Giáo dục mầm non Yên Bái: Sớm khắc phục thiếu lớp, thiếu thầy

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/12/2010 | 8:50:42 AM

YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 177 trường mầm non (trong đó: 168 trường công lập, 9 trường tư thục) với 1.500 nhóm, lớp và 37.324 trẻ. Đến nay trong toàn tỉnh vẫn còn 16/180 xã, phường thị trấn chưa có trường mầm non độc lập (đã có nhóm, lớp mầm non trong các trường tiểu học).

Một giờ học nhận biết đồ vật của cô và trò Trường mầm non xã Sùng Đô (Văn Chấn) rất ít đồ chơi.
Một giờ học nhận biết đồ vật của cô và trò Trường mầm non xã Sùng Đô (Văn Chấn) rất ít đồ chơi.

Trò thiếu lớp

Trong những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của tỉnh, giáo dục mầm non Yên Bái từng bước phát triển về mạng lưới trường lớp, qui mô học sinh và chất lượng giáo dục có khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục mầm non Yên Bái đang đứng những khó khăn và thách thức: nhận thức của nhân dân và các bậc phụ huynh về sự phát triển toàn diện của trẻ những năm đầu đời còn hạn chế; công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập trong quy hoạch mạng lưới và chính sách phát triển.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, chưa đảm bảo được yêu cầu tối thiểu về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đội ngũ giáo viên còn thiếu vì chưa có cơ chế, nguồn tuyển dụng. Số lượng giáo viên hợp đồng nhiều… Từ đó, đã tạo sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục ở lứa tuổi mầm non. Để tìm hiểu về thực trạng giáo dục mầm non, chúng tôi đã có nhiều cuộc thị sát ở nhiều địa phương trong tỉnh. Mỗi nơi mỗi hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhưng điều mà hầu hết các địa phương hiện đang gặp phải là về cơ sở vật chất. Huyện Văn Chấn hiện có 223 phòng học, trong đó 109 phòng học kiên cố, 56 phòng bán kiên cố, 58 phòng học tạm bợ và 20 phòng học mượn nhờ nhà dân, hội trường thôn bản.

 Tuy trong thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ, các chương trình, dự án, huyện đã dành mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Nhưng cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu và số phòng học tạm bợ còn chiếm tới hơn 30% ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động trẻ ra lớp. Xã Tú Lệ có 244 học sinh với 9 phòng học thì có tới 6 phòng mượn nhờ hội trường thôn. 

Cô Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tú Lệ cho biết: “Vì phải đi mượn, nhờ phòng để cho các cháu học nên khi nào họp thôn thì các cháu phải nghỉ học. Hơn nữa, các đồ trang trí thường bị mất, đồ dùng học tập không được trang bị đầy đủ theo quy định, không có sân chơi… nên việc huy động các cháu ra lớp mới đạt 50%”.

Chị Đỗ Thị Hải Yến, cán bộ chuyên môn bậc học mầm non Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: “Đến nay huy động trẻ 5 tuổi ra lớp chưa đạt mục tiêu Nghị quyết huyện đề ra: trẻ từ 0-2 tuổi mới đạt 13%”.

Lý giải về nguyên nhân việc huy động trẻ ra lớp thấp, chị  Bùi Thị Oanh - Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Chấn giãi bày: “Thứ nhất là thiếu phòng học, thứ hai là thiếu giáo viên, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao: Thạch Lương, Sơn Lương, Nậm Búng, Suối Quyền, An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười… Hơn nữa, hiện có 197 nhóm lớp chưa đủ điều kiện tối thiểu theo quyết định tại Thông tư số 02/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đồ dùng, đồ chơi trong lớp”.

Theo chị Oanh, để đạt được mục tiêu mà huyện đề ra đến hết nhiệm kỳ 2010 - 2015 là huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi đạt 26% và 3 - 5 tuổi đạt trên 75% thì ngành giáo dục mầm non huyện cần thêm 150 phòng học nữa; 101 bộ đồ chơi ngoài trời, 1.134 giá kệ trong lớp, 3.311 bộ bàn ghế, 298 bộ đồ dùng, đồ chơi trong lớp và 380 bộ sách tài liệu dùng cho giáo viên và học sinh.

Không riêng gì Văn Chấn, huyện Trạm Tấu càng trăn trở hơn bài toán về cơ sở vật chất. Toàn huyện có 96 phòng học, trong đó 52 phòng học kiên cố và bán kiên cố, 14 phòng học tạm và 30 phòng học mượn. Đặc biệt có nhiều thôn ở nhiều xã chưa có điểm học lẻ mà tập trung chủ yếu ở điểm trường chính, trong khi đó con em ở các thôn, bản đi đến điểm trường chính quá xa (chủ yếu là đi bộ đường rừng 3-7km đối với trẻ từ 3-5 tuổi) nên việc huy động ra lớp còn gặp nhiều khó khăn.

Hai em Vàng Thị Dê và Vàng Thị Dia ở thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng nói: “Năm nay em 7 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học vì điểm trường chính xa nhà quá”. Từ những khó khăn đó nên việc huy động trẻ ra lớp ở Trạm Tấu mới đạt 50,9%. Không nói đâu xa, ngay huyện vùng thấp Yên Bình cũng đang chật vật với khó khăn này. Đến nay, toàn huyện vẫn còn 4 xã chưa có trường mầm non gồm: Văn Lãng, Mỹ Gia, Tích Cốc và Phúc Ninh; 36 phòng học tạm và 29 phòng học nhờ và mượn.

 

Vì điểm trường chính xa nhà nên đến nay hai em Vàng Thị Dê và Vàng Thị Dia ở Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng đã 7 tuổi chưa được đến trường.

Hiện toàn tỉnh có 1.218 phòng học, trong đó kiên cố 580 phòng (47,6%), bán kiên cố 412 phòng (33,8%), tạm 226 phòng (18,6%); bếp ăn một chiều 100 bếp, công trình vệ sinh đạt chuẩn 132 công trình; 56,5% số nhóm, lớp có đủ trang, thiết bị tối thiểu; 5,6% số trường có các bộ đồ chơi, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin; 9% số trường đạt chuẩn quốc gia…

Rõ ràng bấy nhiêu thôi thì chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn  nhu cầu học, vui chơi của trẻ mầm non. Bởi theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến 20/8/2010 toàn tỉnh còn thiếu 327 phòng học, trong đó thành phố Yên Bái 8 phòng, Trấn Yên  28 phòng, Văn Yên 73 phòng, Yên Bình 77 phòng, Lục Yên 68 phòng, Mù Cang Chải 34 phòng… Đó cũng là con số thiếu phòng học trước mắt, thực tế nhu cầu còn lớn hơn nhiều...

Trường thiếu thầy

Trò thiếu lớp đã rõ, các nhà trường cũng đang lâm vào tình trạng thiếu thầy trầm trọng mặc dù thời gian qua công tác đào tạo đội ngũ giáo viên ở bậc mầm non đã được tỉnh chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 3.172 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó cán bộ quản lý 349 người (đạt chuẩn trở lên 98,2%), giáo viên 2.428 người (biên chế 1.410 người, hợp đồng 1.018 người), trình độ đạt chuẩn trở lên 94,35%, nhân viên 395 người.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế (tính đến thời điểm 20/8/2010), toàn tỉnh còn thiếu 126 cán bộ quản lý và 1.018 giáo viên tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Chấn thiếu 280 giáo viên và 31 cán bộ quản lý, Trấn Yên 344 giáo viên và 14 cán bộ quản lý, Văn Yên 280 giáo viên và 17 cán bộ quản lý, Trạm Tấu 22 giáo viên và 10 cán bộ quản lý, thị xã Nghĩa Lộ 28 giáo viên và 4 cán bộ quản lý, Lục Yên 37 giáo viên và 19 cán bộ quản lý, Mù Cang Chải 19 giáo viên và 4 cán bộ quản lý…

Nguyễn Thị Minh Tâm -Trưởng phòng Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái:

Hiện nay giáo viên hợp đồng không được hưởng hệ số lương theo bảng lương và nâng lương định kỳ theo quy định vì tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cho giáo viên mầm non như ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu… nên sau khi con em ở Yên Bái được đào tạo và tốt nghiệp thường đi công tác ở những nơi có chính sách ưu đãi.

Không những thiếu, một bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên còn hạn chế chất lượng, mất cân đối giữa các vùng miền, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non.

Một khó khăn nữa là hiện nay số giáo viên hợp đồng ở các trường mầm non còn quá cao. Tiêu biểu như: thành phố Yên Bái 234 người, Văn Yên 116 người, Yên Bình 130 người, Lục Yên 121 người, Mù Cang Chải 47…  Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên cũng thiếu như: nhân viên nuôi dưỡng thiếu 325 người, y tế thiếu 117 người, kế toán 17 người và văn thư thiếu 109 người.

Những khó khăn trên đã dẫn đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ bị hạn chế, không đồng đều, nhất là giữa các điểm lẻ và điểm trường chính. Số học sinh được nuôi dưỡng ở các trường mầm non còn thấp bởi thiếu nhân viên dinh dưỡng và cơ sở vật chất. Công tác quản lý sức khoẻ cho trẻ còn nhiều bất cập. Số trẻ 5 tuổi học chương trình giáo dục mầm non chưa nhiều do thiếu giáo viên, phòng học.

Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp một vùng dân tộc thiểu số ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, việc huy động trẻ em ra lớp còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến 20/8/2010, trẻ từ 0-2 tuổi đi nhà trẻ toàn tỉnh đạt 10%, trẻ 3-5 tuổi huy động ra lớp đạt 80,3% và số trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 92,9%.

Giải pháp

Với mục tiêu đến hết năm 2015 số trẻ ra lớp trong toàn tỉnh đạt 99,21% thì bậc học mầm non còn rất nhiều điều phải làm. Điều quan trọng là các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có sự quan tâm, xây dựng chế độ chính sách, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố mạng lưới trường lớp, tăng cường huy động trẻ 5 tuổi ra lớp.

Để làm được điều này thì phải giao chỉ tiêu kế hoạch huy động trẻ 5 tuổi ra lớp cho các nhà trường; đối với các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì giao chỉ tiêu cho giáo viên và trưởng thôn, bản. Cần đổi mới nội dung, phương pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên, giáo viên mầm non đủ về số lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phổ cập và thực tiễn đổi mới giáo dục mầm non. Xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đảm bảo ngân sách cho các lớp mầm non 5 tuổi. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá phổ cập giáo dục mầm non.

Một điều quan trọng là tỉnh cần có chính sách đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên như bổ sung thêm biên chế. Đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng hưởng hệ số lương theo trình độ đào tạo theo bảng lương cần được nâng lương định kỳ theo quy định và được hưởng chế độ khác như người trong biên chế… Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể trong khuyến khích phát triển giáo dục miền núi đặc biệt ưu tiên cho giáo dục mầm non - giáo dục giai đoạn đầu đời của trẻ.

  Văn Tuấn

Các tin khác
Thanh bình Tú Lệ.

YBĐT - Thung lũng Tú Lệ nằm giữa 3 ngọn núi cao sừng sững là: Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, đây cũng là nơi cư trú của trên 1.112 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Tú Lệ còn nổi tiếng với sản phẩm nếp tan nức tiếng gần xa.

Ai cũng chăm chỉ làm việc vì miếng cơm manh áo.

YBĐT - Một bãi cát rộng chưa đầy một sào ruộng nhưng có đến hơn chục người làm thuê, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ, người già đang hì hục xúc từng xẻng cát lên xe ôtô, ai cũng căng mình ra, rồi một xe xong chuyển bánh ra khỏi bãi...

Y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng.

YBĐT - Năm 2011, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ sẽ hoàn thành đầu tư xây cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị, để Bệnh viện trở thành BVĐK khu vực theo đúng tiêu chí của ngành y tế.

Được sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của nhân dân trung tâm xã Phình Hồ ngày càng đổi thay.

YBĐT - Trạm Tấu có 12 xã, thị trấn thì nay gần một nửa chủ tịch xã đều trên dưới 30 tuổi và được đào tạo khá cơ bản... Đội ngũ, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Trạm Tấu nhiệm kỳ này độ tuổi bình quân là 35, trình độ chuyên môn cũng đã được nâng lên, tất cả đều đã và đang hoàn thành chương trình đại học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục