Ngôi sao xanh phía cổng trời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/4/2010 | 8:59:45 AM

YBĐT - Là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cái tên Mù Cang Chải đã phần nào gợi cảm giác điệp trùng, chon von như mây núi và gập ghềnh như qua mỗi con suối, dòng khe...

Trường THCS xã Chế Tạo ngày càng có nhiều học sinh nữ đến lớp. (Ảnh: Thanh Hương)
Trường THCS xã Chế Tạo ngày càng có nhiều học sinh nữ đến lớp. (Ảnh: Thanh Hương)

Nghe nói xã xa nhất của huyện là Chế Tạu (vẫn gọi quen là Chế Tạo) ở cách trung tâm huyện gần 40km, bây giờ đã có đường ô tô đến trung tâm xã nhưng chỉ đi được mùa khô. Phần lớn cán bộ và nhân dân phải đi bộ. Người đi giỏi cũng phải mất từ 8 tiếng đến 10 tiếng đồng hồ do phải leo mấy con dốc dài và đèo cao tút hút.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm lên với Chế Tạo để thực hiện kế hoạch đi thăm hỏi các già làng, tặng quà những hộ khó khăn và nắm tình hình nhân dân. Riêng với tôi còn ấp ủ một nguyện vọng lên để tìm gặp Sơn, một giáo viên khi tôi còn làm quản lý giáo dục ở thị xã Nghĩa Lộ. Do phải hợp đồng đằng đẵng hơn 8 năm trời nên Sơn xin lên vùng cao để được vào biên chế. Một ngày gặp lại, Sơn trở nên đen đúa, chai sạm. Em nói, đang dạy học ở Chế Tạo xa lắm!... Con đường đất chênh vênh, gập ghềnh sống trâu vắt qua liên tiếp những sườn núi cao, thách thức với vực thẳm và qua một cánh rừng nguyên sinh nơi cổng trời để dẫn chúng tôi đến Chế Tạo. Vừa đúng giờ ra chơi của trường học, các em học sinh ùa xuống sân trụ sở Ủy ban. Các em trai xúm xít quanh chiếc xe ô tô gầm cao phủ kín bụi như bắt được một vật thể lạ; các em gái e dè đứng dúm dụm vào nhau. Đoàn cán bộ mở bánh kẹo chia cho học sinh, sân Ủy ban rộn lên tiếng trẻ với ngôn ngữ dân tộc Mông ríu ran như chim hót.
Tôi nhanh chân tìm lên trường học. Khu trung tâm trường phổ thông cơ sở xã có ba dãy nhà đơn lẻ, một phòng học được dành làm nhà công vụ cho giáo viên từ vùng xa đến dạy học, có mấy thầy giáo trẻ từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ lên đây, ai cũng khỏe mạnh, đẹp trai, chắc là mới nhận công tác. Giường ngủ kê bằng những tấm gỗ xẻ, không chia buồng, mấy thầy giáo ở chung với nhau, tự kiếm rau, kiếm củi nấu ăn hàng ngày. Tất cả đều chưa vợ. Tôi đùa vui: “Nên đề nghị Phòng Giáo dục điều mấy cô giáo về đây cho có người phục vụ chứ!”. Các thầy đua nhau lên tiếng: “Thân trai như chúng em mới có thể chịu đựng được vài ba năm. Đưa các em gái lên đây thì tội lắm đấy!”. Những câu nói xót xa đại thể như vậy khiến tôi rưng rưng... Cùng lúc đó thầy Hiệu trưởng đến, giới thiệu là Giàng A Sở, người con của đồng bào Mông sinh ra và lớn lên ở Chế Tạo. Trời se lạnh nhưng trên trán lấm tấm mồ hôi, thầy nói, vừa lên khu lẻ ở bản Háng Tày, cách trung tâm xã 25km, nơi giáp ranh 2 tỉnh Yên Bái - Sơn La để kiểm tra chuyên môn, đồng thời giúp đoàn công tác của huyện đi vận động bà con phá bỏ cây thuốc phiện và vận động phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Họ biết dân bản tin thầy Sở lắm! Thầy đã nói là dân nghe và làm theo mà.
