Lênh đênh những số phận ven hồ

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/5/2010 | 8:59:26 AM

YBĐT - Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với 16.500 ha mặt nước và 1.331 hòn đảo lớn nhỏ. Để nhường đất cho việc đắp đập ngăn sông xây dựng Thuỷ điện Thác Bà, hàng nghìn hộ dân vùng hồ đã hy sinh những mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” để tới định cư trên những dải đất đồi gò ven hồ.

Trong ảnh: Sau một ngày thả rọ tôm, anh Đặng Văn Lập chỉ thu được chừng 2kg tôm.
Trong ảnh: Sau một ngày thả rọ tôm, anh Đặng Văn Lập chỉ thu được chừng 2kg tôm.

Mấy chục năm qua, hồ đã nuôi sống những người dân làm nghề chài lưới thuộc hơn 30 xã của hai huyện Lục Yên và Yên Bình, nhưng nguồn lợi thuỷ sản trên hồ ngày càng cạn kiệt… (Báo Yên Bái đã có bài “Săn cá” trên hồ Thác” số ra 13/5/2010 phản ánh tình trạng người dân ven hồ vì mưu sinh đang làm cạn kiệt nguồn lợi này).

Nhọc nhằn mưu sinh

Nhập nhoạng tối, anh Bàn Văn Kết, thôn Tầm Vông, xã Vũ Linh, (huyện Yên Bình) trở về nhà sau một ngày mải miết đánh cá trên hồ mà lòng trĩu nặng bởi mẻ lưới anh thả hôm nay chỉ được chừng một cân cá nhỏ. Không bắt được nhiều tôm cá, vậy là người ngư dân mới hơn 30 tuổi này vốn đã mang gương mặt khắc khổ lại thêm lo lắng không có tiền để mua gạo cho những ngày “trời không yên, hồ không lặng”, rồi tiền đóng học cho đứa con lớn, tiền mua thuốc cho đứa con nhỏ đang bị ốm và cả tiền để sửa lại cái mái nhà đã bị lật sau trận gió vừa rồi. Trong căn nhà tuềnh toàng mà cũng không biết nên gọi đó là nhà hay là lều nữa, bởi nó được làm tạm bợ từ tre nứa, trống hoác để mặc cho gió từ hồ thổi ngày đêm và mỗi năm vài lần tốc mái bởi không chịu được những cơn gió mạnh mỗi khi mưa to, bão lớn.

Hai vợ chồng trẻ nhưng không người nào biết chữ lại chỉ có hơn 1 sào ruộng nhỏ với 3 đứa con “trứng gà, trứng vịt”. Tất cả cuộc sống trông vào cái vó ngày ngày thả xuống hồ nhưng cá tôm bắt được ngày một ít làm sao không nghèo? Hơn 30 năm tuổi đời, 15 năm tuổi nghề, đã từng lênh đênh khắp mặt hồ quăng chài thả lưới. Anh kể: “Những năm trước, hồ nhiều cá, mỗi ngày thả lưới bắt được vài chục cân cá là chuyện bình thường. Nhưng cá, tôm ngày ấy rẻ lắm nên cũng không bán được nhiều tiền. Bây giờ cá tôm được giá hơn một chút lại không có để bán. Tôi cũng nhiều lần bắt được cá to, nhưng chẳng mấy khi dám ăn vì còn phải bán lấy tiền đong gạo, cuộc sống bao nhiêu thứ cần đến tiền”. Lời nói chân thật của con người sạm đen vì nắng gió, khiến người nghe phải trăn trở nghĩ suy.

May mắn hơn anh Kết một chút, anh Đặng Văn Lập ở thôn Đồng Tha, xã Phúc An, (huyện Yên Bình) sau một ngày thả 1.000 cái rọ tôm thì anh cũng thu được độ 2kg tôm và tép. Với ngần ấy rọ, cách đây chừng 5 năm anh đã thu được gần 20 kg tôm. Với khoảng 2 kg tôm bán lại cho “lái” với giá 20.000 đồng/kg, ngày hôm nay, gia đình 3 người của anh Lập đã có 40.000 đồng để mua thêm vài cân gạo, phòng những ngày trời mưa to, bão lớn không thể ra hồ kiếm sống.

Nghề đi hồ với anh Lập và rất nhiều người khác ở vùng này là nghề cha truyền con nối. Gia đình anh có 10 anh chị em, sinh ra, lớn lên đã gắn bó với hồ nên cũng không cần học hành nhiều và từ 13 – 14 tuổi là tất cả đều lấy hồ làm chốn mưu sinh. Một tháng thả rọ trên hồ nếu may mắn anh Lập chỉ thu có được từ 800 - 1 triệu đồng. Bởi tôm ở hồ nhưng muốn bắt được, người dân còn phải mua rọ, mua mồi. Người ngư dân chân chất thở dài: “Tôi cũng muốn nuôi cá lồng để có thu nhập ổn định và đỡ vất vả nhưng tôi không biết chữ nên không biết kỹ thuật và cũng không có vốn. Nhà tôi nghèo quá, nếu vay rồi biết lấy gì để trả, lo cái ăn hằng ngày đã khó lắm rồi”.

Cái vòng nghèo luẩn quẩn

Yên Bình là một trong hai huyện có nhiều xã thuộc vùng hồ Thác Bà. Hiện nay, huyện có 6 xã và 28 thôn đặc biệt khó khăn thì trong đó đã có 5 xã và 26 thôn nằm ven hồ. Đi khắp các làng ven hồ: Phúc An, Yên Thành, Cảm Nhân, Tích Cốc… dễ dàng gặp những ngư dân gầy đen vì nắng và gió, khắc khổ vì nỗi lo mưu sinh. Những ngôi nhà xiêu vẹo dường như không đứng được trước gió hồ cũng đủ cho thấy cuộc sống của người dân ven hồ không lấy gì làm sung túc.

Tại sao lại có chuyện hồ nước rộng lớn, tiềm năng là thế, hàng năm Trung tâm Thuỷ sản tỉnh Yên Bái (bây giờ là Chi cục Thuỷ sản tỉnh Yên Bái) vẫn thả hàng triệu con cá xuống hồ mà lại cạn kiệt đến mức không nuôi nổi con người? Rồi lại còn bao nhiêu hòn đảo lớn nhỏ trên hồ để trồng cây mà sao dân vẫn nghèo? Thật dễ dàng để lý giải cho cái nghèo của người dân vùng hồ là vì người mỗi ngày một thêm đông nhưng đất sản xuất lại quá ít. Con cá con tôm bị môi trường ô nhiễm, không có chiến lược phát triển rõ ràng thì dân tìm đủ cách để đánh bắt nên đã cạn kiệt. Dân thì thiếu cả đất sản xuất nông nghiệp lẫn đất trồng rừng.

Hàng năm, vào mùa nước hồ cạn, người dân vùng hồ lại cấy lúa, trồng lạc, trồng đỗ trên đất bán ngập để mở rộng thêm diện tích canh tác vốn còn hạn hẹp, nhưng đây là một canh bạc giữa những người dân nhỏ bé với hồ nước bao la bởi năm được, năm mất. Bởi vậy, họ không còn cách nào khác là sống dựa vào nguồn lợi thuỷ sản hồ vốn không còn ưu đãi như xưa.

Lời kết

Để giải quyết triệt để bài toán đánh bắt trái phép trên hồ Thác Bà, cách duy nhất là đem lại cuộc sống no ấm hơn cho hàng ngàn hộ dân đang sinh sống nơi đây. Những năm qua, để phát triển kinh tế vùng hồ, nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã được triển khai, riêng vốn đầu tư 135 mà huyện Yên Bình nhận được trong 4 năm gần đây đã lên đến trên 33 tỷ đồng. Những công trình giao thông, trường học, trạm xá, đường điện… được xây dựng đã giúp cho bà con các dân tộc vùng hồ vơi đi nhiều nỗi khó khăn, vất vả.

Do địa bàn rộng cộng thêm trình độ dân trí còn nhiều hạn chế khiến việc xoá đói giảm nghèo không thể làm trong một sớm một chiều và cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Nếu như những diện tích đất thuộc các nông - lâm trường đang khai thác, sử dụng không có hiệu quả được thu hồi và chia cho những hộ thiếu đất sẽ giải quyết vấn đề đất sản xuất cho người dân vùng hồ. Có đất sản xuất và nhiều cây con giống kết hợp với tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân nơi đây sẽ bớt đi nhiều cái đói, giảm đi nhiều cái nghèo. Nhưng những người dân vùng hồ cũng không chỉ trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.

Nguồn lợi thuỷ sản hồ Thác Bà cần được chính những người dân nơi đây bảo vệ và khai thác một cách hợp lý để đảm bảo nguồn sống lâu dài. Bên cạnh đó, việc tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội sẽ giúp những con người chỉ quen với chài lưới học tập cách phát triển kinh tế và được vay vốn sản xuất. Có như thế, những vùng đất ven hồ Thác Bà mới trở thành những vùng đất trù phú, tương xứng với tiềm năng vốn có.

 Hồng Khanh

Các tin khác
Triệu Thị Kậy - nhân viên trợ giảng tích cực ở điểm trường Khe Mạ.

YBĐT - Trong bản chỉ cần có một đám cỗ là tất cả lũ trẻ lại bỏ học. Những ngày mưa hay vào mùa giáp hạt lớp học chỉ có vài em, đó là thực trạng của điểm trường Khe Mạ, thuộc Trường tiểu học và trung học cơ sở Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái).

Yên Bình nơi tập kết của nhiều thuyền chài, có sử dụng
nhiều kích điện bằng đầu “nổ”.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, cứ vào mùa nước cạn, người dân ở nhiều nơi lại đổ về hồ Thác Bà đánh bắt cá, đặc biệt nghiêm trọng là họ sử dụng các phương tiện hủy diệt nguồn thủy sản trên hồ. Những người dân sống ở khu vực quanh hồ Thác Bà nói rằng, chỉ vài năm nữa nguồn thủy sản vùng hồ sẽ cạn kiệt...

YBĐT- Một con đèo nổi tiếng góp phần dệt nên huyền thoại Điện Biên Phủ mà chỉ được ghi danh qua những tấm biển chỉ đường thì quả là không xứng với tầm vóc lịch sử của nó! Chợt nghĩ, nếu ở đoạn bằng phẳng, rộng rãi nơi ngã ba gần đỉnh đèo có một tượng đài hay một tấm biển lớn “trích ngang” lịch sử đèo Lũng Lô để mọi người qua đây nghỉ chân chiêm ngưỡng sẽ thật ý nghĩa biết bao...

Những nương chè được chăm sóc, thu hái vẫn xanh tốt.

YBĐT - Những năm 90 của thế kỷ trước, vùng chè Văn Hưng - Yên Bình được ví như là “biểu tượng” của vùng chè Yên Bái, bởi những nương chè được trồng bài bản và đạt năng suất cao. Cũng tại nơi đây có nhà máy chè được đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”. Ấy vậy mà hôm nay, đến vùng chè này man mác một nỗi xót xa, hàng chục ha chè bỏ hoang, người làm chè không còn mặn mà với chè nữa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục