Non cao tươi mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/6/2021 | 7:58:42 AM

YênBái - Chúng tôi cùng đoàn công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Huyện ủy Mù Cang Chải đến Chế Tạo - xã xa nhất và khó khăn nhất của huyện vùng cao Mù Cang Chải. Từ trung tâm huyện, sau 2 giờ đi trên những cung đường uốn lượn vắt ngang những đỉnh núi mờ sương, đoàn công tác mới đến được trụ sở UBND xã.

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Huyện ủy Mù Cang Chải trao đổi với người dân xã Chế Tạo về phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Huyện ủy Mù Cang Chải trao đổi với người dân xã Chế Tạo về phát triển kinh tế.

Đón đoàn tại trụ sở, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo Sùng A Chống phấn khởi: "Chế Tạo bây giờ đã khác xưa nhiều. Không còn xa xôi cách trở, khó khăn như trước nữa. Đường giao thông được bê tông hóa từ trung tâm huyện tới tận trụ sở UBND xã, dù nhiều đoạn bị xuống cấp, xói mòn do mưa lũ, song cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều. Chỉ cần 2 tiếng đồng hồ vi vu trên xe máy hoặc ô tô là có thể ra tận trung tâm huyện hoặc về xã. Có đường, có điện, cuộc sống đồng bào Mông trong xã đã khá hơn rất nhiều”. 

Trước đây, chỉ nghe nói đến xã Chế Tạo đã khiến nhiều người phải lắc đầu ngao ngán. Trung tâm xã cách trung tâm huyện 35 km, nhưng các bản: Háng Tày, Pú Vá, Tà Xung còn cách trung tâm xã từ 15 đến 20 km. 

Do cách trở về địa lý, nên trước đây điều kiện sinh sống của bà con cực kỳ khó khăn, chủ yếu tự cung tự cấp, không có điện, không có đường ô tô, không điện thoại, đói nghèo, lạc hậu cứ đeo bám dai dẳng đời này qua đời khác và cách đây không lâu, cán bộ xã phải làm việc chung trong ngôi nhà gỗ lợp ván thông 3 gian chật hẹp; các văn bản chỉ đạo, chủ trương, nghị quyết của tỉnh, huyện triển khai về xã đều chậm và không hiệu quả. 

Trước thực tế đó, tỉnh, huyện cử cán bộ xuống "ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, tìm cách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Các cán bộ cùng lội ruộng và chỉ bảo đồng bào cách làm cấy lúa nước, trồng ngô, trồng sắn lấy lương thực ổn định đời sống, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục trong đời sống sinh hoạt... 

Từ chỗ chỉ quen với trồng lúa nương, năng suất thấp, người dân đã biết trồng lúa nước, áp dụng khoa học, kỹ thuật để canh tác lúa lai, mỗi năm khai phá thêm những diện tích thuận lợi để mở rộng diện tích lúa nước. Đặc biệt, năm 2010, tỉnh đã đầu tư 60 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường nối quốc lộ 32 với trung tâm xã. 

Cùng với nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, Chương trình 30a, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện cộng với huy động sức dân các xã trong huyện, đến năm 2017, con đường bê tông từ huyện dẫn vào xã được hoàn thành đi vào khai thác. 

Đường được mở, hàng tiêu dùng, phân bón, vật liệu xây dựng... được chở đến Chế Tạo bằng cơ giới. Trạm Y tế xã được xây mới và có y sĩ người Mông trực hàng ngày, có bác sĩ người Kinh về làm Trạm trưởng. Trường học cũng được xây dựng và dần hoàn thiện, giáo viên của huyện và các nơi khác tình nguyện về cắm bản đem con chữ đến với con em đồng bào địa phương. Điện lưới đã được kéo đến trung tâm xã và một số bản lân cận. 

Chủ tịch UBND xã Sùng A Chống cho biết thêm: "Có cán bộ huyện tăng cường về giúp xã đã đưa kiến thức khoa học, kỹ thuật đến với đồng bào, chỉ cho đồng bào biết cách làm kinh tế, trồng lúa nước, trồng ngô, biết cách chăn nuôi. Đời sống của bà con nhờ đó đã khá lên rất nhiều”. 

Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước giúp cho đồng bào được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật cùng với cán bộ tỉnh, huyện tăng cường về xã giúp đỡ, chỉ bảo tận tình đồng bào để đẩy lùi, xóa bỏ dần những thói quen, nếp sinh hoạt lạc hậu trọng cuộc sống hàng ngày. 

Từ chỗ tự túc tự cấp, chỉ quen với việc trồng lúa nương năng suất thấp, hàng năm phải nhận trợ cấp cứu đói của Nhà nước thì đến nay, bà con người Mông ở Chế Tạo đã biết khai phá ruộng đất, dẫn nước về canh tác để trồng lúa, ngô, sắn và trồng thảo quả. Hiện tại, 438 hộ dân của xã đã biết trồng cấy lúa nước một vụ trên diện tích 267 ha, với năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha. Đồng bào cũng tập trung phát triển 150 ha ngô đồi, 35 ha sắn, hơn 100 ha thảo quả. 

Qua đó, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của xã lên gần 1.730 tấn/năm, bình quân đầu người đạt gần 706 kg/người/năm và phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm với tổng đàn năm 2020 đạt 11.870 con. 

Đời sống kinh tế phát triển, tình trạng đói giáp hạt, đứt bữa đã cơ bản được giải quyết. Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 40,18%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 19 triệu đồng/năm. Xã đã có 210/440 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số bản có đường đi xe máy; trong đó, có 21/60 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp bậc tiểu học và THCS đạt trên 98%; trẻ mầm non 100% được đến trường đúng độ tuổi; công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người già, phụ nữ được đảm bảo... 



Tỷ lệ trẻ mầm non huy động ra lớp đúng độ tuổi ở xã Chế Tạo đạt 100%. 

Trong chuyến tiếp xúc cử tri vận động bầu cử vừa qua, đồng bào nơi đây đã nói nhiều về tâm tư, nguyện vọng của mình với các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã, nhưng bà con ai nấy đều vui mừng trước sự đổi thay của bản làng. 

Trong đó, Trưởng bản Chế Tạo - Giàng Sa Kỷ vui mừng bày tỏ: "Ngày trước, mơ đến bữa cơm no đã khó, thế mà hôm nay cuộc sống đã no đủ rồi. Đường đã được mở, đi lại thuận tiện nên chỉ 2 tiếng đồng hồ là ra đến chợ huyện, muốn mua gì cũng được. Có cán bộ huyện về giúp đỡ, bà con đã biết trồng các giống lúa lai cho năng suất, chất lượng cao rồi lại trồng thêm ngô, sắn để chăn nuôi nên đời sống khá dần lên. Điện lưới quốc gia đã kéo về tận bản, thắp sáng mọi nơi, ti vi, xe máy nhà nào cũng có. Đúng là cuộc sống tưởng như trong mơ nay đã thành hiện thực. Bà con dân bản chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”. 

Bám sát phương châm hành động "Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả”, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu để đưa các xã diện đặc biệt khó khăn thoát nghèo. 

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Huyện tập trung ưu tiên lĩnh vực phát triển kinh tế bằng việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho xã Chế Tạo, giúp người dân nhận thức và chuyển đổi tư duy trong phát triển kinh tế. Cử cán bộ chuyên môn về trực tiếp hướng dẫn, tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật cho đồng bào để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục xây dựng cơ bản đã được phê duyệt là công trình đường đến trung tâm xã Chế Tạo, tạo điều kiện giúp nhân dân đi lại thuận tiện và thông thương hàng hóa tốt hơn”.

Mặc dù còn khó khăn, song với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã, mục tiêu thoát nghèo của xã Chế Tạo sẽ sớm trở thành hiện thực khi người dân đã tự ý thức và vươn lên.

Chiều xuống, ánh nắng nhuốm vàng những cánh rừng nguyên sinh Khu Bảo tồn loài sinh vật cảnh Chế Tạo. Dân bản trở về nhà sau một ngày lên nương. Những gì được nghe, được thấy, chúng tôi cảm nhận những đổi thay ở Chế Tạo chính là nhờ sự đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của đồng bào địa phương; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Chế Tạo. 

Thanh Tân

Tags Chế Tạo ruộng bậc thang Mù Cang Chải du lịch sinh thái dân tộc Mông

Các tin khác
Già làng Mùa A Sùng.

Trời tháng 6 nắng đổ lửa, thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu vẫn ươm một màu xanh của ruộng lúa, triền ngô. Những triệu phú ngô đồi như: Giàng Nỏ Chua, Giàng Sấu Giang, Giàng A Lù… đã trở thành niềm tự hào của đồng bào Mông Tấu Trên. Tất cả là nhờ họ biết nghe lời một già làng có uy tín...

Công nhân Điện lực thành phố Yên Bái khắc phục sự cố, hậu quả mưa đá, dông lốc ngày 3/3/2020. (Ảnh: Quang Tuấn)

Kết thúc khoảng thời gian cao điểm, đến 23 giờ, những công nhân Điện lực thành phố (ĐLTP) Yên Bái mới trở về phòng nghỉ tại đơn vị để ăn tối. Với họ, hôm nay là một ca trực thành công vì đã không xảy ra sự cố nào về điện, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Họ đang nỗ lực cống hiến thầm lặng cho những đêm thành phố không tối đèn.

Dẫu biết cuộc chiến chống ma túy còn nhiều cam go nhưng vượt lên tất cả, các chiến sỹ công an, mỗi cán bộ, đảng viên tại Yên Bái đã, đang và sẽ sát cánh cùng nhân dân đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này để không còn những nỗi đau từ “cái chết trắng”. Một ngày không xa, dưới mái nhà của các bản làng sẽ không còn cảnh ông bố, bà mẹ đi tù vì ma túy, không có nỗi đau và những hệ lụy ma túy đem lại, để Yên Bái nơi núi rừng Tây Bắc, sự bình yên và hạnh phúc đong đầy mỗi ngày mới đến.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ cho Đại sứ Nhật Bản.

Sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng được nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều cơ quan Trung ương lựa chọn làm quà tặng. Đặc biệt, mới đây, những nghệ nhân nơi đây đã biểu diễn pha trà Shan tuyết để giao lưu với Hiệp hội Trà đạo Nhật Bản, được người thưởng trà trong, ngoài nước đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục