Lục Yên đánh thức tài nguyên

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/12/2010 | 8:55:10 AM

YBĐT - Tính đến tháng 6 năm 2010, có 38 công ty đã và đang tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại Lục Yên (Yên Bái) với tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ đồng.

Nhiều thanh niên xã Tân Lĩnh có thêm thu nhập bằng nghề chế tác đá. (Ảnh: Quang Thiều)
Nhiều thanh niên xã Tân Lĩnh có thêm thu nhập bằng nghề chế tác đá. (Ảnh: Quang Thiều)

Theo tài liệu khảo sát, điều tra của Cục Địa chất Việt Nam, hiện tại Lục Yên có một số loại khoáng sản sau: than nâu Hồng Quang, trữ lượng 16.000 tấn, đá ốp lát Tân Lĩnh, Yên Thế, Liễu Đô, Minh Tiến, An Phú, trữ lượng 270 triệu m3, đá vôi có hàm lượng Canxi cao, trữ lượng 135 triệu m3 phân bổ ở tất cả các xã trong huyện, Photphorit ở Tân Lĩnh, Khai Trung, trữ lượng 5.800 tấn, Pirit ở Tân Lĩnh, trữ lượng 112.000 tấn, đá quí và đá bán quí phân bổ trên diện tích 113km2. Đây là một tiềm năng cần quản lý, khai thác để phục vụ phát triển công nghiệp của huyện.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề phát triển công nghiệp của Lục Yên, Bí thư Huyện uỷ Tạ Văn Long rất tâm đắc về vấn đề khai thác và chế biến sâu sản phẩm từ đá hoa trắng. Anh nói: “Huyện uỷ tiếp tục quan điểm chỉ đạo lấy công nghiệp làm khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 876 tỷ đồng, kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm 40%, riêng công nghiệp chiếm 24% cơ cấu kinh tế của  huyện”. 

Ngừng một lát nhìn chúng tôi bằng ánh mắt đầy tự tin, anh tiếp: “Thiên nhiên ưu đãi cho Lục Yên một tiềm năng khoáng sản đa dạng với trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đá hoa trắng. Tại các xã Tân Lĩnh, Yên Thế, Liễu Đô, Minh Tiến, An Phú, đá hoa trắng có thể khai thác, chế biến thành đá ốp lát có trữ lượng khoảng trên 270 triệu m3, đá vôi có hàm lượng Canxi cao trữ lượng khoảng 135 triệu m3, rồi còn Photphorit, Pirit ở Tân Lĩnh, đá quí và đá bán quí, than nâu Hồng Quang… đây là một tiềm năng, thế mạnh của Lục Yên cần được khai thác để phát triển kinh tế của huyện”. Tôi hỏi anh: Nhưng làm thế nào để khai thác được tiềm năng, thế mạnh đó trong khi điều kiện của Lục Yên còn nhiều hạn chế ? Bí thư  nói ngay: “Phải mạnh dạn thu hút đầu tư.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà  nước, chúng tôi đã có cơ chế, chính sách hợp lý tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các tổ chức, cá  nhân, các thành phần kinh tế đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản. Tính đến tháng 6 năm 2010, có 38 công ty đã và đang tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại Lục Yên với tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ đồng. Riêng cụm công nghiệp Yên Thế - Vĩnh Lạc khai thác, chế biến sản phẩm từ đá đá hoa trắng đã đầu tư 150 tỷ đồng, trong đó có công ty 100% vốn nước ngoài như Công ty đá cẩm thạch RK Việt Nam. Đến tháng 8 năm 2009, đã đầu tư 65.000 tỷ đồng.

Để tìm hiểu sâu hơn về  vấn đề này, chúng tôi sang Phòng Kinh tế - Cơ sở hạ tầng. Biết Trưởng phòng Sơn đang rất bận nên tôi đi vào vấn đề ngay. Xin hỏi trưởng phòng về hai vấn đề cần quan tâm đó là những ưu điểm, giá trị kinh tế của đá hoa trắng Lục Yên và những giải pháp để phát  triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu từ nguồn khoáng sản này? Trưởng phòng Sơn bật máy vi tính, kiểm tra các dữ liệu và in ra đưa cho tôi các kết  quả phân tích về đá hoa trắng Lục Yên, anh cho biết: “Qua khảo sát và phân tích nhiều mẫu đá tại nhiều điểm, về cơ bản các nhà chuyên môn đã thống nhất: Đá hoa trắng Lục Yên có nhiều ưu điểm.

Về thành phần thạch học, đá có màu trắng, trắng xám, trắng đục, trắng sữa, trắng trong, hạt vừa và nhỏ, độ trắng cao, ít có khoáng vật phụ và tạp chất sét, phân lớp dầy thường ở dạng khối. Về thành phần hoá học: hàm lượng CaO trung bình là 55,58%, MgO là 0,22%, SiO2 là 0,27%, Al2O3 là 0,016%, Fe là 0,015%, độ trắng trung bình là 94,31%. Với đặc điểm cấu tạo trên đá hoa trắng Lục Yên chủ yếu chế biến sâu thành đá ốp lát và tận dụng để chế biến thành bột Cacbonnat Canxi. Các nhà đầu tư đều rất mê đá hoa trắng Lục Yên, coi đá Lục Yên như "hoa hậu" đá vậy. Đây chính là giải pháp thu hút đầu tư có hiệu quả nhất, vì nó là hàng "xịn" mà.

Bên cạnh đó chúng tôi chúng tôi đã tham mưu cho huyện một hệ thống các giải pháp mang tính khả thi gồm cơ chế, chính sách đầu tư, thu hút vốn, khai thác thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, tất cả đều tập trung vào tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất tạo ra sản lượng hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Chúng tôi cũng quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, vì nếu không có hệ thống giao thông tốt sẽ gây cản trở rất lớn tới phát triển sản xuất công nghiệp. Chúng tôi đã xây dựng Dự án nâng cấp cầu Tô Mậu bắc qua sông Chảy, xe có trọng tải lớn có thể qua được để vận chuyển hàng hoá công nghiệp tại địa phương, dự án nâng cấp các tuyến tỉnh lộ qua địa phận Lục Yên, Dự án mở thêm 4 tuyến huyện từ Lục Yên đi các huyện phụ cận trong và ngoài tỉnh, Dự án cải tạo, nâng cấp 7 tuyến giao thông huyện. Có thể nói Lục Yên đã  huy động mọi nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh cho phát triển  công nghiệp.

Nói rồi anh dẫn chúng tôi đi thăm quan khu khai thác và khu chế biến đá hoa trắng của Công ty đá RK Việt Nam, Công ty có 100% vốn nước ngoài của các nhà đầu tư Ấn Độ. Trò chuyện với ông Vxavier, Giám đốc điều hành của Công ty, được biết, hiện Công ty có 30 chuyên gia kỹ thuật người Ấn, 70 công nhân người Việt, chủ yếu là người địa phương. Sản phẩm của Công ty là đá ốp lát được hoàn thành ngay ngay tại xưởng chế biến Lục Yên. Quy trình chế biến có nhiều công đoạn làm thành một dây chuyền khép kín: xẻ, mài, đánh bóng, cắt tấm đều được làm bằng máy móc hiện đại. Riêng máy cắt có 2 loại, loại cắt theo kích thước cố định và loại cắt nhiều kích thước khác nhau để tránh lãng phí nguyên liệu.

 

Khai thác chế biến khoáng sản là ngành công nghiệp mũi nhọn của huyện Lục Yên. (Ảnh: Minh Tuấn - Thanh Miền)

Ông Vxavier cho tôi biết, sở dĩ Công ty chọn Lục Yên để đầu tư vì đá  hoa trắng ở đây có độ trắng tốt hơn so với đá của nhiều nơi khác kể cả ở nước ngoài. Sản phẩm đá ốp lát làm từ đá Lục Yên rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ và các nước vùng Trung Đông. Vì vậy Công ty có ý định làm ăn lâu dài ở Lục Yên. Công ty đang hoàn thiện một dây chuyền sản xuất bột đá để tận dụng nguyên liệu đã khai thác. Công ty cũng hết sức quan tâm tới người lao động từ khâu bảo đảm an toàn lao động, đến việc ăn uống, nghỉ ngơi của công nhân. Một dãy gồm nhà ăn, nhà nghỉ  trưa đang được hoàn thiện để phục vụ công nhân.

Anh Nguyễn Hải Đăng - người mang 2 dòng máu Việt - Ấn vừa là thông dịch viên, vừa tham gia quản lý điều hành dẫn tôi đi thăm quan dây chuyền sản xuất, nói với tôi các nhà  đầu tư Ấn Độ rất hài lòng về môi trường đầu tư ở đây, từ lãnh đạo địa phương với bà con nhân dân đều rất thân thiện.

Lúc tôi ra về, ông Vxavier bắt tay rất chặt và tặng tôi một viên đá ốp lát loại A. Cầm trên tay viên đá ốp lát sáng trắng, nhẵn bóng được chế biến từ đá hoa trắng Lục Yên lòng tôi không khỏi bồi hồi. Tài nguyên thiên nhiên từ bao ngàn năm ngủ yên, đang được đánh thức dậy. Những sản phẩm mang thương hiệu "Đá ốp lát Lục Yên, Yên Bái, Việt Nam" đã vươn xa ra thị trường thế giới, thi thố với đá ốp lát của 5 châu, 4 biển, góp phần tạo nên những công trình vĩnh cửu của nhân loại. Đá hoa trắng Lục Yên không chỉ góp phần phát triển kinh tế Lục Yên mà còn giới thiệu Việt Nam với bạn bè thế giới.

Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác
Quầy giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để biến tiềm năng thành hiện thực, những năm qua đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng Yên Bái đã bám sát địa bàn, bám từng hộ dân, thẩm định, cho vay và bảo toàn nguồn vốn, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm.

Một giờ học nhận biết đồ vật của cô và trò Trường mầm non xã Sùng Đô (Văn Chấn) rất ít đồ chơi.

YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 177 trường mầm non (trong đó: 168 trường công lập, 9 trường tư thục) với 1.500 nhóm, lớp và 37.324 trẻ. Đến nay trong toàn tỉnh vẫn còn 16/180 xã, phường thị trấn chưa có trường mầm non độc lập (đã có nhóm, lớp mầm non trong các trường tiểu học).

Thanh bình Tú Lệ.

YBĐT - Thung lũng Tú Lệ nằm giữa 3 ngọn núi cao sừng sững là: Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, đây cũng là nơi cư trú của trên 1.112 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Tú Lệ còn nổi tiếng với sản phẩm nếp tan nức tiếng gần xa.

Ai cũng chăm chỉ làm việc vì miếng cơm manh áo.

YBĐT - Một bãi cát rộng chưa đầy một sào ruộng nhưng có đến hơn chục người làm thuê, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ, người già đang hì hục xúc từng xẻng cát lên xe ôtô, ai cũng căng mình ra, rồi một xe xong chuyển bánh ra khỏi bãi...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục