"Chuyện lạ" ở vùng tre măng Bát Độ

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, người dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã nhận thức được khá rõ về những lợi ích kinh tế của cây măng tre Bát Độ và chú trọng đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân đang gặp phải những "chuyện lạ" mà có lẽ rất hiếm khi xảy ra trong thời buổi kinh tế thị trường, mở cửa thu hút đầu tư, cạnh tranh kinh doanh như hiện nay.

Trưởng công an xã Kiên Thành và anh Hà Văn Huy tranh luận gay gắt tại điểm “chốt chặn”.
Trưởng công an xã Kiên Thành và anh Hà Văn Huy tranh luận gay gắt tại điểm “chốt chặn”.

"Chuyện lạ"...

Tính đến giữa năm 2007, tổng diện tích tre măng Bát Độ ở huyện Trấn Yên đã lên tới trên 900ha. Trong đó, diện tích trồng từ năm 2003, 2004 đã cho thu hoạch là trên 200ha; gần 400ha trồng năm 2005, 2006 đang bắt đầu cho thu hoạch; trung bình đạt hơn 20 tấn măng tươi/ha và giá trị ước tính 1ha thu được hơn 20 triệu đồng/vụ.

Từ năm 2006, UBND huyện Trấn Yên đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Vạn Đạt 100% vốn nước ngoài cho việc tiêu thụ sản phẩm sản phẩm măng tre và cũng chính từ đây, những "chuyện lạ" đã liên tiếp diễn ra trong suốt các mùa thu hoạch măng tre...

Qua phản ánh của người dân ở một số xã trồng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên, chúng tôi đến xã Kiên Thành (nơi có tổng diện tích tre lớn nhất của huyện - gần 400ha) để tìm hiểu về những vấn đề bức xúc của người dân trong việc bán sản phẩm do chính mình làm ra.

Điều đầu tiên được chứng kiến là trên đường vào xã, một số người dân đi xe máy, chở những bao tải đựng măng mới thu hoạch đi tiêu thụ đang bị giữ lại tại một "chốt chặn" do chính Trưởng công an xã Hoàng Minh Tú đảm nhiệm. Tiếng cãi cọ vọng ra, tranh luận có vẻ khá căng thẳng giữa lực lượng bắt giữ và người dân. Thấy lạ, chúng tôi vào tìm hiểu thì được ông Tú trả lời: "Chúng tôi được cử lập chốt ở đây từ ngày 17/7/2007 với nhiệm vụ không cho người dân đem măng đi bán ra ngoài cho các công ty khác".

Theo "lệnh" của UBND xã, ngoài các điểm thu mua được lập trong xã của Công ty Vạn Đạt, người dân không được bán cho bất kỳ công ty nào để "hoàn thành kế hoạch địa phương" (?!). Đó là lý do được đưa ra của lực lượng bắt giữ.

 

Sản phẩm măng tre Bát Độ của DN Yên Thành giới thiệu tại Hội chợ Xuân Yên Bái

 Về phía người dân, họ có những thắc mắc và lý do của riêng mình. Anh Hà Văn Huy ở thôn Kiên Lao - một trong những người dân đem măng tre đi bán nhưng bị giữ lại, bức xúc nói: "Sản phẩm của chúng tôi làm ra thì chúng tôi phải được quyền bán cho nơi nào mua với giá cao hơn, thu được nhiều lợi nhuận hơn chứ! Công ty Vạn Đạt mua giá thấp hơn chỗ khác nên chúng tôi không bán. Chúng tôi đưa măng đi bán ra ngoài thì bị giữ lại mà không có biên bản, giấy tờ gì. Bây giờ ngăn cản người dân, lập chốt chặn dân lại chỉ với lý do "phải quay lại bán cho Vạn Đạt theo đúng kế hoạch khiến chúng tôi rất khó hiểu và không thể chấp nhận được". Trong khi làm việc tại đây, chúng tôi còn được chứng kiến một số người thu mua măng từ bên ngoài vào địa bàn xã đã bị nhắc nhở quay trở ra.

Qua một số nguồn tin khác, chúng tôi còn được biết tại điểm chốt chặn do xã Kiên Thành lập ra này, các loại phương tiện giao thông cơ giới qua lại đều phải nộp "lệ phí vận động đóng góp" để bảo dưỡng đường giao thông nông thôn (?!). Khi được hỏi về khoản lệ phí này, ông Hoàng Đình Quý - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã và ông Lý Sinh Quyên - Phó chủ tịch UBND xã đều công nhận là có thu khoảng 20 ngàn đồng/xe và có "biên lai nội bộ" (!?). Số tiền đã thu, đã sử dụng vào việc gì thì "Chỉ có chủ tài khoản mới nắm được" (nguyên văn - PV). Câu trả lời là như thế, còn "Chủ tài khoản" là ai và việc lập chốt thu tiền lệ phí như vậy đúng hay sai, việc sử dụng những khoản tiền đó như thế nào thì chúng tôi xin dành câu trả lời cho những người có thẩm quyền và các cơ quan chức năng.

Đi tìm nguyên nhân

Quay trở lại với việc lập chốt chặn không cho dân bán măng cho các công ty khác ngoài Công ty TNHH Vạn Đạt, sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết "kế hoạch" mà các bên nói tới chính là hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết giữa UBND huyện Trấn Yên và Công ty TNHH Vạn Đạt từ năm 2006 đến năm 2016 với giá 1600-2000 đồng/kg măng sơ chế (có điều chỉnh theo giá thị trường). Trong đó, Công ty Vạn Đạt sẽ đầu tư trồng mới diện tích măng tre của các năm về sau (từ 2006 trở đi). Chính vì bản hợp đồng này nên đã qua mấy mùa măng, có một số công ty khác vào thu mua ở địa bàn một số xã thuộc huyện Trấn Yên đã bị "cấm cửa", thậm chí bị tạm giữ phương tiện chuyên chở...

Trong năm 2006, đã xảy ra một số mâu thuẫn vì việc một số công ty khác vào thu mua măng, vì vậy UBND tỉnh đã có thông báo bằng văn bản cho UBND huyện Trấn Yên trong đó có điều khoản: "Các công ty khác không được thu mua nguyên liệu măng tre Bát Độ trên diện tích của Công ty TNHH Vạn Đạt đầu tư...". Điều đáng nói là diện tích mà Công ty TNHH Vạn Đạt trồng mới hiện nay chưa cho thu hoạch, mà chỉ đang thu mua sản phẩm của những diện tích đã có từ trước...

Diện tích trên 300ha tre măng đã trồng từ năm 2005 trở về trước hiện đang là sự "tranh chấp" của Công ty TNHH Vạn Đạt và một số công ty thu mua khác (diện tích này nằm ngoài diện tích trồng mới). Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, giá thu mua măng cho người dân của Công ty TNHH Vạn Đạt chỉ là 1700-2100 đồng/kg (tùy thuộc loại sản phẩm là măng ống hay măng ngọn), còn các cơ sở thu mua khác như Công ty cổ phần Yên Thành, Công ty cổ phần Thái Bình Minh... đều đang mua trực tiếp cho người dân với giá 2100-2600 đồng/kg.

Chỉ 1kg măng tre đã có sự chênh lệch đến 400 đến 500 đồng như vậy nên việc người dân đưa sản phẩm đi bán cho các công ty khác cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, tổng sản lượng của toàn huyện Trấn Yên năm 2007 ước tính sẽ đạt khoảng 2000 tấn măng tươi, nếu làm phép tính đơn giản thì khoản tiền thiệt hại của người dân vì phải bán măng rẻ hơn là không hề nhỏ chút nào. Chính vì lý do này, vừa qua, một số người dân trồng măng và không được bán măng ra ngoài đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng cấp tỉnh xem xét.

Còn đối với lãnh đạo xã, khi được hỏi tại sao lại phải dùng đến biện pháp "ngăn sông, cấm chợ" đối với người dân như vậy thì họ chỉ biết trả lời: "Phải làm như thế để đúng với kế hoạch và chỉ đạo chung của huyện". Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Văn phòng UBND huyện hẹn gặp các đồng chí lãnh đạo huyện để làm rõ về vấn đề này, nhưng đều không gặp được với lý do "đi xuống xã" hoặc "đi vắng"... Không hiểu có gì uẩn khúc đằng sau việc Công ty TNHH Vạn Đạt đang được toàn quyền thu mua sản phẩm măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên với "giá cả thị trường" như vậy, để một số người dân phải phản ảnh những bức xúc của mình với các cơ quan chức năng?

Thiết nghĩ, lợi ích trực tiếp của người nông dân Trấn Yên trong việc làm ra và bán sản phẩm măng Bát độ là việc cần xem xét một cách nghiêm túc. Sự liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, sự liên kết đó cần phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi để người trồng măng không còn phải chịu những thiệt thòi như hiện nay.

 Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục