành phố. Việc quan tâm đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang tạo ra được nguồn cán bộ người dân tộc cho tỉnh, là động lực để đưa Yên Bái phát triển hài hòa giữa các vùng miền trong tỉnh. Không chỉ riêng ngành giáo dục, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hạnh phúc như: "Gia đình hạnh phúc”, "Khu dân cư hạnh phúc”, "Cơ quan, đơn vị hạnh phúc”, Phong trào "5 không, 5 sạch”… nhằm thu hút và tập hợp được đông đảo các lực lượng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân cùng tham gia.
Với tiềm năng, lợi thế và những cơ hội ở phía trước, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh đang có nhiều bước đi sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành mục tiêu nâng cao sự hài lòng và chỉ số hạnh phúc của người dân trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
■ Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
Vấn đề đặt ra là, để xây dựng nên một "Trường học hạnh phúc” thì việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo được coi là yếu tố quyết định. Phong trào "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc” đã bước đầu được lan tỏa trong toàn ngành, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực. Các thầy, cô không chỉ quan tâm đến dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy cách sống, cách ứng xử, yêu thương đùm bọc nhau để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giúp học sinh cảm thấy hứng thú với việc đến trường, yêu thích các môn học và bài giảng.
■ Ông Lò Văn Èn - người có uy tín ở huyện Trạm Tấu:
Đối với tôi, hạnh phúc là nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm ổn định đảm bảo cuộc sống. Đến nay, tôi và gia đình cảm nhận được sự hài lòng về chỉ số hạnh phúc, nhất là khi tỉnh rất quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. |
Mạnh Cường - Hà Tĩnh
Bài cuối: Nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho nhân dân