Nhớ những năm xưa, từ chỗ chỉ có vài học sinh lớp 1, đến lớp 3 là bỏ học rơi rụng hết. Các thầy giáo từ miền xuôi lên đây “ba cùng” với dân, vận động học sinh ra lớp, nhưng phải hơn chục năm mới xây dựng được trường cấp I. Các thầy giáo miền xuôi phải điều chuyển luân phiên, có nhiều người không muốn nhận nhiệm vụ ở Chế Tạo nữa, vì vậy huyện phải thực hiện công tác đào tạo giáo viên người địa phương. Giàng A Sở là một trong những người đầu tiên tự nguyện xa nhà đi học Sư phạm hệ 5+3 của tỉnh. Học xong năm thứ nhất, Sở muốn bỏ về lấy vợ, phần vì nhà nghèo, đông em, không có người làm nương rẫy, phần vì mệt mỏi mỗi khi phải đi bộ hàng ngày đường ra đến huyện, lại đi tiếp hơn 100 km đến Trường Sư phạm (những năm ấy xe cộ khó khăn, đường liên tục bị sạt lở nên chủ yếu phải đi bộ dăm bảy ngày mới đến nơi). Song, được các thầy giáo miền xuôi khuyến khích và hơn thế, tiếng gọi của những con chữ mà các em nhỏ đang rất cần lại thôi thúc Sở lên đường, gửi lại cha mẹ và bản làng cái vất vả, lam lũ. Tốt nghiệp sơ cấp Sư phạm, Sở về làm thầy giáo cắm bản. Tấm gương của thầy giáo Giàng A Sở như hương hoa rừng lan tỏa, da diết gọi mời bước chân các em nhỏ đến trường. Phải đi học để được như anh Sở chứ! Và cứ thế, lớp học dần mở ra, học trò dần đầy lên. Từ chỗ bao nhiêu năm nhà trường chỉ có học sinh đến lớp 3, số ít ỏi còn lại không đủ mở lớp phải gửi ra học trường huyện, nhà nào không có điều kiện phải cho con nghỉ học, nay xã đã có trường phổ thông cơ sở với 3 bậc học. Bậc mầm non có 3 lớp, 60 cháu, đạt tỷ lệ huy động 95% trong độ tuổi; bậc tiểu học có 15 lớp, 169 học sinh; bậc trung học cơ sở có 4 lớp, 43 học sinh.
Xác định yêu cầu của sự nghiệp giáo dục ngày càng cao nên Giàng A Sở không chỉ tự học, tự nghiên cứu mà anh còn theo học chương trình bổ túc ở huyện và quyết tâm học hệ trung học hoàn chỉnh (12+2). Do hiểu được phong tục tập quán, hiểu tâm lý học sinh và biết chia sẻ với từng hoàn cảnh học trò nên Giàng A Sở luôn đạt thành tích cao trong giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp, rồi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Trong quá trình dạy học và làm công tác quản lý, anh còn vận động nhiều em theo nghề sư phạm về dạy học ở xã, vì công việc dạy học ở vùng cao thường phải dùng song ngữ mới có thể giảng giải cho học sinh hiểu bài và thực hành đạt kết quả cao. Như vậy vừa nâng cao được chất lượng dạy và học, vừa tháo gỡ khó khăn cho huyện trong việc bố trí luân chuyển giáo viên. Tôi vui lắm khi được tiếp chuyện với nhiều giáo viên là người dân tộc Mông ở địa phương: thầy Giàng A Củ trưởng thành từ giáo viên dạy bổ túc; thầy Sùng A Câu – Phó hiệu trưởng mới hơn 30 tuổi; thầy Sùng A Dình là Chủ tịch Công đoàn; thầy Giàng A Dà, Sùng Vảng Chua, Giàng A Sinh, Giàng A Năng, Giàng A Chống, Hờ A Công, Sùng A Khua... Tôi hỏi đến giáo viên nữ, thầy Sở cười không nói và đi về phía cuối bản khiến tôi phải rảo bước theo. Thầy chỉ vào lớp mẫu giáo và giới thiệu cô giáo Sùng Thị Sú. Tôi thực sự ngạc nhiên và thán phục tài vận động của thầy hiệu trưởng, lúc này thầy mới nói: “Các cô giáo miền xuôi không thể cắm bản ở cổng trời mãi được, phải giải phóng cho họ chứ, vì thế mình phải vận động các cháu gái chịu khó đi học về mà dạy cái chữ cho con em mình. Công việc này phải làm mãi mãi đấy! Không trông chờ người khác được đâu. Bây giờ có hai cô giáo rồi, sau này phải có thêm nhiều cô giáo nữa để vận động các cháu gái đi học, còn nhiều gia đình vẫn chưa chịu cho con gái đi học đâu, đa số hết lớp 3, lớp 4 là bỏ học thôi!”.
Tiếng trống trường vang lên, các em học sinh như đàn chim bay về tổ ấm. Từ các phòng học vang lên tiếng hát đồng thanh hòa với tiếng vỗ tay làm nhịp. Chúng tôi ghé vào lớp 1 của thầy giáo Giàng A Tu. Thầy chăm chú cầm tay một học trò tập viết, dường như viết một con chữ còn khó khăn, vất vả gấp mấy lần đi đào măng, gùi bắp trên rừng. Cả thầy và trò đều mắm môi, gồng tay, trán mướt mồ hôi. Thấy khách vào thăm, thầy ra hiệu cho các em đứng dậy chào lễ phép. Tôi đến bên em học sinh gái, dáng nhỏ xinh trong bộ váy áo Mông diêm dúa và yêu cầu em đọc chữ. Tôi chỉ từng chữ, em rụt rè khẽ đọc, mọi người ai nấy đều trầm trồ khen và rất đỗi ngạc nhiên về khả năng tiếp thu nhanh của các em. Thầy giáo Sở cho biết, năm học 2009-2010 với chủ đề “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng dạy học”, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung do Bộ trưởng Bộ Giáo dục phát động nên thầy và trò đang gắng sức thi đua, đề ra nhiều giải pháp phù hợp với một trường vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, mới hết học kỳ I trường đã đạt kết quả khá: 57/60 cháu mẫu giáo đạt chuẩn kênh A. Xem bảng đánh giá chất lượng tiểu học, riêng môn Tiếng Việt là môn khó đối với vùng cao, vùng dân tộc ít người nhưng đã có 4 học sinh giỏi, 42 học sinh khá và chỉ còn 23 học sinh yếu. Các thầy giáo đã lên kế hoạch bồi dưỡng để nâng cao chất lượng vào học kỳ II, đánh giá chung việc thực hiện đầy đủ 4 nhiệm vụ của học sinh có 147/169 em, đạt tỷ lệ khá cao. Bậc trung học cơ sở tuy mới có 43 em nhưng đạt 100% học lực khá và trung bình, không có học sinh yếu kém. Thầy Sở nói đây là chất lượng được đánh giá nghiêm túc, mấy năm nay chất lượng của đội ngũ được nâng lên rõ rệt. Trường có tổng số 26 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó 12/24 giáo viên có trình độ cao đẳng và đại học, đạt 50%. Biện pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ là tăng cường sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng phương pháp dạy học sáng tạo và thường xuyên cử giáo viên đi học để nâng chuẩn. Bên cạnh đó, thầy hiệu trưởng còn quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh. Trường có 1 chi bộ Đảng với 9 đảng viên, hàng tháng đều có nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng chương trình hành động cho đơn vị thực hiện các mục tiêu giáo dục; công đoàn, Đoàn thanh niên và hoạt động Đội rất sôi nổi, tạo niềm hứng khởi cho giáo viên và học sinh vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Không một lời kêu ca mà chỉ say sưa nói về phong trào, nhưng tôi hiểu trong lòng thầy Hiệu trưởng đang bộn bề những lo toan. Bởi cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu lắm! 3 lớp mầm non nhưng có 2 phòng học đều là phòng tạm; 12 lớp tiểu học nhưng mới có 2 phòng học bán kiên cố, còn 10 phòng học tạm, một số lớp phải bố trí học 2 ca. Do chưa có máy vi tính phục vụ công tác văn phòng nên mỗi tuần thầy Sở phải ra huyện bình quân 2 lần để thuê đánh máy văn bản và định kỳ lên Phòng báo cáo tình hình, mỗi lượt đi lại chi hết khoảng 80.000 đồng tiền xăng xe máy. Bên cạnh đó, nhà trường còn phải lo cho một số học sinh bán trú đối với những em ở bản xa để đảm bảo sĩ số, vậy là phải lo đến cả hạt muối, cọng rau để giúp các em yên tâm học tập. Hỏi về gia đình riêng, vợ chồng thầy Sở được 3 người con nhưng cháu nào cũng chăm ngoan, học giỏi: cháu thứ nhất đang học lớp 12 ở trường huyện, cháu thứ 2 học lớp 10 ở Trường Nội trú Miền Tây của tỉnh, cháu út học lớp 6. Đây chính là một gia đình văn hóa tiêu biểu ở nơi vùng núi xa xôi này.
Chia tay thầy giáo Giàng A Sở, chia tay những người thân yêu ở Chế Tạo, dù không gặp được thầy Sơn, vì em đã chuyển trường về xã Cao Phạ, nhưng hạnh phúc lớn nhất là tôi được gặp những thầy, cô giáo biết vươn mình đứng vững trước phong ba nơi đỉnh núi phía tây cao hơn 2.000 mét so với mặt nước biển này. Nơi ấy vẫn được mọi người gọi là “cổng trời”. Và tâm hồn, nghị lực, tình yêu thương con người của thầy Giàng A Sở luôn tỏa sáng như một ngôi sao xanh giữa đại ngàn Tây Bắc.
N.T.T
(Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái)

Ký của Nguyễn Thị Thanh

Các tin khác
Chấp hành viên nghiên cứu kỹ hồ sơ được giao thụ lý bảo đảm thi hành án dân sự.

YBĐT - Khi các vụ việc được cơ quan chức năng tiến hành tố tụng, xét xử, giải quyết án hoàn thành, ngay sau đó là cả một quá trình gian nan trong công tác thi hành án dân sự...

Thanh niên tình nguyện tham gia làm thủy lợi tại xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải). (Ảnh: Thu Hạnh)

YBĐT - Được coi là nơi bắt đầu của phong trào thanh niên tình nguyện ở Yên Bái, từ năm 2003 - năm đầu tiên phát động đến nay, phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ Lục Yên đã từng bước lớn mạnh, trở thành môi trường rèn luyện kỹ năng sống và là nơi tập hợp, phát huy tinh thần, sức mạnh của tuổi trẻ các dân tộc huyện Lục Yên.

Đò trôi trên dòng sông Thạch Hãn. (Ảnh: Internet)

YBĐT - Vào đầu những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cựu chiến binh chúng tôi thật may mắn có cuộc hành trình dọc chiều dài đất nước. Khởi hành từ thành phố Yên Bái, đi theo con đường dọc sông Hồng, qua đền Âu Cơ, thờ Mẹ của người lập nước Văn Lang, tiền thân của nước Việt Nam ngày nay.

Hoa xuân.

YBĐT - Tôi đã có dịp đi nhiều nơi trên khắp các nẻo đường Tây Bắc, đắm mình trong những lễ hội của mùa xuân, hòa mình vào những sắc màu rực rỡ của đất trời, của mây núi và của tình người đằm thắm và mãi không thể quên được những sắc hoa bình dị lẫn trong làn khói lam tỏa ra từ những mái nhà sàn ấm áp của đồng bào người Tày, người Thái, rồi cùng rộn ràng trong những điệu xòe xốn xang, đắm mình trong những câu hát giao duyên giữa đêm hội làng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục